Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Hành trình dẫn tới sự hết thiêng


-->
Kể từ khi Việt Nam chính thức ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, vấn đề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ nói chung, sở hữu trí tuệ trong phần mềm nói riêng, luôn là một mối lo thường trực phải tuân thủ của mọi người Việt Nam.
Chính vì vậy, việc 3 năm về trước, nhân chuyến viếng thăm lần đầu của Steve Ballmer, Tổng giám đốc của Microsoft tới Việt Nam, chính phủ đã ký kết hợp đồng với Microsoft để mua sắm bộ phần mềm văn phòng Micrsoft Office (MSO) như là một bước đi để giải tỏa mối lo này, cho dù việc mua sắm MSO chứ không phải thứ gì khác, ví dụ như Microsoft Windows, vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi cho tới ngày hôm nay.
Kịch bản của việc mua sắm này 3 năm về trước được bắt đầu từ một cuộc toạ đàm "Bản quyền phần mềm trong hội nhập quốc tế", mà ở đó, nhân vật trung tâm là Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) đã đưa ra báo cáo về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam năm 2006 với 88%, đứng thứ 5 trong số 102 quốc gia được khảo sát, một trong những tỷ lệ lớn nhất thế giới lúc bấy giờ - một con số mà có lẽ nhiều người Việt Nam khi đó dễ dàng thừa nhận và vì thế có lẽ hầu như không một ai đã muốn tìm hiểu xem, thực sự thì BSA và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) đã tính toán như thế nào để có được con số đó.
3 năm sau, khi mà hợp đồng bản quyền mua sắm MSO với Microsoft sắp tới ngày hết hạn, bỗng nhiên lại thấy rộ lên thông tin về việc vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam. Trước tiên là “Báo cáo đặc biệt 301 năm 2010” của Liên minh Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (IIPA), mà BSA là một trong 7 thành viên của nó, gửi lên đại diện thương mại Mỹ (USTR) đòi gây sức ép kinh tế lên chính phủ Việt Nam vì có những chính sách khuyến khích sử dụng phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM).
Nhiều tổ chức chuyên nghiệp về PMTDNM đã lên tiếng phản đối IIPA, trong đó có lẽ, điều làm ngạc nhiên ngay cả những kẻ chủ mưu gây sức ép cho Việt Nam cũng không thể ngờ tới là việc Hội Phần mềm Nguồn mở vì nước Mỹ (OSFA) đã lật tẩy những mưu đồ chống PMTDNM - muốn đánh đồng PMTDNM với những kẻ ăn cắp phần mềm và chống lại chủ nghĩa tư bản - của IIPA, BSA bằng việc khẳng định: (1) PMTDNM là sở hữu trí tuệ; (2) PMTDNM khuyến khích sự cạnh tranh thị trường và (3) PMTDNM đang được triển khai thành công trong mọi cấp độ của chính phủ Mỹ.
Điều không ai ngờ tới nữa là vào ngày 12/04/2010, Văn phòng Kiểm toán Liên bang Mỹ GAO (Government Accountability Office), một cơ quan được chính phủ Mỹ ủy nhiệm, đã đưa ra báo cáo “Sở hữu trí tuệ, những nghiên cứu về những nỗ lực để lượng hóa những ảnh hưởng về kinh tế của những hàng hóa làm giả và ăn cắp” đối với nền kinh tế Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ. Một trong những kết luận của nghiên cứu này chỉ ra rằng những báo cáo với phương pháp tính và các con số thống kê của nhiều tổ chức, trong đó có của BSA-IDC về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở cả nước Mỹ cũng như trên thế giới là không đáng tin cậy, khi mà phương pháp tính toán đã xác định sự khác biệt giữa tổng số những phần mềm được cài đặt và tổng số những phần mềm được bán, và phạm vi của nó có liên quan chỉ tới những phần mềm đóng gói một cách vật lý.
Với tư duy chống PMTDNM, những liên minh này đã cố ý bỏ qua việc PMTDNM chủ yếu được tính theo số lượng bản tải về trực tiếp từ Internet, được đúc hàng loạt thành các đĩa CD/DVD rồi phân phối truyền tay từ người này sang người khác để cài đặt và sử dụng một cách hoàn toàn tự do và hợp pháp theo các giấy phép của PMTDNM đi kèm với những phần mềm đó. Nói một cách khác, với việc sử dụng PMTDNM, thì cách tính và những con số thống kê về tỷ lệ vi phạm bản quyền của các liên minh này hoàn toàn bị phá sản.
Tiếp đến, ngày 07/05/2010, tại khách sạn Sofitel Plaza, Hà Nội, đã diễn ra cuộc tọa đàm “Đánh giá thực trạng về tôn trọng bản quyền phần mềm ở Việt Nam năm 2009 - con số và nhận thức”.
Lại tấn trò cũ của 3 năm về trước sẽ tái hiện trước khi Việt Nam bị ép phải mua phần mềm của Microsoft chăng?
Không, lần này thì khác, và sự khác biệt chính nằm ở chỗ, buổi tọa đàm này là do Hội Tin học Việt Nam tổ chức, mời đại diện các bên liên quan như BSA, IDC và Microsoft tới để trao đổi những gì mà phía Việt Nam muốn bày tỏ sự phản đối xung quanh phương pháp tính và con số 85% tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam liền trong 3 năm 2007-2008-2009 - đứng thứ 10 trong số 107 quốc gia tham gia khảo sát - mà BSA dự kiến sẽ công bố vào ngày 11/05 sau đó. Đã không ai được nghe những ý kiến phản hồi trực tiếp tại cuộc tọa đàm, mặc dù những đại diện của 3 thực thể nêu trên đều đã có tham dự.
Ngày 11/05/2010, BSA-IDC đã công bố tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam là 85% liền trong 3 năm như được nêu ở trên, với lời giải thích của vị đại diện BSA tại Việt Nam rằng BSA và IDC không tính giá trị của phần mềm tự do nguồn mở cài trong máy tính vì đây là các phần mềm được cấp miễn phí, điều hoàn toàn mâu thuẫn với đề xuất mà cấp trên của BSA là IIPA trong “Báo cáo đặc biệt 301 năm 2010” nêu ở trên đối với Việt Nam: Dừng chính sách ưu tiên nguồn mở được Chính phủ phê chuẩn vì nó đang hạn chế sự lựa chọn công nghệ tại Việt Nam”.
Ngày 12/05/2010, tại cuộc “Đối thoại thương mại Việt Mỹ về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)”, khi được hỏi về những vấn đề nêu trên, đại diện của BSA đã đổ lỗi về phương pháp tính và các con số thống kê cho IDC, và hứa hẹn BSA sẽ nghiên cứu những phương pháp mới, phù hợp với những thay đổi hiện nay.
Sẽ là không đầy đủ, nếu không nêu về việc ngày 24/05/2010, Steve Ballmer, Tổng giám đốc của Microsoft đã có trọn một ngày làm việc tại Việt Nam. Cũng giống như chuyến viếng thăm 3 năm về trước, lần này ông đã có diện kiến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tham dự một số sự kiện, nhưng cái khác so với lần trước là lần này không có lễ ký kết hợp đồng mua sắm bản quyền phần mềm nào với các cơ quan chính phủ Việt Nam, mà thay vào đó là lễ ký kết giữa Microsoft Việt Nam và FPT biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy việc phát triển điện toán đám mây.
Việc sử dụng PMTDNM tại Việt Nam hiện nay có thể còn chưa được nhiều, chưa được mạnh, chưa được như mong muốn như những gì đã được thể hiện trong các thông tư, chỉ thị, quyết định của chính phủ, nhưng nó vẫn là con đường đúng cần phải đi. Nó không thể bị khuất phục bởi những sức ép phi lý, thô thiển và trắng trợn như những gì đã diễn ra vửa qua từ phía các liên minh IIPA, BSA và Microsoft... Bài gây sức ép kiểu đó đã hết thiêng rồi!
Trần Lê
PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 06/2010, trang 64-65.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.