Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Những điều chính phủ cần biết về hiện trạng của định dạng tài liệu Office Open XML (OOXML)

Các chính phủ trên thế giới ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của các tiêu chuẩn công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để khuyến khích sự lựa chọn và tính tương hợp, giảm chi phí và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Vì thế một định dạng mở để sử dụng cho các tài liệu của chính phủ bây giờ đã trở thành sự khôn ngoan có hiểu biết đối với khu vực nhà nước, để làm cho các giải pháp dựa vào các tiêu chuẩn mở trở thành một tính năng cơ bản trong các chiến lược chính phủ điện tử.

Trong khi xu thế này đã có kết quả trong việc Định dạng Tài liệu Mở ODF (Open Document Format) đang trở nên được nhận thức ngày một rộng rãi và được áp dụng ngày càng gia tăng trong các cơ quan nhà nước (Theo: Hiện trạng của ODF và viễn cảnh cho năm 2010, Liên minh ODF), thì vẫn tiếp tục còn đó sự mập mờ và những thách thức với sự triển khai các lựa chọn có tham vọng, như Office Open XML (OOXML) của Microsoft.

Nhiều người trong chúng ta chắc còn chưa quên hơn 3 năm về trước, vào những ngày đầu tháng 09/2007, chính phủ Việt Nam đã quyết định bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết tại Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO cho định dạng tài liệu Office Open XML, thường được gọi là OOXML, một định dạng tài liệu văn phòng dựa trên XML của bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office 2007. Khi đó đã có 87 cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của các nước trên thế giới tham gia cuộc biểu quyết đó và OOXML đã không có được đủ số phiếu bầu để trở thành một tiêu chuẩn của ISO/IEC.

Nhiều bình luận khi đó đã chỉ ra những cách thức trong đó OOXML đã bị trói vào hệ điều hành Microsoft Windows. Chỉ sau khi Microsoft đã tiến hành một số thay đổi đối với các đặc tả kỹ thuật của tiêu chuẩn đó thì ISO, thông qua cuộc biểu quyết quyết định lần thứ 2 vào cuối tháng 03/2008, đã chấp nhận các đặc tả kỹ thuật được sửa đổi đó như là một tiêu chuẩn OOXML ISO/IEC 29500:2008 ở 2 mức độ tuân thủ là “Ngặt nghèo” (Strict) và “Thời kỳ chuyển đổi” (Transitional).

Bản thân Brian Jones, Giám đốc dự án về Office của Microsoft, đã giải thích tầm quan trọng của các mức “Ngặt nghèo” và “Thời kỳ chuyển đổi” như sau:

Các mức độ tuân thủ... được sử dụng trong mối liên quan với cấu trúc nhiều phần của tiêu chuẩn có nghĩa là những người sử dụng và các chính sách mua sắm bây giờ có thể yêu cầu một cách rõ ràng rằng các ứng dụng phải lưu, ví dụ, các tài liệu với mức độ tuân thủ “Ngặt nghèo” hoặc như là một ví dụ khác, các thư viện lưu trữ có thể mua sắm phần mềm mà hỗ trợ cả các mức độ tuân thủ “Ngặt nghèo” và “Thời kỳ chuyển đổi” (“Tường thuật về Cuộc họp Quyết định có Biểu quyết BRM cho ISO/IEC DIS – 29500”, Brian Jones, 16/03/2008).

Hiện trạng triển khai OOXML: Mù mờ của nhiều phiên bản

Kể từ khi ISO phê chuẩn cho OOXML trở thành tiêu chuẩn OOXML ISO/IEC 29500 cho tới nay, định dạng này vẫn bị phân mảnh với một vài phiên bản khác nhau, nhưng không có phiên bản nào trong các sản phẩm của Microsoft như Microsoft Office 2007, Microsoft Office 2010 là tuân thủ với phiên bản “Ngặt nghèo” mà ISO/IEC đã dựa vào đó để mà phê chuẩn thành tiêu chuẩn OOXML ISO/IEC 29500:2008, cụ thể:

  • Phiên bản ECMA 376, phiên bản mà ISO đã từ chối. Phiên bản này có gì đó khớp với những gì Office 2007 viết ra, nhưng thiếu những định nghĩa cho scripts, macros, DRM, các kết nối tới SharePoint, … Phiên bản này cũng chứa đựng nhiều sự phụ thuộc vào nền tảng Windows. Sử dụng ECMA 376 về cơ bản trói người sử dụng vào Microsoft Office.

  • Phiên bản ISO/IEC 29500 “Ngặt nghèo”. Đây là phiên bản mà ISO nói phải được sử dụng cho các tài liệu mới. Nhưng cả Office 2007 và Office 2010 đều không có khả năng viết được OOXML “Ngặt nghèo”. Microsoft đã không thực hiện cam kết công khai về việc khi nào thì họ sẽ triển khai đầy đủ OOXML “Ngặt nghèo”.

  • ISO/IEC 29500 phiên bản “Thời kỳ chuyển đổi”, là phiên bản mà ISO đã nói không được sử dụng cho các tài liệu mới. Cả Ofice 2007 và Office 2010 đều không triển khai phiên bản này một cách chính xác. Hơn nữa, Office 2010 viết ra một dạng OOXML “Thời kỳ chuyển đổi” phi tiêu chuẩn mà nó bao gồm nhiều mở rộng sở hữu độc quyền. Những mở rộng này đã không được đóng góp ngược trở lại ISO cho việc tiêu chuẩn hóa.

Thực tế là Microsoft đang không triển khai phiên bản “Ngặt nghèo” trong khi đang mở rộng một cách ngấm ngầm phiên bản “Thời kỳ chuyển đổi” nghĩa là các cải tiến được yêu cầu để làm cho OOXML chấp nhận được đối với ISO bây giờ đang bị phớt lờ. Sự đi trệch đường này giữa tiêu chuẩn của ISO và sự triển khai của Microsoft đã dẫn tới việc Người có trách nhiệm về Cuộc họp Quyết định Có biểu quyết về OOXML phải công bố gần đây rằng, “Toàn bộ dự án OOXML bây giờ chắc chắn sẽ thất bại”. (Alex Brown, “Microsoft thất bại thử tiêu chuẩn”, 2010)

Điều này có nghĩa gì đối với các chính phủ?

Trong khi không phải tất cả những người áp dụng các tiêu chuẩn mở là như nhau, thì thường thường họ đang tìm cách để tránh sự khóa trói vào nhà cung cấp, giảm chi phí, gia tăng tính tương hợp, gia tăng sự truy cập của công dân tới các tài liệu của nhà nước, và đảm bảo sự lưu trữ dài lâu của các hồ sơ này. Một số, nhưng không phải tất cả, cũng có một mục tiêu rõ ràng dứt khoát để khuyến khích sự cạnh tranh hoặc thậm chí khuyến khích sử dụng các phần mềm nguồn mở.

Bất chấp việc liệu các mục đích của các chính phủ là cái trước hay cái sau, thì cho tới khi và trừ phi phiên bản “Ngặt nghèo” được ISO phê chuẩn cho OOXML – ISO/IEC 29500 – hoàn toàn được triển khai bởi Microsoft và những nhà cung cấp khác, thì các chính phủ mà dựa vào bất kỳ phiên bản nào của OOXML chỉ có thể mong đợi sẽ bị khóa trói vào một giải pháp sở hữu độc quyền mà nó sẽ không đáp ứng được những mục tiêu và nhu cầu cơ bản của họ.

Định dạng Tài liệu Mở là không phụ thuộc vào nhà cung cấp và nó là công nghệ được chứng minh. Nó bắt đầu với chi phí bằng 0 với đầy đủ chức năng và sự trung thực. Và không có những mẹo mực ẩn náu, không có những cơ hội cho sự phá hoại của những đối thủ cạnh tranh bất tiện. Vì nhiều tay chơi hàng đầu trong khu vực ODF (như IBM Lotus Symphony, OpenOffice, KOffice, Abiword, và một loạt các trình cài cắm cho Microsoft Word) đều là các ứng dụng nguồn mở, có 'sự mở ra đầy đủ' và một mô hình 'tốt nhất của giống nòi' rất hiệu quả được xây dựng xung quanh ODF.

Trong khi tiêu chuẩn tài liệu mở ODF ISO/IEC 26300:2006 (được phê chuẩn thành tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 7978:2009 vào ngày 27/08/2009) là một tiêu chuẩn hoàn toàn mở và thuận tiện cho các đối thủ cạnh tranh với nhiều bộ phần mềm văn phòng như IBM Lotus Symphony, OpenOffice, KOffice, Abiword, và một loạt các trình cài cắm cho cả Microsoft Word - đều là các ứng dụng nguồn mở, với 'tính mở đầy đủ' và là một mô hình rất hiệu quả được xây dựng xung quanh ODF, thì tiêu chuẩn OOXML ISO/IEC 29500:2008 tới lúc này, tháng 12/2010, chỉ tồn tại trên giấy, không tồn tại trong thực tế. Việc sử dụng nó chắc chắn sẽ là mối nguy hại cho tính tương hợp, tương thích liên thông giữa các tài liệu văn phòng với nhau và người sử dụng sẽ bị khóa trói vào những định dạng tài liệu phi tiêu chuẩn của Microsoft.

Trần Lê

Nguồn: Triển khai Office Open XML (OOXML): Các chính phủ cần biết gì. (Bản gốc tiếng Anhbản dịch sang tiếng Việt).

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 01/2011, trang 66-67.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.