Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

Các chỉ thị truy cập mở và giấy phép để xuất bản

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=413051

 Bài viết cho Hội thảo ‘Phát triển thư viện điện tử đáp ứng yêu cầu của CMCN4’ do Vụ Thư viện, Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Hà Nội ngày 09/11/2018

Được đăng trong kỷ yếu của Hội thảo, các trang 81-86
------------------------------------


Tóm tắt:
Các chỉ thị truy cập mở không chỉ rất cần thiết cho giáo dục mở và dữ liệu mở, mà chúng còn rất cần thiết để mở đường cho sự phát triển khoa học và giáo dục nói chung và tránh được xung đột lợi ích giữa các bên tham gia đóng góp cho sự phát triển đó trong kỷ nguyên số. Và để phát huy được tác dụng trong thực tế, các chỉ thị truy cập mở cần thiết đi kèm với các chỉ dẫn về ‘Giấy phép để xuất bản’ ‘Thỏa thuận xuất bản truy cập mở’ nhằm loại bỏ các xung đột không đáng có giữa các bên tham gia, nhất là giữa các nhà nghiên cứu/những người sáng tạo và các nhà xuất bản.


A. Bối cảnh chung
Khi mà các quốc gia trong nhóm G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Vương quốc Anh, Mỹ và Ủy viên châu Âu về Nghiên cứu, Khoa học và Cách tân đã ra thông cáo nhấn mạnh và thống nhất phát triển Khoa học Mở[1], và dựa vào thông cáo đó Ủy ban châu Âu cũng đã đưa ra đường hướng ưu tiên thời gian tới trong nghiên cứu và cách tân của mình: (1) Truy cập Mở tới các xuất bản phẩm khoa học; và (2) Truy cập Mở tới dữ liệu nghiên cứu[2], thì điều này cho thấy truy cập mở thực sự đã và đang trở thành chủ đề nóng hiện nay trên thế giới.
B. Truy cập Mở là gì[3]
Truy cập mở tới tư liệu ngụ ý tính sẵn sàng tự do trên Internet công khai, cho phép bất kỳ người sử dụng nào để đọc, tải về, sao chép, phân phối, in, tìm kiếm, hoặc liên kết tới toàn văn các bài báo đó, đi sâu vào chúng để đánh chỉ mục, truyền chúng như là dữ liệu tới phần mềm, hoặc sử dụng chúng vì bất kỳ mục đích hợp pháp nào khác, mà không có các rào cản về tài chính, pháp lý hoặc kỹ thuật ngoại trừ những rào cản gắn liền với sự truy cập tới bản thân Internet.
Truy cập mở - OA (Open Access) ngụ ý truy cập tự do tới thông tin và sử dụng không có giới hạn các tài nguyên điện tử đối với bất kỳ ai. Bất kỳ dạng nội dung điện tử nào cũng có thể là OA, từ các văn bản và dữ liệu cho tới các phần mềm, audio, video, và đa phương tiện. Trong khi hầu hết chúng có liên quan chỉ tới các văn bản, thì số lượng ngày một gia tăng đang tích hợp văn bản với hình ảnh, dữ liệu, và mã thực thi được. OA cũng có thể áp dụng cho các nội dung phi hàn lâm, như âm nhạc, phim ảnh, và các tiểu thuyết.
Một xuất bản phẩm được coi là OA nếu:
  • nội dung của nó truy cập được vạn năng và tự do, độc giả không mất chi phí, qua Internet hoặc khác;
  • tác giả hoặc chủ sở hữu bản quyền trao cho tất cả những người sử dụng một cách không thể hủy bỏ, qua một giai đoạn thời gian không có giới hạn, quyền để sử dụng, sao chép, hoặc phân phối bài báo, với điều kiện thừa nhận ghi công thích hợp được đưa ra;
  • nó được ký gửi, tức thì, đầy đủ và ở dạng điện tử phù hợp, ít nhất vào một kho truy cập mở được thừa nhận quốc tế rộng rãi, cam kết truy cập mở.


Một bài viết gần đây với tiêu đề ‘Các chỉ thị truy cập mở rất cần cho giáo dục mở[4]’ đã nêu lên sự cần thiết phải có các chỉ thị truy cập mở ở Việt Nam. Mặc dù vậy, sẽ là không đủ nếu các chỉ thị đó không đi kèm với các hướng dẫn cụ thể cho các nhà nghiên cứu/những người sáng tạo về các cách thức để tránh xung đột với các nhà xuất bản, trong khi vẫn tuân thủ luật và các quy định về bản quyền, và trên hết, tuân thủ các yêu cầu và quy định về truy cập mở tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu từ ngân sách của nhà nước. May thay, chúng ta hoàn toàn có thể học tập các kinh nghiệm đó từ thực hành truy cập mở ở châu Âu.
C. Chính sách truy cập mở và giấy phép để xuất bản
Mỗi khi nhà nghiên cứu/người sáng tạo muốn đăng bài báo/báo cáo khoa học về nghiên cứu của mình, họ làm việc với nhà xuất bản họ chọn và ký hợp đồng với nhà xuất bản đó. Theo truyền thống, nhà nghiên cứu/người sáng tạo ký hợp đồng chuyển giao toàn bộ các quyền bản quyền của bài báo cho nhà xuất bản để đổi lại việc đăng bài báo lên tạp chí của nhà xuất bản được chọn cùng với việc nhận tiền nhuận bút (nếu có) trong một lần thanh toán.
Bằng cách này, bất kỳ ai muốn đăng lại, sửa đổi bổ sung và/hoặc đăng các bản sửa đổi bổ sung của bài báo đó, đều phải xin phép nhà xuất bản để có được sự cho phép, kể cả chính tác giả của bài báo đó, nếu không, họ sẽ vi phạm bản quyền của nhà xuất bản theo luật định.
Thực tế này có ở khắp nơi trên thế giới, và ở Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Tuy nhiên, phong trào truy cập mở trong thời gian gần đây đã và đang đấu tranh để làm thay đổi bức tranh này của truyền thông hàn lâm theo cách trả quyền tự quyết trong xuất bản hàn lâm về lại cho cộng đồng các tác giả/các nhà nghiên cứu/người sáng tạo, để việc xuất bản hàn lâm không phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà xuất bản và/hoặc các ban biên tập của các nhà xuất bản, trong khi vẫn tuân thủ luật và các quy định về bản quyền, và trên hết, tuân thủ các yêu cầu và quy định về truy cập mở tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu được ngân sách của nhà nước cấp vốn. Bằng cách này sẽ thúc đẩy được sức sáng tạo liên tục, nhanh nhất có thể và không có giới hạn của cộng đồng hàn lâm trên toàn thế giới trên cơ sở của những sáng tạo và tri thức đã được nghiên cứu, đã được công bố, sẵn sàng để dễ dàng được phát hiện và truy cập được tự do tới tất cả mọi người.


Ví dụ điển hình ở châu Âu
Ủy ban châu Âu đã đưa ra chính sách khoa học mở, trong đó có truy cập mở tới các xuất bản phẩm và dữ liệu nghiên cứu có sử dụng ngân sách của nhà nước thông qua Ủy ban. Để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tuân thủ được chính sách này, các nhà nghiên cứu nhận vốn cấp từ các chương trình nghiên cứu của Ủy ban được khuyến cáo không chuyển giao toàn bộ các quyền bản quyền cho các nhà xuất bản, thay vào đó, họ sẽ ký với nhà xuất bản ‘Giấy phép để xuất bản[5]’ (License to Publish[6]) ‘Thỏa thuận xuất bản truy cập mở[7]’ (Open Access Publishing Agreement) với các nội dung câu chữ được biên soạn sẵn để các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng điền các thông tin vào các mẫu đó với mục đích giữ lại các quyền của họ để dễ dàng phục vụ cho việc xuất bản truy cập mở sau này đối với các tác phẩm do chính bản thân họ sáng tạo ra mà không vướng phải bất kỳ rào cản pháp lý nào từ các nhà xuất bản.


Giấy phép để xuất bản
Giấy phép để xuất bản là thỏa thuận xuất bản giữa tác giả và nhà xuất bản. Không giống như nhiều thỏa thuận xuất bản truyền thống, nó không chuyển giao bản quyền của tác giả cho nhà xuất bản. Thay vào đó, tác giả giữ lại bản quyền của mình và trao cho nhà xuất bản “chỉ mỗi giấy phép để tái tạo và truyền đạt tác phẩm hàn lâm và các quyền nhất định khác cần thiết để xuất bản”. Nó giữ lại cho tác giả bản quyền để lưu giữ bài báo của mình trong các kho truy cập mở.
Với ‘Giấy phép để xuất bản’, nhà xuất bản và tác giả sẽ có các quyền như sau:
  1. Các quyền của nhà xuất bản được tác giả trao gồm:
    1. tái tạo toàn bộ hoặc một phần bài báo, và để truyền đạt bài báo đó tới công chúng ở dạng in ấn và/hoặc số, dù có hay không có sự kết hợp với các tác phẩm của những người khác, ví dụ, làm cho sẵn sàng cho công chúng thông qua Internet hoặc bất kỳ mạng nào khác, như một phần của cơ sở dữ liệu, trên trực tuyến hoặc phi trực tuyến, để các bên thứ 3 sử dụng;
    2. dịch bài báo đó sang các ngôn ngữ khác và để truyền đạt bản dịch của bài báo đó tới công chúng;
    3. tạo ra các tùy biến thích nghi, các bản tóm tắt hoặc các trích đoạn của bài báo hoặc các tác phẩm phái sinh khác dựa vào bài báo đó và thực hành tất cả các quyền trong các tùy biến thích nghi, các bản tóm tắt, các trích đoạn và các tác phẩm phái sinh như vậy;
    4. đưa bài báo đó vào, bất kể trong bản dịch hay như sự tùy biến thích nghi hoặc bản tóm tắt, toàn bộ hoặc một phần trong cơ sở dữ liệu được số hóa và làm cho cơ sở dữ liệu này sẵn sàng cho các bên thứ 3;
    5. đưa bài báo đó vào, toàn bộ hoặc một phần, bất kể là trong bản dịch hoặc như sự tùy biến thích nghi hoặc tóm tắt, trong các đầu đọc hoặc trong bản dịch;
    6. cho các bên thứ 3 thuê hoặc mượn;
    7. tái sản xuất bài báo đó bằng phương tiện sao chụp, dù có những giới hạn theo luật.
  2. Các quyền của tác giả được giữ lại cho bản thân để:
    1. Sử dụng cho giáo dục hoặc nghiên cứu: để tái sản xuất bài báo, toàn bộ hoặc một phần, và để truyền đạt nó hoặc làm cho nó sẵn sàng cho công chúng, dù ở dạng in và/hoặc dạng số, dù là một phần của gói khóa học hay như một bản biên dịch, để sử dụng trong giáo dục hoặc nghiên cứu ở cơ sở của riêng tác giả hoặc ở các cơ sở mà tác giả có liên quan.
    2. Phổ biến: để tải bài báo lên hoặc để trao cho cơ sở của riêng tác giả (hoặc tổ chức thích hợp khác) sự ủy quyền để tải bài báo lên, ngay tức thì từ ngày xuất bản tạp chí trên đó bài báo được xuất bản (trừ phi Tác giả và Nhà xuất bản đã đồng thuận bằng văn bản về một giai đoạn cấm vận ngắn, tối đa không quá (6) tháng);
      • trong mạng đóng của cơ sở (như, hệ thống intranet); và/hoặc
      • trong các kho được tổ chức tập trung và hoặc các kho của cơ sở truy cập được một cách công khai (như kho PubMed Central và các kho Quốc tế Tập trung PubMed khác), miễn là có đường liên kết được chèn vào dẫn tới bài báo đó trên website của nhà xuất bản đó.
    3. Bảo tồn: để trao cho sở sở của riêng tác giả (hoặc tổ chức thích hợp khác) sự ủy quyền để tái sản xuất bài báo đó vì mục đích ngăn cho nó không bị hỏng, hoặc nếu bản gốc hiện đang ở định dạng lỗi thời hoặc công nghệ được yêu cầu để sử dụng bản gốc là không sẵn sàng, vì mục đích để đảm bảo rằng bài báo đó tiếp tục sẵn sàng cho các mục đích giáo dục và nghiên cứu;
    4. Sử dụng lại trong tương lai: để sử dụng lại toàn bộ hoặc một phần bài báo trong luận án, bản dịch hoặc tác phẩm khác.
    5. Sử dụng cá nhân: để trình bày bài báo ở cuộc họp hoặc hội nghị và để truyền tay các bản sao của bài báo cho các đoàn tham dự cuộc họp đó.
    6. Sử dụng của những người sử dụng đầu cuối: để trao cho những người sử dụng đầu cuối của cơ sở của riêng tác giả (hoặc tổ chức thích hợp khác) ủy quyền sao chép, sử dụng, phân phối, truyền và trình bày tác phẩm công khai và để tạo ra và phân phối các tác phẩm phái sinh.
Rõ ràng đây là các bước thực hành xuất bản hoàn toàn khác với những thực hành xuất bản theo truyền thống, khi tác giả thường chuyển giao toàn bộ các quyền bản quyền cho các nhà xuất bản. Bạn có thể tham khảo bản dịch sang tiếng Việt của tài liệu ‘Giấy phép để xuất bản’ như được nêu ở trên để có được thông tin chi tiết hơn.


Thỏa thuận xuất bản truy cập mở
Thỏa thuận xuất bản truy cập mở’ được Ủy ban châu Âu hướng dẫn bổ sung thêm như là ‘Phụ lục’ cho ‘Giấy phép để xuất bản’ với các điều khoản nêu rõ trong mục ‘Truy cập mở’ như sau:
(Các) tác giả giữ lại quyền để:
  1. Ký gửi bản sao điện tử máy đọc được của phiên bản được xuất bản hoặc bản thảo cuối cùng (sau khi rà soát lại ngang hàng) trong kho của cơ sở, kho tập trung và/hoặc kho dựa vào chủ đề.
  2. Cung cấp sự truy cập mở (nghĩa là, truy cập không mất tiền tới bản sao điện tử cho bất kỳ ai) qua kho này;
    1. ngay tức thì, nếu bản thân xuất bản phẩm được xuất bản ‘truy cập mở’ (nghĩa là nếu phiên bản điện tử là sẵn sàng không mất tiền cho độc giả thông qua nhà xuất bản) hoặc
    2. trong vòng 6 hoặc 12 tháng sau khi xuất bản (tùy theo lĩnh vực).
  3. Trong trường hợp có các điều khoản xung đột nhau, thì ‘Phụ lục’ này có quyền ưu tiên hơn ‘Giấy phép để xuất bản’.
  4. Tất cả các điều khoản khác của ‘Giấy phép để xuất bản’ được giữ nguyên không thay đổi.
  5. Phụ lục’ này có hiệu lực vào ngày chữ ký cuối cùng được ký.


D. Thay cho lời kết
Được biết, dự thảo Luật Thư viện đã đưa vào khái niệm Truy cập mở. Đây sẽ là bước đi rất đúng trên con đường để Việt Nam tiếp cận được với CMCN4 với tri thức được rộng mở, trong đó hệ thống các thư viện là một bên tham gia quan trọng và không thể thiếu, và vì thế bước tiếp theo cũng sẽ rất cần tới các hướng dẫn cụ thể dạng như ‘Giấy phép để xuất bản’ và Thỏa thuận xuất bản truy cập mở để các chỉ thị/chính sách truy cập mở đi vào được thực tế cuộc sống, tránh được các rào cản và/hoặc các xung đột không cần thiết giữa các bên liên quan.
Dù để có được môi trường truy cập mở như ở các nước tiên tiến, có lẽ còn rất nhiều việc phải làm đối với Việt Nam. Bên cạnh những công việc cần thiết khác, nó đòi hỏi sự thay đổi khung pháp lý hiện hành ở Việt Nam với nhiều luật liên quan tới sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông và có thể cả những luật liên quan khác.
Tài liệu và thông tin tham khảo
[1] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Thông cáo của các bộ trưởng khoa học các nước G7, Turin, 27-28/09/2017: https://www.dropbox.com/s/ywum8nfcgw7c6jz/G7%20Science%20Communiqué_Vi_25022018.pdf?dl=0, các đoạn 19 và 20.
[2] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Truy cập tới và bảo tồn thông tin khoa học ở châu Âu, Ủy ban châu Âu, xuất bản tháng 05/2018: https://www.dropbox.com/s/4n5r0cj4chkgfrw/KI0417824ENN.en_Vi-04082018.pdf?dl=0
[4] Lê Trung Nghĩa, 2018: Các chỉ thị truy cập mở rất cần cho giáo dục mở: https://www.dropbox.com/s/38zl8g7hd76u879/OA_Policy_Needed_LeTrungNghia.pdf?dl=0
[5] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2017: Giấy phép để xuất bản, JISC/SURF xuất bản 2006: https://www.dropbox.com/s/020m2pu44b6i1r2/licence_to_publish-Vi-30052017.pdf?dl=0
[6] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2017: Giấy phép để xuất bản là gì?, OpenAIRE.eu, 2015: https://vnfoss.blogspot.com/2017/05/giay-phep-e-xuat-ban-la-gi.html
[7] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2017: Thỏa thuận xuất bản truy cập mở, OpenAIRE.eu, 2017: https://www.dropbox.com/s/01qv5ynlizy0px2/h2020-oa-guide-model-for-publishing-a_en-Vi-05072017.pdf?dl=0


Lê Trung Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.