Trong các số trước
của Tin học & Đời sống, chúng ta đã đề cập tới
các nội dung về: (1) “Những
khái niệm cơ bản liên quan tới tài nguyên giáo dục mở”
(OER); (2) “Khía
cạnh pháp lý của OER”;
(3) “Cách
thức để khai thác OER có chất lượng”;
và (4)
“Xây
dựng hệ thống OER tại một trường đại học”.
Các nội dung đó là những nền tảng không thể thiếu để
đưa ra được những khuyến cáo cụ thể cho các bên liên
quan được đề cập tới trong bài viết này, nhằm mục
đích để ứng dụng và phát triển OER vì sự tiến bộ
của nền giáo dục Việt Nam, với sự hỗ trợ đắc lực
của các công cụ công nghệ thông tin và truyền thông
(CNTT-TT) trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên Internet với sự
kết nối băng thông rộng. Sự hỗ trợ đắc lực đó
cũng là một trong những điều kiện tiên quyết để OER
phát triển.
Theo ngữ cảnh đó,
bài viết này sẽ đi thẳng tới các chỉ dẫn, bỏ qua
mọi phân tích, với giả thiết các bạn độc giả đã
làm quen với cả 4 nội dung kể trên rồi. Các chỉ dẫn
cụ thể đó gồm:
A. Chỉ dẫn cho Chính phủ
Chính
phủ có quan tâm trong việc đảm bảo những đầu tư công
trong giáo dục đại học đóng góp hữu dụng và có hiệu
quả về chi phí cho sự phát triển kinh tế xã hội. Vì
vậy chính phủ thường ở vào vị thế yêu cầu các tư
liệu hữu dụng về mặt giáo dục được phát triển
bằng ngân sách công phải được làm cho sẵn sàng theo
các giấy phép mở, có thể sử dụng các chế độ cấp
phép mở để làm đòn bẩy cho đầu tư công, bằng việc
tạo thuận lợi cho sự tái sử dụng lại một cách rộng
rãi các tài nguyên với đầu tư bổ sung tối thiểu. Theo
ngữ cảnh này, gợi ý cho chính phủ:
- Hỗ trợ sử dụng OER thông qua việc ra chính sách của chính phủ trong giáo dục đại học. Ví dụ như thiết lập một chương trình hỗ trợ của chính phủ để tạo ra và tái sử dụng OER tiếng Việt, chia sẻ chúng trong từng cụm trường hoặc tất cả các trường, ít nhất là các trường công lập, với nhau.
- Xem xét việc áp dụng các khung cấp phép mở. Một cách có hiệu quả để tăng tốc việc cấp phép mở và chia sẻ các tài nguyên giáo dục đại học có thể sẽ là áp dụng chính sách cấp phép mở phù hợp của quốc gia. Điều này có thể tạo thành một phần khung chính sách tổng thể về các quyền sở hữu trí tuệ (IPR) và bản quyền trong giáo dục đại học bao trùm các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.
- Xem xét việc áp dụng các tiêu chuẩn mở cho các OER. Mục đích là để đảm bảo sự truy cập đầy đủ tới và sử dụng / chia sẻ các tài nguyên trong giáo dục đại học. Điều này có thể bao trùm cả các xuất bản phẩm nghiên cứu và giáo dục, phục vụ để đảm bảo sự vĩnh cửu của các tài liệu điện tử có khả năng soạn thảo, bất chấp những thay đổi của phần mềm. Một ví dụ điển hình là sử dụng các tiêu chuẩn định dạng tài liệu mở ODF (Open Document Format) cho tất cả các tài liệu có khả năng sửa đổi được ở dạng văn bản của OER.
- Đóng góp cho việc nâng cao nhận thức về các vấn đề chủ chốt của OER. Rất cần thiết nâng cao nhận thức cho những người tham gia đóng góp cho OER hiểu về các vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, những thách thức khi số hóa và chia sẻ tài nguyên trực tuyến.
- Thúc đẩy các chiến lược kết nối / CNTT-TT quốc gia. Đảm bảo cung cấp bền vững kết nối và sự truy cập của nhân viên/ sinh viên tới CNTT-TT bên trong các hệ thống giáo dục đại học. Yêu cầu này tại Việt Nam có lẽ được thực hiện khá tốt ở phạm vi rộng.
- Hỗ trợ cho sự phát triển bền vững và chia sẻ các tư liệu học tập có chất lượng. Chìa khóa cho sự phát triển và sử dụng bền vững OER sẽ là việc hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học, riêng rẽ và cộng tác, trong những nỗ lực của họ để tạo ra và chia sẻ các tài nguyên giáo dục chất lượng cao. Điều này có thể bao gồm sự hỗ trợ cho những sáng kiến quốc gia để phát triển nội dung tiếng Việt và những nỗ lực khu vực / toàn cầu để phát triển các kho và chỉ mục OER, cũng như việc khuyến khích các cơ chế thúc đẩy chất lượng OER. Không có chiến lược duy nhất nào cho mọi ngữ cảnh, nhưng một tiếp cận phối hợp có khả năng thu được những kết quả tốt nhất.
B. Chỉ dẫn cho cơ sở giáo
dục đại học
Các
cơ sở giáo dục đại học có thể đóng một vai trò
sống còn trong việc hỗ trợ các giáo viên trong việc tạo
ra các môi trường dạy và học có hiệu quả cho các sinh
viên và cung cấp các cơ hội phát triển nghề nghiệp cho
họ. Việc xác định và phát triển các tài nguyên học
tập đều là những phần hữu cơ của qui trình này. Các
đại học nên thiết tha cả với việc tạo ra và sử
dụng OER ở bất kỳ nơi nào.
Trong
việc phát triển các khóa học và các tài nguyên học
tập, các giáo viên thường sử dụng những gì đang có
sẵn. Kho OER ngày một gia tăng không chỉ mở rộng sự
lựa chọn của họ, mà còn tạo ra những cơ hội cho
những tài nguyên mới sẽ được áp dụng một cách phù
hợp với các nội dung tiếng Việt theo các nhu cầu văn
hóa và học tập - mà không cần tới những thương thảo
dài dòng về bản quyền hoặc nhân bản nội dung. Theo ngữ
cảnh này, được gợi ý rằng các cơ sở giáo dục đại
học nên:
- Phát triển các chiến lược cho sự tích hợp OER. Những chỉ dẫn đó gợi ý những yếu tố mà các đại học có thể mong muốn xem xét trong việc phát triển các chiến lược tổ chức để tích hợp OER vào trong hàng loạt các hoạt động.
- Tạo các động lực để hỗ trợ đầu tư trong phát triển, mua sắm và áp dụng các tư liệu học tập chất lượng cao. Các chính sách mà đại học nên rà soát lại để:
- Khuyến khích sự lựa chọn và áp dụng khôn ngoan các OER hiện đang tồn tại, cũng như phát triển các tư liệu mới ở những nơi cần thiết;
- Khuyến khích xuất bản các tư liệu giáo dục như là OER theo qui trình thủ tục của mình.
- Khuyến khích nghiên cứu để sử dụng, tái sử dụng và tái mục đích OER;
- Khuyến khích các sinh viên xuất bản tác phẩm của họ (với chỉ dẫn của các giáo viên của đại học và theo qui trình thủ tục của đại học) như là OER theo một giấy phép mở;
- Xây dựng OER theo các cơ chế giám sát đối với đại học và cá nhân;
- Thúc đẩy sự cộng tác cả bên trong và bên ngoài đại học trong việc phát triển các tư liệu;
- Tạo cho giáo viên những động lực và các phần thưởng cho sự phát triển, mua sắm và áp dụng các tư liệu học tập; và
- Đảm bảo rằng các mô hình tải công việc của các giáo viên cho phép họ thiết kế và phát triển các chương trình đào tạo, khóa học và các tư liệu giáo dục khác.
- Nhận thức được vai trò quan trọng của các tài nguyên giáo dục trong các qui trình đảm bảo chất lượng nội bộ. Điều này nên bao gồm việc thiết lập và duy trì một qui trình nội bộ nghiêm khắc cho việc kiểm tra tính hợp lệ về chất lượng các tư liệu giáo dục trước khi xuất bản chúng như là OER.
- Xem xét việc tạo ra các chính sách bản quyền mềm dẻo. Những chính sách như vậy có thể làm đơn giản cho các giáo viên để viện dẫn bản quyền với một-số-quyền-được-lưu-giữ (Some Rights Reserved) hoặc các phép hoán đổi cấp phép khác khi điều này được cho là cần thiết. Những chính sách đó có thể là một phần của qui trình của đại học rộng lớn hơn để đảm bảo rằng các chính sách bản quyền và tính riêng tư, các quyền bản quyền có khả năng tuân thủ, mạnh mẽ hiện diện và được phản ánh thực sự trong tất cả các hợp đồng pháp lý và các điều kiện thuê tuyển nhân viên.
- Hỗ trợ và xây dựng năng lực cơ sở. Nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực cho các giáo viên để triển khai có hiệu quả OER.
- Đảm bảo sự truy cập CNTT-TT cho các giáo viên và sinh viên. Điều này có nghĩa là việc đấu tranh để đảm bảo rằng các giáo viên và các sinh viên có sự truy cập ở khắp mọi nơi tới hạ tầng CNTT-TT, phần mềm và sự kết nối cần thiết để truy cập Internet và phát triển hoặc áp dụng các tư liệu giáo dục ở các dạng khác nhau. Điều này nên bao gồm các ứng dụng phần mềm, như các công cụ soạn thảo nội dung web, các hệ thống quản trị nội dung, các mẫu template và các bộ công cụ mà tạo thuận lợi cho sự tạo ra và sử dụng các tài nguyên giáo dục có khả năng tùy biến được, được thiết kế trọn vẹn.
- Phát triển các chính sách và thực tiễn của đại học để lưu giữ và truy cập OER. Điều này bao gồm khả năng lưu giữ, quản lý và chia sẻ các tài nguyên và nội dung, cả trong nội bộ và bên ngoài, sao cho những nỗ lực giảng dạy được xây dựng dựa vào sự tăng trưởng tri thức của cơ sở. Điều này có thể được thực hiện có hiệu quả nhất về chi phí như một phần của một chiến lược có sự phối hợp của quốc gia hoặc trong mối quan hệ đối tác với các mạng và các kho OER toàn cầu đang nổi lên dựa vào các tiêu chuẩn mở.
- Rà soát lại các thực tiễn OER của cơ sở theo định kỳ. Điều này giúp cho đại học xác định được giá trị các chính sách và thực tiễn của mình. Điều này có thể bao gồm việc rà soát lại ở mức độ nào đó việc sử dụng các tư liệu giáo dục được cấp phép mở trong các chương trình giáo dục đại học.
C. Chỉ dẫn cho giáo viên
Các
giáo viên là yếu tố sống còn trong việc đảm bảo chất
lượng dạy và học được truyền tải tới các sinh
viên. Họ là trọng tâm cho kinh nghiệm dạy và học của
các sinh viên. Các giáo viên đối mặt với một loạt
thách chức, bao gồm:
- Các ràng buộc về thời gian trong việc chuẩn bị chương trình đào tạo và lựa chọn, áp dụng và/hoặc phát triển các tư liệu dạy và học và các công cụ đánh giá;
- Truy cập tới các tư liệu dạy và học phù hợp với chất lượng cao;
- Nhu cầu giải quyết thường xuyên các nhu cầu đa dạng của sinh viên của họ;
- Sự thay đổi môi trường dạy và học (từ các tiếp cận hướng giáo viên cho tới hướng học viên).
- Sự truy cập gia tăng của sinh viên tới các tư liệu trực tuyến, các mạng cộng tác - xã hội và các cơ hội xuất bản trực tuyến.
- Những yêu cầu pháp lý để mở rộng sự truy cập;
- Nhu cầu bao trùm được cơ sở tri thức rộng lớn và gia tăng;
- Nhu cầu cập nhật các kỹ năng CNTT-TT một cách thường xuyên;
- Những mong đợi cao của sinh viên; và
- Sự tham gia ngày một gia tăng chưa từng có trong nhiều quyền tài phán.
Trách
nhiệm đảm bảo chất lượng của bất kỳ nội dung nào
được sử dụng trong các môi trường dạy và học, bao
gồm cả OER, nằm chủ yếu ở các nhà điều phối chương
trình/ khóa học và các giáo viên đang giảng dạy theo
từng cá nhân. Dù thế nào đi nữa, thì việc gợi ý xa
hơn cho việc đọc, việc chọn một video để xem hoặc
việc sử dụng chương trình học tập vẫn nằm trong
trách nhiệm cuối cùng của các giáo viên trong việc lựa
chọn các tư liệu nào - mở và/hoặc sở hữu độc
quyền, số hoặc bản cứng bằng giấy – để sinh viên
sử dụng. Vì lý do này, phần lớn chất lượng của OER
sẽ phụ thuộc vào những tài nguyên nào các giáo viên
đang giảng dạy chọn để sử dụng, cách mà họ áp dụng
chúng cho phù hợp về ngữ cảnh và cách mà họ tích hợp
chúng vào một loạt các hoạt động dạy và học. Sử
dụng có hiệu quả OER có thể giải quyết được nhiều
thách thức ở trên. Theo ngữ cảnh này, gợi ý cho các
giáo viên trong các trường đại học:
- Phát triển các kỹ năng để đánh giá OER. Một điểm khởi đầu tốt là để gia tăng tri thức về OER thông qua việc khai thác OER hiện đang tồn tại trong các cổng / các kho phù hợp và xác định điều gì có thể là hữu dụng trong các khóa học và các module. Sự khai thác và hỗ trợ / rà soát lại ngang hàng như vậy cũng có thể phát triển lòng tin của họ trong việc chia sẻ các tài nguyên mới và/hoặc tùy biến các khiếm khuyết trong các chương trình đào tạo OER hiện đang tồn tại, mà có thể xúc tác cho họ để đóng góp cho tri thức toàn cầu.
- Xem xét việc xuất bản OER. Đối với một số giáo viên, điều này có thể được khởi đầu thuận tiện bằng việc bắt đầu một công việc nhỏ, cộng tác với các bên ngang hàng (bao gồm cả việc rà soát lại ngang hàng) và việc xuất bản các tư liệu mở từng được sản xuất đều đặn rồi như một phần của việc dạy và học, bao gồm các phác thảo khóa học, các tài liệu thông tin khóa học hoặc các tài liệu để phát, các ghi chép dạy học và các công cụ đánh giá khóa học. Qua thời gian, những thực tiễn như vậy có thể tạo ra một kho giàu có các tư liệu, bên trong đại học để lôi cuốn những người khác cùng tham gia vào. Nó cũng có thể cung cấp cho các sinh viên với một sự hiểu biết giàu có hơn các nội dung học tập.
- Tập hợp, tùy biến OER đang tồn tại theo ngữ cảnh. Một phần của sử dụng OER có hiệu quả bao gồm việc phát triển các kỹ năng để tùy biến OER đang tồn tại theo ngữ cảnh thực tế để đáp ứng được các nhu cầu học tập đa dạng của các sinh viên. Điều này có thể đạt được bằng việc sử dụng và đóng góp cho kho đa dạng các tài nguyên có sẵn trong các kho OER và chia sẻ thông tin về các vấn đề và qui trình có liên quan tới sự áp dụng và Việt hóa chúng.
- Phát triển thói quen làm việc theo nhóm. Nghiên cứu hiện đại thường là một nỗ lực của một đội, nên sự phát triển và tái mục đích các tư liệu có khả năng sẽ thành công hơn và đáp ứng được nhiều hơn đối với các giáo viên có liên quan, nếu họ áp dụng tiếp cận theo nhóm.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ của đại học để phát triển các kỹ năng OER. Để khai thác OER có hiệu quả thì các giáo viên cần có các kỹ năng và năng lực, như thiết kế các tư liệu, phát triển các chương trình đào tạo, lựa chọn và tùy biến OER bằng chiến lược phát triển và hỗ trợ các kỹ năng chuyên môn. Họ nên nhận được sự hỗ trợ của đại học cho sự phát triển nghề nghiệp trong những lĩnh vực đó, cả như đối với các cá nhân và các nhóm.
- Thúc đẩy các mạng và cộng đồng thực tế. Các giáo viên có thể làm lợi khổng lồ từ việc sử dụng các mạng và các cộng đồng thực tế trên trực tuyến đang tồn tại để cộng tác phát triển, tùy bién và chia sẻ OER, cũng như để cam kết tham gia trong các đối thoại về các kinh nghiệm của họ trong việc dạy và học. Các cộng đồng thực tế như vậy cũng có là cơ sở rất tốt cho việc xuất bản các nguồn tư liệu trong các kho hiện đang tồn tại.
- Khuyến khích sự tham gia của sinh viên. Các giáo viên có thể được khuyến khích sử dụng ý kiến phản hồi của sinh viên về OER để cải tiến các tư liệu của riêng họ và khuyến khích các sinh viên xuất bản và đóng góp cho OER. Các sinh viên có thể được khuyến khích và được hỗ trợ trong việc tìm kiếm và sử dụng OER cho các mục đích tự định hướng nghiên cứu và, ở các mức độ tiên tiến hơn, cho việc phát triển chương trình đào tạo/ các khóa học nghiên cứu của riêng họ.
- Thúc đẩy OER thông qua việc xuất bản OER. Điều này có thể giúp làm gia tăng tri thức có sẵn về một chủ đề, đặc biệt nếu nó được thực hiện thông qua các xuất bản phẩm, các tạp chí và các phương tiện mở phù hợp khác. Điều này có thể bao gồm các bài báo chia sẻ các kinh nghiệm về sử dụng, tái sử dụng và tái mục đích OER và việc khuyến khích các sinh viên tham gia trong OER.
- Đưa ra ý kiến phản hồi, các dữ liệu về sử dụng OER đang tồn tại. Đưa ra ý kiến phản hồi và các dữ liệu về OER đã được tạo ra, được tùy biến, được sử dụng và/hoặc được sử dụng lại, đặc biệt có liên quan tới sự thành công trong việc đáp ứng các mục tiêu học và các nhu cầu của sinh viên, là một sự đóng góp vô giá cho sử dụng có hiệu quả OER.
- Cập nhật tri thức về các quyền sở hữu trí tuệ, các chính sách về bản quyền và tính riêng tư. Điều này có thể kéo theo việc có sự truy cập tới sự cố vấn và sự tinh thông phù hợp về các vấn đề đó, cũng như một sự làm quen chung với các chính sách của đại học và các thỏa thuận hợp đồng có liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền. Đặc biệt quan trọng sẽ là rõ ràng về các quyền và các điều kiện có liên quan tới các tác phẩm được tạo ra trong quá trình triển khai và cách mà chúng có thể được chia sẻ và được những người khác sử dụng. Các giáo viên nên hiểu cách mà những chính sách đó có thể tác động tới các quyền của họ.
D. Chỉ dẫn cho sinh viên
Khi
vai trò của các trường đại học đã tiến bộ, thì vai
trò của sinh viên cũng tiến bộ theo. Những xu thế đang
nổi lên bao gồm khả năng có việc làm, các kỹ năng và
tri thức có khả năng chuyển giao, các kỹ năng giao tiếp,
tính sáng tạo và đổi mới... Những thách thức chính
bao gồm việc đáp ứng các chi phí đang gia tăng của giáo
dục (bao gồm cả các sách giáo khoa) và việc xác định
các khóa học / chương trình giáo dục phù hợp đáp ứng
được các nhu cầu học. Sử dụng OER có hiệu quả có
thể đóng góp cho việc giải quyết những thách thức đó,
cả bằng việc làm cho nội dung các chương trình giáo dục
minh bạch hơn và giảm thiểu chi phí của việc truy cập
chúng.
Khi
được hỗ trợ phù hợp, các sinh viên có tiềm năng lớn
để hỗ trợ các nhà cung cấp giáo dục đại học trong
việc tạo nguồn, tùy biến và sản xuất OER trong quan hệ
đối tác với các giáo viên.
Dù
việc tạo ra các môi trường dạy và học và đặt nền
móng cho OER theo các cách thức có hiệu quả về giáo dục
là trách nhiệm trước hết của các giáo viên, thì các
tổ chức của sinh viên - như những người tham gia đóng
góp chủ chốt trong giáo dục đại học - nên nhận thức
được về vai trò của họ trong sự tương tác với những
người tham gia đóng góp khác cho giáo dục đại học.
Theo ngữ cảnh này, được gợi ý cho các sinh viên:
- Hiểu được các vấn đề của OER và tiến hành bảo vệ OER. Các tổ chức của sinh viên có thể tích cực thúc đẩy nhận thức trong sinh viên về tiềm năng của OER để thúc đẩy kinh nghiệm giáo dục, dựa vào sự hiểu biết về những lợi ích giáo dục và kinh tế của OER. Các tổ chức của sinh viên cũng có thể hỗ trợ và bảo vệ việc chia sẻ các tư liệu giáo dục được cấp vốn từ nhà nước theo các giấy phép mở và hiểu được các vai trò của riêng các sinh viên như những người sản xuất tri thức và những người tham gia tích cực trong qui trình học. Các tổ chức của sinh viên ở Việt Nam hoàn toàn có thể cộng tác tốt với các tổ chức của sinh viên quốc tế cùng hướng tới OER.
- Khuyến khích sinh viên xuất bản các tác phẩm của mình như là OER. Các sinh viên có thể đóng góp đáng kể cho việc làm gia tăng sử dụng OER bằng việc xuất bản tác phẩm của họ (ưu tiên theo chỉ dẫn của các giáo viên và theo các qui trình thủ tục của đại học) theo một giấy phép mở. Một kho các tác phẩm của sinh viên có thể phục vụ như một tài nguyên học tập đầy uy lực, trong khi cũng nâng cao được nhận thức về các quyền sở hữu trí tuệ, về sự khác biệt giữa việc chia sẻ / cộng tác một cách phù hợp và việc ăn cắp.
- Đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo chất lượng OER thông qua các mạng xã hội. Các tổ chức của sinh viên có thể khuyến khích các sinh viên tham gia vào các môi trường mạng xã hội đã được tạo ra xung quanh các kho OER, sao cho họ đóng một vai trò tích cực hơn trong việc đảm bảo chất lượng nội dung bằng việc bổ sung các bình luận về những nội dung nào họ đang thấy hữu dụng và vì sao.
- Nhận thức CNTT-TT là một phần quan trọng ngày một gia tăng của kinh nghiệm giáo dục đại học và thường là sống còn cho các sinh viên với những nhu cầu giáo dục đặc biệt. Các tổ chức của sinh viên nên cam kết tham gia trong các qui trình ra quyết định của đại học để đảm bảo rằng giải pháp CNTT-TT được chọn là trực tiếp hữu dụng đối với các sinh viên, là bao gồm và tuân thủ với các tiêu chuẩn mở hiện đang tồn tại.
- Khuyến khích sự tham gia của sinh viên trong các hoạt động hỗ trợ phát triển OER. Các tổ chức của sinh viên có thể hỗ trợ và thúc đẩy tích cực các chiến lược để cho phép các sinh viên hỗ trợ tạo nguồn, tùy biến và sản xuất OER trong mối quan hệ đối tác với các giáo viên. Hơn nữa, các tổ chức của sinh viên có thể giúp hình thành bản chất tự nhiên và chất lượng các kinh nghiệm giáo dục của sinh viên bằng việc khuyến khích và hỗ trợ sử dụng OER cho các mục đích nghiên cứu tự định hướng và, ở các mức độ tiên tiến hơn, bằng việc để các sinh viên tạo ra chương trình đào tạo / các khóa học nghiên cứu của riêng họ.
E. Chỉ dẫn cho các cơ sở đảm
bảo, cấp phép và công nhận chất lượng
Đảm
bảo chất lượng và công nhận đủ phẩm chất đã trở
thành những yếu tố trọng tâm của giáo dục đại học
ở tất cả các mức độ vì sự đa dạng ngày một gia
tăng của nó và sự di động của các sinh viên, các nhà
nghiên cứu và những người chuyên nghiệp khác.
Đảm
bảo chất lượng là trách nhiệm hàng đầu của các cơ
sở giáo dục đại học, dù các cơ sở đảm bảo chất
lượng bên ngoài đóng một vai trò cơ bản trong việc
thúc đẩy một văn hóa chất lượng thông qua sự đánh
giá các chương trình và rà soát lại các cơ chế đảm
bảo chất lượng của cơ sở. Khi đánh giá chất lượng
của việc dạy, các cơ sở đảm bảo chất lượng thường
xem xét các tài nguyên giáo dục được các cơ sở sản
xuất ra, tùy biến và sử dụng (bao gồm cả OER). Các cơ
sở đảm bảo chất lượng vì thế có vai trò trong việc
đảm bảo có các chính sách hỗ trợ cho việc sử dụng
OER.
Các
cơ sở công nhận cũng nên có một sự hiểu biết về
vai trò của OER trong giáo dục đại học để đảm bảo
nhận thức công bằng khi thẩm định chất lượng. Nhiệm
vụ của các cơ sở đảm bảo chất lượng và các cơ sở
công nhận có mối liên kết chặt chẽ với nhau, và các
cơ sở công nhận thường dựa vào các thông tin được
cung cấp từ các tài nguyên được sản xuất, được tùy
biến và được sử dụng của cơ sở được trao. Theo
ngữ cảnh này, gợi ý cho các cơ sở đảm bảo và công
nhận chất lượng:
- Gia tăng sự hiểu biết về OER và cách mà OER tác động tới việc đảm bảo và công nhận chất lượng. Điều này có thể bao gồm việc đảm bảo rằng những người chuyên nghiệp có liên quan trong đảm bảo và công nhận chất lượng nhận thức được về tầm quan trọng ngày một gia tăng của OER trong sự phát triển và sử dụng các tài nguyên giáo dục của các trường đại học. Sự chú ý đặc biệt có thể được giành cho việc sửa đổi chính sách về các quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền và việc nâng cao hiểu biết về các lựa chọn cấp phép sẵn sàng đang tồn tại cho các tài nguyên giáo dục.
- Cam kết tham gia trong các tranh luận về OER, đặc biệt về bản quyền. Giống như tất cả những người tham gia đóng góp khác trong giáo dục đại học, các cơ sở đảm bảo và các cơ sở công nhận chất lượng sẽ cần gây ảnh hưởng tới việc phát triển chính sách xung quanh OER, tập trung vào cả các cơ hội và thách thức mà OER tạo ra.
- Xem xét các tác động của OER lên sự đảm bảo và công nhận chất lượng. Khi mà OER trở nên phổ biến hơn thì tầm quan trọng ngày một gia tăng để đảm bảo rằng các nguyên tắc và qui trình đảm bảo và công nhận chất lượng hỗ trợ cho sử dụng có hiệu quả OER. Vì vậy, là quan trọng để rà soát lại vai trò và sử dụng OER trong thúc đẩy chất lượng dạy và học và phát triển các tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của sự tích hợp OER vào thực tế của đại học.
- Chấp nhận OER như là thực tế tốt trong đảm bảo và công nhận chất lượng. Nếu việc đóng góp cho OER được chấp nhận như là thực tế tốt của giáo dục đại học, thì các qui trình đảm bảo chất lượng bên ngoài có thể tái xác định phạm vi của nó và xa hơn nữa. Điều này có thể đảm bảo cho sự chuyển dịch có trọng tâm hướng tới việc nhúng sự tạo ra và sử dụng OER vào văn hóa đại học trong khi vẫn giám sát sự tích hợp của nó vào các thực tế đảm bảo chất lượng trong nội bộ.
Lời kết
Ứng
dụng và phát triển OER là một lựa chọn mới, có khả
năng đáp ứng được nhu cầu dạy và học trong kỷ
nguyên Internet với kết nối băng thông rộng trong môi
trường toàn cầu hóa, vừa là cơ hội vừa là thách thức
lớn cho giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng
của Việt Nam. Những khuyến cáo được đưa ra ở trên
cần tới một chiến lược tổng thể, cần tới sự đồng
vận của tất cả các bên liên quan, để phát huy được
sức mạnh của OER. Không có sự đồng vận đó, có thể
sẽ tạo ra những lực trái chiều, cản trở và/hoặc
triệt tiêu sự phát triển của OER. Ví dụ như các con số
hàng chục, hàng trăm các “Giáo trình các khái niệm cơ
bản về CNTT”, hoặc tổng cộng hơn 20.000 module trên
site “Thư viện học liệu mở Việt
Nam - VOER” là quá khiêm tốn khi đem ra so sánh với
các con số hàng triệu và hàng chục triệu của một vài
ví dụ trong “Tìm
kiếm và sử dụng các nguồn tư liệu mở có sẵn”
có thể minh chứng cho điều đó chăng?
Đối với Việt Nam,
nhu cầu để ứng dụng và phát triển OER tiếng Việt là
một đòi hỏi cấp bách về nhiều khía cạnh, như đã
được nêu trong các bài trước, và vì vậy, những khuyến
cáo ở trên rất cần được các cấp có thẩm quyền và
các bên liên quan trong ngành giáo dục quan tâm tới.
Trần Lê
Phỏng theo: Chỉ dẫn
về Tài nguyên Giáo dục Mở (OER) trong Giáo dục Đại
học, Khối thịnh vượng chung về học tập & UNESCO
xuất bản năm 2011.
Bài đăng trên tạp
chí Tin học & Đời sống, số tháng 04/2013, trang 58-62.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.