Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới của Việt Nam, giai đoạn 2011-2020 - Công nghệ mở phải là then chốt


Ngày 05/10/2011, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo: Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) của Việt Nam, giai đoạn 2011-2020, do Viện Chiến lược và Chính sách KHCN, Bộ KHCN phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) tổ chức. Hội thảo được tổ chức với hy vọng là một diễn đàn trao đổi về tương lai của hệ thống STI của Việt Nam, tập trung vào các ý kiến đóng góp cụ thể cho bản Dự thảo Chiến lược STI giai đoạn 2011-2020, các vấn đề mang tính chính sách, tạo ra nhận thức và mối liên kết giữa các chuyên gia quốc tế và các đối tác liên quan của Việt Nam.
Bên cạnh các bài trình bày và các ý kiến đóng góp của phía Việt Nam, hội thảo đã được nghe nhiều bài trình bày và nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các thành viên ban tư vấn quốc tế gồm 10 chuyên gia từ nhiều quốc gia và tổ chức khoa học công nghệ trên thế giới như Bolivia, Đan Mạch, Pháp, Anh, Phần Lan, Hàn Quốc và Áo.
STI là một vấn đề lớn, có liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khoa học trong xã hội. Là người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phần mềm máy tính, bài viết này chỉ nêu một số ý kiến cá nhân có liên quan tới lĩnh vực phần mềm máy tính, với hy vọng có thể đóng góp được vào trong nội dung của các chính sách Chiến lược STI của Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Sử dụng các bằng sáng chế đã qua thời hạn bảo hộ để chuyển động nhanh
Nghiên cứu (Research) và đổi mới (Innovation), như trong bài trình bày của ông Henri Dou, Giám đốc tổ chức Atelis, chuyên gia của WIPO, được định nghĩa như sau:
  • Nghiên cứu là sự biến đổi tiền thành tri thức và năng lực (Money transformation to knowledge & competence).
  • Đổi mới là sự biến đổi tri thức và năng lực thành tiền (knowledge & competence transformation to money).
Việc phát triển hệ thống đổi mới là để làm cho những thứ nêu trên có hiệu quả, như để làm cho đầu tư trong nghiên cứu và phát triển (R&D) có lãi. Hãy xác định những khó khăn và khả năng đầu tư.
Ông đưa ra một khuyến cáo tiếp cận tích cực và thực dụng rằng để chuyển động nhanh, điều cần thiết với Việt Nam vào lúc này là nên sử dụng các bằng sáng chế có sẵn trong miền công cộng, những bằng sáng chế đã hết thời hạn 20 năm bảo hộ. Những bằng sáng chế loại này là nhiều vô số trong các kho lưu giữ các bằng sáng chế trên thế giới, trong đó có cơ sở dữ liệu các bằng sáng chế của Mỹ mà Việt Nam có thể sử dụng một các tự do bằng một công cụ tìm kiếm các bằng sáng chế như Matheo - Patent, có thể tìm thấy trên Internet tại địa chỉ: http://www.matheo-patent.com.
Điều này có lẽ là phù hợp với nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam, dù có thể đối với một số ngành, ví dụ như phần mềm máy tính, nó không hẳn là phù hợp và được đề cập tới ở cuối bài này.
Hệ sinh thái của các ngành khác nhau là khác nhau
Bài trình bày của ông Martin Fransman, Giáo sư kinh tế và Giám đốc sáng lập Viện nghiên cứu Công nghệ Nhật Bản - Châu Âu, Đại học Edinburg, đề cập tới các hệ sinh thái của các ngành khác nhau.
Một hệ sinh thái được xác định như các nhóm các tay chơi tạo ra những đổi mới thông qua những tương tác cộng sinh và cùng tiến bộ của họ với môi trường của họ.
Ông nhấn mạnh rằng các hệ sinh thái ngành là sống còn và các ngành khác nhau thì các hệ sinh thái ngành có những nét đặc trưng khác nhau. Ví dụ như các hệ sinh thái ngành của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), công nghệ sinh học và ô tô là hoàn toàn khác biệt nhau, làm việc theo các cách thức khác nhau một cách cơ bản.
Ông cho rằng, việc cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm, không chỉ đối với hệ thống STI, mà còn đối với toàn bộ các hệ sinh thái đổi mới của các ngành, mới là trọng tâm chính của việc ra quyết sách về đổi mới.
Cũng chính vì những khác biệt của các hệ sinh thái khác nhau này, gợi ý cho chúng ta cách tiếp cận đối với việc sử dụng các bằng sáng chế như ở trên vừa nêu có thể sẽ là không giống hệt như nhau giữa các ngành khác nhau.
Vai trò chiến lược phát triển KHCN Việt Nam giai đoạn 2011-2020
Bài phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KHCN, Bộ KHCN đã nêu lên vai trò chiến lược phát triển KHCN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 với những đặc trưng cụ thể sau:
  • KHCN là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.
  • Phát triển có trọng tâm, trọng điểm: (1) Chú trọng nghiên cứu thích nghi và làm chủ công nghệ nhập; (2) Tập trung đầu tư cho các sản phẩm chiến lược và công nghệ cốt lõi.
  • Tạo môi trường và động lực: (2) Đổi mới cơ chế đầu tư, tài chính; (2) Chính sách nhân lực KH&CN; (3) Phát triển doanh nghiệp KH&CN.
Được biết, Chính phủ đã thành lập Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia với số vốn 1.000 tỷ VNĐ từ vốn ngân sách nhà nước để thúc đẩy STI.
Nét đặc trưng của hệ sinh thái ngành ICT
Phát triển bền vững chắc chắn đi đôi với việc đảm bảo an ninh và chủ quyền quốc gia, trong đó có an ninh thông tin - dữ liệu và các hệ thống ICT trong bối cảnh mới hiện nay của thế giới, đặc biệt khi mà chiến tranh không gian mạng đã và đang diễn ra hàng ngày, bất kỳ lúc nào.
Như nhiều tài liệu và bài viết đã chỉ ra trong thời gian 3 năm trở lại đây, cả ngoài nước lẫn trong nước, để có khả năng đảm bảo được nhiệm vụ này, các phần mềm, đặc biệt là các phần mềm được sử dụng trong các hệ thống thông tin của chính phủ, phải không được phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất; chính phủ phải có được quyền trí tuệ không hạn chế đối với mã nguồn của các phần mềm, đồng nghĩa với việc các phần mềm đó được phát triển theo các nguyên tắc của phát triển công nghệ mở, mà một trong những nét đặc trưng của nó là được phát triển liên tục với những đổi mới từng tí một, ngày này qua ngày khác bởi một cộng đồng 4 thành phần: (1) khu vực nhà nước; (2) khu vực tư nhân; (3) các trường đại học; (4) cộng đồng các lập trình viên, những người tích hợp hệ thống, những người bản địa hóa và những người sử dụng. Nói một cách khác, mô hình công nghệ mở nhấn mạnh tới việc “Cộng đồng trước, công nghệ sau”. Cộng đồng là trọng tâm, các công ty tham gia vào trong cộng đồng. Xem: “Xây dựng phần mềm và hệ thống thông tin trong quân đội và chính phủ: Cộng đồng trước, công nghệ sau“ đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 06/2011, trang 72-75.
Có thể nhận thấy, mô hình phát triển công nghệ mở, dựa vào cộng đồng và sự đồng vận của 4 thành phần ở trên là có sự khác biệt với mô hình quan hệ đối tác công - tư PPP (Public - Private Partnership).
Phát triển công nghệ mở cho phép Việt Nam sử dụng mọi công nghệ hiện có trong phần mềm, khi mà mô hình phát triển các phần mềm tự do nguồn mở là mô hình toàn cầu hóa, cho phép cùng một lúc cộng đồng thế giới và cộng đồng bản địa địa phương (như của Việt Nam) cộng tác cùng phát triển, với cộng đồng bản địa địa phương đấu tranh cho những khác biệt của mình.
Phát triển công nghệ mở cho phép Việt Nam sử dụng các công nghệ với không chỉ các bằng sáng chế phần mềm nằm trong miền công cộng, những bằng sáng chế đã hết hạn bảo hộ sau 20 năm kể từ lúc ban hành. Hãy thử tưởng tượng, làm thế nào các hệ thống thông tin của chính phủ và các hệ thống sống còn khác như dầu/khí/điện/hóa/dược/nguyên tử/giao thông... lại có được an ninh an toàn khi chỉ được sử dụng các bằng sáng chế có trong Windows 95 sau năm 2015, dù không phải tất cả điều này là đúng (nhiều bằng sáng chế phần mềm trong Windows 95 được công bố từ trước đó), nhưng ví dụ này giúp cho ta cảm nhận được tính chất và phạm vi của vấn đề.
Nói một cách khác, phát triển công nghệ mở cho phép Việt Nam “Chú trọng nghiên cứu thích nghi và làm chủ công nghệ nhập”, chính là những gì cần thiết cho chiến lược phát triển KHCN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đối với phần mềm trong hệ sinh thái ICT.
Những thực tiễn hiện đang xảy ra trên thế giới đã và đang chỉ ra rằng, các bằng sáng chế phần mềm không những không khuyến khích đổi mới, mà ngược lại, đang cản trở đổi mới. Các bằng sáng chế phần mềm đang bị các quỷ lùn bằng sáng chế (Patent Troll), những thực thể không làm ra của cải cho xã hội, lợi dụng hệ thống bằng sáng chế còn nhiều lỗ hổng bằng cách dùng tiền để mua bán các bằng sáng chế phần mềm và kiện các công ty phần mềm ra tòa để moi tiền của các công ty đó. Các bằng sáng chế phần mềm còn là nguy cơ dẫn tới sự tuyệt chủng của các công ty phần mềm Việt Nam. Xem: “Bằng sáng chế phần mềm - Nguy cơ tuyệt chủng của các công ty phần mềm Việt Nam?” đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 09/2011, trang 58-63.
Một so sánh khác, dù tương đối khập khiễng, để xem một cách tương đối liệu Việt Nam có khả năng kham được các bằng sáng chế phần mềm hay không: Attachmate mua hãng phần mềm Novell vào đầu năm 2011 cùng với 882 bằng sáng chế phần mềm với giá 2.2 tỷ USD, tương đương với 44.000 tỷ VNĐ, tương đương với 44 lần tiền của Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia được nêu ở trên, và với số tiền 1.000 tỷ VNĐ, chúng ta có thể mua được khoảng 20 bằng sáng chế phần mềm như trong vụ mua sắm này, biết rằng, chỉ riêng trong vụ Google mua Motorola Mobile với giá 12.5 tỷ USD vào tháng 08/2011, đã có tới 15.000 bằng sáng chế đi kèm và 7.500 bằng đang chờ được cấp.
Điều tình cờ thú vị là hội thảo diễn ra cùng thời gian với kiến nghị “Chỉ thị cho Văn phòng Bằng sáng chế dừng cấp phát các bằng sáng chế phần mềm” từ ngày 23/09/2011 tới ngày 23/10/2011 trên website của Nhà Trắng của nước Mỹ, theo đó nếu kiến nghị có được 5.000 chữ ký trong thời hạn 1 tháng như nêu ở trên, thì chính quyền của Tổng thống Obama sẽ trả lời các công dân bằng văn bản. Ngay trong ngày đầu tiên 23/09/2011, kiến nghị đã nhận được khoảng 4.500 chữ ký; còn trong ngày diễn ra hội thảo 05/10/2011, con số này đã là hơn 13.000; kết thúc thời hạn con số đạt được là 14.360. Để có thể so sánh được sức nóng của kiến nghị này, có thể so sánh với một kiến nghị khác cũng trên website của Nhà Trắng, như kiến nghị điều tra sử dụng chất độc màu da cam được sử dụng ngoài Việt Nam với cùng quãng thời gian, từ ngày 22/09/2011 tới ngày 22/10/2011, mới chỉ nhận được gần 300 chữ ký cho tới ngày 05/10/2011 và khi kết thúc thời hạn, con số không vượt qua được 1.000. Điều này cho thấy, hệ thống bằng sáng chế phần mềm là có vấn đề, thậm chí cả với các công ty và những người làm việc trong lĩnh vực phần mềm ngay tại nước Mỹ.
Trên thế giới có phong trào đấu tranh nhằm chấm dứt các bằng sáng chế phần mềm, End Software Patents (Chấm dứt các bằng sáng chế phần mềm). Phong trào phần mềm tự do nguồn mở ủng hộ phong trào này. Nhiều nước trên thế giới cấm hoàn toàn việc áp dụng bằng sáng chế vào phần mềm. Xem: “Phát triển công nghệ mở - Những bài học học được và những thực tiễn tốt nhất cho các phần mềm quân sự”, Bộ Quốc phòng Mỹ, 16/05/2011, trang 68, mục C.2.2. Các bằng sáng chế.
Kết luận
Để đáp ứng được vai trò chiến lược phát triển KHCN Việt Nam giai đoạn 2011-2020, hướng tới phát triển bền vững và tự chủ các công nghệ nhập, cần thiết và nên đưa công nghệ mở thành một công nghệ then chốt cần ưu tiên phát triển trong chiến lược KHCN Việt Nam giai đoạn 2011-2020, nhấn mạnh tới đặc thù của sự đồng vận và phát triển hài hòa của cả 4 thành phần của cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở, công nghệ mở trong lĩnh vực ICT như là một mở rộng khác của mô hình PPP, như PPPP (Public-Private-Patriotism-Partnership), và gọi là mô hình cộng đồng công nghệ mở OTC (Open Technology Community).
Những hệ quả kéo theo của việc này đối với sự đổi mới trong một số văn bản pháp luật gồm:
  • Có những sửa đổi phù hợp cho phát triển công nghệ mở trong các luật sở hữu trí tuệ và bản quyền phần mềm.
  • Loại bỏ bằng sáng chế phần mềm ra khỏi danh sách các vấn đề được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
Trần Lê
Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 11/2011, trang 72-75.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.