Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Mua sắm của chính phủ với chuẩn mở

Học được gì qua chỉ dẫn mua sắm của chính phủ Anh về công nghệ thông tin và truyền thông có liên quan tới các chuẩn mở

Nước Anh từng được biết tới như một thị trường bảo thủ của các sản phẩm và giải pháp về công nghệ thông tin và truyền thông của các công ty sở hữu độc quyền. Nhưng điều đó đã được thay đổi một cách mạnh mẽ, nhất là về mặt chính sách của chính phủ, trong vài năm gần đây.

Sự thay đổi đó được đánh dấu một cách rõ ràng vào tháng 02/2009, khi chính phủ Anh đã đưa ra chính sách về “Nguồn mở, các tiêu chuẩn mở và sử dụng lại: Kế hoạch hành động của chính phủ”, từng được giới thiệu trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 10/2009.

Ngày 31/01/2011 vừa qua, Văn phòng Nội các của Chính phủ Anh đã đưa ra tài liệu về những lưu ý chỉ dẫn mới trong mua sắm chính phủ về công nghệ thông tin và truyền thông có liên quan tới các tiêu chuẩn mở, khuyến cáo áp dụng cho tất cả các các cơ quan chính phủ Anh bất kỳ khi nào tiến hành mua sắm phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), an ninh ICT và các dịch vụ - hàng hóa ICT khác. Dưới đây là những điểm cơ bản của tài liệu này:

  1. Các tài sản của Chính phủ phải tương hợp được và mở để sử dụng lại nhằm tối đa hóa sự hoàn vốn đầu tư, tránh bị khóa trói về công nghệ, giảm rủi ro vận hành trong các dự án ICT và đưa ra được các dịch vụ đáp ứng được cho các doanh nghiệp và công dân.

  2. Vì lý do này, các cơ quan của Chính phủ phải đảm bảo rằng họ đưa vào các tiêu chuẩn mở trong các đặc tả mua sắm ICT của họ trừ phi có những lý do nghiệp vụ rõ ràng vì sao điều này là không phù hợp.

  3. Chính phủ định nghĩa “các tiêu chuẩn mở” là những tiêu chuẩn mà:

    1. Là kết quả từ và được duy trì thông qua một qui trình mở, độc lập;

    2. Được phê chuẩn bởi một tổ chức tiêu chuẩn hóa hoặc đặc tả được thừa nhận, ví dụ như W3C hoặc ISO hoặc tương đương.

    3. Được ghi thành tài liệu một cách hoàn hảo và sẵn sàng một cách công khai với chi phí bằng 0 hoặc thấp;

    4. Có sở hữu trí tuệ được làm cho sẵn sàng một cách không thể hủy bỏ trên cơ sở không có chi phí bản quyền; và có thể được triển khai và chia sẻ một cách toàn bộ theo những tiếp cận phát triển khác nhau và trên một số lượng các nền tảng khác nhau.

Điểm d) trong định nghĩa về các tiêu chuẩn mở còn cho chúng ta hiểu rằng, giống như các phần mềm tự do nguồn mở, các chuẩn mở cũng có sở hữu trí tuệ, mà theo đó thì cộng đồng những người sáng tạo ra các tiêu chuẩn mở này đảm bảo các quyền của người sử dụng được triển khai và chia sẻ toàn bộ các tiêu chuẩn mở đó với các tiếp cận phát triển khác nhau, ví dụ như các tiếp cận phát triển của cả các phần mềm sở hữu độc quyền và các phần mềm tự do nguồn mở. Hơn nữa, các tiêu chuẩn mở này còn phải đảm bảo có thể được triển khai và chia sẻ một cách toàn bộ trên một số lượng các nền tảng khác nhau, ví dụ như cả trên các hệ điều hành cả nguồn đóng lẫn tự do nguồn mở như GNU/Linux, Windows, Mac OS X và/hoặc các nền tảng khác, chứ không thể chỉ có khả năng triển khai và chia sẻ trên một nền tảng duy nhất, điều mà chúng ta rất thường thấy và/hoặc ngộ nhận tại Việt Nam từ trước tới nay.

Điều này còn gợi ý cho chúng ta về một vấn đề xa hơn, như việc có thể phải sửa đổi luật và các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan tới sở hữu trí tuệ theo hướng là các văn bản đó không chỉ bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ của thế giới các công nghệ đóng với các tiêu chuẩn đóng, mà còn phải bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ của thế giới các công nghệ mở với các tiêu chuẩn mở với lưu ý rằng, trong thế giới của các công nghệ mở và các tiêu chuẩn mở, thì những tác giả và những người sáng tạo ra các sản phẩm và/hoặc tiêu chuẩn đó trong nhiều trường hợp đã, đang và sẽ yêu cầu những người sử dụng phải chia sẻ các sản phẩm và/hoặc tiêu chuẩn đó một cách toàn bộ và/hoặc một cách tự do cho bất kỳ những người sử dụng khác nào. Việc ngăn cản và/hoặc cấm chia sẻ, dù là vô tình hay cố ý, đều là vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ của những tác giả và những người sáng tạo đó.

Chúng ta có thể còn học được nhiều điều hơn nữa về những lưu ý rất ngắn gọn, rõ ràng và có tác động trực tiếp tới chính sách mua sắm về ICT của tất cả các cơ quan chính phủ như thế này.

Trần Lê

Bài được đăng trên tạp chí: Tin học & Đời sống, số tháng 03/2011, trang 64.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.