Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Xử lý vấn đề bản quyền tác giả để tuân thủ chính sách khoa học mở và truy cập mở ở Liên minh châu Âu và gợi ý đề xuất cho Việt Nam


Lê Trung Nghĩa, letrungnghia.foss@gmail.com
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ Mở
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bài cho Hội thảo: Triển khai tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học: bản quyền và giấy phép mở - Implementation of Open Educational Resources in Higher Education: Copyright and Open Licence”, 19/10/2017 tại Hà Nội.
Kỷ yếu Hội thảo, trang 86-91.


Tóm tắt:
Làm thế nào tác giả của bài báo nghiên cứu khoa học khi đăng trên một tạp chí khoa học nào đó, vừa phải tuân thủ với chính sách truy cập mở của nhà nước, vừa phải tuân thủ với các quy định của nhà xuất bản của tạp chí đó, trong khi vẫn tôn trọng tất cả các quy định về bản quyền tác giả theo luật định. Châu Âu và thế giới làm được, Việt Nam vì sao không?


Sơ bộ về chính sách khoa học mở và truy cập mở của Ủy ban châu Âu
Chính sách khoa học mở và truy cập mở hiện hành[1], [2], [3], [6] của Ủy ban châu Âu - EC (European Commission) đòi hỏi tất cả các kết quả nghiên cứu khoa học được cấp tiền từ EC (thông qua các chương trình như FP7[8] và H2020[9]) - được hiểu là lấy tiền từ những người đóng thuế của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu - đều phải là truy cập mở cho tất cả mọi người theo các nguyên tắc có khả năng tìm thấy được, truy cập được, tương hợp được và sử dụng lại được - FAIR (Findable, Accessible, Interoperable, Reusable).
Bản chất của chính sách khoa học mở và truy cập mở là nó biến hệ thống truyền thông khoa học từ người sử dụng trả tiền sang hệ thống truyền thông khoa học tác giả trả tiền[5]. Sự thay đổi này làm cho tất cả các bên có liên quan trong hệ thống truyền thông khoa học phải thay đổi theo cả về các quy trình xuất bản cũng như mô hình kinh doanh để thích nghi được.
EC đã đầu tư thông qua chương trình FP7[8] trong giai đoạn 2007-2013 và chương trình H2020[9] trong giai đoạn 2014-2020 để hiện thực hóa chính sách này. Chỉ riêng với chương trình H2020, EC đã, đang và sẽ đầu tư số tiền gần 80 tỷ euro[10] cho tới năm 2020 để hiện thực hóa chính sách này, theo công bố trên trang H2020.
Một trong số các dòng tiền đầu tư từ H2020 là để trang trải cho các khoản phí xử lý bài báo – APC (Article Processing Charges)[7], hoặc đôi khi còn được gọi là các khoản phí xử lý cho tác giả - APC (Author Processing Charges). Các khoản phí này sẽ được EC cấp trực tiếp và/hoặc gián tiếp (qua các đơn vị nghiên cứu) cho các tác giả để thanh toán tiền cho nhà xuất bản để đăng các bài báo khoa học trên các tạp chí.
Thông thường, tùy thuộc vào thời điểm các khoản phí APC được chuyển cho và các yêu cầu của nhà xuất bản, bài báo có thể được đăng và/hoặc được truy cập tức thì hoặc bị/được cấm vận trong một khoảng thời gian nhất định, thường tối thiểu là từ 6 tháng cho tới tối đa là 24 tháng trong các kho của nhà xuất bản[4], [11], [12], tùy theo từng trường hợp. Các khái niệm về truy cập mở vàng - Gold OA (Gold Open Access) và truy cập mở xanh - Green OA (Green Open Access) được sinh ra để xử lý các tình huống có và/hoặc không có APC sao cho việc truy cập mở tới các bài báo là kết quả của nghiên cứu sẽ luôn là ưu tiên cao nhất.[7], [11], [12].
Khuyến cáo của EC cho các nhà khoa học khi làm việc với các nhà xuất bản để đăng các bài báo khoa học
Các nhà khoa học tham gia trong các dự án nghiên cứu có sử dụng tiền do EC cấp chính là những người có trách nhiệm và nghĩa vụ vừa phải tuân thủ với chính sách truy cập mở của EC, vừa phải tuân thủ với các quy định của nhà xuất bản của tạp chí đó, trong khi vẫn tôn trọng tất cả các quy định về bản quyền tác giả theo luật định.
Để giúp cho các nhà khoa học có thể làm thỏa mãn được tất cả các yêu cầu nêu trên, EC đã ban hành văn bản mẫu cụ thể, chi tiết cùng với các giải thích có liên quan tới cấp phép để xuất bản (License to publish).
  1. Các lý do chính EC giải thích khi đưa ra giấy phép để xuất bản[13]:
Khi bài báo được chấp nhận để xuất bản trong tạp chí, thì nhà xuất bản cần sự cho phép từ tác giả để xuất bản.
Trong hầu hết các trường hợp, các tác giả trao sự cho phép bằng việc ký chuyển bản quyền cho nhà xuất bản đó. Điều này trao cho nhà xuất bản đó toàn bộ các quyền và sự kiểm soát đối với bài báo đó. Hệ quả là, nếu tác giả muốn sử dụng lại bài báo đó vào một giai đoạn nào đó sau này, như làm cho tác phẩm đó sẵn sàng theo truy cập mở, thì anh/chị ta sẽ phải hỏi sự cho phép từ nhà xuất bản đó để làm thế.
Như một sự lựa chọn thay thế, các tác giả có thể trao cho nhà xuất bản đó một Giấy phép để Xuất bản (License to Publish). Với thỏa thuận này, các tác giả có thể giữ lại bản quyền và quyền ký gửi bài báo trong kho truy cập mở, trong khi cung cấp cho nhà xuất bản đó các quyền cần thiết để xuất bản bài báo đó”.
  1. Giải thích chi tiết hơn và mẫu giấy phép để xuất bản[14], [15]. Mẫu này gồm 11 điều, đi kèm theo phụ lục[16], nó hướng dẫn chi tiết và cụ thể để (các) tác giả bài báo khoa học KHÔNG ký chuyển giao quyền tác giả cho nhà xuất bản nhưng vẫn đảm bảo cho các nhà xuất bản các quyền để xuất bản bài báo đó, đồng thời các tác giả giữ lại các quyền cần thiết để tuân thủ với các yêu cầu của chính sách truy cập mở của EC, trong khi vẫn tôn trọng tất cả các quy định về bản quyền tác giả theo luật định.
Gợi ý đxuất cho Việt Nam
Các lý luận về bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam cần có sự thay đổi để không chỉ là các lý luận “vị nghệ thuật”, mà nên biến nó thành “vị nhân sinh”, phù hợp với sự phát triển của thời đại, như những gì các quốc gia tiên tiến đã làm theo hướng khoa học mở và truy cập mở, mà ví dụ điển hình chính là cách mà EC khuyến cáo cho các nhà khoa học châu Âu về cấp phép để xuất bản nhằm đáp ứng được yêu cầu về truy cập mở của EC nhưng vẫn làm thỏa mãn được các yêu cầu của các nhà xuất bản trong khi vẫn tôn trọng tất cả các quy định về bản quyền tác giả theo luật định. Bằng cách này, các học giả về luật, đặc biệt là luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam, sẽ tìm được cách thức sáng tạo để giúp Việt Nam tham gia nhanh chóng vào phong trào khoa học mở, truy cập mở và nhiều phong trào mở khác hiện đang trở thành xu thế của thế giới, đồng thời cảnh giác với những “tư vấn”, bất kể là từ trong nước hay ngoài nước, đi ngược lại với xu thế mở này của thế giới.
Để có thể có tri thức đầy đủ và rộng mở để phục vụ cho phát triển đất nước, Việt Nam cần nhanh chóng có chính sách về truy cập mở, sao cho tiền của người đóng thuế sẽ được trực tiếp và/hoặc gián tiếp cấp cho các nhà nghiên cứu thông qua các đề tài, dự án của nhà nước để trang trải các phí APC khi đăng các bài báo khoa học, đặc biệt trên (các) tạp chí chấp nhận đăng các bài báo theo truy cập mở trong nước (hiện chưa có) và ngoài nước (hiện có rất, rất, rất nhiều). Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có chính sách liên quan tới chuyển giao, đánh giá, quản lý quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước[17], [18], [19]. Đây có lẽ là vấn đề đổi mới cấp bách đối với các chính sách khoa học ở Việt Nam hiện nay.
Trước mắt, nên có một đề tài hoặc dự án nghiên cứu về thực trạng truy cập mở ở Việt Nam với sự tham gia của các bên có liên quan[5] như đại diện của các bên cấp vốn nghiên cứu, đại diện các nhà xuất bản, đại diện cộng đồng nghiên cứu (các viện nghiên cứu, các trường đại học[20],…), đại diện các thư viện nhằm tìm cách mở rộng truy cập tới các xuất bản phẩm được rà soát lại ngang hàng từ các đề tài - dự án nghiên cứu có sử dụng tiền của người đóng thuế Việt Nam và hài hòa hóa các lợi ích của tất cả các bên liên quan và giúp đưa ra các khuyến cáo cho nhà nước để xây dựng chính sách truy cập mở cho Việt Nam.
Trong trung và dài hạn, nên dừng hoàn toàn việc dùng tiền của người dân đóng thuế để mua sắm các tư liệu không thật cần thiết, sử dụng tiền đó để đầu tư cho các tài nguyên truy cập mở, các tài nguyên được cấp phép mở, như là biện pháp tiên quyết để đầu tư cho tương lai.
Thông tin và tài liệu tham chiếu
[1] Thông cáo báo chí của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 27/05/2016 về khoa học mở. https://www.dropbox.com/s/dz8s4lju0chdcs6/press-release-all-european-scientific-articles-to-be-freely-Vi-30052016.pdf?dl=0
[2] Jamil Salmi. Nghiên cứu về Khoa học mở - Ảnh hưởng, hàm ý và các lựa chọn chính sách. EC xuất bản tháng 8/2015. https://www.dropbox.com/s/ub0r40yk9w6ybdq/Study_on_open_science-impact_implications_and_policy_options-salmi_072015-Vi-24062016.pdf?dl=0
[3] Ủy ban châu Âu (EC). Khuyến cáo của Ủy ban ngày 17/07/2012 về truy cập tới và lưu giữ thông tin khoa học. EC xuất bản 17/07/2012. https://www.dropbox.com/s/uw0mz20x70w666y/recommendation-access-and-preservation-scientific-information_en-Vi-20052016.pdf?dl=0
[4] Maria Monica TARAZONA RUA, Daniel SPICHTINGER, Celina RAMJOUE, Jean-Francois DECHAM biên soạn. Truy cập tới và lưu giữ thông tin khoa học ở châu Âu - Báo cáo về triển khai của Ủy ban Khuyến cáo (C2012) 4890 bản cuối cùng. EC xuất bản năm 2015 https://www.dropbox.com/s/kgjkja22itmkqtv/npr_report-Vi-06061016.pdf?dl=0
[5] Janet Finch et al. Khả năng truy cập, tính bền vững, sự xuất sắc: làm thế nào để mở rộng truy cập tới các xuất bản phẩm nghiên cứu - Báo cáo của Nhóm làm việc về mở rộng truy cập tới các phát hiện nghiên cứu được xuất bản. Xuất bản tháng 6/2012. https://www.dropbox.com/s/a33nqbqxz31s3ck/finch-report-final-Vi-30082016.pdf?dl=0
[6] Khoa học Mở (Truy cập Mở).
[8] Truy cập Mở trong Chương trình Khung Nghiên cứu 7 (FP7). http://vnfoss.blogspot.com/2017/05/truy-cap-mo-trong-chuong-trinh-khung.html
[9] Truy cập Mở trong Horizon 2020.
[11] Chính sách của RCUK về truy cập mở và chỉ dẫn hỗ trợ. Hội đồng nghiên cứu của Vương quốc Anh (RCUK) xuất bản 2013. https://www.dropbox.com/s/uyi0xhn9dufim4k/RCUKOpenAccessPolicy-Vi-03082016.pdf?dl=0
[12] Chính sách truy cập mở theo Khung Xuất sắc Nghiên cứu sau 2014. HEFCE của Vương quốc Anh xuất bản năm 2014, được cập nhật vào tháng 7/2015. https://www.dropbox.com/s/o2hyd6snt0v1j65/HEFCE2014_07_updated%20July%202015-Vi-30072016.pdf?dl=0
[13] Các vấn đề về bản quyền
[14] Giấy phép để xuất bản là gì?
[15] Tài liệu mẫu ‘Giấy phép để xuất bản’. JISC/SURF xuất bản tháng 10/2006. https://www.dropbox.com/s/020m2pu44b6i1r2/licence_to_publish-Vi-30052017.pdf?dl=0
[16] ‘Phụ lục - cho thỏa thuận xuất bản truy cập mở’. Hướng dẫn của chương trình Horizon 2020, Ủy ban châu Âu, xuất bản ngày 20/03/2017.
[17] Thông tư số: 15/2014/TT-BKHCN, ngày 13/06/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ: ‘Quy định trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước’. https://www.dropbox.com/s/p67627eoz518eql/15.2014.TT.BKHCN.pdf?dl=0
[18] Thông tư liên tịch số: 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC, ngày 17/12/2014 của Liên Bộ Khoa học và Công nghệ và Tài chính: ‘Quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước’. https://www.dropbox.com/s/p6jj64fzka4d1cb/39.2014.TTLT.BKHCN.BTC.pdf?dl=0
[19] Thông tư liên tịch số: 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC, ngày 10/09/2015 của Liên Bộ Khoa học và Công nghệ và Tài chính: ‘Hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước’.
[20] Tham khảo chính sách truy cập mở của đại học Harvard với bản liệt kê 8 đường liên kết trong bài: “Các thực hành tốt cho các chính sách truy cập mở của đại học” tại địa chỉ: https://vnfoss.blogspot.com/2017/08/cac-thuc-hanh-tot-cho-cac-chinh-sach.html
[21] Thông tin về khoa học mở và truy cập mở trên blog của Lê Trung Nghĩa. http://vnfoss.blogspot.com/2016/05/khoa-hoc-mo-open-science.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.