(Lack of investment resources in open science for higher education in the context of autonomy)
--------------------
Tóm tắt: Tự chủ cơ sở trong giáo dục đại học có ở hai dạng: (1) tự chủ thực chất liên quan tới học thuật và nghiên cứu; và (2) tự chủ thủ tục liên quan tới các lĩnh vực phi học thuật, đặc biệt là các vấn đề tài chính. Tự chủ cơ sở sẽ không thành công nếu chỉ tập trung vào tự chủ thủ tục và/hoặc không phù hợp với xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay về khoa học mở trong tự chủ thực chất.
Từ khóa: (quyền) tự chủ thực chất; (quyền) tự chủ thủ tục; khoa học mở; bộ công cụ khoa học mở của UNESCO.
Abstract: Institutional autonomy in Higher Education is distinguished into two: (1) substantive autonomy related to academics and research; and (2) procedural autonomy related to non-academic areas, especially financial matters. Institutional autonomy will not succeed if it focuses solely on procedural autonomy and/or does not match today's irreversible world trend of open science in substantive autonomy.
Key words: substantive autonomy; procedural autonomy; open science; UNESCO’s Open Science Toolkit.
---------------------
1. Bối cảnh quốc tế
Trong giáo dục đại học, tự chủ cơ sở đã được đề cập tới từ ít nhất là 25 năm trước trong tài liệu của UNESCO có tên là ‘Khuyến nghị liên quan đến tình trạng của đội ngũ giảng viên giáo dục đại học’. Nó nêu rằng “Quyền tự chủ là một dạng quyền tự do học thuật của cơ sở và là điều kiện tiên quyết cần thiết để đảm bảo thực hiện đúng chức năng được giao cho đội ngũ giảng viên và các cơ sở giáo dục đại học”[1].
Cũng về khía cạnh tự chủ cơ sở trong giáo dục đại học, tài liệu ‘Xem xét tự chủ và trách nhiệm giải trình trong các cơ sở đại học công và tư’ do Ngân hàng Thế giới xuất bản tháng 11/2009 đã chỉ ra hai dạng cơ bản của tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học, cả công lẫn tư, đó là: (1) tự chủ thực chất có liên quan tới học thuật và nghiên cứu; và (2) tự chủ thủ tục có liên quan tới các lĩnh vực phi học thuật, như trong Bảng 1.
Bảng 1. Các dạng khác nhau của (quyền) tự chủ cơ sở
Thực chất (học thuật và nghiên cứu) Thiết kế chương trình giảng dạy Chính sách nghiên cứu Các tiêu chuẩn đầu vào Bổ nhiệm nhân viên học thuật Cấp bằng |
Thủ tục (các lĩnh vực phi học thuật) Lập ngân sách Quản lý tài chính Bổ nhiệm nhân viên phi học thuật Mua sắm Ký kết hợp đồng |
Một trong các nguyên tắc chung trong phần kết luận của tài liệu đó nêu rằng: “Cần phải suy nghĩ hơn nữa về sự cân bằng giữa quyền tự chủ thực chất và quyền tự chủ thủ tục. Các quốc gia khác nhau đã nhấn mạnh quyền tự chủ thủ tục hoặc thực chất. Tuy nhiên, việc thúc đẩy quyền tự chủ trong lĩnh vực này hoặc kia có thể mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng trừ khi chúng được thực hiện cùng nhau, những cải cách này không thể mang lại sự thay đổi có ý nghĩa trong hành vi”[2].
Từ một góc nhìn khác, để giáo dục Việt Nam không bị tụt hậu với thế giới, nguồn lực đầu tư về khoa học mở cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ ở Việt Nam cần phải được quan tâm đúng mức, khi mà Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO[3] đã được 193 quốc gia thành viên của nó thông qua ngày 23/11/2021, biến khoa học mở thành xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay. Về khía cạnh này, hiện nay UNESCO, thông qua các nhóm làm việc về khoa học mở của mình và bằng việc lần lượt xuất bản hàng loạt các tài liệu của Bộ công cụ Khoa học Mở[4], tích cực hỗ trợ cho các quốc gia thành viên và các tổ chức có liên quan, bao gồm các cơ sở giáo dục đại học và các viện nghiên cứu, khắp trên thế giới để triển khai các nội dung của Khuyến nghị vào thực tế cuộc sống.
2. Bối cảnh trong nước
Kể từ khi Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020, trong đó có việc “Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học, sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với giáo dục đại học”, đã có những triển khai thí điểm trong thực tế và chứng minh rằng cơ chế tự chủ đại học là đúng và cần thiết dù còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, dù được bàn luận nhiều suốt trong thời gian qua vẫn chưa có hồi kết, và có thể được liệt kê vắn tắt qua một vài đoạn trích dẫn như sau:
"Các vấn đề liên quan tới tự chủ đại học có rất nhiều...: Chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế; Đổi mới quản trị đại học và quản lý nhà nước; Nguồn lực cho phát triển giáo dục đại học”[5].
“Việc tự chủ đại học đã có chủ trương chính thức, có nghị quyết của Trung ương và có luật quy định, 23 trường đã được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm. Nhìn chung việc thực hiện thí điểm đã cho thấy, mặc dù còn rất nhiều trở ngại, nhưng kết quả có khá lên đáng kể so với trước, góp phần khẳng định một lần nữa bằng thực tế rằng tự chủ là một cơ chế đúng và cần thiết”[6].
“Tự chủ đại học đã được đặt ra mười mấy năm nay, nhưng vẫn cứ phải bàn, rất sốt ruột, tiến triển rất chậm, rất nhiều vướng mắc... hiện vẫn còn nhầm lẫn giữa việc Nhà nước trao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ với việc phân quyền quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhầm lẫn giữa tự chủ với tự túc tài chính”[7].
“Tự chủ giáo dục đại học (GDĐH) đã được thực hiện từ năm 2015, sau khi có Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ; đặc biệt từ khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật 34. Trong quá trình triển khai thực hiện, có những vướng mắc liên quan tới các cơ quan quản lý; đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa được sửa đổi, bổ sung; quản trị tài chính,…”
Có thể thấy từ những trích dẫn ở trên, cùng với những bàn luận liên quan trong thời gian vừa qua về tự chủ đại học, những vấn đề nổi cộm rất cần được giải quyết như sự cần thiết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” bằng việc xóa bỏ cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học như một hình thức “giấy phép con” để thực sự chuyển từ các hệ thống nhà nước kiểm soát sang nhà nước giám sát; xử lý mối quan hệ và sự cân bằng tối ưu giữa quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học; xác định rõ vai trò/trách nhiệm và mối quan hệ giữa bí thư đảng ủy với chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng; làm rõ tự chủ hay tự túc tài chính; xử lý các mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tự chủ đại học; và nhiều thách thức và rào cản khác cần phải được giải quyết nhằm mục đích cuối cùng là để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, và vì thế nâng cao năng lực và sức mạnh quốc gia.
Có vẻ như hiện nay ở Việt Nam, quyền tự chủ thủ tục đang được tập trung bàn luận nhiều hơn so với quyền tự chủ thực chất.
3. Bộ công cụ Khoa học Mở của UNESCO và khoảng trống nguồn lực đầu tư về khoa học mở trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam?
Để giúp các quốc gia và các bên liên quan triển khai các nội dung của Khuyến nghị Khoa học Mở, cuối năm 2022, UNESCO đã xuất bản 8 tài liệu đầu tiên của Bộ công cụ Khoa học Mở, và hiện đang gấp rút chuẩn bị để xuất bản hàng loạt các tài liệu khác của Bộ công cụ này trong năm 2023.
Hình 1. Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO, tất cả các khía cạnh
Tất cả 8 tài liệu của bộ công cụ khoa học mở đã được UNESCO xuất bản cuối năm 2022 đều có một trang dành riêng để tóm tắt những điểm nội dung chính yếu nhất được nêu trong Khuyến nghị Khoa học Mở, như sau:
“Khuyến nghị Khoa học Mở, công cụ thiết lập tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về khoa học mở, đã được 193 quốc gia thông qua vào tháng 11/2021 tại phiên 41 Hội nghị Toàn thể UNESCO. Khuyến nghị này cung cấp một định nghĩa được quốc tế đồng thuận và một tập hợp các giá trị và các nguyên tắc định hướng chung cho khoa học mở. Nó cũng xác định một tập hợp các hành động giúp tiến hành hoạt động công bằng và hợp lý của khoa học mở cho tất cả các bên ở các mức cá nhân, cơ sở, quốc gia, khu vực và quốc tế.”
Một trong số 8 tài liệu đã được xuất bản nêu trên được dành riêng cho các cơ sở giáo dục đại học với hàng loạt các câu hỏi và gợi ý các câu trả lời cho từng câu hỏi trong số đó để giúp các cơ sở giáo dục đại học kiểm tra xem liệu họ có đang trong quá trình triển khai khoa học mở hay không. Bên dưới đây nêu tóm tắt nội dung tài liệu và các câu hỏi đó, với hy vọng các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam có thể tự đánh giá thông qua việc tự trả lời các câu hỏi đó để xem liệu họ có đang đi đúng theo xu hướng khoa học mở không thể đảo ngược của thế giới ngày nay hay không khi đề cập tới “Chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế” trong bối cảnh của tự chủ giáo dục đại học như được nhắc tới ở phần trên.
Tên tài liệu: Danh sách kiểm tra cho các trường đại học trong triển khai Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO[8]
Mục đích của tài liệu: “để cung cấp hỗ trợ thực hành cho cộng đồng các trường đại học để hiểu tốt hơn Khuyến nghị Khoa học Mở, đặc biệt bằng việc nêu bật các lĩnh vực áp dụng cho các nhà lãnh đạo đại học nào mong muốn hỗ trợ triển khai nó.”
Các câu hỏi (CH) chính và các vấn đề có liên quan tới từng câu hỏi đó:
CH1: Như một trường đại học thực hành khoa học mở, bạn làm thế nào để…
Nuôi dưỡng các phương pháp mở, ví dụ: Liệu các thực hành khoa học ở trường đại học của bạn có là mở mặc định? Liệu các nhà đổi mới sáng tạo trong trường đại học của bạn có được khuyến khích và được ưu đãi để làm cho các thực hành và các sản phẩm của họ là mở? Liệu những người mới đến cơ sở của bạn có được giới thiệu về khoa học mở từ rất sớm?
Đưa các thực hành mở vào dòng chính: ví dụ, xây dựng tính mở trong các chính sách cốt lõi cho khoa học, quản lý dữ liệu, tài nguyên giáo dục; lồng ghép các thực hành khoa học mở vào các mối quan hệ đối tác của trường đại học với các đối tác trong và ngoài nước.
Sử dụng và tạo lập các hạ tầng khoa học: ví dụ: Liệu các công cụ được các nhà khoa học và sinh viên sử dụng trong cơ sở của bạn có sẵn sàng mở trên các nền tảng mở hay không? Các hạ tầng có thể vừa vật lý và ảo.
Suy nghĩ vượt ra khỏi các bài báo khoa học: Liệu tất cả các giai đoạn của quy trình khoa học, từ khái niệm hóa và đồng thiết kế các dự án nghiên cứu tới truyền thông sau xuất bản, có là mở hay không? Các xuất bản phẩm là kết quả đầu ra của nghiên cứu khoa học có được cấp phép mở hoặc hiến tặng vào phạm vi công cộng hay không? Chúng có được ký gửi vào một kho mở phù hợp hay không?
Hỗ trợ tham gia và đối thoại hòa nhập toàn diện: Khoa học mở bao gồm tất cả các ngành khoa học và các khía cạnh thực hành học thuật và xây dựng dựa trên 4 trụ cột chính: (1) Truy cập mở tới kiến thức khoa học; (2) Các hạ tầng khoa học mở; (3) Sự tham gia mở của các tác nhân xã hội; và (4) Đối thoại mở với các hệ thống kiến thức khác. Ví dụ: (1) Các hoạt động nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học của bạn có sự tham gia của các đối tượng không phải là các nhân viên hàn lâm và các nhà nghiên cứu khoa học hay không? (2) Bạn có tiến hành đối thoại mở với các hệ thống kiến thức khác, ví dụ như hệ thống kiến thức của các dân tộc thiểu số, hay không?
CH2: Liệu các giá trị ở cơ sở của bạn có phù hợp với các giá trị cốt lõi của Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO?
Bốn giá trị cốt lõi: (1) Chất lượng và liêm chính; (2) Lợi ích tập thể; (3) Công bằng và không thiên vị; (4) Đa dạng và hòa nhập toàn diện.
Sáu nguyên tắc hướng dẫn được điều chỉnh cho phù hợp với bốn giá trị cốt lõi gồm: (1) Minh bạch, giám sát, phê bình & tái tạo lại được; (2) Bình đẳng về cơ hội; (3) Trách nhiệm, tôn trọng và giải trình; (4) Hợp tác, tham gia và hòa nhập; (5) Linh hoạt nhờ tính đa dạng; và (6) Tính bền vững.
CH3: Bạn có kết hợp các lĩnh vực hành động sau đây vào các hoạt động trong trường đại học của bạn? Nếu không, bạn đã lên kế hoạch cho một lộ trình thời gian biểu để kết hợp lĩnh vực hành động này trong tương lai chưa? Ứng với mỗi lĩnh vực được liệt kê bên dưới đây đều có nhiều diễn giải chi tiết trong tài liệu. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một bài báo, dưới đây chỉ nêu một trong số các diễn giải đó cho từng lĩnh vực hành động như là ví dụ.
Thúc đẩy sự hiểu biết chung về khoa học mở, những lợi ích và thách thức có liên quan của nó, cũng như các con đường khác nhau tới khoa học mở. Ví dụ: Đảm bảo rằng nghiên cứu được nhà nước cấp vốn được thực hiện dựa trên các nguyên tắc khoa học mở phù hợp với các điều khoản của Khuyến nghị này, và rằng kiến thức khoa học từ nghiên cứu được nhà nước cấp vốn, bao gồm các xuất bản phẩm khoa học, dữ liệu nghiên cứu mở, phần mềm nguồn mở, mã nguồn mở và phần cứng mở, là được cấp phép mở hoặc được hiến tặng vào phạm vi công cộng.
Phát triển và xúc tác cho môi trường chính sách về khoa học mở. Ví dụ: Phát triển hoặc khuyến khích các môi trường chính sách, bao gồm những thứ đó ở các mức cơ sở, quốc gia, khu vực và quốc tế để hỗ trợ cho việc vận hành khoa học mở và triển khai hiệu quả các thực hành khoa học mở, bao gồm các chính sách ưu đãi cho các thực hành khoa học mở giữa các nhà nghiên cứu. Thông qua quy trình nhiều bên liên quan, tham gia minh bạch bao gồm đối thoại với cộng đồng khoa học, đặc biệt với các nhà nghiên cứu sự nghiệp sớm, và các tác nhân khoa học mở khác.
Đầu tư vào các hạ tầng và dịch vụ khoa học mở. Ví dụ: Thúc đẩy các hạ tầng khoa học mở phi thương mại.
Đầu tư vào nguồn nhân lực, đào tạo, giáo dục, sáng số và xây dựng năng lực cho khoa học mở. Ví dụ: Đồng thuận về một khung năng lực khoa học mở phù hợp với các nguyên tắc đặc thù cho các nhà nghiên cứu ở các giai đoạn sự nghiệp khác nhau, cũng như cho các tác nhân tích cực trong các khu vực công và tư hoặc xã hội dân sự, những người cần các năng lực cụ thể để đưa vào sử dụng các sản phẩm khoa học mở trong sự nghiệp nghề nghiệp của họ; và phát triển các kỹ năng và các chương trình đào tạo được thừa nhận để hỗ trợ đạt được các năng lực đó.
Nuôi dưỡng văn hóa khoa học mở và điều chỉnh các ưu đãi cho khoa học mở. Ví dụ: Tham gia tích cực trong việc loại bỏ các rào cản đối với khoa học mở, đặc biệt là những rào cản có liên quan tới các hệ thống đánh giá và khen thưởng cho sự nghiệp và nghiên cứu.
Thúc đẩy các cách tiếp cận đổi mới sáng tạo cho khoa học mở ở các giai đoạn khác nhau của quy trình khoa học. Ví dụ: Thúc đẩy khoa học mở ngay từ đầu quy trình nghiên cứu và mở rộng các nguyên tắc của tính mở trong tất cả các giai đoạn của quy trình nghiên cứu để cải thiện chất lượng và khả năng tái tạo lại, bao gồm việc khuyến khích cộng tác và các mô hình đổi mới sáng tạo khác do cộng đồng dẫn dắt, .v.v.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nhiều bên liên quan trong bối cảnh khoa học mở và với quan điểm giảm thiểu các khoảng trống về kỹ thuật số, công nghệ và kiến thức. Ví dụ: Thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế giữa tất cả các tác nhân khoa học mở, dù dựa trên cơ sở song phương hay đa phương.
Việc giám sát. Ví dụ: Giám sát các chính sách và cơ chế có liên quan tới khoa học mở bằng việc sử dụng sự kết hợp các cách tiếp cận định tính và định lượng, khi thích hợp.
4. Thay cho lời kết
Tự chủ cơ sở trong giáo dục đại học hiện đang là chủ đề rất nóng và sẽ còn được tranh luận rất nhiều trong thời gian tới.
Từ kinh nghiệm của thế giới để tự chủ cơ sở thành công trong giáo dục đại học, các tranh luận, cũng như các hành động, nên được tập trung không chỉ vào (quyền) tự chủ thủ tục, mà cần có sự tập trung nhiều hơn vào (quyền) tự chủ thực chất để có sự cân bằng giữa hai dạng (quyền) tự chủ đó để có thể giúp mang lại sự thay đổi có ý nghĩa trong hành vi.
Để chuyển đổi tư duy và các hoạt động liên quan tới học thuật và nghiên cứu, và vì thế (quyền) tự chủ thực chất, từ đóng sang mở, chắc chắn là công việc rất khó khăn, đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư trong cả ngắn - trung - dài hạn mọi nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, tiền bạc, thời gian và khác.
Thách thức đối với các quyền tự chủ cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là lớn hơn nhiều và chưa từng có khi mà khoa học mở đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, trong khi hầu hết những gì được trình bày về khoa học mở trong bài viết này là thuộc về (quyền) tự chủ thực chất, có liên quan tới học thuật (mở) và nghiên cứu (mở) và hầu như chưa từng có trong giáo dục đại học Việt Nam.
Nói cách khác, (quyền) tự chủ cơ sở trong các cơ sở giáo dục đại học có thể sẽ không thành công và giáo dục đại học của Việt Nam sẽ tụt hậu hơn nữa so với thế giới nếu khoảng trống nguồn lực đầu tư về khoa học mở cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ không được lấp đi càng nhanh càng tốt.
Các chú giải
[1] UNESCO, 1997: Recommendation the regarding Status of Higher-Education Teaching Personnel: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000113234, p.8. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/p5p0d7h9i3wscj9/113234qaab_Vi-02022023.pdf?dl=0, trang 8-9, đoạn 18.
[2] The World Bank, November 2009: Examining Autonomy and Accountability in Public and Private Tertiary Institutions by Reehana Raza for Human Development Network: https://documents1.worldbank.org/curated/en/267671468158063464/pdf/526540WP0Auton145574B01PUBLIC110pdf.pdf, p.32. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/3rqx8fooxcjv9ov/526540WP0Auton145574B01PUBLIC110_Vi-28012023.pdf?dl=0, trang 34, mục 4.
[3] UNESCO, 2021: Recommendation on Open Science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000379949. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/l3q04t99nil5mgo/379949eng_Vi-25112021.pdf?dl=0
[4] Đến hết năm 2022, Bộ công cụ Khoa học Mở của UNESCO gồm 8 tài liệu đã được xuất bản và hàng loạt các tài liệu dự kiến sẽ được xuất bản trong năm 2023, xem: https://www.unesco.org/en/open-science/toolkit. Cả 8 tài liệu hiện có đều đã được dịch sang tiếng Việt, xem: https://giaoducmo.avnuc.vn/khoa-hoc-mo/chao-don-bo-cong-cu-khoa-hoc-mo-cua-unesco-cac-ban-dich-sang-tieng-viet-852.html
[5] Tạp chí Giáo dục Việt Nam, 2022: Khó khăn vướng víu của tự chủ ĐH do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ. https://giaoduc.net.vn/kho-khan-vuong-viu-cua-tu-chu-dh-do-nhung-thoi-quen-cu-cach-nghi-cu-tu-duy-cu-post228581.gd
[6] TS.Vũ Ngọc Hoàng: Năm 2023 rất cần thiết tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. https://giaoduc.net.vn/tsvu-ngoc-hoang-nam-2023-rat-can-thiet-tong-ket-10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-29-post232307.gd.
[7] Tạp chí Giáo dục Việt Nam, 2022: Tọa đàm khoa học: Giải pháp để phát triển tự chủ đại học. https://giaoduc.net.vn/toa-dam-khoa-hoc-giai-phap-de-phat-trien-tu-chu-dai-hoc-post223783.gd
[8] UNESCO, 2022: Checklist for universities on implementin8g the UNESCO recommendation on open science: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000383328. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/s/yq7k0dhtwmudwf8/383328eng_Vi-22012023.pdf?dl=0
Giấy phép nội dung: CC BY-SA Quốc tế
* Bài đăng trong Kỷ yếu hội thảo ‘Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ’ do Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 12/05/2023 tại Cần Thơ, các trang 105-111. DOI: 10.5281/zenodo.7927408
Tải về bài trình chiếu tại địa chỉ: https://www.dropbox.com/s/rb5ujpuqeqqzbpp/Lack_of_OS_Investment_in_HEI_Autonomy_Present.pdf?dl=0
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.