Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Sự can thiệp sai trái của một số tổ chức nước ngoài vào chính sách về phần mềm tự do nguồn mở (FOSS) của Chính phủ Việt Nam

Trong kỷ nguyên thông tin kết nối mạng Internet như ngày nay, việc ứng dụng và phát triển phần mềm tự do nguồn mở (FOSS) đã trở thành một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược được trong nền công nghệ thông tin và truyền thông thế giới.

Chúng ta đều đã biết, để khuyến khích ứng dụng và phát triển FOSS tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua chính phủ đã đưa ra các chính sách, một vài trong số đó có thể kể tới như: (1) Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 02/03/2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008”; (2) Chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT ngày 30/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông “Về đẩy mạnh sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước”; (3) Thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT ngày 01/03/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục”. Cho dù cho tới ngày hôm nay, để thực sự đưa các chính sách vừa có lợi cho Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế tất yếu hiện nay của nền công nghệ thông tin thế giới, vào thực tế cuộc sống tại Việt Nam không phải là một công việc dễ dàng, nếu không nói là vô cùng khó khăn, với những lý do cả chủ quan lẫn khách quan.

IIPA và BSA, họ là ai và họ muốn gì?

Vào tháng 02/2010, Liên minh Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (IIPA), được thành lập từ năm 1984, gồm 7 nhóm mà chúng cùng nhau tạo nên nền công nghiệp bản quyền là: (1) Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA); (2) Hiệp hội Phần mềm Giải trí (ESA); (3) Liên minh các Nhà xuất bản Mỹ (AAP); (4) Liên minh Phim và Truyền hình độc lập (IFTA); (5) Hiệp hội Ảnh Động Mỹ (MPAA); (6) Hiệp hội các Nhà xuất bản Âm nhạc Quốc gia (NMPA) và (7) Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (RIAA), thông qua cái gọi là “Báo cáo đặc biệt 301”, đã yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đặt Indonesia, Brazil, Ấn Độ, Philippines, Thailand và Việt Nam vào danh sách đen giám sát đặc biệt, một phần vì các chính sách của họ khuyến khích áp dụng phần mềm tự do nguồn mở (FOSS) trong các cơ quan chính phủ, nhằm mục đích gây sức ép về thương mại lên các quốc gia này.

Trong các nhóm này, thì 2 nhóm được liệt kê đầu tiên là có liên quan tới phần mềm, mà có lẽ là với Việt Nam, BSA là cái tên dễ nhận biết nhất.

Bỏ qua các báo cáo của IIPA đối với các quốc gia khác được nêu ở trên, trong cái gọi là “Báo cáo đặc biệt 301 năm 2010”của IIPA về Bảo vệ và Tăng cường bản quyền đối với Việt Nam, họ đã ngông nghênh chỉ trích Quyết định số 235/QĐ-TTg và Chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT và nêu lên những quan điểm chính của họ cho rằng:

  1. FOSS không tạo nên sự cạnh tranh trong thị trường phần mềm, mà ngược lại cản trở nó.

  2. FOSS không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

  3. Bằng việc ưu tiên mua sắm FOSS của chính phủ sẽ bóp nghẹt sự đổi mới sáng tạo và không có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ ăn cắp phần mềm.

Với những quan điểm trên, IIPA yêu cầu chính phủ Việt Nam “Dừng chính sách ưu tiên nguồn mở được Chính phủ phê chuẩn vì nó đang hạn chế sự lựa chọn công nghệ tại Việt Nam”.

Trong một diễn biến khác, trong quá trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa bản dự thảo cho thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT lên mạng để lấy ý kiến đóng góp trên diễn đàn của Bộ, Hiệp hội Phần mềm Doanh nghiệp (BSA), một trong số 7 nhóm ở trên, đã bày tỏ lo lắng của nó rằng việc bắt buộc sử dụng phần mềm nguồn mở (trong ngành giáo dục của Việt Nam) sẽ không hoàn thành được những mục tiêu được nêu ra của Dự thảo (nay đã được ban hành thành Chỉ thị số 08/2010/TT-BGDĐT) và có thể, về lâu dài, ngăn cản sự phát triển của nền công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Cũng nguồn thông tin này còn cho biết thêm rằng “BSA là một nhóm vận động hành lang được trả tiền bởi Microsoft và những công ty (phần mềm sở hữu độc quyền) khác”.

Phản ứng quốc tế về báo cáo đặc biệt 301

Ngay lập tức sau khi IIPA đưa ra những nhận định của họ trong các báo cáo 301 đặc biệt chống lại các quốc gia, vào ngày 16/02/2010, Quỹ Phần mềm Tự do (FSF), một tổ chức phi lợi nhuận, nơi đưa ra tuyên ngôn về phần mềm tự do, nơi phê chuẩn tất cả các loại giấy phép về phần mềm tự do, người bảo vệ cho phần mềm tự do trên toàn thế giới, được thành lập từ năm 1985, đã có phản ứng bằng một bức thư gửi lên cho đại diện thương mại Mỹ (USTR). Trong bức thư này, người đại diện của FSF đã phê phán những luận điểm sai trái của IIPA và một số luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện hành là không công bằng, không bảo vệ cho những người giữ bản quyền trong thế giới của phần mềm tự do nguồn mở mà lại chỉ bảo vệ trong thế giới của phần mềm sở hữu độc quyền, gây cản trở và triệt hạ việc đổi mới sáng tạo, gây thiệt hại cho toàn bộ nền công nghiệp phần mềm và những nền công nghiệp có liên quan khác trên toàn thế giới và cho chính bản thân nước Mỹ.

Tiếp đến, ngày 05/03/2010, tổ chức Sáng kiến Nguồn Mở (OSI), một tổ chức bảo vệ cho phần mềm nguồn mở, được thành lập năm 1997, nơi đưa ra định nghĩa về phần mềm nguồn mở và phê chuẩn tất cả các loại giấy phép cho phần mềm nguồn mở, cùng với FSF là 2 tổ chức bảo vệ cho phần mềm tự do nguồn mở lớn nhất thế giới, cũng đã kịch lực phản đối những luận điệu sai trái của IIPA chống lại các quốc gia có các chính sách khuyến khích ứng dụng và phát triển phần mềm tự do nguồn mở. Trong tuyên bố phản đối của mình, Chủ tịch của OSI là Michael Tiemann, đồng thời là Phó Chủ tịch của hãng Red Hat, đã phản đối các luận điệu sai trái của IIPA về FOSS, khẳng định rằng FOSS làm lợi cho ngành công nghiệp thế giới hàng tỷ USD mỗi năm; rằng FOSS đưa ra những giá trị dài hạn vượt hơn cả phần mềm sở hữu độc quyền vì nó cho phép, chứ không phải ngăn cản, người sử dụng và các lập trình viên cộng tác với nhau và đổi mới sáng tạo cùng với nhau; rằng FOSS hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Cuối cùng, ông kết luận rằng quan điểm của IIPA là không công bằng và dựa vào những định nghĩa lỗi thời, những lợi ích chuyên biệt và một sự sợ hãi về đối mới sáng tạo và các mô hình kinh doanh mới. Ông khẳng định rằng nước Mỹ có một vai trò trong việc xác định các thị trường tự do trên thế giới và quan điểm của IIPA không ủng hộ cho vai trò này, vì thế nó phải không được tôn trọng.

Chưa hết, ngay sau sự phản đối của OSI, cũng trong tháng 03/2010, Hiệp hội Nguồn Mở vì nước Mỹ (OSFA), một tổ chức vừa mới được thành lập năm 2009 để hỗ trợ sử dụng FOSS chủ yếu trong môi trường chính phủ liên bang Mỹ, một tổ chức có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, viện nghiên cứu và các cá nhân ủng hộ việc sử dụng phần mềm tự do nguồn mở như Red Hat, Alfresco, EFF, Quỹ Mozilla, Google, Novell, Debian, Canonical, Oracle, SugarCRM và Ingres, cũng đã lên tiếng phản đối IIPA. Trong tuyên bố phản đối của mình, OSFA nêu rõ 3 điểm:

  1. FOSS là sở hữu trí tuệ;

  2. FOSS khuyến khích sự cạnh tranh thị trường;

  3. Việc sử dụng FOSS đang gia tăng ở tất cả các cấp độ của chính phủ Mỹ

Tuyên bố nêu tiếp rằng các nhà cung cấp có trụ sở ở Mỹ đã cung cấp các giải pháp FOSS đằng sau site mới WhiteHouse.gov (website của Nhà Trắng) và những sáng kiến khác (như, Kết nối NHIN của Bộ Y tế, nước Mỹ Ảo của Bộ An ninh Quốc nội, Đám mây Thiên văn học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA, VISTA của Bộ Cựu chiến binh VA và vừa mới công bố các chính sách về Nguồn mở tại San Francisco, Los Angeles và Boston) đang được theo đuổi một cách thành công bởi chính quyền Obama và OSFA mạnh mẽ thúc giục USTR, và tất cả các cơ quan chính phủ Mỹ, hãy cực lực phản đối sức ép vô căn cứ đối với danh sách đen hoặc trừng phạt bất kỳ quốc gia nào vì các chính sách cho phép hoặc khuyến khích sử dụng FOSS.

Có lẽ với những lời lẽ của các tổ chức chuyên nghiệp về FOSS trên thế giới được nêu ở trên, thì không còn gì có thể rõ hơn về sự ngang ngược trong quan điểm chống FOSS của IIPA và BSA.

Việc IIPA, BSA và các tổ chức có liên quan ám chỉ những các quốc gia và những người sử dụng phần mềm tự do nguồn mở đều như những kẻ ăn cắp đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên toàn cầu, thông qua vô số các bài viết trên Internet, nhiều tác giả các bài viết đã chỉ ra rằng, chính những công ty đứng đầu thế giới phần mềm sở hữu độc quyền, như Microsoft, những người bỏ tiền ra để nuôi dưỡng những tổ chức như IIPA và BSA, mới thực sự là những kẻ cướp, với những lần vi phạm sở hữu trí tuệ của các công ty khác và có vô số trải nghiệm thực tế trong việc sử dụng mọi thủ đoạn để cản trở sự đổi mới sáng tạo trong phần mềm, cản trở sự cạnh tranh của thị trường này trong nhiều năm qua.

IIPA và BSA đi ngược dòng

Trong một diễn biến khác, vào ngày 23/03/2010, TechAmerica, một liên minh được thành lập bởi sự sát nhập của Hiệp hội Điện tử Mỹ (AeA), Liên minh Công nghiệp An ninh Không gian mạng (CSIA), Hiệp hội Mỹ về Công nghệ Thông tin (ITAA) và Hiệp hội Công nghệ Thông tin & Điện tử của Chính phủ (GEIA), người đại diện cho gần 1,200 công ty thành viên của tất cả các kích cỡ từ các khu vực nhà nước và thương mại của nền kinh tế Mỹ, là tổ chức bảo vệ lớn nhất cho nền công nghiệp và chuyên tâm để giúp cho những mục tiêu của các thành viên, đã đưa ra tài liệu “Minh bạch và Chuyển đổi thông qua Công nghệ”, là kết quả khảo sát đối với các giám đốc thông tin CIO liên bang Mỹ, đã liệt kê ra 2 trong số 9 điểm cần lưu ý trong việc đổi mới sáng tạo là “(1) Sử dụng các ứng dụng và giải pháp nguồn mở để kích thích đổi mới sáng tạo; (2) Áp dụng việc đưa nguồn của công chúng cho đối mới sáng tạo, và cải thiện việc sử dụng nó thông qua những giao tiếp và cộng tác tốt hơn, nguồn mở và sự cạnh tranh”. Rõ ràng quan điểm của Hiệp hội này là trái ngược hoàn toàn với quan điểm của IIPA và BSA.

Luận giải và so sánh

Một mặt, những hành động của các tổ chức nước ngoài như IIPA và BSA chống lại các chính sách về phần mềm tự do nguồn mở của Chính phủ Việt Nam rõ ràng là những hành động can thiệp thô bạo và ngang ngược vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, đi ngược lại ý chí và nguyện vọng của chính phủ và nhân dân Việt Nam với mong muốn thông qua việc ứng dụng và phát triển FOSS tại Việt Nam để thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ về phần mềm, khuyến khích đổi mới sáng tạo và cạnh tranh thị trường trong ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam và nhanh chóng góp phần vào việc làm giảm tỷ lệ sử dụng các phần mềm “ăn cắp”, phù hợp với những luật lệ chung của cộng đồng quốc tế.

Mặc khác, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt không chỉ là nước Mỹ, mà còn là cả Việt Nam, đang cảnh giác cao độ trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia về không gian mạng của mình, chống lại những cuộc tấn công không gian mạng bất tận vào các hệ thống hạ tầng sống còn của các quốc gia về thông tin, tài chính - ngân hàng, năng lượng, giao thông, y tế... , một phần đa số lớn của các cuộc tấn công đó nhằm vào các hệ thống nền tảng Windows sở hữu độc quyền, thì việc sử dụng phần mềm tự do nguồn mở còn mang một ý nghĩa sống còn, khi mà mã nguồn của nó là luôn có sẵn, là luôn có thể giám sát được bởi một cộng đồng đông đảo các lập trình viên phần mềm nguồn mở trên toàn thế giới, chứ không chỉ của cộng đồng các lập trình viên của một quốc gia duy nhất, càng không phải là cộng đồng các lập trình viên của chỉ một công ty duy nhất, như trong trường hợp của các phần mềm sở hữu độc quyền. Việc IIPA, BSA và các tổ chức có liên quan khác, dù vô tình hay cố ý, cản trở việc ứng dụng và phát triển FOSS ở Việt Nam, còn có thể là gây nguy hiểm cho chủ quyền về không gian mạng nói riêng, chủ quyền của Việt Nam nói chung, là điều không thể chấp nhận được.

Một sự trùng khớp ngẫu nhiên có liên quan tới sự can thiệp sai trái của các tổ chức nước ngoài đối với Việt Nam thời gian gần đây, là việc Hội địa lý Mỹ (NGS) ghi nhầm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành của Trung Quốc trên bản đồ của Hội này. Vào ngày 13/3, Bộ Ngoại giao, thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, đã yêu cầu NGS sửa sai trên bản đồ thông tin này. Được biết, ngày 16/3, NGS ra thông báo thừa nhận việc ghi chú về quần đảo Hoàng Sa như vậy có thể gây hiểu nhầm và đã hứa sửa đổi những thông tin sai trái đó.

Cả 2 sự việc đều có liên quan tới việc gây hại cho chủ quyền của Việt Nam, chỉ có khác là trong trường hợp của NGS thì đó là “không gian thật” và dễ nhìn thấy bằng mắt thường, còn trong trường hợp của IIPA và BSA thì nó là “không gian ảo” và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Cả 2 trường hợp đều cần tới tiếng nói phản đối từ các cơ quan hữu quan của Việt Nam.

Không rõ có phải chính vì lý do giữa “thật và ảo” này hay không, mà cho tới nay, chúng ta chỉ có thể đọc được, nghe được và thấy được về sự việc có liên quan tới “không gian thật”, còn với sự việc liên quan tới “không gian ảo” thì hầu như chúng ta không thể đọc, nghe và thấy được trên hầu như bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào. Cho tới thời điểm bài này được viết, chưa có được những phản ứng chính thức của các hội, hiệp hội nghề nghiệp cũng như của các cơ quan hữu quan của Việt Nam về vấn đề này.

Kết luận

Việc IIPA và BSA ngang ngược chống lại các chính sách của Chính phủ Việt Nam về FOSS là một hành động can thiệp sai trái và ngang ngược vào công việc nội bộ của Việt Nam như một quốc gia có chủ quyền, một hành động mà nếu những nội dung của nó được thực hiện sẽ tước đoạt đi quyền và cơ hội của Việt Nam trong việc lựa chọn FOSS vì lợi ích của Việt Nam, một hành động muốn ép buộc Chính phủ Việt Nam vào con đường buộc phải phụ thuộc vào chỉ các phần mềm sở hữu độc quyền, con đường dẫn tới sự phụ thuộc vĩnh viễn vào các công ty phần mềm độc quyền nước ngoài mà họ hoàn toàn không có khả năng và động lực nào để đảm bảo được an ninh không gian mạng cho các hệ thống thông tin của Chính phủ, doanh nghiệp và mọi người dân Việt Nam, gián tiếp gây phương hại cho chủ quyền quốc gia của Việt Nam là rõ ràng, rất thâm độc và nguy hiểm, không thể chối cãi và chúng cần phải bị lên án một cách mạnh mẽ!

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 04/2010, trang 60-62.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.