Nhân sự kiện “Ngày
an toàn thông tin Việt Nam 2013”, các chuyên gia cao cấp
của Microsoft gồm các ông Mark McIntyre, Giám đốc Chương
trình An ninh mạng khối Chính phủ của Microsoft và Pierre
Noel, Trưởng Bộ phận Tư vấn An toàn thông tin khu vực
châu Á của Microsoft, đã có cuộc tọa đàm với VNCERT và
khách mời từ một số cơ quan, tổ chức nghề nghiệp về
vấn đề an ninh mạng tại trụ sở Bộ Thông tin và
Truyền thông vào sáng ngày 22/11/2013.
Tại cuộc tọa đàm,
các chuyên gia của Microsoft đã trình bày các chủ đề
nóng về an ninh mạng của thế giới như: 'Báo cáo điều
tra an toàn thông tin toàn cầu' (Security Intelligence Report),
'Chuyển động đàn hồi trong không gian mạng' (Cyber
Resilience Movement) và 'Điện toán tin cậy của Microsoft'
(Microsoft Trustworthy Computing).
Trong phần thảo luận
kéo dài khoảng 30 phút cuối buổi tọa đàm, một số câu
hỏi đã được đưa ra trao đổi ý kiến, được tóm tắt
lại như dưới đây:
Ảnh: Các chuyên gia về
an ninh của Microsoft tại cuộc tọa đàm sáng 22/11/2013 ở
Bộ TTTT.
Hỏi: Cách thức
để sử dụng các thông tin từ Microsoft khi có các sự cố
máy tính trong khu vực chính phủ.
Đáp: Các bên
có thể hợp tác để cải thiện tình hình khi có các sự
cố. Microsoft có khả năng cung cấp các thông tin về các
botnet một cách tức thời cũng như việc hợp tác nhằm
nâng cao năng lực ứng cứu và khắc phục sự cố máy
tính cho phía Việt Nam.
Hỏi: Cách thức
giải quyết đối với số lượng lớn các máy tính tại
Việt Nam còn sử dụng Windows XP, kể cả hợp pháp và
không hợp pháp, khi thời hạn chót cho các hỗ trợ toàn
cầu từ phía Microsoft sẽ chấm dứt vào ngày 08/04/2014.
Đáp: Việc yêu
cầu tư vấn sau ngày 08/04/2014 là không dễ dàng. Tâm lý
người sử dụng các phần mềm không hợp pháp sợ bị
phát hiện và vì vậy không cài đặt các bản vá đầy
đủ và đúng lúc. Lời khuyên là nên cài đặt đầy đủ
các bản vá, các phần mềm chống virus miễn phí. Một số
hãng chống virus có thể vẫn cung cấp các phần mềm
chống virus sau ngày đó. E rằng Microsoft sẽ không hỗ trợ
Windows XP sau ngày đó nữa nên không có lời khuyên - tư
vấn nào cho người sử dụng nữa.
Hỏi: Cách thức
bảo vệ tính riêng tư của người sử dụng khi Microsoft
tiến hành việc quét virus đối với các máy tính chạy
Windows tại Việt Nam; Ví dụ như khi Microsoft mua 41 máy
tính ở các cửa hàng của Việt Nam và phát hiện 38 ổ
cứng bị nhiễm mã độc từ trước sau khi quét chúng.
Đáp: Chúng tôi
rất quan tâm tới tính riêng tư của người sử dụng, vì
thế khi quét các máy tính, chúng tôi giữ không chia sẻ
các thông tin đó cho ai. Các bạn nên tin tưởng chúng tôi
trong việc này. Làm việc tại quốc gia nào thì chúng tôi
sẽ tuân thủ pháp luật của quốc gia đó đối với các
dữ liệu riêng tư của người sử dụng.
Hỏi: Liệu có
khả năng mở mã nguồn của Windows và Office để người
sử dụng Việt Nam tin tưởng được các chương trình đó
không có cài cắm 'cửa hậu' nào trong các sản phẩm đó
hay không.
Đáp: Các phần
mềm của Microsoft là rất mở, có các chương trình mở
mã nguồn cho một số Chính phủ, nhà sản xuất thiết bị
gốc – OEM.
Hỏi: Được
biết, Luật
Yêu nước (Patriot
Act) của nước Mỹ qui định rằng các công ty của Mỹ
phải cung cấp các thông tin của người sử dụng cho các
nhà chức trách của Mỹ, làm thế nào chúng tôi có thể
tin rằng Microsoft sẽ không chuyển các thông tin của người
sử dụng Việt Nam cho các cơ quan, các nhà chức trách nào
khác của Mỹ.
Đáp: Vâng,
chúng tôi phải tuân thủ Luật của nước Mỹ.
Thay cho lời kết
Đúng
là có những thông tin rằng Microsoft đã mở mã nguồn của
một vài phiên bản Windows cho một số Chính phủ trên thế
giới, ví dụ như các Chính phủ Anh,
Nga
và Trung
Quốc, nhưng điều đó không có
nghĩa là Windows và Office của Microsoft là phần mềm nguồn
mở, chiểu theo định
nghĩa về phần mềm nguồn mở của
Sáng kiến Nguồn Mở - OSI (Open Source Initiative).
Với
những tài liệu đã được cựu nhà thầu của Cơ quan An
ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ gần đây về
chương
trình giám sát ồ ạt của NSA và
được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại
chúng khắp toàn cầu, thật khó cho bất kỳ ai tin rằng
Microsoft sẽ tuân theo Luật của các nước sở tại và
các
dữ liệu riêng tư của người sử dụng các phần mềm
của Microsoft sẽ không được chuyển cho các cơ quan an
ninh của Mỹ, đặc biệt khi
Microsoft còn phải tuân thủ trước hết các Luật của Mỹ
như Luật
Yêu nước hay Luật Giám sát Tình
báo Nước ngoài - FISA
(Foreign
Intelligence Surveillance Act).
Trần Lê
Bài đăng trên tạp
chí Tin học & Đời sống, số tháng 12/2013, trang 46.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.