Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Khung tương hợp Quốc gia Tây Ban Nha, liệu chúng ta có thể học được gì từ đó?

“Khi các lựa chọn thay thế mở là sẵn sàng, thì không một công dân hay một công ty nào bị ép hoặc khuyến khích sử dụng công nghệ của một công ty cụ thể nào đó để truy cập được tới các thông tin của chính phủ. Không một công dân hay một công ty nào bị ép hoặc khuyến khích chọn một công nghệ nào hơn công nghệ nguồn mở [gồm chuẩn mở và phần mềm tự do nguồn mở], mà chính phủ phải tiến hành lựa chọn đó trước tiên”.

Neelie Kroes, Ủy viên hội đồng về Cạnh tranh của Liên minh châu Âu.

1. Tổng quan

Các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, đều xây dựng các ứng dụng, dịch vụ chính phủ điện tử (CPĐT) của quốc gia mình, thậm chí liên minh mà trong đó có quốc gia mình, dựa trên một khung tương hợp CPĐT và/hoặc kiến trúc tổng thể cho CPĐT mức quốc gia và/hoặc dựa trên cả 2.

Trong những tài liệu như vậy, điều quan trọng bậc nhất được đề cập tới chính là tính tương hợp giữa các hệ thống thông tin, làm sao cho thông tin giữa các hệ thống của các cơ quan khác nhau của chính phủ, như các tỉnh - thành phố - bộ - ngành chẳng hạn, có thể trao đổi được với nhau và sử dụng được những thông tin trao đổi đó một cách dễ dàng, trơn tru, an toàn và có hiệu quả. Tới lượt mình, tính tương hợp có thể đạt được nhờ vào sự lựa chọn và tuân thủ các bộ tiêu chuẩn, đặc biệt là các chuẩn mở, và tuân thủ kiến trúc của các hệ thống thông tin được thiết kế ở mức quốc gia.

Trong CPĐT, người ta thường ví bộ các tiêu chuẩn được lựa chọn như là bộ luật mà mọi người phải tuân thủ, còn kiến trúc như là quy hoạch của một đô thị vậy. Trong cái quy hoạch đó, mọi tài nguyên của hệ thống đều được đưa ra và được sắp xếp sao cho những tài nguyên đó có thể sử dụng và sử dụng lại một cách có hiệu quả nhất trên cơ sở của bộ luật được chọn nêu ở trên, để phục vụ cho mục tiêu cuối cùng của CPĐT là cung cấp được các dịch vụ công của chính phủ tới được những người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ khác một cách nhanh chóng và có hiệu quả về chi phí, qua đó, làm tăng hiệu quả và năng suất quản lý và điều hành của chính phủ đối với các công việc của mình.

Các tiêu chuẩn cũng như kiến trúc hệ thống thông tin được đề cập tới trong CPĐT đều là những yếu tố biến đổi theo thời gian, theo sự tiến hóa của công nghệ và nhu cầu đáp ứng các nghiệp vụ của các cơ quan chính phủ.

Cho tới nay, trên thế giới có nhiều quốc gia có những tài liệu như vậy, ví dụ như:

2. Khung Tương hợp Quốc gia Tây Ban Nha

Tháng 01/2010, khung tương hợp CPĐT của Tây Ban Nha ra đời, có lẽ đây là một trong những khung mới nhất hiện nay. Nó đề cập tới những nội dung cơ bản nhất để có thể xây dựng thành công các ứng dụng và dịch vụ CPĐT không chỉ tại Tây Ban Nha, mà còn trong ngữ cảnh chung của các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Mục tiêu của khung là đưa ra các tiêu chí và khuyến cáo về an ninh, tiêu chuẩn hóa và sự duy trì của thông tin, các định dạng và các ứng dụng, mà các cơ quan hành chính nhà nước sẽ phải tính tới, để đảm bảo một mức độ phù hợp đối với tính tương hợp về tổ chức, ngữ nghĩa và kỹ thuật của dữ liệu, thông tin và các dịch vụ mà các cơ quan này quản lý để thực thi các nhiệm vụ của mình và để tránh sự phân biệt đối xử đối với các công dân vì sự lựa chọn các công nghệ của họ.

Khung cũng tính tới các khuyến cáo của EU trong Khung tương hợp châu Âu về CPĐT của Chương trình CPĐT của EU IDABC, tính tới các công cụ quản lý khác của chính phủ Tây Ban Nha như Khung An ninh Quốc gia, các sắc lệnh và chỉ thị của nhà Vua Tây Ban Nha, cũng như các kế hoạch hành động về CPĐT để đảm bảo tính tương hợp và các khía cạnh có liên quan khác.

Toàn bộ nội dung của khung gồm 12 chương, 29 điều, không kể một số điều bổ sung khác, đều toát lên được những vấn đề được đề cập tới trong phần mục tiêu ở trên, cụ thể thông qua các điểm như:

  • Tính tương hợp về tổ chức, ngữ nghĩa và kỹ thuật của dữ liệu, thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó nhấn mạnh đặc biệt tới việc sử dụng các tiêu chuẩn mở, không phụ thuộc vào các nhà cung cấp, sao cho các dịch vụ và ứng dụng CPĐT cung cấp cho người dân và doanh nghiệp phải là phù hợp, có thể trực quan được, có thể truy cập được và tránh sự phân biệt đối xử đối với các công dân về sự lựa chọn công nghệ của họ.

  • Tính có thể sử dụng lại được và mối quan tâm đặc biệt về chuyển giao công nghệ thông qua việc tránh tối đa việc chiếm hữu độc quyền của bên thứ 3 đối với không chỉ các ứng dụng phần mềm, mà còn cả các tài liệu đi kèm theo nó và khuyến khích việc chuyển giao phần mềm, tài liệu, công nghệ tuân thủ theo các nguyên tắc của phần mềm tự do như: (1) sử dụng theo bất kỳ mục đích gì; (2) có mã nguồn; (3) sửa đổi và cải tiến được; (4) Có thể phân phối lại được cho những người khác có hoặc không có phí đối với các công việc dẫn xuất có được 4 sự đảm bảo vừa nêu.

Hai điểm nêu trên là không khác gì so với những nguyên tắc mà Ủy viên hội đồng về Cạnh tranh của Liên minh châu Âu đã nêu: “Khi các lựa chọn thay thế mở là sẵn sàng, thì không một công dân hay một công ty nào bị ép hoặc khuyến khích sử dụng công nghệ của một công ty cụ thể nào đó để truy cập được tới các thông tin của chính phủ. Không một công dân hay một công ty nào bị ép hoặc khuyến khích chọn một công nghệ nào hơn công nghệ nguồn mở [gồm chuẩn mở và phần mềm tự do nguồn mở], mà chính phủ phải tiến hành lựa chọn đó trước tiên”.

  • Tính tương hợp trong các chữ ký điện tử mà các nhà cung cấp các dịch vụ chứng thực phải đảm bảo cả về tính tương hợp về tổ chức, ngữ nghĩa và kỹ thuật, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và châu Âu, sao cho các cơ quan và cá nhân sử dụng các chứng chỉ và chữ ký điện tử được thuận tiện, an ninh, an toàn và không bị khóa trói vào bất kỳ nhà cung cấp nào.

  • Việc lưu trữ các hồ sơ điện tử, đối với các cơ quan nhà nước có trách nhiệm và liên quan, phải đảm bảo tính tương hợp trong việc tìm mang, cũng như đảm bảo an ninh, an toàn, tính toàn vẹn của dữ liệu, thông tin trong suốt vòng đời của chúng.

  • Các qui định về sự tuân thủ, những điều mà các đối tượng tham gia trong các dịch vụ CPĐT phải tuân thủ khung tương hợp quốc gia này.

  • Các vấn đề cập nhật đưa ra những chỉ dẫn nhằm duy trì và cập nhật liên tục cho khung, lưu ý rằng khung sẽ được phát triển và cải tiến, qua thời gian, cùng một lúc đối với sự tiến bộ của các dịch vụ CPĐT, sự tiến bộ của công nghệ và với sự tăng cường của các hạ tầng hỗ trợ.

3. Thay cho lời kết

Khung tương hợp quốc gia Tây Ban Nha không chỉ đưa ra các tiêu chí và khuyến cáo về an ninh, tiêu chuẩn hóa và sự duy trì của thông tin, các định dạng và các ứng dụng cho các cơ quan hành chính nhà nước khi cung cấp các dịch vụ CPĐT cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính nhà nước khác phù hợp với sự lựa chọn công nghệ của người dân Tây Ban Nha, mà còn tính tới khả năng mở rộng ra được đối với các ứng dụng và dịch vụ CPĐT ở mức độ của tất cả các nước thành viên của EU, hiểu theo nghĩa là bất kỳ người dân nào trong các quốc gia thành viên EU cũng có thể sử dụng được các dịch vụ CPĐT của Tây Ban Nha, và ngược lại, người dân Tây Ban Nha cũng có thể hưởng lợi được từ việc sử dụng các dịch vụ CPĐT của các quốc gia thành viên khác của EU, trên cơ sở của Khung tương hợp cho các dịch vụ CPĐT liên châu Âu.

Đây chính là khía cạnh mà các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm xây dựng các ứng dụng, dịch vụ CPĐT tại Việt Nam có thể học hỏi được nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay từ khung tương hợp quốc gia như của Tây Ban Nha, khi mà tại Việt Nam còn chưa tồn tại một khung tương hợp quốc gia một cách chính thức để có thể đưa ra những chỉ dẫn và khuyến cáo từ mức chính phủ trung ương xuống cho hơn 100 đơn vị trực thuộc chính phủ một cách thống nhất, thì rất có thể chúng ta đang xây dựng không phải CPĐT, mà chúng ta đang xây dựng tỉnh - thành phố hoặc bộ - ngành điện tử, nơi mà tính tương hợp CPĐT cả về tổ chức, ngữ nghĩa và kỹ thuật giữa hơn 100 đơn vị này sẽ hầu như không có bất kỳ cách gì, bất kỳ cơ hội nào để có thể thực hiện được.

Có thể, chúng ta sẽ phải thay đổi lại chiến lược ngay từ bây giờ, khi mọi thứ còn chưa quá muộn?

Khung tương hợp quốc gia Tây Ban Nha, bản gốc tiếng Tây Ban Nha, bản tiếng Anhtiếng Việt.

Trần Lê

Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 9/2010, trang 72-73.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.