Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Đổi mới sáng tạo và bằng sáng chế phần mềm

Ai cũng biết rằng đổi mới sáng tạo chính là cái gốc của sự phát triển xã hội. Đổi mới sáng tạo tồn tại trong mọi lĩnh vực của xã hội. Trong bài này chỉ giới hạn đổi mới sáng tạo trong phần mềm máy tính, mà không nói tới đổi mới sáng tạo trong bất kỹ lĩnh vực nào khác.

KẺ LÀM, NGƯỜI LỢI!

Biết rằng, trong kỷ nguyên thông tin mà chúng ta đang sống hiện nay, phần mềm hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thậm chí phần mềm có thể là tác nhân để biến một dân tộc từ nghèo đói trở nên giàu có nhanh chóng chỉ trong vòng chục năm, nhưng phần mềm cũng có thể là vũ khí để lật đổ một chế độ chính trị và/hoặc reo rắc chiến tranh ra khắp toàn cầu trong một khoảng thời gian nhanh và với một cường độ tấn công mạnh chưa từng có trong lịch sử loài người từ trước tới nay. Chính vì vậy, việc có được tốc độ cao, sự mau lẹ và giữ được liên tục đổi mới sáng tạo trong phần mềm là một trong những yếu tố quyết định sức mạnh của một quốc gia ngày nay.

Đáng tiếc, trên thế giới hiện nay lại luôn có những thế lực nhân danh đổi mới sáng tạo để cản trở đổi mới sáng tạo, mà một trong những công cụ để thực hiện việc đó một cách hữu hiệu chính là các bằng sáng chế phần mềm. Đại diện cho thế giới của những người bảo vệ cho các bằng sáng chế phần mềm chính là Microsoft, các công ty phần mềm sở hữu độc quyền và các tổ chức như Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp BSA (Business Software Alliance). Ở chiều ngược lại, đại diện cho thế giới của những người chống lại các bằng sáng chế phần mềm chính là thế giới của phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM), đứng đầu là các tổ chức bảo vệ PMTDNM toàn cầu như Quỹ Phần mềm Tự do FSF (Free Software Foundation) và Tổ chức Sáng kiến Nguồn mở OSI (Open Source Initiative).

Những câu chuyện được nêu dưới đây sẽ cho chúng ta thấy mô hình huỷ diệt đổi mới sáng tạo trong phần mềm thường được thực hiện theo cách là một công ty hoặc một nhóm công ty đứng ra mua các bằng sáng chế phần mềm (bản thân họ có thể không viết ra bất kỳ một dòng mã lệnh phần mềm nào đối với các bằng sáng chế mà họ mua) cho một tổ chức chuyên thu nạp các bằng sáng chế phần mềm (đương nhiên tổ chức này không viết ra bất kỳ dòng mã lệnh phần mềm nào, mà đơn giản là họ có tiền), rồi tổ chức này đứng ra kiện các công ty được cho là vi phạm các bằng sáng chế phần mềm đó ra tòa và hưởng lợi từ các vụ kiện đó, bất chấp việc công ty bị kiện có thể bị phá sản hoặc phải chịu qui hàng nộp phí thường xuyên cho bên khởi kiện. Bằng cách này, tương lai của các doanh nhân phần mềm, lập trình viên phần mềm hoặc trở thành nô lệ thường xuyên nộp tiền bảo kê cho các tổ chức ở trên, hoặc sẽ lấy tòa án làm “chiến trường” quen thuộc của mình.

Vào tháng 05/2007, Microsoft từng dọa kiện thế giới PMTDNM vi phạm 235 bằng sáng chế của hãng nhưng lại không chỉ ra đó là các bằng sáng chế nào để thế giới PMTDNM có thể loại bỏ chúng ra khỏi mã nguồn các sản phẩm của mình như họ đã từng làm với 2 bằng sáng chế phần mềm mà Microsoft cho là của mình có liên quan tới hệ thống tệp FAT (File Allocation Table) và hãng đã kiện TomTom, một công ty nhỏ chuyên sản xuất các thiết bị định vị toàn cầu trang bị trong các ô tô có sử dụng hệ điều hành PMTDNM GNU/Linux vào tháng 02/2009.

Vào tháng 09/2009 Microsoft đã bán 22 bằng sáng chế mà hãng sở hữu có liên quan tới hệ điều hành GNU/Linux cho một tổ chức là ATS với mong muốn sau này, ATS mới thực sự là người đứng ra kiện thế giới nguồn mở và Linux vi phạm các bằng sáng chế, còn người chủ mưu Microsoft sẽ trở thành ngư ông đắc lợi. Tuy nhiên, ngay sau đó ATS đã bán lại cho Mạng Phát minh Mở OIN (Open Invention Network), một kho chứa các bằng sáng chế bảo vệ cho GNU/Linux và các sản phẩm PMTDNM, vì thế phá vỡ kế hoạch ném đá dấu tay của Microsoft. (Xem: “Ném đá dấu tay”, tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 10/2009).

Gần đây nhất, vào tháng 11/2010, CPTN Holdings LLC, đại diện cho một nhóm 4 công ty gồm Microsoft, Oracle, Apple và ECM đã mua 882 bằng sáng chế phần mềm của công ty chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới PMTDNM Novell mà chúng hầu hết có liên quan tới hệ điều hành GNU/Linux và các sản phẩm công nghệ mở khác. Hai tổ chức OSI và FSF lần lượt đã đệ trình các kiến nghị của mình lên Bộ Tư pháp Mỹ và Văn phòng Cartel Liên bang Đức để yêu cầu các cơ quan này can thiệp vì họ nghi ngờ CPTN có thể sẽ sử dụng các bằng sáng chế phần mềm này để ẩn dấu những ý định bất chính chống lại thế giới PMTDNM. Vào tháng 04/2011, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra phán quyết 5 điểm, trong đó nổi bật nhất là việc tất cả các bằng sáng chế của Novell sẽ được mua tuân theo giấy phép GNU General Public License (GPL), một giấy phép nguồn mở được sử dụng rộng rãi, và giấy phép của Mạng Sáng tạo Mở OIN, một kho giấy phép chính đối với GNU/Linux. Điều này sẽ đảm bảo rằng vĩnh viễn không ai có thể sử dụng các bằng sáng chế này để kiện thế giới PMTDNM vi phạm chúng được nữa.

BẢO VỆ SỰ SÁNG TẠO

Sự kiện Bộ Tư pháp Mỹ can thiệp vào việc mua bán các bằng sáng chế phần mềm đã nhắc nhở các nhà cung cấp phần mềm sở hữu độc quyền phải chú ý rằng những hành động của họ sẽ bị soi xét, và giúp thiết lập một vùng bảo vệ của chính phủ xung quanh sự phát triển và sử dụng nguồn mở, điều chưa từng xảy ra từ trước tới nay. Sự kiện này cũng đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng, việc các hãng lớn có nhiều tiền để mua các bằng sáng chế không đồng nghĩa với việc các hãng đó (khuyến khích) đổi mới sáng tạo trong phần mềm. Nói một cách khác, với những ý đồ đen tối và vô lại, thì việc hiện thực hóa các ý tưởng thành thật nhiều tiền cho 1 công ty hoặc một nhóm công ty nào đó không chắc đã phải là một sự đổi mới sáng tạo, mà ngược lại, nó có thể là một ý tưởng bệnh hoạn được sử dụng để tiêu diệt đổi mới sáng tạo, để giết chết sự cạnh tranh của các đối thủ trong thị trường, mà hậu quả tai hại của nó không chỉ dừng lại đối với những người sử dụng, các lập trình viên và các công ty phần mềm, mà còn có thể tới vận mệnh của một chính phủ và sự tồn vong của một quốc gia.

Như một luật sư nổi tiếng trong các vụ kiện có liên quan tới các bằng sáng chế phần mềm tại Mỹ đã phải thốt lên rằng: Trong vụ này, những người thắng cuộc rõ ràng là các nhà đầu tư vào các hệ sinh thái nguồn mở, những người bây giờ sẽ có ít việc phải lo lắng hơn về các bằng sáng chế phần mềm. Những người chiến thắng còn bao gồm cả các lập trình viên nguồn mở, những người sử dụng các PMTDNM, và nhiều dạng các nhà cung cấp khác mà trực tiếp hoặc gián tiếp hưởng lợi nhuận từ sự tồn tại của mã nguồn mở khỏe mạnh và không bị cản trở. Còn những kẻ thua cuộc là các công ty trong nhóm mua mà họ sẽ không bao giờ còn có khả năng đặt ra một số các bằng sáng chế mà họ định mua vì những mục đích đen tối mà họ có trong đầu đối với các bằng sáng chế phần mềm đó.

Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, PMTNDM là nguồn của đổi mới sáng tạo và rằng việc làm hại PMTDNM sẽ làm hại nguồn của đổi mới sáng tạo. Thiệt hại đối với PMTDNM từ các bằng sáng chế không chỉ dừng lại đối với công nghệ. Nó cướp đi tính sáng tạo của các doanh nhân và các lập trình viên trong sự tìm kiếm của họ các mô hình mới trong phát triển và kinh doanh phần mềm và khả năng của họ thu về những phần thưởng từ các đổi mới sáng tạo đó.

Hy vọng Việt Nam từ giờ trở đi sẽ không có ai cố tìm cách làm hại tới nguồn của đổi mới sáng tạo.

Như để nhắc lại cho rõ và tránh mọi sự hiểu lầm, câu chuyện trong bài này chỉ nói về bằng sáng chế phần mềm, không nói về bằng sáng chế của các lĩnh vực khác, như lĩnh vực ô tô, thậm chí lĩnh vực phần cứng máy tính.

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống số tháng 07/2011, trang 64-65.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.