Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

Chuyển đổi số và vấn đề bản quyền trong hoạt động thư viện - kinh nghiệm của Europeana

Digital transformation and copyright issues in library operations - Europeana's experience


***

Tóm tắt: Chuyển đổi số và vấn đề bản quyền trong hoạt động thư viện ngày nay cần được đặt trong bối cảnh các xu thế của thế giới về khoa học mở, giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở và văn hóa mở/OpenGLAM. Kinh nghiệm của Europeana có thể là trường hợp điển hình tốt để tham khảo về cách tiếp cận hiện đại này.

Các từ khóa: chuyển đổi số, bản quyền, tuyên bố quyền, các chế độ quyền tác giả, OpenGLAM.

Abstract: Digital transformation and copyright issues in library operations today need to be placed in the context of world trends in open science, open education, open educational resources and open culture/OpenGLAM. Europeana's experience can be a good case study for this modern approach.

Keywords: digital transformation, copyright, right statement, author rights regime, OpenGLAM.

***

A. Đặt vấn đề

Chuyển đổi số và vấn đề bản quyền trong hoạt động thư viện ngày nay cần được đặt trong bối cảnh các xu thế của thế giới về khoa học mở, giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở và văn hóa mở/OpenGLAM (GLAM là viết tắt các ký tự đầu trong tiếng Anh của Galleries, Libraries, Archives, Museums, có nghĩa là các Phòng trưng bày, Thư viện, Kho lưu trữ, Viện bảo tàng) để có thể mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên liên quan và cho xã hội nói chung.

Ví dụ điển hình. Giả sử, một cuốn sách giáo khoa về lịch sử Việt Nam được sử dụng trong chương trình giáo dục cơ bản của tất cả các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Nếu cuốn sách đó ở dạng giấy, thư viện của từng trường cần có 1 hoặc nhiều cuốn sách giáo khoa để có thể phục vụ cho sinh viên. Bất kể số lượng bao nhiêu, có một thực tế là cùng một lúc, không thể có 2 sinh viên cùng mượn và cùng đọc được cuốn sách đó. Nhưng nếu cuốn sách đó được số hóa (cấp độ đầu tiên của chuyển đổi số) thành một tệp dạng số, ví dụ, một tệp .PDF, rồi được đưa lên mạng Internet thông qua một hệ thống thư viện số hoặc kho lưu trữ số của nhà trường, thì cùng một lúc, có thể hàng vạn sinh viên ở nhiều trường khác nhau, bất kể trong hay ngoài nước, đều có thể cùng một lúc đọc được cuốn sách đó. Đấy là chưa kể sách giáo khoa (kỹ thuật) số có thể có các tính năng mà bất kỳ cuốn sách giáo khoa truyền thống nào - gồm chỉ dạng văn bản và hình ảnh tĩnh trong không gian 2 chiều - cũng không thể có được, như các tính năng đa phương tiện (âm thanh và video), hình ảnh động trong không gian 3 chiều, các mô phỏng tương tác, và nhiều tính năng tiên tiến khác, được nhúng trong các sách giáo khoa (kỹ thuật) số.

Tuy nhiên, dù cuốn sách giáo khoa đó đã được số hóa ở dạng một tệp .PDF và đã được chia sẻ trên Internet thông qua một hệ thống thư viện số hoặc kho lưu trữ số của nhà trường nhưng không/chưa được chính (các) tác giả của cuốn sách đó cấp phép mở cho nó, ví dụ như, bằng một giấy phép mở Creative Commons, thì người sử dụng, bao gồm cả các sinh viên và các giảng viên, sẽ rất dễ vi phạm bản quyền khi tải về để sử dụng nó, vì theo Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam, hay bất kỳ luật sở hữu trí tuệ của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, một khi (các) tác giả sáng tạo ra một tác phẩm, thì dù (các) tác giả không đăng ký ở đâu, họ và tác phẩm của họ vẫn được Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ về các quyền bản quyền/quyền tác giả, và theo Luật đó, bất kỳ ai, bao gồm các sinh viên và giảng viên, muốn sử dụng nó hợp pháp, đều phải xin phép và/hoặc trả tiền cho (các) tác giả hoặc người/chủ thể nắm giữ bản quyền. Việc vi phạm bản quyền tác giả sẽ gây hại cho uy tín của giảng viên và nhà trường, điều chắc chắn không một ai mong muốn. Ngược lại, một khi chính (các) tác giả cấp phép mở cho cuốn sách đó một cách phù hợp để nó trở thành, ví dụ, một cuốn sách giáo khoa mở hoặc tài nguyên giáo dục mở (TNGDM), thì bất kỳ người sử dụng nào cũng không cần phải xin phép thêm (các) tác giả nữa, cũng không phải trả tiền cho (các) tác giả để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại một cách hợp pháp cuốn sách đó, chí ít, ở dạng số.



B. Europeana và các tuyên bố quyền của nó được sử dụng trong việc cấp phép mở và hơn thế nữa

Europeana, một cơ sở di sản văn hóa của châu Âu nổi tiếng khắp trên thế giới trong môi trường (kỹ thuật) số trên Internet, với sứ mệnh[1] trao quyền cho ngành di sản văn hóa trong chuyển đổi số của nó, được khởi xướng từ một bức thư của cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac và năm nhà lãnh đạo quốc gia khác đã yêu cầu các quan chức của Liên minh châu Âu hỗ trợ để phát triển một thư viện số của châu Âu. Tháng 5/2015, Europeana đã trở thành một trong những Hạ tầng Dịch vụ Số - DSI (Digital Service Infrastructures) của Ủy ban châu Âu. Từ năm 2022 tới nay, Europeana nằm trong tâm của không gian dữ liệu về di sản văn hóa chung châu Âu của Ủy ban châu Âu, được chương trình châu Âu Số (Digital Europe) cấp vốn như một phần của Thập kỷ Số châu Âu (Europe’s Digital Decade). Đến đầu năm 2023, website của Europeana kết nối với gần 4.000 cơ sở di sản văn hóa khắp châu Âu cung cấp truy cập tới hơn 55 triệu đối tượng số - sách, nhạc, tác phẩm nghệ thuật và nhiều hơn thế - với các công cụ tìm kiếm và lọc tinh vi, và nhiều bộ sưu tập, triển lãm, phòng trưng bày và blog theo các chủ đề khác nhau.

Sứ mệnh của Europeana trao quyền cho ngành di sản văn hóa trong chuyển đổi số của nó, được minh họa rõ ràng hơn bằng việc sử dụng câu trích dẫn của Emilie Gordenker, Giám đốc của Viện bảo tàng Mauritshuis nổi tiếng của Hà Lan trong tài liệu ‘Chiến lược của Europeana trong các năm 2020-2025: Trao quyền cho sự thay đổi’[2], như sau:

Chúng ta càng cung cấp nhiều quyền truy cập mở hơn tới các hình ảnh chất lượng cao, cung cấp các câu chuyện kể sống động và chia sẻ nhiều hơn nghiên cứu gần đây, thì các bộ sưu tập của chúng ta càng trở nên thích hợp hơn”.

Để có thể xây dựng sự kết nối liên thông tới gần 4.000 cơ sở di sản văn hóa - các nhà cung cấp nội dung cho website của Europeana - và đáp ứng được các yêu cầu rất đa dạng về các bản quyền của các cơ sở đó, Europeana trước hết tập trung vào việc làm rõ bản quyền của các bộ sưu tập và các hạng mục trong các bộ sưu tập các cơ sở đó cung cấp bằng việc đưa ra các tuyên bố quyền rõ ràng, chi tiết, và được tiêu chuẩn hóa mà từng cơ sở có thể chọn khi kết nối liên thông và cung cấp nội dung cho Europeana với các lưu ý:

  • Danh sách các tuyên bố quyền sẽ được cập nhật theo thời gian.

  • Tất cả các giấy phép và các công cụ của Creative Commons chỉ có thể được những người nắm giữ các quyền áp dụng, hoặc được họ cho phép.

  • Khuyến cáo bạn nên tham khảo website của Creative Commons[3] để hiểu đầy đủ các định nghĩa và mã pháp lý. Điều này sẽ giúp bạn quyết định giấy phép Creative Commons nào là tuyên bố quyền phù hợp nhất cho dự án của bạn.

Ở thời điểm hiện tại, Europeana đưa ra tổng cộng 14 tuyên bố quyền[4], được chia thành 3 chủng loại:

  1. Hai công cụ Creative Commons cho phạm vi công cộng. Các công cụ này được sử dụng cho các tác phẩm nằm trong phạm vi công cộng hoặc các tác phẩm được các tác giả của chúng hiến tặng vào phạm vi công cộng.

  2. Sáu giấy phép mở Creative Commons. Đây là các giấy phép tuân theo chế độ bản quyền dạng ‘Vài quyền được giữ lại’ (Some Rights Reserved), tương phản với chế độ bản quyền dạng ‘Tất cả các quyền được giữ lại’ (All Rights Reserved).

  3. Sáu tuyên bố quyền từ Hiệp hội Tuyên bố Quyền[5].



Dưới đây là liệt kê 14 tuyên bố quyền cùng với số lượng các đối tượng số (các tác phẩm được số hóa) tương ứng với các tuyên bố quyền đó vào thời điểm truy cập trang chủ Europeana ngày 10/06/2023:


Hình 1: Các tuyên bố quyền và số lượng đối tượng số tương ứng


Hình 2: Europeana: Số lượng và tỷ lệ % các đối tượng số theo các tuyên bố giấy phép



  1. Dấu Phạm vi Công cộng - PDM (Public Domain Mark). Dấu này được áp dụng cho các đối tượng số không còn được bản quyền bảo vệ nữa (hết thời hạn bảo hộ, ví dụ, của Luật sở hữu trí tuệ). Các đối tượng được gắn nhãn này có thể được bất kỳ ai sử dụng mà không có bất kỳ hạn chế nào. Số lượng: 11.831.841.

  2. Creative Commons CC0 1.0 Hiến tặng vào Phạm vi Công cộng – CC0 (The Creative Commons CC0 1.0 Universal Public Domain Dedication). CC0 được sử dụng để khước từ tất cả các quyền trong một đối tượng số. Bằng việc áp dụng khước từ này, tất cả các quyền có thể đang tồn tại trong nội dung đó bị/được khước từ, và đối tượng đó có thể được bất kỳ ai sử dụng mà không có bất kỳ hạn chế nào. Số lượng: 7.377.158.

  3. Creative Commons - Ghi công – CC BY (Creative Commons - Attribution). Giấy phép CC BY này cho phép những người khác phân phối, pha trộn, chỉnh sửa, và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép, thậm chí thương mại hóa, miễn là họ thừa nhận ghi công người nắm giữ các quyền như được mô tả trong giấy phép đó. CC BY được khuyến cáo để xúc tác cho truy cập, khám phá và sử dụng các tác phẩm được cấp phép. Số lượng: 7.130.299.

  4. Creative Commons - Ghi công, Chia sẻ tương tự – CC BY-SA (Creative Commons - Attribution, ShareAlike). Giấy phép CC BY-SA này cho phép những người khác pha trộn, sửa đổi và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép, thậm chí vì các mục đích thương mại, miễn là họ thừa nhận ghi công người nắm giữ các quyền như được mô tả trong giấy phép, và cấp phép cho các tùy chỉnh tác phẩm đó của họ theo các điều khoản y hệt. Tất cả các tác phẩm mới dựa vào tác phẩm được cấp phép gốc ban đầu sẽ mang giấy phép y hệt, nên bất kỳ bản phái sinh nào cũng sẽ cho phép sử dụng thương mại. Số lượng: 4.291.373.

  5. Creative Commons - Ghi công, Phi Thương mại – CC BY-NC (Creative Commons - Attribution, Non-Commercial). Giấy phép CC BY-NC này cho phép những người khác pha trộn, chỉnh sửa, và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép đó cho các mục đích sử dụng phi thương mại. Bất kỳ tác phẩm mới nào được tạo ra dựa vào tác phẩm của bạn cũng phải được thừa nhận ghi công cho người nắm giữ các quyền như được chỉ định trong giấy phép, và chỉ có thể sẵn sàng cho sử dụng phi thương mại. Số lượng: 1.202.551.

  6. Creative Commons - Ghi công, Phi thương mại, Chia sẻ Tương tự – CC BY-NC-SA (Creative Commons - Attribution, Non-Commercial, ShareAlike). Giấy phép CC BY-NC-SA này cho phép những người khác pha trộn, chỉnh sửa, và xây dựng dựa vào tác phẩm được cấp phép đó cho các mục đích sử dụng phi thương mại miễn là họ thừa nhận ghi công người nắm giữ các quyền của tác phẩm theo các điều khoản được chỉ định trong giấy phép đó, và cấp phép cho các sáng tạo mới theo các điều khoản y hệt. Số lượng: 3.712.670.

  7. Creative Commons - Ghi công, Không có Phái sinh – CC BY-ND (Creative Commons - Attribution, No Derivatives). Giấy phép CC BY-ND này cho phép phân phối lại, bao gồm cả sử dụng thương mại và phi thương mại tác phẩm đó miễn là không có chỉnh sửa nào được làm đối với tác phẩm đó và người nắm giữ các quyền được thừa nhận ghi công phù hợp với các đặc điểm của giấy phép đó. Số lượng: 283.809.

  8. Creative Commons - Ghi công, Phi Thương mại, Không có Phái sinh – CC BY-NC-ND (Creative Commons - Attribution, Non-Commercial, No Derivatives). Giấy phép CC BY-NC-ND này là hạn chế nhất trong số 6 giấy phép Creative Commons, chỉ cho phép những người khác tải về các tác phẩm được cấp phép và chia sẻ chúng với những người khác miễn là họ thừa nhận ghi công cho người nắm giữ các quyền như được chỉ định trong giấy phép, nhưng người sử dụng không thể thay đổi tác phẩm theo bất kỳ cách gì hoặc không thể sử dụng chúng cho các mục đích thương mại. Số lượng: 3.654.962.

  9. Không có bản quyền - chỉ sử dụng phi thương mại – NoC-NC (No Copyright - non commercial use only (NoC-NC). Tuyên bố NoC-NC này được áp dụng cho các đối tượng số nằm trong phạm vi công cộng đã được số hóa như là kết quả của mối quan hệ đối tác công - tư, nơi mà các điều khoản hợp đồng giới hạn sử dụng thương mại trong một giai đoạn thời gian nhất định. Số lượng: 1.683.465.

  10. Không có bản quyền - Các hạn chế Pháp lý Được biết Khác - NoC-OKLR (No Copyright - Other Known Legal Restriction). Tuyên bố NoC-OKLR này được áp dụng cho các đối tượng số nằm trong phạm vi công cộng, tuân thủ các hạn chế pháp lý được biết khác với bản quyền, ngăn cản sử dụng lại chúng tự do không mất tiền. Số lượng: 3.107.664.

  11. Trong (thời hạn bảo vệ) bản quyền – InC (In Copyright). Tuyên bố InC là để sử dụng các đối tượng số còn trong thời hạn bảo vệ bản quyền mà sẵn sàng tự do không mất tiền trên trực tuyến và việc sử dụng lại chúng đòi hỏi sự cho phép bổ sung từ (những) người nắm giữ các quyền. Số lượng: 9.974.058.

  12. Trong (thời hạn bảo vệ) bản quyền – Được phép Sử dụng trong Giáo dục - InC-EDU (In Copyright - Educational Use Permitted). Tuyên bố InC-EDU là để sử dụng với các đối tượng số còn trong thời hạn bảo vệ bản quyền mà sẵn sàng tự do không mất tiền trên trực tuyến và (những) người nắm giữ các quyền đã cho phép sử dụng lại chỉ cho các mục đích giáo dục. Số lượng: 1.586.598.

  13. Trong (thời hạn bảo vệ) bản quyền – Tác phẩm Mồ côi ở Liên minh châu Âu - InC-EU-OW (In Copyright - EU Orphan Work). Tuyên bố InC-EU-OW là để sử dụng với các đối tượng số đã được xác định như là một tác phẩm mồ côi ở quốc gia xuất bản đầu tiên và phù hợp với các yêu cầu của luật quốc gia triển khai Chỉ thị 2012/28/EU của Nghị viện và Hội đồng châu Âu này 25/10/2012 về sử dụng các tác phẩm mồ côi được cho phép nhất định. Số lượng: 30.188.

  14. Chưa được Đánh giá Bản quyền - CNE (Copyright Not Evaluated). Tuyên bố CNE là để sử dụng với các đối tượng số nơi mà tình trạng bản quyền còn chưa được đánh giá. Số lượng: 885.873.



Lưu ý: vào thời điểm truy cập trang chủ Europeana ngày 10/06/2023, Europeana đã loại bỏ 2 tuyên bố quyền trước đó nó đã từng tuyên bố, dù chúng vẫn được hiển thị trong hộp kéo thả ‘Rights Statement’ trên trang chủ của Europeana, gồm: (15) Quyền được giữ lại - Truy cập tự do không mất tiền (Right Reserved - Free Access)[6] và quyền này được thay thế bằng ‘In Copyright’ được nêu ở trên. Số lượng: 9.858; và (16) Hết bản quyền - sử dụng lại phi thương mại (Out of copyrights - non commercial reuse)[7]. Số lượng: 4.552.

Các số liệu ở trên còn cho thấy:

  • Tổng số các đối tượng số trên Europeana tại thời điểm truy cập là: 56.752.509.

  • Tổng số các đối tượng số nằm trong phạm vi công cộng (2 mục đầu tiên, không kể tới các mục số 9 và 10 vì có các hạn chế sử dụng) là: 19.208.999 chiếm 34%.

  • Tổng số các đối tượng số là TNGDM (6 mục đầu tiên) là: 35.545.892 chiếm 63%.

Bổ sung thêm rằng, vì Europeana làm việc với các di sản văn hóa của châu Âu, nó đặc biệt chú trọng tới các đối tượng, cả ở dạng tương tự (analog) lẫn ở dạng số (digital) và mối quan hệ giữa chúng với nhau. Về khía cạnh này, Europeana đã đưa ra Hiến chương Phạm vi Công cộng[8], khẳng định tầm quan trọng của phạm vi công cộng:

Phạm vi Công cộng là nguyên liệu thô từ đó chúng ta tạo ra kiến thức mới và tạo ra các tác phẩm văn hóa mới. Việc có Phạm vi Công cộng lành mạnh và thịnh vượng là cơ bản cho phúc lợi xã hội và kinh tế của các xã hội của chúng ta.”

và để có được phạm vi công cộng lành mạnh và thịnh vượng trong kỷ nguyên số, Europeana đã đưa ra nguyên tắc cho các đối tượng nằm trong phạm vi công cộng khi được số hóa như sau:

Số hóa nội dung thuộc Phạm vi Công cộng không tạo ra các quyền mới đối với nó: các tác phẩm nằm trong Phạm vi Công cộng ở dạng tuần tự (analogue form) tiếp tục nằm trong Phạm vi Công cộng một khi chúng được số hóa.”

biết rằng, 34% tổng các đối tượng số trên website Europeana nằm trong phạm vi công cộng mà bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng/sử dụng lại mà không có bất kỳ hạn chế nào.



C. Các chính sách của Liên minh châu Âu tạo thuận lợi cho chuyển đổi số và thực thi các tuyên bố quyền của Europeana

Bên cạnh việc đưa ra các tuyên bố quyền đối với các đối tượng số của mình, đặc biệt là đối với các đối tượng nằm trong phạm vi công cộng, việc ban hành các chính sách ở mức châu Âu của Ủy ban châu Âu và Nghị viện: (1) việc cấp phép mở để sử dụng lại các đối tượng số; và (2) việc khẳng định rõ ràng các quyền của người sử dụng đối với các đối tượng nằm trong phạm vi công cộng; đã tạo thuận lợi nhiều cho Europeana về khía cạnh cơ sở pháp lý để thực thi các tuyên bố quyền đó, cụ thể:

  1. Ngày 22/02/2019 Ủy ban châu Âu đã ban hành chính sách áp dụng giấy phép mở Creative Commons cho chính sách sử dụng lại của Ủy ban châu Âu[9], theo đó:

    1. Điều 1. Giấy phép Công cộng Creative Commons Ghi công 4.0 Quốc tế (CC BY 4.0) được phê chuẩn như là giấy phép mở cho chính sách sử dụng lại của Ủy ban theo Điều 6 của Quyết định 2011/833/EU.

    2. Điều 2. Không ảnh hưởng tới điều trước, dữ liệu thô, siêu dữ liệu hoặc các tài liệu khác có bản chất tương đương có thể được phân phối cách khác theo các điều khoản hiến tặng vào phạm vi công cộng Creative Commons (CC0 1.0).

  2. Ngày 17/04/2019 Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã ban hành Chỉ thị về bản quyền và các quyền liên quan trong Thị trường Số Duy nhất và sửa đổi bổ sung cho các Chỉ thị 96/9/EC và 2001/29/EC, với Điều 14 của nó[10] được nêu như sau: Các tác phẩm nghệ thuật nhìn trong phạm vi công cộng. Các quốc gia thành viên sẽ quy định rằng, khi thời hạn bảo vệ tác phẩm nghệ thuật nhìn đã hết hạn, bất kỳ tư liệu nào là kết quả từ hành động tái tạo lại tác phẩm đó không tuân theo bản quyền hoặc các quyền liên quan, trừ phi tư liệu đó là kết quả từ hành động tái tạo lại là nguyên bản theo nghĩa đó là sáng tạo trí tuệ của chính tác giả.



D. Không chỉ có một chế độ bản quyền

Việc Ủy ban châu Âu ngày 22/02/2019 đã ban hành chính sách áp dụng giấy phép mở Creative Commons cho chính sách sử dụng lại của Ủy ban châu Âu khẳng định một điều rất quan trọng khác, là không chỉ có một chế độ bản quyền duy nhất ở dạng ‘Giữ lại tất cả các quyền’ (All Rights Reserved), mà còn có các chế độ bản quyền khác, ít hà khắc hơn, nhưng vẫn dựa vào nền tảng của các Luật bản quyền sẵn có, như được UNESCO khẳng định trong tài liệu được xuất bản năm 2015[11] như được minh họa trên Hình 3:


Hình 3: Các chế độ quyền tác giả



Có 2 lựa chọn thay thế cho chế độ bản quyền Copyright, đó là Copyleft và Creative Commons, chúng đã trở nên rất hữu dụng cho các cộng đồng tri thức có ý định đảm bảo quyền tự do của bạn để chia sẻ, sử dụng, sử dụng lại, và sửa đổi.

Các giấy phép Copyleft. Copyleft là phương pháp chung làm cho tác phẩm sáng tạo sẵn sàng tự do để sửa đổi được, và yêu cầu tất cả các phiên bản được sửa đổi và được mở rộng của tác phẩm sáng tạo đó cũng sẽ phải là tự do. Những người tin tưởng vào phong trào Copyleft đấu tranh để xây dựng lựa chọn thay thế cho chế độ hà khắc hiện hành về kiểm soát sở hữu trí tuệ. Phong trào này giữ khẩu hiệu châm biếm của mình “Giữ lại tất cả những sai trái - All wrongs reserved” (ngụ ý những điều tốt lành thì trao cho những người sử dụng). Giấy phép Công cộng Chung GNU – GPL (GNU General Public License) của dự án GNU, được Quỹ Phần mềm Tự do – FSF (Free Software Foundation) hỗ trợ, tuân theo các nguyên tắc của Copyleft[12]. Copyleft là đặc tính của nhiều giấy phép của phần mềm nguồn mở - OSS (Open Source Software)[13].

Creative Commons - Những cái chung có tính sáng tạo. Trong khi các giấy phép Copyleft, ví dụ như GNU GPL, chủ yếu cung cấp cho các mục đích của phần mềm máy tính và các tài liệu kỹ thuật, thì các công cụ và giấy phép Creative Commons (CC) được ưu tiên sử dụng trong truyền thông hàn lâm cũng như trong truyền thông nghe - nhìn có tính sáng tạo, chẳng hạn, được sử dụng cho các xuất bản phẩm khoa học, dữ liệu nghiên cứu, hay TNGDM .v.v.



E. Kết luận và gợi ý

Để hiện thực hóa việc chọn cách tiếp cận trao càng nhiều quyền truy cập mở càng tốt tới các đối tượng số và các bộ sưu tập trong sứ mệnh của mình, Europeana đã đưa ra 14 tuyên bố quyền, 8 trong số đó là dựa vào các công cụ và các giấy phép mở của hệ thống Creative Commons; cùng với việc Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu đã ban hành cách chính sách khuyến khích và thúc đẩy cho cách tiếp cận đó, đã chứng minh tiếp cận của UNESCO là hoàn toàn đúng về việc không chỉ có duy nhất một chế độ bản quyền/quyền tác giả.

Kinh nghiệm này của Europeana là rất hữu ích cho Việt Nam, bên cạnh vô số các công việc cần làm khác, khi đề cập tới chuyển đổi số và vấn đề bản quyền trong hoạt động không chỉ của thư viện, mà còn của các cơ sở di sản văn hóa/GLAM, cũng như trong việc triển khai các công việc được nêu trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: (1) Quyết định số 1296/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư"; và (2) Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; với lưu ý về nguyên tắc Europeana đã nêu ở trên cho các cơ sở GLAM: “Số hóa nội dung thuộc Phạm vi Công cộng không tạo ra các quyền mới đối với nó: các tác phẩm nằm trong Phạm vi Công cộng ở dạng tuần tự (analogue form) tiếp tục nằm trong Phạm vi Công cộng một khi chúng được số hóa”.

Luật Thư viện số 46/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ 01/07/2020 có định nghĩa ‘Tài nguyên thông tin mở là tài nguyên thông tin mà người sử dụng thư viện có thể tiếp cận không có rào cản về tài chính, pháp lý hoặc kỹ thuật’. Định nghĩa này là đúng theo tinh thần của truy cập mở/giáo dục mở/khoa học mở/tài nguyên giáo dục mở, nhưng làm thế nào để tạo ra được tài nguyên thông tin mở, ví dụ, ở dạng (kỹ thuật) số rồi sau đó đặt nó vào trong thư viện, khi mà bản thân nó không được chính (các) tác giả hoặc bên nắm giữ các quyền bản quyền của nó gắn một giấy phép mở, chẳng hạn như một giấy phép Creative Commons, cho nó? hoặc nó không được gắn dấu phạm vi công cộng - PDM (Public Domain Mark) hay CC0, cho dù trên thực tế, tài nguyên thông tin đó thực sự nằm trong phạm vi công cộng do nó đã hết thời hạn bảo hộ của Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam (sau khi (các) tác giả và/hoặc đồng tác giả cuối cùng chết 50 năm) và/hoặc (các) tác giả của nó thực sự đã khước từ các quyền của họ và hiến tặng nó vào phạm vi công cộng?

Kinh nghiệm của Europeana cũng cho thấy, chừng nào còn không/chưa có chính sách cấp phép mở ở mức chính phủ và hoặc ở mức cơ sở giáo dục/khoa học/văn hóa, chừng đó chuyển đổi số và vấn đề bản quyền trong hoạt động của thư viện, của các cơ sở GLAM, và mở rộng ra, của cả các cơ sở khoa học và giáo dục ở bất kỳ cấp độ nào, sẽ còn bị những rào cản pháp lý khổng lồ cản đường.

Việc thừa nhận không chỉ có duy nhất một chế độ bản quyền/quyền tác giả sẽ giúp cho việc sửa đổi bổ sung một số Luật có liên quan, ví dụ như, Luật sở hữu trí tuệ, Luật thư viện, Luật xuất bản, .v.v. và có khả năng tháo gỡ các rào cản đối với công cuộc chuyển đổi số và vấn đề bản quyền trong hoạt động của thư viện và hơn thế nữa, phù hợp với các xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay về khoa học mở/giáo dục mở/tài nguyên giáo dục mở.



Tài liệu tham khảo

[1] Europeana: About Us: https://pro.europeana.eu/about-us/mission

[2] Europeana: Strategy 2020-2025: empowering digital change: https://pro.europeana.eu/files/Europeana_Professional/Publications/EU2020StrategyDigital_May2020.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/8p1dvylqxvnbj19/EU2020StrategyDigital_May2020_Vi-02052023.pdf?dl=0

[3] Creative Commons: About The Licenses: https://creativecommons.org/licenses/

[4] Europeana: Understanding the rights statements used by Europeana: https://pro.europeana.eu/page/available-rights-statements

[5] Rights Statements Consortium: Rights statements: https://rightsstatements.org/en/

[6] Europeana: Rights Reserved - Free Access: https://www.europeana.eu/en/rights/rr-f

[7] Europeana: Out of copyright - non commercial re-use: https://www.europeana.eu/en/rights/out-of-copyright-non-commercial

[8] Europeana, 2010: Public Domain Charter: https://pro.europeana.eu/files/Europeana_Professional/IPR/Public%20Domain%20Charter/ENGLISH%20Public%20Domain%20Charter.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/njloqh0azutp12m/ENGLISH%20Public%20Domain%20Charter_Vi-05092021.pdf?dl=0

[9] European Commission: COMMISSION DECISION adopting Creative Commons as an open licence under the European Commission’s reuse policy: https://ec.europa.eu/transparency/documents-register/detail?ref=C(2019)1655&lang=en&fbclid=IwAR0_lTlew4lLSw8pxZZkYFBrpVa0iibO-PidoU1dh08ZIZSHiWdxcH549-c. Bản dịch sang tiếng Việt có tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/o5czc845o1sh4dd/C-2019-1655-F1-EN-MAIN-PART-1_Vi-28102020.pdf?dl=0

[10] Official Journal of the European Union: DIRECTIVE (EU) 2019/790 OF THE EUROPEAN PARLIAMENT AND OF THE COUNCIL of 17 April 2019 on copyright and related rights in the Digital Single Market and amending Directives 96/9/EC and 2001/29/EC: https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=CELEX:32019L0790. Bản dịch sang tiếng Việt của Điều 14 có tại: https://giaoducmo.avnuc.vn/openglam/cac-tac-pham-nghe-thuat-nhin-trong-pham-vi-cong-cong-trong-chi-thi-eu-2019-790-cua-nghi-vien-va-hoi-dong-chau-au-ve-ban-quyen-va-cac-quyen-lien-quan-490.html

[11] UNESCO, 2015: Introduction to Open Access: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000231920. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/pieghb3m5r7hm5i/231920E-Vi-06082017.pdf?dl=0

[12] Free Software Foundation (FSF): Licenses: https://www.gnu.org/licenses/license-list.html

[13] Open Source Initiative (OSI): Open Source Licenses by Category: https://opensource.org/licenses/category




Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế

Tự do tải về bài viết định dạng PDF ở địa chỉ DOI: 10.5281/zenodo.8137149

Lê Trung Nghĩa, ORCID: https://orcid.org/0009-0007-7683-7703

(Bài viết cho hội thảo: Chuyển đổi số và vấn đề bản quyền trong hoạt động thư viện, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, ngày 12/07/2023)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.