Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

KIẾN TRÚC PHẦN MỀM THAM CHIẾU TRONG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ


Cho tới bây giờ, Việt Nam vẫn chưa có những tài liệu chính thức về Chuẩn và Kiến trúc cho các ứng dụng Chính phủ điện tử (CPĐT) ở mức Chính phủ - Quốc gia, một trong những yêu cầu sống còn cho việc xây dựng các ứng dụng - dịch vụ CPĐT thành công đối với một quốc gia, vì nó chính là Luật và Quy hoạch trong lĩnh vực CPĐT. Không có nó, việc xây dựng các ứng dụng - dịch vụ CPĐT sẽ không thể thành công.
Bài viết này sẽ đề cập tới một khía cạnh quan trọng trong tổng thể một kiến trúc CPĐT: Kiến trúc phần mềm tham chiếu. Kiến trúc phần mềm tham chiếu là một nội dung quan trọng trong quan điểm ứng dụng, một trong những quan điểm có liên quan tới khía cạnh kỹ thuật công nghệ trong toàn bộ Kiến trúc CPĐT. Các quan điểm khác và tổng thể kiến trúc CPĐT sẽ không được đề cập tới ở đây, hy vọng sẽ được đề cập tới trong những bài khác tiếp sau.

XÂY DỰNG PHẦN MỀM THEO CÁCH TRUYỀN THỐNG

Từ trước tới nay, khi xây dựng một phần mềm, ngoài việc chúng ta phải tuân thủ các bước khảo sát, phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm thử, triển khai... nhằm đáp ứng các yêu cầu chức năng nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức người sử dụng thì chúng ta không mấy khi phải chú tâm tới các thành phần khác cùng nằm trong hệ thống thông tin.
Một ví dụ dễ thấy nhất là khi làm theo cách này, trong mọi ứng dụng phần mềm đều phải có module quản trị người sử dụng với khả năng tạo mới, cập nhật, sửa, xóa các thông tin liên quan tới người (nhóm người) sử dụng. Đối với người sử dụng thì để có thể sử dụng được ứng dụng phần mềm, họ sẽ phải đăng nhập vào chương trình thông qua một tài khoản sử dụng (account) mà thông thường được xác định bởi một cặp giá trị về tên sử dụng (user name) và mật khẩu (password).
Kết quả là, với một người sử dụng, khi số lượng các ứng dụng phần mềm tăng lên thì số lượng các tài khoản cũng tăng lên tương ứng. Chỉ có điều các giá trị về tên sử dụng và mật khẩu đối với chính người sử dụng này nhưng trong các ứng dụng khác nhau lại có thể sẽ rất khác nhau. Điều này là khó có thể chấp nhận được. Sẽ tồi tệ hơn nữa, nếu các ứng dụng như vậy lại phải triển khai các chữ ký điện tử đi kèm với việc sử dụng các thẻ an ninh với các cặp khóa cá nhân và công khai dựa vào hạ tầng khóa công khai PKI (Public Key Infrastructure). Vì nhiều ứng dụng khác nhau với các cặp tên và mật khẩu có thể khác nhau đó có thể sẽ làm gia tăng số lượng các thẻ an ninh một cách không đáng có, thậm chí có thể tới mức không chịu nổi, khi ứng với mỗi ứng dụng CPĐT phải có 1 thẻ an ninh riêng biệt đi kèm, điều mà không một người sử dụng hay nhà quản lý nào chấp nhận được.
Câu hỏi đặt ra là: khi xây dựng các ứng dụng - dịch vụ phần mềm cho CPĐT, chúng ta phải chú tâm tới các thành phần nào khác của hệ thống? Kiến trúc phần mềm tham chiếu có ý nghĩa gì?
GIỚI THIỆU KIẾN TRÚC PHẦN MỀM THAM CHIẾU
Hình 1 cho ta thấy kiến trúc phần mềm tham chiếu với các thành phần khi xây dựng các ứng dụng và dịch vụ phần mềm cho CPĐT. Ban đầu, kiến trúc này bao gồm 2 thành phần hạ tầng, 5 thành phần cơ bản, 1 ứng dụng đặc thù tượng trưng cho tất cả các ứng dụng nghiệp vụ được xây dựng cho các mục đích CPĐT, 1 dịch vụ “một cho tất cả” tượng trưng cho tất cả dịch vụ dùng chung được xây dựng cho các mục đích CPĐT và một số thành phần khác.
Các thành phần hạ tầng là các thành phần mà toàn bộ hệ thống dựa vào chúng khi vận hành. Vì vậy, chúng là những thành phần được sử dụng và sử dụng lại liên tục không ngưng nghỉ trong suốt toàn bộ sự tồn tại của toàn bộ hệ thống CPĐT.
Các thành phần cơ bản là các thành phần được sử dụng và sử dụng lại thường xuyên, liên tục cho vài, nhiều hoặc tất cả các ứng dụng - dịch vụ CPĐT của nhiều hoặc tất cả các cơ quan hành chính nhà nước trong (các) hệ thống CPĐT. Khác với các thành phần hạ tầng được sử dụng không ngưng nghỉ, thì các thành phần cơ bản có thể có tuần suất sử dụng ít hay nhiều là khác nhau, phụ thuộc vào sự cần thiết, chức năng và những vấn đề khác đối với các nhóm thủ tục hành chính và/hoặc nhóm người sử dụng khác nhau. Ví dụ, đối với các nhóm thủ tục hành chính chỉ liên quan tới việc trao đổi và tìm kiếm thông tin thì sẽ khác với các nhóm thủ tục hành chính có liên quan tới việc thanh toán phí dịch vụ của các thủ tục hành chính. Nhóm trao đổi và tìm kiếm thông tin sẽ không sử dụng một số thành phần cơ bản mà nhóm thanh toán phí dịch vụ phải sử dụng, ví dụ, như thành phần cơ bản “Thanh toán trực tuyến” hoặc một vài module nhất định nào đó của thành phần cơ bản “An ninh dữ liệu” như được trình bày ở đây.
Hình 1: Kiến trúc phần mềm tham chiếu
Các thành phần mà mỗi một ứng dụng và dịch vụ phần mềm cho CPĐT khi xây dựng phải được tính tới ngay từ đầu bao gồm:
  1. Thành phần hạ tầng “Mạng hành chính của Chính phủ
Thành phần này kết nối tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, ở các mức hành chính khác nhau như trung ương - tỉnh - bộ - ngành, thành một thể thống nhất và dù các dịch vụ của hạ tầng này không là đặc thù đối với các ứng dụng - dịch vụ CPĐT cụ thể nào, chúng vẫn đóng một vai trò chính trong việc cung cấp giao tiếp truyền thông điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Theo quan điểm về kiến trúc CPĐT, sẽ không thể có việc một cơ quan nhà nước xây dựng một hệ thống mạng CPĐT mà lại độc lập và/hoặc không nằm trong tổng thể của thành phần hạ tầng “Mạng hành chính của Chính phủ” ngay từ lúc thiết kế.
  1. Thành phần hạ tầng “Dịch vụ thư mục”.
Thành phần này thường sử dụng tiêu chuẩn LDAP (Lightweight Directory Access Protocol) để quản lý các thông tin về người sử dụng và các thông tin liên quan khác trong toàn bộ hệ thống. Thành phần này chính là nền tảng của hệ thống đăng nhập duy nhất (Single Sign On) đối với tất cả các thành phần khác và các ứng dụng - dịch vụ trong hệ thống thông tin CPĐT.
  1. Thành phần cơ bản “Cổng điện tử” (Portal).
Thành phần này sử dụng để làm môi trường cho việc tích hợp với các qui trình nghiệp vụ, với người sử dụng và đặc biệt là với các thông tin từ các nguồn thông tin khác nhau, với các định dạng dạng thông khác nhau với các công nghệ xây dựng khác nhau. Ví dụ để tích hợp các thông tin phi cấu trúc từ các trang thông tin điện tử (website), từ các ứng dụng và dịch vụ phần mềm được xây dựng trên bất cứ nền tảng nào – bất kể là Windows hay GNU/Linux, nguồn mở hay nguồn đóng, sử dụng bất cứ hệ quản trị cơ sở dữ liệu nào – bất kể là MS SQL Server, Oracle, DB2, Informix, Sybase, MySQL, PostgreSQL ..., bằng bất cứ ngôn ngữ lập trình nào – bất kể là Java, Visual Basic, Perl, PHP...
Thành phần này chính là nền tảng để người sử dụng có thể truy cập các thông tin, dịch vụ của các cơ quan khác nhau thông qua một địa chỉ duy nhất trên Internet.
  1. Thành phần cơ bản “Hệ thống quản trị nội dung” hay CMS (Content Management System).
Thành phần này có nhiệm vụ chính là cung cấp các thông tin đã được tiêu chuẩn hóa từ các ứng dụng, dịch vụ phần mềm lên thành phần nền tảng “Cổng điện tử” thông qua bộ công cụ quản lý các bước xử lý thông tin từ việc tìm kiếm, thu thập, xem, kiểm duyệt, xuất bản thông tin để mọi người có thể sử dụng được trên Internet. Sẽ là tốt cho một hệ thống CPĐT, nếu các ứng dụng đặc thù được xây dựng dựa vào phần mềm gốc ban đầu là một CMS để tận dụng được mọi chức năng sẵn có một CMS. Trường hợp không thực hiện được việc này, thì ứng dụng đặc thù cho CPĐT sẽ phải tích hợp các tính năng cần thiết của CMS vào trong ứng dụng để có thể làm việc được với thành phần nền tảng “Cổng điện tử” một cách thích hợp.
  1. Thành phần cơ bản “An ninh dữ liệu (Data security)
Có thể có nhiều cách khác nhau để đảm bảo an ninh dữ liệu, nhưng thông thường thì người ta sử dụng hạ tầng cơ sở khóa công khai PKI (Public key Infrastructure) và thẻ thông minh (Smart card) cùng với các đầu đọc thẻ để làm những công cụ cho việc xác thực người sử dụng và mã hóa – giải mã đối với nội dung thông tin được truyền đi trên Internet. Điều này là hết sức quan trọng trên Internet để trả lời cho 2 câu hỏi: Ai là ai thực sự trên mạng và liệu thông tin ta truyền qua mạng từ máy tính này tới máy tính khác có còn giữ được tính toàn vẹn dữ liệu hay không? (có bị ai đó can thiệp và sửa đổi trên đường truyền hay không?).
  1. Thành phần cơ bản “Máy chủ mẫu biểu” (Form server)
Thành phần này cung cấp cho người sử dụng trên Internet các mẫu biểu hành chính của các cơ quan hành chính các cấp. Thông thường việc triển khai thành phần này được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu cung cấp các mẫu biểu điện tử dạng có thể in ra được để mọi người điền thông tin vào đó như đối với một mẫu biểu thông thường bằng giấy rồi được đưa vào qui trình xử lý như các phương pháp truyền thống tại các cơ quan hành chính. Trong giai đoạn tiếp sau, các mẫu biểu này sẽ được thiết kế thành các mẫu biểu điện tử có khả năng tương tác để mọi người có thể điền trực tiếp các thông tin cần thiết một cách trực tuyến trên Internet rồi các thông tin đó được lưu giữ trong các cơ sở dữ liệu và được tiếp tục xử lý trong hệ thống mạng CPĐT của các cơ quan hành chính.
  1. Thành phần cơ bản “Thanh toán điện tử” (e-payment)
Thành phần này thường kết hợp với thành phần “An ninh dữ liệu” làm cơ sở để tạo nên hệ thống thanh toán trực tuyến trên Internet một cách an toàn thông qua các cổng thanh toán (Payment gateway) phục vụ cho các mục tiêu của CPĐT.
  1. Ứng dụng đặc thù
Đây là thành phần biểu tượng cho một ứng dụng nghiệp vụ được xây dựng không theo cách thức truyền thống, mà theo cách thức để trở thành một ứng dụng nghiệp vụ không chỉ hoàn thành các qui trình thủ tục nghiệp vụ của (các) cơ quan hành chính nhất định nào đó, mà còn để sử dụng như một ứng dụng CPĐT trong tổng thể kiến trúc phần mềm tham chiếu. Vì mang tính chất biểu tượng, nên ứng dụng đặc thù này có thể là một ứng dụng xuất nhập khẩu động thực vật, xin phép thành lập doanh nghiệp, đăng ký kết hôn, xây dựng nhà hay bất kỳ ứng dụng nghiệp vụ nào khác, được xây dựng đặc thù trong môi trường CPĐT.
  1. Dịch vụ “Một cho tất cả” (dịch vụ OFA)
Đây là thành phần biểu tượng cho một dịch vụ có thể được xây dựng và sử dụng trong một vài, nhiều và/hoặc tất cả cơ quan hành chính nhà nước trong môi trường CPĐT, có tính tới - tham chiếu tới những thành phần hạ tầng và cơ bản khác trong kiến trúc phần mềm tham chiếu. Chúng được xây dựng trên cơ sở tích hợp với các thành phần tích hợp của (các) ứng dụng đặc thù để có thể sử dụng - tham chiếu được tới tất cả các thành phần hạ tầng và/hoặc cơ bản trong kiến trúc phần mềm tham chiếu.
  1. Hệ thống đã có từ trước và hệ thống ERP
Đây là các hệ thống thường do lịch sử để lại, đã được xây dựng và hoạt động từ trước khi có những sáng kiến CPĐT, trước khi xây dựng các ứng dụng và dịch vụ CPĐT. Chúng thường phải trải qua một quá trình chuyển đổi và/hoặc xử lý để có thể đáp ứng được các yêu cầu mới mà các ứng dụng - dịch vụ CPĐT đặt ra.
  1. Máy trạm
Thành phần này đặc trưng cho các thiết bị mà người sử dụng dùng để truy cập tới các thông tin đầu ra được trình bày từ các ứng dụng - dịch vụ CPĐT được tất cả các cơ quan hành chính nhà nước cung cấp có chủ đích cho những người sử dụng đầu cuối. Các thiết bị đó có thể là trình duyệt web, các thiết bị di động, máy tính bảng hay bất kỳ thiết bị truy cập thông tin - dữ liệu CPĐT nào khác.
  1. Ứng dụng bên ngoài
Là các ứng dụng của các hệ thống thông tin khác nằm ngoài hệ thống CPĐT của một quốc gia nhưng cũng có những tương tác với hệ thống CPĐT của một quốc gia thông qua giao diện ứng dụng của (các) ứng dụng đặc thù.
Cần lưu ý rằng thành phần cơ bản “Cổng điện tử” và thành phần cơ bản “Hệ thống quản lý nội dung” là 2 thành phần cơ bản khác nhau, riêng biệt nhau với những chức năng hoàn toàn khác nhau chứ không phải là ở dạng “2 trong 1”, thậm chí là ở dạng “3 trong 1” khi bao gồm cả các ứng dụng nghiệp vụ được xây dựng trực tiếp trong phần mềm cổng, với các dữ liệu của (các) phần mềm nghiệp vụ được lưu trữ trực tiếp cùng với cơ sở dữ liệu của phần mềm cổng, như chúng ta vẫn thường thấy đối với nhiều Cổng điện tử tại Việt Nam hiện nay. Bàn về những ưu - nhược điểm khi xây dựng cổng điện tử ở dạng “2 trong 1” hoặc “3 trong 1” không được đề cập tới trong bài viết này.
Trên quan điểm về tính trung lập về công nghệ trong các ứng dụng - dịch vụ CPĐT, các thành phần hạ tầng và cơ bản cũng như các ứng dụng đặc thù và dịch vụ “một cho tất cả” đều có thể sử dụng các công nghệ không phụ thuộc nền tảng, không phụ thuộc vào nhàcung cấp để xây dựng. Mà để có được như vậy, thì chúng cần phải được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn mở. Các nội dung này sẽ không được đề cập tới trong bài viết này.
Cùng với sự phát triển CPĐT, kiến trúc phần mềm tham chiếu cũng sẽ phát triển và kéo theo sự phát triển và biến hóa của (các) thành phần hạ tầng và cơ bản được nêu ở trên. Tất cả những thành phần hạ tầng và cơ bản như được nêu ở trên đều được sử dụng nhưng có thể với những tên gọi khác, với sự kết hợp khác mà không được đề cập tới trong bài viết này.
VÍ DỤ VỀ MỘT ỨNG DỤNG - DỊCH VỤ TRỰC TUYẾN VỚI VÀI THÀNH PHẦN CƠ BẢN
Dưới đây là một ví dụ về cách mà các thành phần cơ bản có thể được tích hợp trong các qui trình của một ứng dụng - dịch vụ trực tuyến. Ví dụ này có liên quan tới một phương pháp đặc thù dựa vào một cơ sở dữ liệu đặc thù, mà cụ thể là qui trình thủ tục xin giấy phép xuất nhập khẩu động thực vật tại Đức. Tất cả các phần có liên quan trong qui trình ở phía các cơ quan hành chính đều có sự truy cập tới cơ sở dữ liệu này. Những người đệ trình xin giấy phép trong trường hợp này là các công ty khởi xướng qui trình đề nghị đều có khả năng mua và sử dụng hạ tầng khóa công khai PKI (Public Key Infrastructure), sử dụng thẻ thông minh và các đầu đọc thẻ để hỗ trợ thực hiện việc ký bằng các chữ ký số. Trong ví dụ này, các công ty phải trả phí khi đề nghị được phê chuẩn. Thủ tục của đề nghị sẽ kết thúc khi hóa đơn thanh toán được ghi lại trong cơ sở dữ liệu đặc thù. Tuy nhiên, các hoạt động được phê chuẩn sẽ được triển khai mà không có Internet, mà là với các cán bộ hành chính có sử dụng cơ sở dữ liệu đặc thù.
Tất cả các thành phần cơ bản đều được sử dụng để hỗ trợ cho thủ tục đề nghị này. 4 trong số 5 thành phần cơ bản được tích hợp trực tiếp vào trong các qui trình, trong đó thành phần cơ bản thứ 5 - “Cổng điện tử” - cung cấp sự truy cập tới dịch vụ trực tuyến đó. Thành phần cơ bản “Hệ thống quản trị nội dung” (CMS) làm giao diện web của dịch vụ trực tuyến với những giải thích, các thông tin cơ bản và các con số thống kê. Hơn nữa, CMS còn lưu trữ các dữ liệu của đề nghị.
Thành phần cơ bản “Máy chủ mẫu biểu” tạo ra mẫu biểu của đề nghị và hỗ trợ người đề nghị khi hoàn tất việc nhập các thông tin cần thiết vào mẫu biểu đó. Dữ liệu của người sử dụng (người đề nghị) được thành phần CMS lưu trữ và được sử dụng để nhập các dữ liệu mặc định vào mẫu biểu. Thành phần cơ bản “An ninh dữ liệu” (Bưu điện ảo) được sử dụng cho việc truyền một cách có an ninh các dữ liệu cá nhân này, cho việc ký mẫu biểu hoàn chỉnh và cho việc truyền có an ninh các dữ liệu của mẫu biểu. Các thư viện của thành phần cơ bản “An ninh dữ liệu” cũng được sử dụng để đảm bảo cho các giao tiếp truyền thông có an ninh khi những khẳng định việc nhận và các công bố về chi phí được gửi tới những người sử dụng qua thư điện tử.
Thành phần cơ bản “Thanh toán điện tử” được sử dụng để sinh ra một khoản ghi nợ tại Văn phòng Kế toán của Chính phủ khi đề nghị được phê chuẩn. Người đề nghi thanh toán hóa đơn bằng chuyển khoản qua ngân hàng. Thông tin có liên quan tới các khoản ghi nợ đã được thiết lập có thể tìm kiếm để sử dụng từ hệ thống thanh toán điện tử.
Hình 2: Qui trình thủ tục có sử dụng vài thành phần cơ bản
Các bước xử lý được đánh số trong hình là như sau:
  1. Dữ liệu của người sử dụng trong cơ sở dữ liệu đặc thù được gửi tới thành phần cơ bản “Hệ thống quản trị nội dung”, sao cho những người đề nghị không phải gõ lại các dữ liệu cá nhân hoàn chỉnh của họ sau khi đăng nhập vào mỗi lần họ gửi đi một đề nghị.
  2. Người đề nghị đăng nhập vào website của qui trình đề nghị, với chữ ký số đang sử dụng cho việc xác thực.
  3. Việc truyền các dữ liệu đăng nhập từ máy trạm - web của người đề nghị tới máy chủ web của qui trình đề nghị (sử dụng thành phần “An ninh dữ liệu” để kiểm tra hợp lệ chữ ký).
  4. Truyền xác thực người sử dụng tới thành phần cơ bản “Hệ thống quản trị nội dung”.
  5. Kích hoạt thành phần cơ bản “Máy chủ mẫu biểu” bằng “Hệ thống quản trị nội dung”; truyền tất cả các dữ liệu của người sử dụng cần thiết để hoàn tất trước những trường nhất định của mẫu biểu.
  6. Truyền mẫu biểu điện tử với các dữ liệu người sử dụng được mã hóa để hoàn tất trước các trường riêng (sử dụng thành phần cơ bản “An ninh dữ liệu” hoặc HTTPS cho việc mã hóa).
  7. Người sử dụng hoàn tất mẫu biểu đề nghị và bổ sung thêm các dữ liệu được quét vào như các tệp đính kèm với mẫu biểu đó; mẫu biểu hoàn thành, cùng với các tệp gắn kèm, được người sử dụng ký điện tử.
  8. Truyền có mã hóa mẫu biểu điện tử tới chức năng “thư nội bộ” của qui trình đề nghị (sử dụng thành phần cơ bản “An ninh dữ liệu” bằng phần mềm của “Máy chủ mẫu biểu”)
  9. Giải mã dữ liệu của mẫu biểu và kiểm tra tính hợp lệ của chữ ký (sử dụng thành phần cơ bản “An ninh dữ liệu”)
  10. Truyền khẳng định một cách tự động việc nhận các dữ liệu mẫu biểu đối với người đề nghị qua thư điện tử; sử dụng thành phần cơ bản “An ninh dữ liệu” để ký thư điện tử, mã hóa nếu cần.
  11. Phân công vụ việc cho một cán bộ thụ lý hồ sơ.
  12. Cán bộ giải quyết tiếp vụ việc bằng việc kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ thông tin của người sử dụng và nhập đề nghị vào cơ sở dữ liệu đặc thù.
  13. Hai cán bộ phê chuẩn đề nghị thông qua sự truy cập tới cơ sở dữ liệu đặc thù.
  14. Một cán bộ khác sẽ xử lý tiếp theo vụ việc
  15. Cán bộ tạo một công bố chi phí điện tử và gửi nó cho người đề nghị; sử dụng thành phần cơ bản “An ninh dữ liệu” để ký và mã hóa thư điện tử.
  16. Cán bộ sử dụng thành phần cơ bản phù hợp để kích hoạt thủ tục thanh toán điện tử.
  17. Mỗi ngày một lần, các khoản ghi nợ được gửi tới hệ thống giám sát thanh toán của Cơ quan Dịch vụ Kế toán và Ngân sách.
  18. Ngay khi người đề xuất đã thanh toán hóa đơn, hệ thống giám sát thanh toán sẽ thông báo cho máy chủ thanh toán điện tử về việc đó.
  19. Cán bộ tìm kiếm sử dụng thông tin thanh toán mới nhất từ hệ thống thanh toán điện tử.
  20. Các thanh toán được ghi lại vào cơ sở dữ liệu đặc thù ngay lúc qui trình đề nghị được hoàn thành.
Nếu một đề nghị bị từ chối, thì thủ tục có thể kết thúc với bước 15 bằng việc gửi một công bố chi phí tương ứng cho người đề nghị.
MỘT SỐ TÓM TẮT CƠ BẢN
  1. Việc xây dựng một phần mềm ứng dụng thông thường, ví dụ như trong trường hợp cụ thể này, như quản lý giấy phép xuất nhập khẩu động thực vật, chắc chắn sẽ khác với việc xây dựng một phần mềm ứng dụng đặc thù cũng về quản lý giấy phép xuất nhập khẩu động thực vật nhưng để sử dụng trong hệ thống CPĐT. Với CPĐT, ứng dụng đó không chỉ đứng riêng lẻ một mình, mà còn phải tham chiếu cùng một lúc tới nhiều ứng dụng - thành phần khác nữa trong tổng thể của cả hệ thống, mà ở ví dụ cụ thể ở đây, là 5 thành phần cơ bản của kiến trúc phần mềm tham chiếu cho các ứng dụng CPĐT.
  2. Việc yêu cầu chỉ ra kiến trúc của chỉ một ứng dụng trong quá trình xây dựng ứng dụng đó mà không có tham chiếu tới bất kỳ thành phần cơ bản hay hạ tầng nào nào khác, là không phải cách để xây dựng một ứng dụng CPĐT. Điều này sẽ giống hệt như việc chỉ ra kiến trúc của ứng dụng đặc thù và/hoặc kiến trúc của một dịch vụ “Một trong tất cả” trong tổng thể kiến trúc phần mềm tham chiếu và là chưa đủ trong việc xây dựng một ứng dụng - dịch vụ nằm trong tổng thể kiến trúc phần mềm tham chiếu. Đáng tiếc, nó lại là những gì mà Việt Nam chúng ta đang làm mỗi khi xây dựng một ứng dụng mới, kể cả cơ sở dữ liệu quốc gia.
  3. Những thành phần hạ tầng và cơ bản là rất cần thiết khi xây dựng CPĐT, vì chúng có khả năng được sử dụng lặp đi lặp lại với những thủ tục, dịch vụ và ứng dụng đặc thù khác nhau. Trong trường hợp cụ thể này là xuất nhập khẩu động thực vật, nhưng trong trường hợp khác có thể là đơn xin phép thành lập doanh nghiệp, đăng ký kết hôn, xây dựng nhà hay bất kỳ qui trình thủ tục - dịch vụ nào khác với những bước qui trình và chức năng tương tự. Điều này giải thích vì sao người ta nói: Kiến trúc như một bản qui hoạch đô thị, nơi mà chúng ta đưa ra các tài nguyên và sắp xếp các tài nguyên đó theo một qui cách nào đó, với các luật (các tiêu chuẩn) được chọn để có thể sử dụng và sử dụng lại các tài nguyên đó một cách có an ninh và hiệu quả nhất. Trong trường hợp cụ thể ở đây, việc sắp xếp đó là theo kiến trúc phần mềm tham chiếu, nằm trong “Quan điểm ứng dụng” của kiến trúc tổng thể CPĐT theo “Mô hình Tham chiếu Xử lý Phân tán Mở (RM-ODP)” mà bản thân RM-ODP (Reference Model for Open Distributed Processing) là tuân theo tiêu chuẩn ISO/IEC 10746-3:1996.
  4. Khi không có một kiến trúc chung và nhất quán ở mức Chính phủ như của Việt Nam hiện nay, thì việc xây dựng các ứng dụng nghiệp vụ, kể cả trong trường hợp có các cổng điện tử, là không dựa vào quan điểm hệ thống CPĐT, không có tham chiếu nào tới các ứng dụng và/hoặc thành phần khác, những thành phần hạ tầng và cơ bản, trong toàn bộ hệ thống, sẽ khó có thể gọi là xây dựng các ứng dụng - dịch vụ cho CPĐT được, và dễ thấy là hầu như không có ứng dụng phần mềm nào ở dạng các thành phần có thể sử dụng và sử dụng lại được một cách có tính toán trước, dễ gây ra sự tùy hứng, vừa thừa vừa thiếu, chồng lấn lên nhau, gây lãng phí lớn các tài nguyên.
  5. Các ứng dụng - dịch vụ CPĐT cần tới các thành phần hạ tầng và cơ bản trong kiến trúc phần mềm tham chiếu để dựa vào, đồng nghĩa với việc phải đặt ra vấn đề xây dựng các thành phần hạ tầng và cơ bản đó trước, càng sớm càng tốt, để làm nền móng cho các ứng dụng CPĐT khác dựa vào chúng khi được xây dựng. Tới lượt chúng, để có khả năng xây dựng các thành phần hạ tầng và cơ bản đó, thì chúng ta cần phải xây dựng được kiến trúc cho các ứng dụng CPĐT ở cấp Chính phủ. Nếu không, chúng ta sẽ không thể có CPĐT.
Trần Lê
Bài đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 04/2012, trang 46-50.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.