“Khả năng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiến hành chiến tranh không gian mạng và khai thác mạng máy tính” là bản dịch từ tài liệu gốc tiếng Anh được Ủy ban Kinh tế và Giám sát An ninh Mỹ – Trung của Mỹ hợp tác với tập đoàn Northrop Grumman, bộ phận các Hệ thống Thông tin xuất bản vào ngày 09/10/2009 với đầu đề tiếng Anh là ”Capability of the People's Republic of China to Conduct Cyberwarfare and Computer Network Exploitation”. Tải về tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh.
Tài liệu này trình bày một đánh giá nguồn tin mở toàn diện về khả năng của Trung Quốc tiến hành các hoạt động mạng máy tính CNO (Computer Network Operations) cả trong thời bình và trong thời gian có các xung đột của chiến tranh. Hy vọng những nội dung của nó sẽ là những tham khảo hữu ích cho các nhà làm chính sách, các chuyên gia về Trung Quốc, và các nhân viên hoạt động về thông tin. Nghiên cứu này đã nhấn mạnh tới 5 vấn đề rộng lớn để chỉ ra cách mà CHND Trung Hoa đang theo đuổi các hoạt động mạng máy tính (CNO) và mở rộng tới mức mà nó được triển khai bằng việc kiểm tra:
Chiến lược của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) đối với các hoạt động mạng máy tính ở mức chiến dịch và chiến lược để hiểu cách mà Trung Quốc đang tích hợp khả năng này vào toàn bộ việc lên kế hoạch cho những nỗ lực và việc tác chiến trong những đơn vị thuộc lĩnh vực này.
Ai là những “diễn viên” cá nhân và cơ quan chủ chốt trong CNO của Trung Quốc và những mối liên hệ nào có thể tồn tại giữa những người vận hành dân sự và quân sự.
Những mục tiêu có thể của CNO Trung Quốc chống lại Mỹ trong một cuộc xung đột để hiểu cách mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc PLA (People's Liberation Army) có thể có ý định chiếm đoạt quyền kiểm soát thông tin đối với Mỹ hoặc quân đội bằng kỹ thuật tương tự trong một cuộc xung đột.
Những đặc tính của các hoạt động khai thác mạng đang diễn ra nhằm vào Chính phủ Mỹ và khu vực tư nhân mà thường xuyên được quy cho Trung Quốc;
Một dòng thời gian các vụ thâm nhập trái phép được cho là của Trung Quốc vào các mạng của chính phủ và giới công nghiệp Mỹ để đưa ra ngữ cảnh rộng lớn hơn cho các hoạt động này.
Vì đây là tài liệu do phía Mỹ chuẩn bị, chắc chắn không tránh khỏi những thông tin mang tính thiên vị, nhưng nó vẫn là những thông tin tham khảo rất tốt cho Việt Nam để hiểu rằng chiến tranh không gian mạng là có thực, là đã và đang tồn tại ở dạng 24/7x365 và để đối phó lại với nó, Chính phủ có thể cần phải đưa ra được những quyết sách mới, học thuyết quân sự mới và triển khai nó trong thực tế cuộc sống ở mức toàn dân – toàn diện nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, trong đó có chủ quyền về thông tin và biên giới thứ 5 là không gian mạng trong thế kỷ 21.
Một phần nội dung của tài liệu này đã được trích đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 11/2009, trang 74-76 với đầu đề: “Lịch sử một số cuộc tấn công không gian mạng”.
Nhiều người tin rằng, sâu Stuxnet, được cho là sản phẩm liên danh của Israel – Mỹ và có thể những quốc gia phương Tây khác nhằm triệt phá tham vọng hạt nhân của Iran, lần đầu tiên được phát hiện vào ngày 13/07/2010 đã đánh dấu cho sự khơi mào cho cuộc chiến tranh không gian mạng trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về an ninh không gian mạng lại cho rằng các cuộc xung đột của Nga với Estonia năm 2007 và nhất là cuộc chiến 5 ngày với Georgia năm 2008 với sự kết hợp của các lực lượng quân sự theo lối truyền thống cùng những khả năng chiến tranh không gian mạng, mới thực sự là khởi nguồn của những cuộc chiến tranh không gian mạng và thậm chí còn đặt ra những tiêu chuẩn cho các cuộc xung đột và chiến tranh trong thế kỷ 21.
Cho dù thế nào đi nữa, thì với những thông tin từ cuốn tài liệu dịch này, hy vọng Việt Nam cũng sẽ có được những thông tin cần thiết ban đầu để có thể có được những biện pháp đối phó ở mức quốc gia với những diễn biến của các cuộc xung đột và chiến tranh trong thế kỷ 21 vì lợi ích của mình.
Trong thời gian sắp tới, một tài liệu khác được dịch sang tiếng Việt có liên quan tới vấn đề này, nhưng nói về khả năng của nước Nga và những khác biệt trong học thuyết về chiến tranh không gian mạng giữa 3 siêu cường Mỹ – Nga – Trung Quốc, cũng sẽ được giới thiệu cùng các bạn đọc.
Blogger: Lê Trung Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.