Có lẽ những diễn biến ngoại giao vừa qua trong việc giải quyết mối xung đột lợi ích về Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực ASEAN đã làm yên lòng hơn cho mọi người Việt Nam, các nước ASEAN và cả bạn bè quốc tế có quan tâm.
Với góc nhìn của một người làm về công nghệ, có thể nhìn nhận rằng, bằng công nghệ mở về ngoại giao với tất cả các nước mạnh trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Trung Quốc... Việt Nam đã buộc những thế lực có tư tưởng bá quyền, độc chiếm biển Đông phải lùi bước. Một cuộc chơi ban đầu tưởng như của chỉ một kẻ mạnh duy nhất áp đảo phần còn lại, bỗng chốc trở thành một cuộc chơi hướng tới sự cùng thắng - thắng của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới, mà trung tâm là các quốc gia ASEAN, trong đó Việt Nam đứng nổi bật trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010 này.
Trong kỷ nguyên thông tin ngày nay, không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển, đã, đang và sẽ áp dụng công nghệ mở trong nền công nghiệp công nghệ thông tin của quốc gia mình để chống lại những mưu đồ của các thế lực độc quyền muốn nô dịch quốc gia của họ, để giành lấy sự độc lập với các nhà cung cấp, giải phóng trí tuệ của con người cho sự đổi mới sáng tạo, phát triển nền công nghiệp của quốc gia mình trong một cuộc chơi các bên cùng thắng, chứ không phải một cuộc chơi chỉ có một bên thắng.
Thị trường công nghệ thông tin nói chung, thị trường phần mềm nói riêng của Việt Nam không thể chỉ là sân nhà của một hãng bất kỳ nào đó cùng với hệ thống các đối tác của chỉ hãng đó. Chỉ bằng công nghệ mở, chuẩn mở và phần mềm tự do nguồn mở, nền công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam mới có thể có được vị thế của một người chơi trong một cuộc chơi mà các bên cùng thắng như những gì mà công nghệ mở đã giải quyết tốt được vấn đề Biển Đông vừa qua.
Trần Lê
PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 12/2010, trang 77.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.