Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Phần mềm Việt Nam, mở và đóng, bao giờ công bằng?


Trong vòng một thập kỷ qua, khi nói về vấn đề ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở (PMNM), một vài lãnh đạo công nghệ thông tin ở Việt Nam thường nói rằng họ luôn quan tâm tới PMNM, nhưng họ cũng không muốn ưu tiên cho PMNM hơn hay phần mềm nguồn đóng (PMNĐ) hơn, họ muốn có sự bình đẳng giữa các dạng phần mềm đó.
Liệu trong thực tế cuộc sống ở Việt Nam cho tới ngày hôm nay, PMNM và PMNĐ có thực sự là bình đẳng hay không, chúng ta thử điểm qua một vài sự việc nổi bật đáng lưu ý bên dưới.
Từ Quyết định 235
Tháng 03/2004, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 235/QĐ-TTg về ứng dụng PMNM ở Việt Nam trong giai đoạn 2004-2008 với 9 tiểu dự án. Quyết định đó, và cùng với hầu hết các tiểu dự án của nó, đáng tiếc đã không được phê duyệt và hầu như hoàn toàn không đi vào cuộc sống.
Tới Đề án 112 Chính phủ
Quyết định 112/QĐ-TTg được ký ban hành ngày 25/07/2001, mở ra giai đoạn xây dựng và triển khai Đề án 112 Chính phủ. Có lẽ việc triển khai PMNM trong các cơ quan nhà nước mạnh mẽ nhất chính là trong đề án này, giai đoạn này. Các PMNM nằm trong việc xây dựng các dịch vụ cơ bản, mà trọng tâm của chúng là xây dựng hệ thống thư điện tử có tích hợp với dịch vụ thư mục để tạo thành một hệ thống đăng nhập duy nhất - SSO (Single Sign On), một tính năng cơ bản để triển khai tiết kiệm nhất và có hiệu quả nhất hạ tầng khóa công khai - PKI (Public Key Infrastructure) trong việc xác thực người sử dụng và triển khai chữ ký điện tử có mã hóa - giải mã cho các ứng dụng, dịch vụ sử dụng trong chính phủ điện tử. Trong số 7 công ty tham gia xây dựng các dịch vụ cơ bản thời kỳ đó, thì 6 công ty có các giải pháp sử dụng PMNM. Đáng tiếc, sau khi dừng Đề án 112, các hệ thống PMNM đó đã không còn đất sống vì không có kinh phí để duy trì dù trên thực tế cho tới bây giờ vẫn còn một vài nơi sử dụng các giải pháp PMNM từ những ngày đó. Sau khi dùng Đề án 112, hầu hết mọi nơi được khuyến khích chuyển sang xây dựng và sử dụng các hệ thống dựa vào các PMNĐ, chủ yếu của Microsoft. Cách thức làm này còn tiếp tục cho tới bây giờ.
Tới việc Chính phủ mua Microsoft Office
Tháng 5/2007 Chính phủ đã ký kết với Microsoft, được cho là với số tiền 20triệu USD, để mua 300.000 giấy phép sử dụng bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office (MSO). Đáng tiếc không phải là mua Microsoft Windows, vì nếu mua Microsoft Windows khi đó, thì bạn đã có thể sử dụng OpenOffice.org (OOo) để thay thế và chạy được trên Microsoft Windows, còn khi đã mua MSO rồi, thì chỉ còn cách mua nốt Microsoft Windows để có thể sử dụng được MSO. Chắc chắn rằng người thắng đơn thắng kép trong vụ này, không phải chính phủ Việt Nam, mà là Microsoft. Có lẽ cũng vì việc mua sắm nền ứng dụng văn phòng này, mà các quyết định, chỉ thị, thông tư về triển khai PMNM ở Việt Nam đều đã thất bại, đặc biệt có giai đoạn cùng một lúc các cán bộ công chức nhà nước vừa phải học MSO, vừa phải học OOo. MSO sau gần 20 năm có mặt tại Việt Nam đã quá quen thuộc với những công chức đi học mà việc học và dạy còn được hỗ trợ kinh phí đào tạo từ nhà cung cấp trích lại với số tiền 3 triệu USD, tương đương với 60 tỷ đồng khi đó. So với việc học OOo còn đôi chút lạ lẫm và không có các điều kiện tương tự thì rõ ràng có sự bất bình đẳng trong việc học hai sản phẩm tương đương; dù rằng sự bất bình đẳng ấy đã được thực hiện trên một sự bất bình đẳng bất lợi hơn cho Chính phủ là phần mềm nguồn mở OOo không mất phí bản quyền.
Tới thông tư liên tịch số 142/2010/TTLT-BTC-BTTTT
Thông tư liên tịch số 142/2010/TTLT-BTC-BTTTT ngày 22/09/2010 giữa Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông “Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin”. Nội dung chính trong thông tư này nằm ở 2 điểm:
  1. Định mức chi tiền ngân sách cho việc đào tạo chứng chỉ CMMI cho các doanh nghiệp phần mềm.
  2. Định mức chi tiền ngân sách cho việc chuyển đổi sử dụng PMNM cho các cơ quan nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố theo tinh thần của Chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT ngày 30/12/2008 và Quyết định 50/2009/QĐ-TTg ngày 03/04/2009.
Theo báo cáo của Vụ CNTT, Bộ TTTT ngày 14/12/2010, phần về triển khai các công việc liên quan tới PMNM thì hầu hết các mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị 07 đều không đạt được. Nhiều lý do đã được phân tích chỉ ra trong bài “Những bất cập trong các chính sách hiện hành về PMTDNM”, được trình bày tại hội thảo: “Phần mềm Nguồn mở trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước” được tổ chức tại Hà Nội, ngày 15/06/2012.
Trong khi việc triển khai PMNM ở các tỉnh gặp nhiều khó khăn, thậm chí kinh phí trong 2 năm 2009 – 2010 phải chờ tới năm 2010 mới được cấp mỗi tỉnh 260 triệu đồng, chưa bằng với mức được nêu theo tinh thần của Quyết định 50/2009/QĐ-TTg là 300 triệu/năm/tỉnh, thì sang năm 2011 khoản tiền này đã bị cắt hoàn toàn, dù đã có ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin khi đó, tại phiên họp lần thứ nhất năm 2010 của Ban Chỉ đạo, trong thông báo số 05/TB-BCĐCNTT, ngày 17/05/2010 về việc giao cho: “Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, bổ sung kinh phí phát triển phần mềm nguồn mở cho các địa phương theo Quyết định 50/2009/QĐ-TTg về Chương trình phát triển Công nghiệp phần mềm và Nội dung số, trong đó: bổ sung 100% kinh phí còn thiếu (170 triệu/năm) cho các địa phương thực sự khó khăn, không có khả năng tự cân đối ngân sách; và bổ sung 50% kinh phí còn thiếu (85 triệu/năm) cho các địa phương nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương còn lại để triển khai”.
Người ta nói rằng vì việc triển khai PMNM ở các tỉnh là không hiệu quả nên không cấp tiền tiếp. Không rõ dựa vào những lý do nào và nội dung văn bản nào để có thể đưa ra quyết định như vậy.
Trong khi trong năm 2011 kinh phí cho triển khai PMNM đã bị cắt, thì, ít nhất là, cho tới hết năm 2012, công việc triển khai CMMI vẫn được tiếp tục cấp tiền. Website của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 06/11/2012 nêu: “Trong giai đoạn năm 2010 – 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 12 khóa đào tạo cho hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến công nghệ thông tin, đồng thời trực tiếp hỗ trợ cho 22 doanh nghiệp, tổ chức phần mềm và nội dung số xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMI. Đến nay đã có 12 doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện đánh giá chứng chỉ CMMI từ mức 3 trở lên thành công, trong đó có 01 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMI mức 5 (mức cao nhất)”. Được biết, chương trình vẫn còn được triển khai trong năm 2013.
Chỉ đáng tiếc, là tiêu chuẩn CMMI lại không phải là tiêu chuẩn phù hợp với các công ty PMNM, khi mà các dự án PMNM thường được đánh giá bằng các phương pháp và tiêu chuẩn khác, và tại Việt Nam, Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mởViệt Nam (VFOSSA) cũng đã đề xuất với Vụ CNTT, BộThông tin Truyền thông đưa các tiêu chuẩn đánh giá PMNM như Mô hình Độ chín PMNM – OSMM (Open Source Maturity Model) và Mô hình Điểm Chết – PoF (Point of Fail) vào dự thảo thông tư 42 của Bộ với các nội dung có liên quan tới đánh giá độ chín của các PMNM.
Một lần nữa đáng tiếc, trong cùng một thông tư 142, một việc để phát triển PMNM đã không được đánh giá và triển khai thực sự trong thực tế ngang bằng với một việc để phát triển PMNĐ.
Và tới gần đây
Khi mà các phần mềm độc hại được viết cho cho các máy tính cá nhân PC trên thế giới cho tới 6 tháng đầu năm 2013 cho hệ điều hành Microsoft Windows đã chiếm gần như hoàn toàn 100%; khi mà Việt Nam bây giờ có hơn 5 triệu máy tính chạy Windows XP sẽ hết hạn bảo hành toàn cầu trong tháng 04/2014 này và các máy tính đó chắc chắn sẽ trở thành các trung tâm lây nhiễm các phần mềm độc hại nguy hiểm ra tất cả các máy tính khác, các mạng máy tính khác; khi mà chương trình giám sát ồ ạt của NSA là không chừa bất kỳ ai, không chừa bất kỳ quốc gia nào, không chừa bất kỳ ngành kinh tế nào, không chừa việc phá hoại nào đối với Internet, mà Microsoft chính là hãng chủ động tích cực nhất trong việc hợp tác với NSA trong các hoạt động đó, làm cho cả thế giới bàng hoàng kinh hãi; thì ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và không phải là bộ duy nhất, đã ký thỏa thuận hợp tác với Microsoft trong vòng 5 năm, từ 2013-2018.
Hy vọng chúng ta sẽ sắp được thấy các bộ đó sẽ đối xử bình đẳng giữa PMNĐ và PMNM bằng những việc làm cụ thể của lãnh đạo các bộ đó và/hoặc của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian sớm nhất có thể.
Thay cho lời kết

Đã có người chỉ thẳng ra rằng, giáo dục sử dụng hệ điều hành PMNĐ Microsoft Windows là giáo dục ăn cắp bản quyền phần mềm và tiếp tay cho gián điệp nước ngoài, bất luận là kẻ xấu của nước nào. Một khi không ai có thể kiểm soát được mã nguồn của Microsoft Windows ngoài chính hãng độc quyền Microsoft, nghĩa là không ai biết được Microsoft có thể làm gì với kho mã nguồn của Microsoft Windows khi trên thực tế hãng đã có hợp tác với các cơ quan an ninh và tình báo như NSA, như những gì đã được tiết lộ cho tới nay, mà bạn lại vẫn tiếp tục giáo dục cho cả xã hội sử dụng nó, thì có lẽ đúng là bạn đang giáo dục cho mọi người bán nước và phản quốc.
Người ta có thể nêu ra rất nhiều lý do để biện minh cho (các) ký kết hợp tác nêu trên, nhưng có lẽ sẽ là hợp lý hơn nhiều nếu việc giáo dục sử dụng Microsoft Windows là do sự tự nguyện của (các) trường dân lập hay (các) công ty tư nhân nào đó tự bỏ tiền túi của họ ra làm, nếu họ cảm thấy có nhu cầu, dưới sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng nhà nước khi chúng được đưa vào sử dụng trong các cơ quanh nhà nước hoặc khi các cơ quan nhà nước thực sự có nhu cầu. Có lẽ thực sự khó để giải thích một cách hợp lý, khi giáo dục công lập, được nuôi dưỡng từ tiền đóng thuế của người dân, lại tiếp tục làm một công việc như vậy từ giờ trở đi. Có lẽ sẽ còn khó giải thích hơn nữa về sự bình đẳng giữa PMNM và PMNĐ, nếu như cùng với hệ thống giáo dục công lập, hệ thống hành chính, hệ thống tài chính, hệ thống truyền thông báo đài của nhà nước... đều nhiệt tình cổ vũ cho việc giáo dục PMNĐ như vậy.
Có người muốn dùng câu “gà què ăn quẩn cối xay” để chỉ đám doanh nghiệp PMNM chỉ thích kêu ca đòi quyền lợi. Nhưng dân gian thì đã có câu “nhà nước què ăn quẩn nông dân”, còn các cụ ngày xưa có câu “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nếu như đến sân nhà mình còn thua, còn để cho “giặc” nó chiếm, mà đã nghĩ đến chuyện “bình thiên hạ” thì quả thực đó chỉ là các câu nói của những người tự nghĩ là mình có quyền để phỉ báng những người khác, không hơn, không kém.
Niềm tin và hy vọng của giới PMNM Việt Nam có lẽ lại một lần nữa được thắp sáng lên chăng trong Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 27/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quốc gia về công nghệ mở trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ”, hay lại có lẽ, Microsoft mới thực sự là người lãnh đạo CNTT ở Việt Nam?
Bạn muốn bình đẳng giữa PMNM với PMNĐ ư? Hãy đợi đấy!
Trần Lê
Bài đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 5/2014, trang 36-38.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.