Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Hợp tác Việt - Úc, “Công nghệ mở - Xu thế và triển vọng”


Trong khuôn khổ hợp tác về công nghệ mở giữa Văn phòng Công nghệ Thông tin, Bộ Khoa học Công nghệ, Việt Nam và Trung tâm Công nghệ Mở (OTF), Đại học Carnergie Mellon - Úc, một loạt các cuộc tọa đàm với chủ đề “Công nghệ mở - Xu thế và triển vọng” đã lần lượt được tổ chức tại Hà Nội – 17/07/2012, Đà Nẵng – 20/07/2012 và Thành phố Hồ Chí Minh – 23/07/2012.
Đây là lần đầu tiên công nghệ mở, một vấn đề mới nổi lên trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay, đặc biệt tại các quốc gia phát triển, đã được ông Stephen Schmid, Tổng Giám đốc OTF, giới thiệu dưới dạng các thảo luận bàn tròn với các đại diện là các Giám đốc Thông tin từ khu vực nhà nước, các lãnh đạo một số trường đại học và các giám đốc một số công ty công nghệ thông tin, hầu hết đều là các thành viên của Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA).
GIẢI PHÓNG KHỎI ĐỘC QUYỀN
Các cuộc thảo luận bàn tròn lần này có mục tiêu nhằm tới việc trao đổi, thảo luận với diễn giả, ông Stephen Schmid, về hàng loạt các khái niệm mới có khả năng trở thành những thành phần của công nghệ mở đang được định hình trên thế giới hiện nay hoặc trong một tương lai gần, như chuẩn mở và giao diện mở; phần mềm tự do nguồn mở và thiết kế mở, phương pháp mở với các công cụ làm việc cộng tác trên trực tuyến một cách phân tán dựa trên các tiêu chuẩn mở và với sự lanh lẹ và thay đổi nhanh chóng của công nghệ; Thông qua những trao đổi, thảo luận để có thể giúp cho những người tham dự hiểu về một xu thế công nghệ mới đang được hình thành trên thế giới với những cơ hội và thách thức cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh những khái niệm liên quan tới định nghĩa công nghệ mở, trong bài trình bày của mình, ông Stephen Schmid còn đưa ra khái niệm mởi về Chính phủ mở như những gì đã và đang diễn ra theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay từ những ngày đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình cho tới nay, chủ yếu được dựa vào những thành phần như cộng tác mở, dữ liệu - thông tin mở, chính sách mở và các công nghệ mở.
Điều được nhấn mạnh đặc biệt và có tính bắt buộc không thể thiếu trong công nghệ mở chính là các chuẩn mở vì chỉ với chúng thì mới có thể đem lại tính tương hợp liên thông cho các hệ thống thông tin khác nhau với các ứng dụng, dịch vụ với các công nghệ khác nhau, các mô hình phát triển phần mềm khác nhau, bất kể chúng là tự do nguồn mở hay sở hữu độc quyền.
Sở dĩ các công nghệ mở ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng với các chính phủ trên thế giới vì nó giúp cho các chính phủ giải quyết được những vấn đề nan giải mà họ đang gặp phải ngày nay như sức ép về tính hiệu lực, tính hiệu quả, tính bền vững trong phát triển với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước của hầu hết các quốc gia ngày càng bị thắt chặt, suy giảm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu cùng với sự soi xét kỹ lưỡng ngày một gia tăng đối với các chi tiêu công của nhiều quốc gia từ những đồng tiền đóng thuế của các công dân của họ.
Để có thể giải quyết vấn đề sức ép về tính hiệu lực - hiệu quả và phát triển bền vững, tránh bị khóa trói vào các nhà cung cấp sở hữu độc quyền, thì một trong những biện pháp mà các quốc gia hướng tới là tự giải phóng mình khỏi sự khóa trói vào các nhà cung cấp sở hữu độc quyền, để các chính phủ được tự do lựa chọn và quyết định khi nào, bằng cách nào, vì sao và cái gì cần được cập nhật - nâng cấp trong các hệ thống thông tin của mình theo các nhu cầu của chính mình, chứ không phải phụ thuộc vào ý chí, mong muốn và lòng tham của các nhà cung cấp sở hữu độc quyền. Cũng chính vì lý do này, như trong bài trình bày của mình, ông Stephen Schmid nhấn mạnh rằng, “Các chính phủ phải chấm dứt thị trường không làm chủ được và chỉ có vài nhà cung cấp lớn độc quyền cung cấp CNTT-TT của mình”, để có thể tạo một sân chơi bình đẳng cho các công ty địa phương cạnh tranh phát triển, mà cụ thể hơn nữa, như trích dẫn của Giáo sự Porter: “Các hợp đồng của chính phủ địa phương cần phải đi tới các công ty địa phương để thúc đẩy đổi mới và có được hiệu quả kinh tế qui mô lớn”.
CHÍNH SÁCH MỞ THÔI VẪN CHƯA ĐỦ
Để có thể làm được như vậy cũng không phải dễ dàng, vì, như theo ông Stephen Schmid, các chính phủ sẽ gặp phải vô số các rào cản, đặc biệt là thói quen của người sử dụng và những điều đơm đặt từ những nhà cung cấp sở hữu độc quyền khi họ đưa ra những điều gây sợ hãi, không chắc chắn, gây ngờ vực (FUD) và những chuyện hoang đường không có thật về các công nghệ mở, một trong những ví dụ đó, như ông Stephen Schmid đưa ra, là chuẩn XML cho việc trao đổi các dữ liệu - thông tin của các nhà cung cấp sở hữu độc quyền là hoàn toàn khác với chuẩn XML mở mà các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc tế như W3C và OASIS đưa ra và/hoặc thừa nhận.
Về xu thế hiện nay trên thế giới, ông nói rằng, các chính phủ trên thế giới cần ủng hộ mạnh mẽ hoặc bắt buộc về nguồn mở trong các chính sách của mình với các mục tiêu cụ thể và đưa ra các yêu cầu có liên quan tới công nghệ mở trong các vụ đấu thầu mua sắm phần mềm, các hệ thống CNTT-TT. Một số nơi trên thế giới đã thực hiện những việc làm như trên, cho dù kết quả của việc áp dụng chúng vào trong thực tế còn chậm. Ông lưu ý rằng, việc các chính phủ chỉ có chính sách tốt về các công nghệ mở là chưa đủ, mà còn cần tới sự phối hợp cộng tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong các tiến trình phát triển, triển khai và áp dụng các công nghệ mở giữa các khu vực nhà nước - giới công nghiệp - giới hàn lâm viện trường trong cùng một quốc gia, giữa các quốc gia và với các liên minh nguồn mở trên thế giới. Một trong những ví dụ được nêu là bản thân OTF đã dựa vào nền tảng tự do nguồn mở Joinup của Liên minh châu Âu (https://joinup.ec.europa.eu/) để tùy biến và phát triển thành một nền tảng mới cho các nhu cầu của Úc và New Zealand, được phát hành vào tháng trước, có tên gọi là Openray (https://www.openray.org/).
Trong quá trình trao đổi thảo luận, nhiều câu hỏi đã được đưa ra về những thành phần trong khái niệm về công nghệ mở, chính phủ mở; những ví dụ của nước Úc trong việc vượt qua các rào cản thông qua việc chia sẻ và cộng tác để ứng dụng các công nghệ mở trong thực tiễn và nhiều câu hỏi có liên quan khác. Một trong những ví dụ điển hình được đưa ra là 5 ứng dụng nghiệp vụ sống còn của Ủy ban Tư pháp bang New South Wales như (1) Hệ thống hỗ trợ quyết định; (2) Hệ thống quản lý vụ kiện; (3) Hệ thống quản lý tội phạm; (4) Hệ thống xuất bản bằng XML và (5) Hạ tầng mạng; tất cả đều được xây dựng bằng công nghệ mở, với các tiêu chuẩn mở và phần mềm tự do nguồn mở, chạy liên tục 24x7x365 từ năm 1994 cho tới nay.
Trước khi kết thúc bài trình bày của mình, ông giới thiệu về OTF - với vai trò dẫn dắt thiết lập của Đại học Carnegie Mellon - Úc (CMU-A) - như một Trung tâm chuyên trách cho việc hỗ trợ cho các chính phủ các bang của Úc và New Zealand trong việc tiếp thu một cách bền vững các công nghệ mở dựa vào việc kết nối mọi người từ các khu vực nhà nước - các công ty trong giới công nghiệp và các viện trường trong giới hàn lâm thông qua các hoạt động trao đổi tri thức; chia sẻ các nỗ lực và giải pháp; nghiên cứu; tư vấn và cố vấn. Ông hy vọng việc hợp tác giữa OTF và đối tác Việt Nam sẽ mang lại được những kết quả tốt cho cả 2 bên, thắt chặt mối quan hệ cộng đồng các công nghệ mở và phần mềm tự do nguồn mở vì sự phát triển CNTT-TT bền vững của 2 quốc gia và các nước trong khu vực.
CÁC BÀI TRÌNH BÀY KHÁC TRONG CÁC CUỘC TỌA ĐÀM
Ngoài bài trình bày chính của ông Tổng Giám đốc OTF, còn có các bài trình bày với các nội dung về “Các rào cản đối với việc ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở và các cách thức cộng tác để vượt qua” do ông Lê Trung Nghĩa, Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường Khoa học và Công nghệ, Bộ KHCN, trình bày và “Mô hình cộng tác phát triển phần mềm nguồn mở: kinh nghiệm quốc tế và cơ hội cho Việt Nam” của Tiến sĩ Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam (NISCI), Bộ Thông tin và Truyền thông, trình bày.
CÁC HOẠT ĐỘNG BÊN LỀ
Trong chuyến công tác lần này sang Việt Nam, Tổng Giám đốc OTF đã tới thăm và làm việc với Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, Đại học Hoa Sen và Công ty Cổ phần Lạc Tiên - thành viên VFOSSA khu vực phía Nam.
Trần Lê
Bài đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống số tháng 08/2012, trang 64-65.
PS: Xem video clip của VTV2 nhân sự kiện này ở đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.