Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Lễ ký kết OpenRoad Pha 4 ngày 06/03/2015 tại đại học Thăng Long, Hà Nội


Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Pha 4 hợp tác thử nghiệm triển khai hệ thống nền tảng cộng tác mở (OpenRoad) tích hợp với các hệ thống ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở cơ bản được tổ chức tại trường Đại học Thăng Long, Hà Nội ngày 06/03/2015.



Lễ ký kết OpenRoad Pha 4, ngày 06/03/2015, tại Đại học Thăng Long, thành phố Hà Nội.
Lễ ký kết OpenRoad Pha 3, ngày 04/04/2014, tại Đại học Dân lập Hải Phòng, TP Hải Phòng.

Lễ ký kết OpenRoad Pha 2, ngày 03/06/2013, tại
Đại học Hoa Sen, thành phố Hồ Chí Minh

Lễ ký kết OpenRoad Pha 1, ngày 17/12/2012, tại
Đại học Hoa Sen, thành phố Hồ Chí Minh
OpenRoad - 'Con đường Mở', 4 bước đi đầu tiên.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ Mở (RDOT) với trường Đại học Carnegie Mellon Úc, đại diện là Trung tâm Công nghệ mở (OTF) và Ủy ban châu Âu, đại diện là Tổng cục Tin học (DIGIT) về Công nghệ mở, RDOT là đơn vị có trách nhiệm điều hành và phát triển dự án OpenRoad tại Việt Nam.

Về nền tảng OpenRoad:
OpenRoad là hệ thống nền tảng cộng tác mở được phía Việt Nam tiếp nhận chuyển giao công nghệ và bản địa hóa từ nền tảng gốc OpenRay do Trung tâm OTF phát triển tùy biến vào tháng 6/2012 dựa trên nền tảng Joinup, được Ủy ban châu Âu phát triển thông qua Chương trình các Giải pháp tương hợp cho các nền Hành chính Nhà nước (ISA). Nền tảng này tuân thủ theo giấy phép nguồn mở GNU GPLv2. 
 
Triển khai thử nghiệm OpenRoad, ngoài ý nghĩa là một dự án tiềm năng cho việc xây dựng một cổng chia sẻ mọi thông tin về các dự án phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam, đây còn là dự án đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia đầy đủ của 4 thành phần: nhà nước, doanh nghiệp, viện – trường đại học và cộng đồng các lập trình viên, cùng phát triển với cộng đồng quốc tế theo đúng mô hình phát triển của phần mềm tự do nguồn mở thế giới.

Quan trọng hơn, OpenRoad là môi trường tập hợp cộng đồng nguồn mở từ các đơn vị tập thể và các cá nhân tại Việt Nam, có khả năng làm việc không chỉ với các cộng đồng nguồn mở khác ở Việt Nam, mà còn với cả các cộng đồng nguồn mở của các nước tham gia trong hợp tác, và rộng ra là với thế giới. Qua đó, cộng đồng nguồn mở Việt Nam có cơ hội học hỏi để hướng tới việc tham gia phát triển các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ nguồn mở cùng và không tách rời khỏi các cộng đồng nguồn mở thế giới trong một sân chơi toàn cầu hóa rộng lớn.

Về quá trình phát triển của OpenRoad:
OpenRoad đã dần trưởng thành qua từng pha của dự án. Số lượng các đơn vị tham gia trong dự án tăng từ 4 đơn vị trong pha 1 vào lúc bắt đầu dự án tháng 12/2012, lên 9 đơn vị trong pha 2, lên 16 đơn vị trong pha 3 và tới nay là 22 đơn vị trong pha 4. Trong số này có 10 công ty tin học, đều là các thành viên của Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), 8 trường đại học, 1 Viện nghiên cứu, 1 Trung tâm CNTT-TT cấp tỉnh, 1 đơn vị hiệp hội và 1 đơn vị Chính phủ là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ Mở thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Số lượng các dự án thành phần trong OpenRoad cũng tăng dần. Nếu như trong pha 1 chỉ có 1 phần mềm khi tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thì tới nay đã có nhiều dự án thành phần với các phần mềm nguồn mở như cổng điện tử Drupal, thư điện tử Zimbra và OBM, hệ thống quản trị tài liệu Alfresco, hệ thống thư viện điện tử tích hợp Koha, phần mềm quản lý nội dung điện tử Dspace, phần mềm học tập điện tử Moodle, và trong pha 4 này được bổ sung thêm phần mềm quản lý văn bản và điều hành nguồn mở cho các sở - ngành, phần mềm nguồn mở mã hóa dữ liệu OpenPGP và đặc biệt là phần mềm kế toán nguồn mở Việt.
Cho tới nay, OpenRoad vẫn kiên trì con đường phát triển của mình, là tập trung vào các công việc tích hợp hệ thống. Ngoài pha đầu nhận chuyển giao công nghệ ra, pha 2 của OpenRoad được tập trung vào việc tích hợp phần mềm các dự án thành phần để tạo ra một hệ thống đăng nhập duy nhất, mà sự thành công của nó là cơ sở cần thiết để từ pha 3 tập trung vào việc tích hợp hạ tầng khóa công khai (PKI) dựa vào các công nghệ mở nhằm thực hiện các công việc xác thực, ký điện tử, mã hóa - giải mã một số giao dịch cần thiết trong các dự án thành phần của OpenRoad. Trong pha 4, OpenRoad tiếp tục tập trung giải quyết các bài toán về tích hợp ở phạm vi rộng hơn và sâu hơn.
Các công ty tham gia vào OpenRoad đã trưởng thành một bậc về phát triển phần mềm tuân thủ các nguyên tắc phát triển của nguồn mở thế giới, làm việc cộng tác với nhau với mã nguồn được công khai hoàn toàn trên kho GitHub, và cũng đã có những đóng góp ban đầu ngược lại cho cộng đồng nguồn mở thế giới được thế giới thừa nhận và sử dụng.
Việc hợp tác giữa công ty với công ty và giữa công ty với đại học ngay bên trong OpenRoad thời gian qua cũng mang lại những kết quả ban đầu giúp cho các công ty có khả năng tốt hơn trong việc kinh doanh dựa vào các dịch vụ xung quanh các phần mềm tự do nguồn mở, và giúp các đại học dần xây dựng được các nhóm cộng đồng lập trình viên nguồn mở, hỗ trợ cho sự phát triển và cung cấp các dịch vụ nguồn mở của các công ty và giúp gắn việc học đi với hành ở các trường đại học.
OpenRoad pha 4 sẽ mở ra những cơ hội mới cho các thành viên tham gia hướng tới việc hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhau để tạo nên một cộng đồng nguồn mở OpenRoad đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển cộng tác và ngày càng vững mạnh, có khả năng đưa các ứng dụng, dịch vụ và tri thức của mình về công nghệ mở vào cuộc sống thực tế, trước hết là ở Việt Nam, và sau đó vươn ra được với khu vực và thế giới.

Blogger: Lê Trung Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.