Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

CÁC TIÊU CHUẨN SỬ DỤNG TRONG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ


Các tiêu chuẩn được sử dụng trong các hệ thống thông tin Chính phủ điện tử (CPĐT), được coi như các luật chi phối các hoạt động trong các hệ thống thông CPĐT tin đó.
Tại Việt Nam, chúng ta đã quen với việc các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra danh sách các tiêu chuẩn để sử dụng trong các cơ quan nhà nước khi xây dựng các hệ thống thông tin, có khả năng là cho phần cứng, phần mềm, các thiết bị viễn thông và cả thông tin, dữ liệu của hệ thống thông tin đó, bao gồm cả các hệ thống thông tin cho các ứng dụng - dịch vụ CPĐT. Nhiều khi, chúng ta, những người hàng ngày làm việc trong giới công nghệ thông tin và truyền thông tự hỏi, qui trình - cách thức - và làm thế nào có được các tiêu chuẩn phù hợp nhất để sử dụng chúng hiệu quả trong thực tế hàng ngày khi xây dựng hệ thống CPĐT Việt Nam?
Bài viết này đề cập tới cách tiếp cận của nước Đức trong việc phân loại và lựa chọn các tiêu chuẩn để sử dụng trong hệ thống CPĐT, kể từ đầu những năm 2000 và luôn được cải tiến cho tới nay. Qua đó hy vọng đưa ra được những nhận xét so sánh với mong muốn tìm ra được cách tiếp cận phù hợp cho các tiêu chuẩn được sử dụng khi xây dựng hệ thống CPĐT Việt Nam.
Để xây dựng các ứng dụng - dịch vụ cho CPĐT sử dụng tại Đức và tại tất cả các quốc gia trong Liên minh châu Âu, Chính phủ Đức đã xuất bản nhiều tài liệu có liên quan, trong đó nổi bật nhất là tài liệu “Chuẩn và Kiến trúc cho các ứng dụng CPĐT”, gọi tắt là SAGA, viết tắt từ các ký tự đầu bằng tiếng Anh của “Standards and Architectures for eGovernment Applications”, hiện đang có phiên bản 5.0.
PHÂN LOẠI CÁC TIÊU CHUẨN
Các tiêu chuẩn được chia thành 3 chủng loại trong SAGA. Các tiêu chuẩn cạnh tranh mà không được tuyên bố sẽ không hoặc chỉ được sử dụng nếu tuyệt đối không thể tránh khỏi.
  1. Đang được theo dõi:
Các tiêu chuẩn đang được theo dõi nếu chúng phù hợp với xu thế phát triển dự kiến, được hoàn thành và đáp ứng những yêu cầu tối thiểu cho tính mở của các tiêu chuẩn (Định nghĩa về chuẩn mở được nêu trong bài: “Từ nguồn mở đến công nghệ mở - Một hướng đi mặc định”, tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 09/2011). Các tiêu chuẩn này có thể còn chưa chứng minh được giá trị của chúng trong ứng dụng thực tế hoặc chưa đáp ứng được tất cả các mục tiêu của tài liệu SAGA.
Trong trường hợp không tiêu chuẩn cạnh tranh bắt buộc hoặc được khuyến cáo nào tồn tại để bổ sung cho các tiêu chuẩn đang được theo dõi, thì những tiêu chuẩn đang được theo dõi như vậy có thể được sử dụng trong các ứng dụng CPĐT. Chỉ trong những trường hợp ngoại lệ được chứng minh thì sự ưu tiên sẽ được đưa ra cho các tiêu chuẩn đang được theo dõi hơn các lựa chọn thay thế được phân loại cao hơn.
  1. Được khuyến cáo:
Các tiêu chuẩn được khuyến cáo nếu chúng đã được thử và kiểm thử trong ứng dụng thực tế nhưng nếu tồn tại một tiêu chuẩn bắt buộc, phù hợp hơn hoặc nếu chúng không đáp ứng được tất cả các mục tiêu của SAGA. Tuy nhiên, những yêu cầu tối thiểu cho tính mở của các tiêu chuẩn phải được thỏa mãn và an ninh đầu tư được đảm bảo.
Trong trường hợp không tiêu chuẩn cạnh tranh bắt buộc nào tồn tại ngoài các tiêu chuẩn được khuyến cáo, thì sự lệch khỏi các tiêu chuẩn được khuyến cáo sẽ chỉ được phép trong các trường hợp ngoại lệ, chứng minh được.
Các tiêu chuẩn cạnh tranh có thể được khuyến cáo song song nếu chúng có những lĩnh vực ứng dụng rõ ràng khác nhau. Tiêu chuẩn là phù hợp nhất cho ứng dụng được đưa ra phải được áp dụng trong những trường hợp như vậy.
  1. Bắt buộc:
Các tiêu chuẩn là bắt buộc nếu chúng đã được thử và kiểm thử trong ứng dụng thực tế và đại diện cho giải pháp được ưu tiên. Chúng được thiết lập trên thị trường và đáp ứng được tất cả các mục tiêu của SAGA. Những tiêu chuẩn đó phải được xem xét và áp dụng với sự ưu tiên.
Các tiêu chuẩn cạnh tranh có thể là bắt buộc song song nếu chúng có các lĩnh vực ứng dụng rõ ràng khác nhau. Trong những trường hợp như vậy, tiêu chuẩn nào phù hợp tốt nhất cho ứng dựng được đưa ra phải được sử dụng.
Trong trường hợp các tiêu chuẩn bắt buộc hoặc được khuyến cáo hoặc các tiêu chuẩn đang được theo dõi tồn tại song song, thì cái sau - các tiêu chuẩn đang được theo dõi - chỉ nên được áp dụng trong các trường hợp ngoại lệ, chứng minh được.
Một tiêu chuẩn được phân loại là bắt buộc không nhất thiết phải được sử dụng trong mọi ứng dụng CPĐT. Tiêu chuẩn bắt buộc chỉ nên được gắn vào nếu việc sử dụng công nghệ hoặc chức năng có liên quan tới tiêu chuẩn đó là cần thiết hoặc hợp lý theo quan điểm các yêu cầu ứng dụng đặc thù.
PHÂN LOẠI MỞ RỘNG CÁC TIÊU CHUẨN
Các tiêu chuẩn được phân loại trong 3 danh sách. Không tiêu chuẩn nào khác ngoài các tiêu chuẩn trong Danh sách đúng đang tiếp tục (Danh sách Xám trước kia) có thể được ưu tiên hơn so với các tiêu chuẩn được phân loại trong tài liệu của SAGA (bắt buộc, được khuyến cáo, đang được theo dõi) - tuy nhiên, chỉ khi các hệ thống hiện có, trong đó các tiêu chuẩn này đã được sử dụng, đang được nâng cấp.
  1. Danh sách những gợi ý.
Danh sách những gợi ý đã được tạo ra để đáp ứng kịp thời những phát triển mới, có khả năng giao tiếp thông tin về chúng với bên ngoài. Trong quá trình phát triển tiếp tục tài liệu SAGA, Danh sách những gợi ý là cơ sở quan trọng để đưa các tiêu chuẩn vào SAGA.
Các tiêu chuẩn được liệt kê trong Danh sách những gợi ý nếu những đề xuất và ý tưởng để đưa chúng vào trong SAGA đã được đệ trình cho các tác giả của SAGA, nếu chúng có tiềm năng sử dụng trong các ứng dụng CPĐT và nếu những tiêu chuẩn đó còn chưa được phân loại tiếp.
Các tiêu chuẩn trong Danh sách những gợi ý sẽ được các tác giả của SAGA và nhóm các chuyên gia SAGA đánh giá. Kết quả của đánh giá này có thể có nghĩa chấp nhận các tiêu chuẩn đó vào phiên bản tiếp sau của tài liệu SAGA, định vị lại Danh sách từ chối hoặc tới Danh sách đúng đang tiếp tục hoặc cũng vẫn giữ lại trong Danh sách những gợi ý, sao cho sự phát triển có thể được quan sát, ví dụ, trong trường hợp các tiêu chuẩn còn chưa được hoàn chỉnh. Trước khi được xuất bản trong một phiên bản SAGA mới, các tiêu chuẩn trong Danh sách những gợi ý một lần nữa được xem xét về tính bền vững nếu đưa chúng vào.
  1. Danh sách đúng đang tiếp tục.
Các tiêu chuẩn được bổ sung vào Danh sách đúng đang tiếp tục nếu chúng không còn được đưa vào phiên bản SAGA hiện hành, nhưng nếu chúng đã có một tình trạng “được khuyến cáo” hoặc “bắt buộc” trong một phiên bản SAGA trước đó và/hoặc nếu chúng đã từng được sử dụng rộng rãi trong thị trường trong quá khứ. Khi các hệ thống đang tồn tại được cập nhật, những tiêu chuẩn đó sẽ được giữ có hiệu lực và có thể tiếp tục được sử dụng. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn đó sẽ không còn được sử dụng cho những ứng dụng CPĐT mới nữa.
  1. Danh sách từ chối.
Trong quá trình thảo luận, các tiêu chuẩn nhất định nào đó mà đã bị từ chối rồi trong quá khứ sẽ được đề xuất lặp đi lặp lại để đưa vào SAGA. Danh sách từ chối đã được thiết lập để làm cho các kết quả của những thảo luận đó minh bạch và để xác định những tiêu chuẩn nào có thể không còn được mong đợi đưa vào trong SAGA nữa.
Các tiêu chuẩn được bổ sung tới Danh sách từ chối nếu chúng đã được xem xét và bị từ chối từ cả các tác giả của SAGA lẫn nhóm các chuyên gia SAGA. Các tiêu chuẩn đó không nên được sử dụng trong các ứng dụng CPĐT mới hoặc đang tồn tại. Sử dụng chúng chỉ có thể được phép nếu một giải pháp tuân thủ SAGA song song tồn tại. Các hình ảnh, ví dụ, có thể được làm cho sẵn sàng ở định dạng BMP (Bitmap) thậm chí dù tiêu chuẩn này nằm trong Danh sách từ chối, nếu các hình ảnh đó cũng được chào cùng một lúc trong một định dạng tuân thủ SAGA như GIF.
Nếu một tiêu chuẩn trong Danh sách từ chối được phát triển tiếp và khác biệt với phiên bản cũ trong các lĩnh vực đã bị chỉ trích trước đó, thì số phiên bản của tiêu chuẩn được liệt kê là từ chối đó phải được công bố. Khi này sẽ không còn trở ngại nào cho phiên bản mới được đưa vào trong SAGA thông qua Danh sách những gợi ý nữa.
QUI TRÌNH TIẾN HÓA
  1. Các tiêu chuẩn trải qua một qui trình được xác định trước khi chúng có khả năng được đưa vào trong SAGA:
    1. Đề xuất các tiêu chuẩn trong diễn đàn thảo luận công khai, thông qua mẫu liên hệ, từ nhóm các chuyên gia SAGA, nhóm các dự án từ các khu tự trị, các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) chủ yếu từ nền hành chính trung ương hoặc các tác giả SAGA.
    2. Xem xét các đề xuất của các tác giả SAGA.
    3. Thảo luận trong nhóm các chuyên gia SAGA về các tiêu chuẩn đã thấy khả năng là phù hợp với các tác giả của SAGA.
    4. Chấp thuận các đề xuất trong một nghị quyết của cơ quan quản lý có thẩm quyền về SAGA trên cơ sở thảo luận giữa các tác giả của SAGA và nhóm chuyên gia SAGA.
    5. Đưa vào các tiêu chuẩn được chấp nhận trong SAGA từ các tác giả của SAGA ngay khi nghị quyết được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn.
SAGA được cập nhật theo các khoảng thời gian một cách thường xuyên, được bổ sung sửa đổi để phản ánh những phát triển và phát hiện mới nhất và được xuất bản trên trang chủ của cơ quan quản lý có thẩm quyền (phiên bản v1.1 được xuất bản vào tháng 02/2003, v2.0 vào tháng 12/2003, v3.0 vào tháng 10/2006, v4.0 vào tháng 03/2008 và v5.0 vào tháng 05/2009).
Nếu vấn đề xảy ra không thể giải quyết được bằng việc sử dụng các tiêu chuẩn được biết, thì các yêu cầu đề xuất sẽ được gửi cho nhóm chuyên gia SAGA để xác định các giải pháp có khả năng.
  1. Diễn đàn thảo luận công khai: Cơ quan hành chính có thẩm quyền về SAGA đã mở một diễn đàn công khai tại: http://www.kbst.bund.de/saga-forum, cho phép những người sử dụng Internet đăng ký và thảo luận các vấn đề có liên quan tới ứng dụng và sự phát triển SAGA tiếp sau. Các kết quả của các cuộc thảo luận được đánh giá, và nếu phù hợp, được xem xét trong phiên bản tiếp sau của tài liệu SAGA.
  2. Mẫu liên hệ: Trang chủ của SAGA đưa ra một mẫu liên hệ cho những người sử dụng SAGA. Mẫu biểu này có thể được sử dụng để gửi trực tiếp các ý tưởng và câu hỏi có cấu trúc tới các tác giả của SAGA.
  3. Nhóm chuyên gia SAGA: Cơ quan hành chính có thẩm quyền về SAGA đã thiết lập một nhóm chuyên gia bao gồm các đại diện từ giới doanh nghiệp, khoa học và hành chính và chỉ định các thành viên. Nhóm chuyên gia này có liên quan trong việc cập nhật qui trình một cách thường xuyên theo các khoảng thời gian hoặc bất kỳ khi nào có lý do liên quan.
  4. Nhóm các dự án tại các khu vực tự trị và các nhà cung cấp dịch vụ CNTT chủ chốt của hành chính liên bang: Ủy ban Hợp tác về Xử lý Dữ liệu Tự động cho Chính phủ Liên bang, Chính phủ các bang của Liên bang và các đại diện được ủy quyền của khu vực hành chính tự trị từ các bang của liên bang và các khu tự trị để đi cùng với sự phát triển tiếp sau của SAGA trong các hội thảo. Các tác giả của SAGA phác thảo một catalogue các câu hỏi cho những bổ sung sửa đổi được đề xuất sẽ được trả lời từ những người tham gia và được bổ sung từ những đề xuất của riêng họ. Tương tự như tiếp cận này, các yêu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ CNTT chủ chốt của hành chính liên bang được tập hợp trong các hội thảo và những thay đổi bằng văn bản và được xem xét, được tính tới trong việc cập nhật tài liệu.
  5. Báo cáo kiểm tra của SAGA: Những đề xuất được đặt ra cho các tác giả của SAGA trong diễn đàn công khai, thông qua mẫu liên hệ, trong nhóm chuyên gia SAGA, trong nhóm dự án SAGA của các khu tự trị và từ các nhà cung cấp dịch vụ CNTT chủ chốt của hành chính Liên bang được liệt kê trong báo cáo kiểm tra của SAGA và kết quả của sự kiểm tra được ghi thành tài liệu. Những lý do cho sự chấp thuận hoặc từ chối đều sẽ được giải thích.
Qui trình tiến hóa này được áp dụng không chỉ cho các tiêu chuẩn, mà còn cho các kiến trúc CPĐT.
VÒNG ĐỜI CỦA CÁC TIÊU CHUẨN
Bên cạnh các tiêu chuẩn được phân loại trong SAGA như được nêu ở trên, các tiêu chuẩn khác được ghi lại trong 3 danh sách khác nhau. Trong khi sự phân loại các tiêu chuẩn như “bắt buộc”, “được khuyến cáo” và “đang được theo dõi” được xác định và cập nhật trong tài liệu của SAGA, thì việc cập nhật các tiêu chuẩn hiện đang diễn ra được triển khai trên website của SAGA tại: http://www.kbst.bund.de/saga-standards.
Các tiêu chuẩn có thể vượt qua được các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của chúng như trong hình minh họa. Quá trình chuyển tiếp của một tiêu chuẩn giữa các danh sách trên trang chủ của SAGA tại http://www.kbst.bund.de/saga-standards và các lớp trong tài liệu SAGA được xác định như sau:
Vòng đời của các tiêu chuẩn SAGA với các bước chuyển tiếp
  1. Các tiêu chuẩn mới được đề xuất để phân loại từ các tác giả SAGA, các chuyên gia hoặc những người sử dụng được thực hiện theo “Qui trình tiến hóa” được trình bày ở trên. Nếu không có bất kỳ kiểm tra chuyên sâu nào hơn nữa, thì các tiêu chuẩn này ban đầu được biên soạn trong Danh sách những gợi ý. Những tiêu chuẩn như vậy còn chưa thỏa mãn các yêu cầu để đưa vào trong SAGA, vì chúng còn chưa hoàn chỉnh. Sự đưa vào của chúng được kiểm tra lại cho phiên bản SAGA tiếp sau. Trước khi hoàn tất một phiên bản SAGA mới, những bước 1 và 2 hoặc 1 và 3 cũng có thể diễn ra trong một lần.
  2. Các tiêu chuẩn sau khi kiểm tra mà không được đưa vào trong SAGA sẽ được bổ sung tới Danh sách từ chối như những tiêu chuẩn bị từ chối.
  3. Những tiêu chuẩn được chuyển từ Danh sách những gợi ý sang Danh sách đúng đang tiếp tục khi kiểm tra kỹ lưỡng gợi ý rằng những tiêu chuẩn này không nên được sử dụng trong các dự án mới, nhưng có thể vẫn được sử dụng trong các dự án đang hiện có.
  4. Sau khi kiểm tra tích cực các yêu cầu tương ứng, tiêu chuẩn được đưa vào trong SAGA với phân loại “đang được theo dõi”. Nếu các yêu cầu tương ứng được thỏa mãn, thì tiêu chuẩn đó cũng có thể được phân bổ trực tiếp tới một trong những lớp cao hơn, như “được khuyến cáo” hoặc “bắt buộc”. Các bước 4 và 5, hoặc 4, 5 và 6, tương ứng, sẽ được triển khai trong một lần.
  5. Sau khi kiểm tra thành công các yêu cầu tương ứng trong SAGA, các tiêu chuẩn với tình trạng “đang được theo dõi” sẽ được phân loại như “được khuyến cáo” trong SAGA. Nếu các yêu cầu được thỏa mãn, thì tiêu chuẩn đó cũng có thể được phân bổ trực tiếp tới lớp cao hơn, như “bắt buộc”. Các bước 5 và 6 sau đó sẽ được triển khai trong một lần duy nhất. Các tiêu chuẩn sau khi kiểm tra vẫn không đáp ứng được các yêu cầu phân loại cao hơn trong SAGA và không được chuyển tới Danh sách từ chối vẫn giữ lại sự phân loại “đang được theo dõi”.
  6. Sau khi kiểm tra thành công các yêu cầu tương ứng trong SAGA, các tiêu chuẩn với tình trạng “được khuyến cáo” được phân loại như là “bắt buộc”. Các tiêu chuẩn sau khi kiểm tra vẫn không đáp ứng được các yêu cầu phân loại cao hơn trong SAGA và không được chuyển tiếp tới Danh sách đúng dang tiếp tục vẫn giữ phân loại “được khuyến cáo”.
  7. Sau khi kiểm tra và đánh giá lại tương ứng trong SAGA, các tiêu chuẩn với tình trạng “bắt buộc” được phân loại như “được khuyến cáo”. Một tiêu chuẩn không còn được sử dụng nữa trong các dự án mới cũng có thể được chuyển trực tiếp sang Danh sách đúng đang tiếp tục. Các bước 7 và 8 sau đó được triển khai trong một lần duy nhất. Các tiêu chuẩn mà, sau khi kiểm tra, tiếp tục đáp ứng được các yêu cầu phân loại như “bắt buộc” vẫn duy trì tình trạng của chúng.
  8. Nếu, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, các tiêu chuẩn với tình trạng “được khuyến cáo” không được sử dụng nữa trong các dự án mới, thì những tiêu chuẩn đó sẽ được chuyển tới Danh sách đúng đang tiếp tục.
  9. Các tiêu chuẩn lỗi thời trong Danh sách đúng đang tiếp tục mà vẫn được giữ đủ lâu trong Danh sách đúng đang tiếp tục và những tiêu chuẩn sẽ không được duy trì hơn nữa sẽ được chuyển tới Danh sách từ chối.
  10. Các tiêu chuẩn với tình trạng “đang được theo dõi” mà không còn bất kỳ cơ hội nào để được chuyển vào phân loại cao hơn sẽ được chuyển trực tiếp tới Danh sách từ chối.
Các tiêu chuẩn được kiểm tra trong phạm vi chuẩn bị một phiên bản SAGA mới có thể không chỉ dịch chuyển một bước theo vòng đời được trình bày trước đó, mà chúng cũng có thể giữ nguyên tình trạng hoặc đi qua vài bước chỉ một lần duy nhất.
CÁC TIÊU CHUẨN KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LOẠI
Các tiêu chuẩn không được liệt kê trong SAGA gồm:
  1. Không đặc thù cho các ứng dụng CPĐT hoặc thương mại điện tử (TMĐT),
  2. Tham chiếu tới một mức chi tiết khác hơn so với các tiêu chuẩn xử lý ở đây với SAGA,
  3. Được đưa vào trong hoặc được tham chiếu bởi những tiêu chuẩn đã được nhắc tới ở trên,
  4. Là quá mới hoặc quá đối nghịch và vì thế chưa có khả năng trở thành một tiêu chuẩn trong tương lai gần.
  5. Không mong muốn vì chúng xung đột với các tiêu chuẩn đã được giới thiệu hoặc vì chúng hạn chế tính tương hợp.
NHỮNG BÀI HỌC CÓ THỂ RÚT RA TỪ VIỆC PHÂN LOẠI CÁC TIÊU CHUẨN
Từ những thông tin ở trên, có thể rút ra được một số điều sau:
  1. Các tiêu chuẩn cho các ứng dụng CPĐT có vòng đời của chúng và được phân loại theo:
    1. 3 lớp là: “đang được theo dõi”, “được khuyến cáo” và “bắt buộc”.
    2. 3 danh sách là: “Danh sách những gợi ý”, “Danh sách đúng đang tiếp tục” và “Danh sách từ chối”.
  2. Các tiêu chuẩn phải phù hợp với chiến lược được vạch ra từ trước về chuẩn và kiến trúc cho các ứng dụng CPĐT của quốc gia. Thậm chí những tiêu chuẩn không phù hợp sẽ không được phân loại.
  3. Qui trình để đưa các tiêu chuẩn vào sử dụng trong các ứng dụng CPĐT đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm phải thiết lập ra bộ máy chuyên nghiệp chuyên nghiên cứu, xây dựng tài liệu và đưa ra các quyết định có liên quan tới các tiêu chuẩn đó, từ tất cả các bên có liên quan trong xây dựng và ứng dụng CPĐT như (1) Đại diện các cơ quan hành chính ở tất cả các cấp từ trung ương tới địa phương; (2) Đại diện các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ CNTT cho chính phủ, cụ thể gồm:
    1. Nhóm các chuyên gia chuyên nghiệp về chuẩn và kiến trúc
    2. Nhóm các tác giả chuyên xây dựng tài liệu chuẩn và kiến trúc
    3. Nhóm các dự án từ các địa phương
  4. Qui trình tiến hóa dành cho các tiêu chuẩn (và dành cả cho kiến trúc CPĐT) đòi hỏi phải có các công cụ cho sự tham gia đóng góp ý kiến cho các nhóm chuyên gia liên tục theo thời gian từ bất kỳ ai, kể cả các công dân dựa vào các công cụ trên Internet, như:
    1. Các website
    2. Các diễn đàn thảo luận
    3. Các mẫu liên hệ
  5. Tài liệu về chuẩn và kiến trúc được cập nhật và xuất bản với các phiên bản mới thường xuyên liên tục theo các khoảng thời gian nhất định và để làm được điều này, các thông tin từ các công cụ trên Internet được nhóm các chuyên gia và nhóm các tác giả tài liệu xem xét, rà soát và quyết định cũng tạo thành một dòng sản phẩm luôn biến đổi, tiến hóa cho phù hợp với sự thay đổi của nghiệp vụ, thị trường và công nghệ.
Với một vài bài học được rút ra từ cách tiếp cận về chuẩn và kiến trúc được sử dụng trong CPĐT ở trên, có thể thấy rằng tiếp cận đó chưa tồn tại ở Việt Nam.
Các tiêu chuẩn sử dụng trong CNTT của chúng ta là nằm trong một qui trình tương đối tĩnh, ngược với qui trình chà xát sống động, liên tục, với tất cả các bên tham gia, các bên thụ hưởng với qui trình, tài liệu và bộ máy chuyên nghiệp với các nhóm chuyên gia được nêu ở trên. Điều này giải thích vì sao chúng ta thực sự cần có sự thay đổi tư duy về cách tiếp cận với tiêu chuẩn và kiến trúc được sử dụng trong CPĐT thì mới có khả năng có được các ứng dụng - dịch vụ CPĐT như mong muốn trong tương lai. Điều này còn giải thích vì sao, chúng ta thực sự rất cần xây dựng, trong môi trường mở và chuyên nghiệp với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, một khung chuẩn và kiến trúc cho các ứng dụng CPĐT ở cấp độ chính phủ càng sớm càng tốt.
Trần Lê
Bài đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 06/2012, trang 10-14.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.