Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Bằng sáng chế phần mềm - nguy cơ tuyệt chủng của các công ty phần mềm Việt Nam?


Như thường lệ, ít ai quan tâm và phân biệt giữa bản quyền phần mềm và bằng sáng chế phần mềm, và điều đó là đúng ngay cả đối với những người lâu năm làm việc trong các công ty phần mềm tại Việt Nam. Cho dù, cũng như thường lệ, bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy chúng với một chút thời gian tìm kiếm trên Google với những cụm từ tiếng Anh: (1) Bản quyền phần mềm: Software Copyright; (2) Bằng sáng chế phần mềm: Software Patent.
Trên các trang wiki có những định nghĩa và vô số các thông tin liên quan về 2 khái niệm đó từ nhiều đường liên kết mà bạn có thể đọc ngày này qua ngày khác để tìm hiểu về chúng.
Bản quyền phần mềm, định nghĩa
Bản quyền phần mềm là quyền theo luật bản quyền, có hiệu lực vào thời điểm chương trình phần mềm gốc lần đầu tiên được tung ra, được thể hiện và/hoặc trình bày ở dạng được viết hoặc gõ ra.
Bản quyền phần mềm trao cho những người nắm giữ bản quyền các quyền độc chiếm để làm những việc nhất định nào đó với chương trình phần mềm mà những người khác không thể làm mà không có sự cho phép của những người nắm giữ bản quyền. Thường thì các quyền độc chiếm đó bao gồm:
  • Việc sao chép bản gốc để tạo ra các bản sao
  • Việc sửa đổi để tạo ra các chương trình phần mềm dẫn xuất
  • Việc phân phối các bản sao của các chương trình phần mềm gốc ban đầu
  • Việc phân phối các bản sao của các chương trình phần mềm dẫn xuất
Người nắm giữ bản quyền có thể trao một giấy phép cho ai đó khác để sao chép, sửa đổi, hoặc phân phối một chương trình phần mềm, có thể với những hạn chế hoặc những điều kiện cụ thể nào đó.
Các công ty phần mềm sở hữu độc quyền sử dụng bản quyền phần mềm để ngăn chặn việc sao chép các phần mềm của họ khi không được phép thông qua các giấy phép như Thỏa thuận Giấy phép cho Người sử dụng Đầu cuối EULA (End User License Agreement).
Theo một cách thức tương tự nhưng ngược lại, các công ty kinh doanh dịch vụ xung quanh các phần mềm tự do nguồn mở sử dụng bản quyền phần mềm thông qua các giấy phép đi kèm theo chương trình phần mềm, ví dụ như loại Copyleft, cụ thể như Giấy phép Công cộng Chung GPL (General Public License), để áp đặt nghĩa vụ phải chia sẻ phần mềm khi phân phối tới những người sử dụng khác với cùng các điều khoản ghi trong giấy phép GPL gốc ban đầu, dù phần mềm đó là sao chép y hệt bản gốc ban đầu hay đã được sửa đổi khác đi so với bản gốc ban đầu của phần mềm.
Các nghĩa vụ như vậy không áp dụng cho các phần mềm trong miền công cộng. Để làm rõ hơn, thì miền công cộng là nơi mà người viết ra chương trình phần mềm từ bỏ các quyền sở hữu trí tuệ của họ đối với phần mềm mà họ viết ra. Cả 2 loại phần mềm nêu ở trên, đều không nằm trong miền công cộng và đều tuân thủ theo luật bản quyền.
Hầu hết các chính phủ trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều có các chính sách tuân thủ bản quyền nói chung, bản quyền phần mềm nói riêng. Điều này là cần thiết để khuyến khích sự đổi mới sáng tạo vốn là mục tiêu gốc ban đầu của luật bản quyền.
Bằng sáng chế, định nghĩa và sự gây tranh cãi khi áp dụng vào cho phần mềm
Bằng sáng chế đề cập tới quyền sở hữu đối với bản thân ý tưởng sáng tạo.
Bằng sáng chế trao cho người sở hữu quyền loại trừ những người khác khỏi làm những việc nhất định nào đó với sở hữu trí tuệ được cấp bằng sáng chế, bao gồm quyền của người nắm giữ bằng sáng chế để loại trừ những người khác khỏi:
  • Việc làm ra các sản phẩm thể hiện sáng tạo được cấp bằng sáng chế của họ.
  • Việc sử dụng các sản phẩm thể hiện sáng tạo của họ.
  • Việc bán hoặc chào bán các sản phẩm thể hiện sáng tạo của họ.
  • Việc nhập khẩu các sản phẩm thể hiện sáng tạo được cấp bằng sáng chế của họ.
Khi (các) bằng sáng chế được áp dụng vào trong (các) chương trình phần mềm thì được gọi là (các) bằng sáng chế phần mềm. Công việc này hiện còn gây tranh cãi cao độ; nhiều quốc gia tuyệt đối cấm việc này.
Ngay tại nước Mỹ, phần mềm từng không được cấp bằng sáng chế trong nhiều năm, và trong những năm đó đã có một số lượng lớn những đổi mới sáng tạo được tạo ra, là bằng chứng tuyệt vời rằng các bằng sáng chế là không cần thiết đối với đổi mới sáng tạo trong phần mềm.
Một chút về lịch sử ra đời của các bằng sáng chế
Bằng sáng chế được biết tới từ thế kỷ 15, khoảng hơn 500 năm trước, khi các quý tộc nước Anh đưa ra như là “bằng sáng chế văn học”. Gọi là “bằng sáng chế” vì nó sẽ được mở ra cho mọi người xem, chứ không phải bị đóng xi lại vĩnh viễn. Theo nghĩa đen, bất chấp gốc gác “quý tộc Anh”, về cơ bản chúng là công cụ để “ăn cắp” tri thức từ những miền đất khác bằng việc đưa ra 20 năm độc quyền khai thác bằng sáng chế tại nước Anh để tưởng thưởng cho những người có công mang tri thức đó từ nước ngoài vào nước Anh.
Tiếp cận này đã từng có ý nghĩa, vì 500 năm trước đổi mới sáng tạo là hãn hữu. Đã không có nhiều tri thức thực hành, nghĩa là công nghệ, và rất ít người đã sở hữu nó. Theo quan điểm thực dụng của người hám lợi hoàn toàn hợp lý tương ứng khi đó, cách duy nhất để có được tri thức đó là lấy nó từ ai đó khác, sử dụng sự độc quyền như một động lực.
Hệ thống này đã làm việc khá tốt vì khá ít bằng sáng chế từng được trao. Khi các vua chúa có quan tâm trong việc nhập khẩu các công nghệ chủ chốt nhất định nào đó, thì trao 20 năm độc quyền cho mỗi trong số các công nghệ đó từng là một cái giá nhỏ phải trả.
Còn bây giờ thì sao? Vào năm 2009, 482.871 ứng dụng bằng sáng chế đã được Văn phòng Thương hiệu và Bằng sáng chế Mỹ - USPTO (United States Patent and Trademark Office) cấp, và 150.000 cái khác của châu Âu. Nhật Bản và Trung Quốc có lẽ bổ sung thêm các con số tương tự. Tất cả, có khoảng 750.000 ứng dụng bằng sáng chế trên thế giới. Hiện nay, các ứng dụng không là y hệt các bằng sáng chế, nhưng điều này ít nhất đưa ra một ý tưởng về phạm vi của vấn đề.
Đối với những quốc gia coi trọng bằng sáng chế trong phần mềm, thì rõ ràng, các bằng sáng chế phần mềm là những độc quyền được các chính phủ đó bảo trợ. Về lý thuyết, các công ty có các bằng sáng chế phần mềm để tưởng thưởng cho sự đổi mới sáng tạo, nhưng trên thực tế, điều đó hiện nay lại đang không xảy ra.
Các bằng sáng chế phần mềm đang cản trở đổi mới sáng tạo trong phần mềm
Với sự bùng nổ của Internet và các mạng xã hội như ngày nay, khi mà văn hóa chia sẻ tri thức được thực hiện trên một phạm vi toàn cầu với một tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử, theo thời gian thực, thì những phát minh sáng chế, đặc biệt trong phần mềm máy tính, được thực hiện cũng với tốc độ tương tự và với một số lượng những người phát minh sáng chế thông qua sự lập trình của họ cho các phần mềm máy tính là đông vô số. Nói một cách khác, sự thừa thãi về khả năng phát minh sáng chế hiện nay nằm ở 2 yếu tố, tốc độ và số lượng đông vô số người phát minh sáng chế.
Khi mà các phát minh sáng chế ngày nay không còn khó tìm nữa, mà ngược lại, chúng là thừa thãi, thì lẽ ra có thể được xem là tin tốt lành. Tuy nhiên, vì theo định nghĩa thì bằng sáng chế là để loại trừ mọi người khỏi việc sử dụng tri thức được cấp bằng sáng chế, nó có lẽ lại là một tin xấu cho chính sự đổi mới sáng tạo.
Trong lĩnh vực phần mềm, một số người cho rằng phải có bằng sáng chế phần mềm thì mới có động lực để phát triển phần mềm. Lý lẽ này hầu như chỉ là ngụy biện, vì phát minh sáng chế trong phần mềm bản thân nó không phải là sự kết thúc, mà là một biện pháp để có được những lợi nhuận dẫn xuất từ việc sản xuất và bán hàng đi với phát minh sáng chế đó. Mọi người sẽ tiếp tục phát minh sáng chế mà không cần các bằng sáng chế vì họ hy vọng kiếm được tiền từ các phát minh sáng chế của họ. Trên thực tế, động lực để phát triển phần mềm là nhanh chóng tạo ra các sản phẩm phần mềm để đưa ra thị trường với nhiều tính năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường một cách nhanh nhất và mong đợi có được phần thưởng kinh tế bằng tiền cho những phát minh sáng chế được đúc kết trong sản phẩm phần mềm đó mà không nhất thiết phải có những bằng sáng chế phần mềm.
Lý lẽ tiêu chuẩn chống lại việc thủ tiêu các bằng sáng chế phần mềm là mọi người sẽ không đầu tư vào nghiên cứu sản phẩm vì ai đó có thể “ăn cắp” phát minh sáng chế của họ sau đó. Điều này chắc chắn đúng là những người khác sẽ có khả năng sử dụng các phát minh sáng chế đó, nhưng chỉ khi chúng được tung ra thị trường, nằm trong các sản phẩm. Điều này đưa ra một ưu điểm động lực sống còn trước nhất cho công ty đã phát minh sáng chế ra nó - chính xác những gì cần thiết để xác lập một vị thế chỉ huy trong thị trường.
Vấn đề này là rõ nhất trong thế giới các bằng sáng chế phần mềm. Phần mềm phức tạp không thể tránh khỏi có chứa hàng trăm, có thể hàng ngàn các đơn vị con nhỏ hơn, thường là các module. Nhiều trong số này bây giờ bị các bằng sáng chế chi phối mà các lập trình viên khi phát triển phần mềm chẳng hề quan tâm và thậm chí có muốn quan tâm cũng không biết được mình có thể đang dẫm phải bằng sáng chế nào đó, của ai đó, ở đâu đó một cách ngẫu nhiên trên thế giới hay không. Hầu như không thể có việc một phần mềm nào đó được tạo ra chỉ bằng những bằng sáng chế phần mềm của chính công ty tạo ra nó, đặc biệt đối với các dự án phần mềm lớn, được tạo ra từ vô số các phần mềm nhỏ hơn. Điều này là đúng, bất chấp công ty phần mềm lớn cỡ nào.
Một khía cạnh khác, là kể cả cho dù các Văn phòng Bằng sáng chế ở các quốc gia trên thế giới có công tâm mấy khi xét duyệt trao các bằng sáng chế phần mềm, thì cũng không có cách gì để có thể kiểm soát hết nổi đâu là những bằng sáng chế đã được hay chưa được cấp vì chúng không phải là một việc dễ dàng để phân định với đủ mọi lý do. Và khi mà số lượng các bằng sáng chế là cỡ gần hàng triệu và ngày một gia tăng như hiện nay, thì hầu như khả năng để không vi phạm bằng sáng chế nào khi phát triển phần mềm hầu như không xảy ra, không thực tế.
Chiến tranh bằng sáng chế phần mềm và sự lượng hóa bằng sáng chế phần mềm thành tiền
Các số liệu thống kê cho thấy, số lượng các bằng sáng chế phần mềm hiện nay trên thế giới, mà nhiều nhất là tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... là tăng nhanh chóng, gấp tới 5 lần trong vòng 15 năm qua và đã đạt tới con số 40.000 bằng sáng chế được cấp phát mới mỗi năm. Cùng với số lượng gia tăng các bằng sáng chế thì số lượng các vụ kiện vi phạm các bằng sáng chế của nhau giữa các công ty cũng đã tăng 8 lần trong cùng khoảng thời gian.
Các bằng sáng chế, nhất là các bằng sáng chế phần mềm, đã trở thành một thứ hàng hóa cho các hãng lớn và các quỷ lùn bằng sáng chế (Patent Troll) đua nhau bỏ tiền ra mua sắm. Một vài ví dụ về mua sắm các bằng sáng chế gần đây.

Thời gian
Các công ty tham gia
Số lượng bằng sáng chế (BSC)
Tổng số tiền
08/2011
Google, Motorola Mobile
17.000 BSC đã được trao và 7.500 BSC chờ được trao
12.5 tỷ USD
07/2011
Apple, Microsoft, EMC, Nortel...
4.5 tỷ USD
01/2011
Attachmate, Novell
2.2 tỷ USD
Năm 2010
Oracle, Sun Microsystems
7.4 tỷ USD
Tổng:
26.6 tỷ USD

Chỉ qua một vài vụ mua sắm ở trên, ta có thể nhận thấy, bên cạnh những sản phẩm và công nghệ của công ty được đưa ra mua sắm, là số lượng lớn các bằng sáng chế được chuyển chủ sở hữu với số tiền khổng lồ, giống như việc lượng hóa các bằng sáng chế thành tiền đằng sau các vụ mua sắm đó.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc chạy đua mua sắm các bằng sáng chế phần mềm như hiện nay có xuất phát điểm từ cuộc chiến tranh các phần mềm hệ điều hành cho các thiết bị di động cùng với các cơ hội của chúng trong buôn chứng khoán, phục kích, chống đỡ, tấn công và phản công lẫn nhau giữa các công ty là dồi dào và hấp dẫn. Các doanh nghiệp, bao gồm các quỷ lùn bằng sáng chế, đơn giản đang khai thác các cơ hội đang hiện diện, thậm chí bao gồm cả các cơ hội do một vài chính phủ tạo ra trong hệ thống bằng sáng chế của quốc gia mình.
Điều tồi tệ là chúng đã đánh mất ý nghĩa lớn nhất và cơ bản nhất cho sự hiện diện của chính chúng, là để khuyến khích sự đổi mới sáng tạo. Thay vào đó, là những kiện tụng pháp lý triền miên, liên tục như hiện nay có liên quan tới những tố cáo lẫn nhau về vi phạm các bằng sáng chế phần mềm với những chi phí kiện tụng khổng lồ đã tạo ra một bức tranh phản cảm mà ai cũng có thể nhận thấy. Không có công ty phần mềm nào có lợi trong những cuộc chiến tốn kém như thế này.
Bằng sáng chế phần mềm và hiện trạng của các công ty phần mềm Việt Nam
Khi tranh luận gần đây về vấn đề bản quyền và bằng sáng chế phần mềm nổ ra trên diễn đàn ICT-VN, một diễn đàn gồm các nhà nghiên cứu, giảng dạy, triển khai và quản lý công nghệ thông tin và truyền thông từ các trường, viện, công ty và cơ quan, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, một vài bằng sáng chế phần mềm từng nằm trong vụ kiện vào đầu năm 2011 tại Mỹ giữa 2 hãng Microsoft và Barnes & Noble, đã được đưa ra để làm ví dụ để xem liệu các công ty phần mềm Việt Nam có vô tình vi phạm chúng hay không, cụ thể các bằng sáng chế mà:
  1. Trao cho mọi người các cách thức dễ dàng để di chuyển qua các thông tin được đưa ra bởi các ứng dụng trong thiết bị thông qua một cửa sổ kiểm soát riêng rẽ với các Tab.
  2. Cho phép hiển thị nội dung trang web trước khi nhận được ảnh nền, cho phép người sử dụng tương tác được với trang web đó nhanh hơn.
  3. Cho phép những người sử dụng dễ dàng chọn văn bản trong một tài liệu và chỉnh sự lựa chọn đó.
  4. Cung cấp cho người sử dụng khả năng để chú thích văn bản mà không thay đổi tài liệu nằm đằng sau.
Có lẽ nhiều công ty phần mềm Việt Nam, nhất là các công ty làm về web (mà bây giờ có mấy công ty phần mềm không làm về web nhỉ?) không ai dám chắc là mình không vi phạm một trong những bằng sáng chế phần mềm ở trên. Mà đây mới chỉ là vài trong số hàng trăm ngàn bằng sáng chế phần mềm hiện đang tồn tại trên thế giới, thậm chí chỉ với mỗi một vụ mua bán sát nhập giữa Google và Motorola Mobile ở trên đã có những 17.000 bằng sáng chế đã được trao và 7.500 bằng sáng chế đang chờ để được trao, hoặc bé nhất thì cũng có tới 882 bằng sáng chế phần mềm như vụ mua bán sát nhập giữa Attachmate và Novell. Liệu có công ty phần mềm nào của Việt Nam tiến hành tìm hiểu nội dung hàng trăm ngàn bằng sáng chế phần mềm hiện có và sắp tới sẽ có để mà tránh không vi phạm khi tiến hành nghiên cứu và phát triển phần mềm của công ty mình không nhỉ? Chắc chắn 100% là không công ty nào làm!!! và nếu có muốn thì cũng không thể làm được, bởi khối lượng của chúng quá lớn.
Thực tế hiện nay còn cho thấy, hầu hết, nếu không nói là tất cả 100% các công ty phần mềm Việt Nam đều không rõ về khái niệm bằng sáng chế phần mềm, đều không biết có thể đăng ký và nhận các bằng sáng chế phần mềm ở đâu tại Việt Nam.
Nếu điều này là đúng cho tất cả các công ty phần mềm Việt Nam, thì có thể nói, số lượng các bằng sáng chế phần mềm của toàn bộ nền công nghiệp phần mềm Việt Nam cho tới thời điểm hiện nay, tháng 09/2011, là bằng 0.
Kết luận
Thế giới ngày nay đã thay đổi nhiều so với hơn 500 năm về trước. Với sự xuất hiện của Internet thì tốc độ đổi mới sáng tạo là cao hơn nhiều, cùng với số lượng những người đổi mới sáng tạo cũng nhiều hơn nhiều, chứ không còn ít ỏi và chậm chạp như trước kia.
Khi mà những ý tưởng có thể nảy sinh và được truyền vào các sản phẩm phần mềm chỉ còn tính theo giờ, phút, giây, trong khi luật về bằng sáng chế lại qui định các khoảng thời gian được hưởng sự độc quyền khai thác cho những người nắm giữ các bằng sáng chế là theo năm, thậm chí hàng chục năm, thì tạo nên những xung đột khó có thể giải quyết được, gây hại cho đổi mới sáng tạo và rất cần phải sửa đổi, thậm chí có thể phải thủ tiêu hoàn toàn các bằng sáng chế phần mềm.
Với thực tế như hiện nay, thì việc áp dụng các bằng sáng chế phần mềm tại Việt Nam có thể sẽ dẫn tất cả các công ty phần mềm Việt Nam tới sự tuyệt chủng hoàn toàn hoặc trở thành các công ty làm thuê vĩnh viễn trong cuộc cạnh tranh với các công ty phần mềm nước ngoài. Tệ hơn, việc áp dụng này còn có thể vô tình đã nhập khẩu vào Việt Nam một mô hình được báo trước với những vụ kiện triền miên giữa các công ty phần mềm xung quanh những vi phạm bằng sáng chế phần mềm như những gì hiện đang xảy ra trên thế giới, có thể tạo ra vô số các bằng sáng chế phần mềm đáng ngờ, vô giá trị và hoàn toàn không phù hợp, không có lợi cho các công ty phần mềm Việt Nam.
Trên thế giới, nhiều nước cấm áp dụng các bằng sáng chế vào phần mềm và có cả một phong trào đấu tranh nhằm chấm dứt các bằng sáng chế phần mềm, End Software Patents. Việt Nam cũng nên đi theo con đường đó vì lợi ích của chính mình và các công ty phần mềm của mình!.
Như để tránh mọi sự hiểu lầm, bài viết này chỉ nói về bằng sáng chế phần mềm, không nói về bằng sáng chế trong các lĩnh vực khác, như lĩnh vực ô tô, thậm chí lĩnh vực phần cứng máy tính.
Trần Lê
PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 09/2011, trang 58-63.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.