-->
Ngày 18/09/2012,
tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc tọa đàm về sở hữu
trí tuệ (SHTT) và đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và
Công nghệ (KHCN), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và
Phòng thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cùng phối hợp tổ chức.
Cuộc tọa đàm có các phiên thảo luận về các chủ đề:
- Xu hướng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Quan điểm Chính phủ
- Xu hướng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Quan điểm của các nhà sản xuất Hoa Kỳ
- Xu hướng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Quan điểm của các nhà sản xuất Việt Nam.
- Thảo luận về những bước đi tiếp theo.
Các phiên thảo
luận được tổ chức theo cách hỏi đáp giữa những
người đã được chọn sẵn ngồi sau bàn chủ tọa.
Những người có mặt trong khán thính phòng là những
người nghe. Cuộc tọa đàm kéo dài tới 12 giờ kém 15
phút. Vì thế không có thời gian dành cho các câu hỏi
thảo luận từ phía những người ngồi nghe trong khán
thính phòng.
Nội dung các cuộc
tọa đàm tập trung vào việc nêu lên sự cần thiết của
việc thắt chặt và tăng cường các chế tài trong bảo
vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền, bằng
sáng chế, thương hiệu và các vấn đề liên quan khác
trong tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề. Duy nhất có một
ý kiến kịp phát biểu là của một vị đại diện của
Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam
(VFOSSA), một chi nhánh trung ương của Hội Tin học Việt
Nam.
Trong phát biểu
của mình, một mặt, vị đại diện của VFOSSA đồng ý
với ý kiến của hầu như tất cả những người tham
gia thảo luận trên bàn chủ tọa về việc các chế tài
trong các khung pháp luật về sở hữu trí tuệ cần phải
được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa để đủ sức răn
đe và trừng trị các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí
tuệ, bản quyền, bằng sáng chế, thương hiệu... và tạo
sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp tham gia
thị trường. Mặt khác, với tư cách là một người làm
việc trong lĩnh vực phần mềm, chuyên về phần mềm tự
do nguồn mở (PMTDNM), ông cũng đề nghị xem xét lại một
số vấn đề như sau:
Đồng tình về
việc không bảo vệ bằng sáng chế phần mềm như trong
Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam số50/2005/QH11, Điều 59: “Đối tượng không được bảo hộ
với danh nghĩa sáng chế”, liệt kê một danh sách các
đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng
chế, trong đó có “chương trình máy tính”, ông đề
nghị cần sửa đổi một số điểm trong Luật này, vì
nó mặc định tất cả các chương trình máy tính - các
phần mềm máy tính, đều là các phần mềm nguồn đóng,
sở hữu độc quyền, không công bằng đối với các mô
hình phát triển, các mô hình kinh doanh của các công ty
PMTDNM ở Việt Nam, và vì thế là không giống như ý kiến
của hầu hết những người tham gia thảo luận ngồi sau
hàng ghế chủ tọa, khi họ đều nói mong muốn phải tạo
sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp. Ví
dụ cụ thể:
- Điều 20. Quyền tài sản; Khoản 1: Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây; Mục e) của Luật nêu: Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
- Khoản 3 cũng của Điều 20 này, Luật nêu: Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
- Khoản 3 Điều 19: “Quyền Nhân thân” của Luật này nêu: Quyền nhân thân bao gồm quyền “Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;”.
Có
thể thấy rõ là các điều khoản nêu trên chưa phù hợp
với thế giới PMTDNM, khi mà: Mọi tổ chức, cá nhân khi
khai thác, sử dụng một số dạng PMTDNM, một số dạng
các tài liệu mở, đối với hầu như tất cả các quyền
tài sản qui định tại khoản 1- Điều 20 và Khoản 3 -
Điều 19 sẽ KHÔNG
phải xin phép và KHÔNG
phải trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật
chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Thậm chí khi
phân phối thì người sử dụng PHẢI
công bố tác phẩm (là các PMTDNM như vậy) với các quyền
đi kèm của một số giấy phép đó, ví dụ như giấy
phép copyleft GPL, một giấy phép chiếm
tới 68,9%
trong tổng số khoảng 330.000 dự án PMTDNM hiện đang tồn
tại trên thế giới.
Ông
cũng nêu lên dẫn chứng rằng, trong trả
lời chính thức của Nhà Trắng về kiến nghị “Chỉ
thị cho Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ”
(USPTO), đăng trên website của Nhà Trắng “We The People”
(Chúng ta là Nhân dân) vào tháng 02/2012, Nhà Trắng đã trả
lời chính thức rằng:
“Như
một Chính quyền, chúng tôi nhận thức được giá trị
khổng lồ của đổi mới sáng tạo của nguồn mở và
dựa vào đó nó sẽ hoàn thành những nhiệm vụ chủ
chốt. Ví dụ, Kế
hoạch Hành động Quốc gia Chính phủ Mở của Mỹ gần
đây đã công bố rằng mã nguồn cho Chúng
tôi là Nhân dân và Data.gov
có thể sẽ được mở nguồn cho toàn bộ thế giới. Các
cơ quan Liên bang cũng đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo
thông qua năng lượng nguồn mở. Ví dụ, Bộ
Quốc phòng đã phát hành chỉ
dẫn rõ ràng về sử dụng phần mềm nguồn mở trong
Bộ. Và Bộ Y tế và các Dịch
vụ Con người đã trở thành dẫn đầu trong chính
sách mở nguồn, dựa vào các tiêu chuẩn để trang bị
cho những đổi mới sáng tạo trong chất lượng chăm sóc
y tế và cho phép nghiên cứu trong sự phân phối chăm sóc
có hiệu quả. Sự tăng trưởng khổng lồ của các cộng
đồng nguồn mở và dữ liệu mở qua các năm, cho việc
phân phối cả các dịch vụ thương mại và không thương
mại, chỉ ra rằng đổi
mới sáng tạo có thể thịnh vượng trong cả các môi
trường phần mềm sở hữu độc quyền và nguồn mở”.
Sự
thừa nhận chính thức của Nhà Trắng đối với đổi
mới sáng tạo của nguồn mở, đồng nghĩa với việc
thừa nhận sự đổi mới sáng tạo trong mô hình phát
triển của nguồn mở. Tới lượt nó, mô hình phát triển
của nguồn mở là mô hình phát triển với cộng đồng
của vô số người cùng tham gia một cách liên tục theo
thời gian (Xem các tài của Quỹ Linux như: (1) Hiểu
biết về mô hình phát triển nguồn mở; (2) Ngược
lên dòng trên: Tăng cường cho sự phát triển nguồn
mở; (3) Phát
triển nhân Linux: Nó đi nhanh thế nào, Ai đang làm nó,
Họ đang làm gì, Ai đỡ đầu cho nó).
Đây
lại chính là vấn đề mà hệ thống bằng sáng chế, đặc
biệt là các bằng sáng chế phần mềm của Hoa Kỳ mà
bản thân USPTO hiện đang lúng túng chưa biết giải quyết
như thế nào. Một trong những giải pháp thỏa hiệp được
Quỹ Biên giới Điện tử – EFF (Electronic Frontier
Foundation) gợi ý là giảm
thời gian bảo hộ các bằng sáng chế phần mềm xuống
còn 5 năm thay vì 20 năm như hiện nay, trong khi thế
giới PMTDNM thì mong muốn hủy
bỏ hoàn toàn các bằng sáng chế phần mềm (Xem: Đổi
mới sáng tạo của phần mềm tự do nguồn mở - môi
trường để sáng tạo phát triển), vì nó không những
không thúc đẩy đổi mới sáng tạo như bản chất tự
nhiên ban đầu của việc thiết lập nên hệ thống các
bằng sáng chế, mà hiện tại, nó đang cản trở đối
mới sáng tạo, tạo ra vô số các vụ kiện tụng giữa
các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt
là các công ty phần mềm, là mảnh đất màu mỡ cho loại
“tội phạm” mới, các quỷ lùn bằng sáng chế (Patent
Troll), những “công ty” có thể không viết ra một dòng
mã nguồn phần mềm nào, nhưng lại thừa tiền để mua
các bằng sáng chế có tiềm năng trong các vụ kiện tụng
và sẵn sàng mang chúng ra để kiện các công ty đổi mới
sáng tạo, tạo ra gánh nặng chi phí cho xã hội và những
người tiêu dùng, đẩy các công ty phần mềm và các lập
trình viên của họ vào một “chiến trường” hoàn toàn
xa lạ - các phòng xử án về bằng sáng chế phần mềm,
vì lợi ích của các quỷ lùn bằng sáng chế, các luật
sư ăn theo và các Văn phòng Bằng sáng chế với mong muốn
duy nhất là thu tiền để phát hành ra xã hội càng nhiều
bằng sáng chế phần mềm càng tốt, bất kể chất lượng
và tính có thể được cấp bằng sáng chế của chúng.
Đối
với Việt Nam, việc không bảo vệ bằng sáng chế phần
mềm như trong Luật Sở hữu Trí tuệ với hiện trạng
của nền công nghiệp phần mềm Việt Nam như hiện nay là
hoàn toàn đúng đắn, vì nó tránh
cho các công ty phần mềm của Việt Nam đi tới tuyệt
chủng và vô
số vụ kiện tụng triền miên liên tục như những gì
đang xảy ra hiện nay trong nền công nghiệp di động, nó
phù hợp với lợi ích quốc gia và của các công ty phần
mềm Việt Nam, mà bản thân Hoa Kỳ cũng đã từng có thời
kỳ không thừa nhận bằng sáng chế phần mềm trong lịch
sử phát triển của họ (Xem: “Phát
triển công nghệ mở - Những bài học học được và
những thực tiễn tốt nhất cho các phần mềm quân sự”,
Bộ Quốc phòng Mỹ xuất bản ngày 15/06/2011, mục C.2.2.
Các bằng sáng chế, trang 68).
Trong
bối cảnh khi mà ở một quốc gia này có sự bảo hộ
bằng sáng chế phần mềm, còn ở một quốc gia khác lại
không có (ví dụ như Việt Nam hiện nay), hoặc có những
khác biệt đáng kể về mức độ bảo vệ các bằng sáng
chế phần mềm, trong khi mong muốn triển khai tiếp cận
toàn cầu hóa về quyền sở hữu trí tuệ IPR (Intellectual
Property Rights), bao gồm cả bằng sáng chế phần mềm, từ
một vài nước phát triển, có thể đặt ra những xung
đột không dễ dàng giải quyết về quyền lợi quốc gia
thông qua các Hiệp định và/hoặc Thỏa thuận song phương
hoặc đa phương, mà ví dụ điển hình gần đây nhất là
Hiệp định Chống hàng giả ACTA (Anti-Counterfeiting Trade
Agreement) đã
thất bại trước sự phản đối quyết liệt của vô
số công dân mạng ở khắp các quốc gia thành viên Liên
minh châu Âu và khi không được Nghị viện châu Âu phê
chuẩn vào tháng 07/2012, cho dù trước đó, 22/27 quốc gia
thành viên của Liên minh châu Âu đã ký nó.
Trước
khi ACTA thất bại tại Liên minh châu Âu, thì ngay tại Hoa
Kỳ, các Hiệp định như “Dừng các hành vi vi phạm bản
quyền trực tuyến” – SOPA (Stop
Online Piracy Act)
và “Bảo vệ Luật Sở hữu Trí tuệ” - PIPA (Protect
IP Act)
cũng đã từng thất bại từ trong trứng nước, không
được phê chuẩn trước sự phản đối mạnh mẽ của
vô số người sử dụng Internet tại Hoa Kỳ và trên toàn
cầu, mà tới nay đã chiếm tới 2/3 dân số thế giới,
vì những mong muốn thắt chặt quá mức kiểm duyệt
Internet nhằm chống lại sự sao chép các tư liệu (văn
bản, hình ảnh, âm thanh, nghe nhìn) trên Internet, có thể
gây hại nghiêm trọng cho những người sử dụng Internet
vô tội. Nhiều thông tin trên Internet cho thấy, trước sự
phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền
thông, đặc biệt là của Internet trong thế kỷ 21, một
số nền công nghiệp dựa vào các khung sở hữu trí tuệ
cũ từng phát đạt trong thế kỷ 20 đã bị thiệt hại
nghiêm trọng, ví dụ như, công nghiệp phim ảnh của
Hollywood, lại chính là những tác nhân hàng đầu đứng
đằng sau SOPA/PIPA/ACTA.
Kinh
nghiệm của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu trong
việc đấu tranh chống lại các nội dung của ACTA chỉ ra
cho các nước khác một số điểm cơ bản rất đáng lưu
ý khi thảo luận về vấn đề sở hữu trí tuệ như sau:
- Cảnh giác với tiếp cận toàn cầu hóa hệ thống sở hữu trí tuệ một cách cả gói, đặc biệt khi có liên quan tới các bằng sáng chế phần mềm, khi một quốc gia này muốn áp đặt sang các quốc gia khác, thông qua các hiệp định song phương hoặc đa phương, khi mà trong thực tế Luật Sở hữu Trí tuệ và/hoặc Luật về Bằng sáng chế, trong đó có bằng sáng chế phần mềm, ở các quốc gia khác nhau là khác nhau.
- Không thảo luận cả gói trong cùng một thỏa thuận, mà tách bạch các hàng hóa hữu hình và vô hình trong các thỏa thuận khác nhau.
- Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, không thảo luận cả gói trong cùng một thỏa thuận, mà tách bạch phần cứng và phần mềm trong những thỏa thuận khác nhau, đặc biệt khi nói về các bằng sáng chế phần mềm. Tuyệt đối cảnh giác để tránh cái bẫy tù mù, khi nói thì đưa ra ví dụ toàn về các bằng sáng chế phần cứng, nhưng khi triển khai thực hiện thì có thể lại bao gồm cả các bằng sáng chế phần mềm.
- Việc thảo luận để đi đến ký kết phải được thực hiện theo một qui trình mở, tất cả các bên liên quan phải được tham gia, không phải ở cuối của qui trình đàm phán, mà ngay từ đầu và trong suốt cả quá trình đàm phán. Khi bàn luận tới vấn đề bằng sáng chế phần mềm, thì mọi công ty với các mô hình phát triển và mô hình kinh doanh khác nhau đều phải được tham gia, dù là nguồn đóng - sở hữu độc quyền hay tự do nguồn mở.
- Rất có thể những kinh nghiệm này là hữu ích cho Việt Nam khi đàm phán về Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái bình dương – TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement).
KẾT
LUẬN
Thứ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã phát
biểu trong phần khai mạc cuộc tọa đàm: “Pháp luật
bảo hộ quyền SHTT là nền tảng để xây dựng hệ thống
sáng tạo quốc gia và phát triển bền vững nền kinh tế.
Bảo hộ quyền SHTT cũng là điều kiện cần thiết để
xây dựng một nền kinh tế tri thức trên cơ sở khai thác
lợi thế so sánh của mỗi quốc gia trong điều kiện hội
nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới”.
Có
thể hiểu hàm ý của câu sau, chính là, nói gì thì nói,
quyền lợi của quốc gia là cao nhất trong bất kỳ khung
SHTT quốc gia nào hay trong bất kỳ đàm phán nào về SHTT.
Khắp nơi trên thế giới, mọi quốc gia đều làm như
vậy.
Trần
Lê
Bài
đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng
10/2012, trang 11-13.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.