Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

Một ý kiến về vấn đề bản quyền phần mềm tại Đối thoại thương mại Việt - Mỹ về ICT

Hà Nội, ngày 12/05/2010, khách sạn Sofitel Plaza, Hà Nội.

Có những sự việc gần đây chúng tôi rất quan tâm vì chúng có thể ảnh hưởng tới các chính sách của chính phủ Việt Nam về công nghệ thông tin và truyền thông, tới các vấn đề liên quan tới tính mở và an ninh các hệ thống thông tin như được đề cập tới trong bài phát biểu của bà Cora Dickson, chuyên gia cao cấp về thương mại quốc tế của Cơ quan Thương mại Quốc tế USDOC đã nêu trong bài trình bày về chính sách công nghệ thông tin hiện hành của chính phủ Hoa Kỳ.

  1. Được biết, vào đúng ngày này một tháng trước, ngày 12/04/2010, Văn phòng Kiểm toán Liên bang Mỹ GAO (Government Accountability Office), đã đưa ra báo cáo “Sở hữu trí tuệ, Những nghiên cứu về những nỗ lực để lượng hóa những ảnh hưởng về kinh tế của những hàng hóa làm giả và ăn cắp” đối với nền kinh tế Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ. Một trong những kết luận của nghiên cứu này chỉ ra rằng những báo cáo với phương pháp tính và các con số thống kê của nhiều tổ chức, trong đó có của BSA-IDC về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở cả nước Mỹ cũng như trên thế giới là không đáng tin cậy, khi mà phương pháp tính toán đã xác định sự khác biệt giữa tổng số những phần mềm được cài đặt và tổng số những phần mềm được bán, và phạm vi của nó có liên quan chỉ tới những phần mềm đóng gói một cách vật lý. Trong khi đó thì các phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM) chủ yếu được tải xuống một cách tự do từ Internet, cả cho các máy tính cá nhân để bàn, xách tay, các máy chủ và các thiết bị khác. Đề nghị cho biết quan điểm của Chính phủ Mỹ về vấn đề này là như thế nào?

  2. Trong tháng 02/2010, Hiệp hội Sở hữu Trí tuệ Quốc tế IIPA (International Intellectual Property Association), mà BSA là một thành viên, đã đưa ra các “Báo cáo đặc biệt 301 năm 2010”, trong đó có liệt kê một số quốc gia là Brasil, Ấn Độ, Indonesia, Philippine, Thailand và Việt Nam vào danh sách đen, được đề nghị lên Đại diện Thương mại Mỹ USTR để gây sức ép về kinh tế đối với các quốc gia này. Được biết, nhiều tổ chức như Quỹ Phần mềm Tự do FSF, Tổ chức Sáng kiến Nguồn Mở OSI, Hội Phần mềm Nguồn Mở Vì nước Mỹ OSFA và toàn thể cộng đồng PMTDNM toàn thế giới rất bất bình và phản đối sự việc này của IIPA và khẳng định rằng: (1) PMTDNM là sở hữu trí tuệ; (2) PMTDNM là khuyến khích cạnh tranh thị trường và (3) PMTDNM hiện đang được sử dụng trong mọi cấp độ của chính phủ Mỹ. Đề nghị cho biết quan điểm của chính phủ Mỹ về việc này và việc liệu những việc làm của IIPA có đi ngược lại với sáng kiến về chính sách Chính phủ Mở (Open Government) của chính phủ Mỹ của tổng thống Barack Obama hay không?

  3. Chúng tôi hiểu rằng, với phần mềm nguồn đóng, chúng tôi chỉ có thể sử dụng được nó; trong khi với PMTDNM, chúng tôi không những sử dụng được nó, mà còn biết nó chạy như thế nào và vì sao. Người Việt Nam có câu: Bạn bè giúp đỡ nhau thì thì tạo điều kiện cho nhau cái cần câu, hơn là cho nhau con cá. Hy vọng nhóm làm việc về đối thoại thương mại Việt - Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông sẽ làm việc trên tinh thần này.

Về những câu hỏi liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ ở trên, đại diện của BSA cho rằng, phương pháp tính toán và các con số thống kê về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam được thực hiện bởi IDC không chỉ cho Việt Nam, mà cho chung đối với tất cả các quốc gia khác trên thế giới và BSA sẽ nghiên cứu những phương pháp mới, phù hợp với những thay đổi hiện nay.

Bà Mary Saunders, Cục trưởng (Deputy Assistant Secretary) của Bộ Thương mại Mỹ nói những báo cáo của BSA-IDC hay IIPA là những nghiên cứu của các tổ chức từ khu vực tư nhân. Chính phủ Mỹ có những nghiên cứu riêng và không vì những lý do trên mà có thể đưa Việt Nam vào trong danh sách đen được. Bà thông báo rằng đối với Chính phủ Mỹ, không phân biệt công nghệ gì, miễn là đáp ứng được các nhu cầu công việc của Chính phủ.

Blogger: Lê Trung Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.