Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Đổi mới sáng tạo của phần mềm tự do nguồn mở - môi trường để sáng tạo phát triển


Vào tháng 09/2011, trên trang Chúng tôi là Nhân dân (We the People), trang dành riêng cho kiến nghị của người dân Mỹ mong muốn đạt được từ Chính quyền Mỹ, một kiến nghị đã được tạo ra trong thời hạn 01 tháng để lấy chữ ký đóng góp của mọi người về kiến nghị: “Chỉ thị cho Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ - USPTO - dừng việc cấp phép cho các bằng sáng chế phần mềm”. Kết thúc thời hạn 01 tháng, kiến nghị này đã nhận được 14.862 chữ ký đồng tình với kiến nghị nêu trên, vượt qua con số giới hạn 5.000 chữ ký vào thời điểm đó để có được câu trả lời chính thức của Nhà Trắng cho yêu cầu của kiến nghị.
Thừa nhận sự sáng tạo
Kết quả là, đầu tháng 02/2012, Nhà Trắng đã có câu trả lời chính thức cho kiến nghị trên. Điểm mấu chốt trong câu trả lời chính thức này là sự công nhận của Nhà Trắng đối với sự đổi mới sáng tạo to lớn của PMTDNM, các phong trào và các cộng đồng PMTDNM đối với bản thân nước Mỹ. Dưới đây là trích đoạn của câu trả lời chính thức bằng văn bản đó:
Như một Chính quyền, chúng tôi nhận thức được giá trị khổng lồ của đổi mới sáng tạo của nguồn mở và dựa vào đó nó sẽ hoàn thành những nhiệm vụ chủ chốt. Ví dụ, Kế hoạch Hành động Quốc gia Chính phủ Mở của Mỹ gần đây đã công bố rằng mã nguồn cho site Chúng tôi là Nhân dân (We the People) và Data.gov có thể sẽ được mở nguồn cho toàn bộ thế giới. Các cơ quan Liên bang cũng đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua năng lượng nguồn mở. Ví dụ, Bộ Quốc phòng đã phát hành chỉ dẫn rõ ràng về sử dụng phần mềm nguồn mở trong Bộ. Và Bộ Y tế và các Dịch vụ Con người đã trở thành dẫn đầu trong chính sách mở nguồn, dựa vào các tiêu chuẩn để trang bị cho những đổi mới sáng tạo trong chất lượng chăm sóc y tế và cho phép nghiên cứu trong sự phân phối chăm sóc có hiệu quả. Sự tăng trưởng khổng lồ của các cộng đồng nguồn mở và dữ liệu mở qua các năm, cho việc phân phối cả các dịch vụ thương mại và không thương mại, chỉ ra rằng đổi mới sáng tạo có thể thịnh vượng trong cả các môi trường phần mềm sở hữu độc quyền và nguồn mở”.
Hình 1: Trả lời chính thức của Nhà Trắng cho kiến nghị dừng cấp bằng sáng chế phần mềm
Môi trường để phát triển
Kết quả của việc thừa nhận sự đổi mới sáng tạo trong PMTDNM sẽ làm cho vấn đề bằng sáng chế phần mềm chắc chắn sẽ không dừng lại ở đây được, vì đây sẽ là sự thừa nhận mô hình phát triển PMTDNM và các mô hình kinh doanh của nó là đổi mới sáng tạo. Điều này lại sẽ dẫn tới việc thừa nhận đổi mới sáng tạo trong phần mềm xảy ra theo ngày - giờ - phút - giây với một hệ sinh thái gồm nhiều cộng đồng với vô vàn những người đổi mới sáng tạo cùng tham gia vì bản thân mô hình phát triển PMTDNM là tiến hóa liên tục và từng chút một với vô vàn người tham gia cộng tác cùng phát triển. Và một khi điều này được thừa nhận là một qui trình đổi mới sáng tạo liên tục của vô số người, thì khả năng cấp bằng sáng chế phần mềm sẽ là vô cùng nhỏ, nếu không nói là sẽ bị thủ tiêu hoàn toàn, vì, ít nhất, sẽ không thể định ra được thời hạn bảo hộ độc quyền cho các quyền của bằng sáng chế phần mềm; Không ai lại định ra thời hạn bảo hộ là theo ngày - giờ - phút - giây cả, biết rằng, thông thường hiện nay thì thời hạn bảo hộ cho các bằng sáng chế nói chung, bằng sáng chế phần mềm nói riêng là 20 năm.
Để đảm bảo an ninh an toàn cho các phần mềm và/hoặc các hệ thống thông tin trong quân đội và chính phủ, thì chính phủ cần phải có được các quyền trí tuệ không hạn chế đối với các phần mềm và/hoặc các hệ thống thông tin đó, để chính phủ không bị phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nào, vào bất kỳ bằng sáng chế phần mềm được bất kỳ công ty nào sở hữu, sẽ trở thành một yêu cầu, một tiêu chuẩn mà các chính phủ trên thế giới chắc chắn sẽ hướng tới trong tương lai.
Hình 2: Các vụ kiện tụng bằng sáng chế lẫn nhau trong thế giới di động (cho tới tháng 08/2011)
Đối với các công ty phần mềm, đặc biệt là các công ty phần mềm Việt Nam - gần như toàn bộ là các công ty vừa và nhỏ, thì việc dừng cấp, thậm chí thủ tiêu các bằng sáng chế phần mềm, là điều kiện tốt để để họ chuyên tâm vào việc đổi mới sáng tạo trong phần mềm, tạo ra những sản phẩm và giải pháp phần mềm có ích cho xã hội, tránh được vô số các vụ kiện tụng có thể xảy ra trong tương lai từ các công ty lớn, đa quốc gia và/hoặc các quỉ lùn bằng sáng chế như đang xảy ra hiện nay trên thế giới, mà bản chất của những vụ kiện đó, là nhằm để cản trở đổi mới sáng tạo và sự cạnh tranh bình đẳng trong các thị trường, đặc biệt là các thị trường có liên quan tới phần mềm.
Trần Lê
Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 02/2012, trang 70-71.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.