Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

GNU/Linux với các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới

Câu chuyện muôn thuở giữa thế giới phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM) và thế giới phần mềm nguồn đóng - sở hữu độc quyền (PMSHĐQ) là những cuộc tranh luận dường như bất tận về tính ưu việt của dòng phần mềm này so với dòng phần mềm kia.

Trên diễn đàn ICT-VN dành cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy, triển khai và quản lý công nghệ thông tin và truyền thông từ các trường, viện, công ty và cơ quan - tổ chức chính phủ và phi chính phủ cũng đã có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về vấn đề này.

Có lẽ đây là một vấn đề lớn của xã hội nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng. Môi trường của doanh nghiệp với việc lấy hiệu quả công việc là hàng đầu. Vì thế, lý tưởng mà nói, họ thực sự cần những công cụ công nghệ thông tin, công cụ phần mềm nào mà đáp ứng được cho công việc của họ một cách có hiệu quả nhất về kinh tế, nhanh nhất, ổn định nhất và an ninh nhất.

Vừa qua, Quỹ Linux (Linux Foundation) hợp tác với Yeoman Technologies, đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với 1.948 người sử dụng Linux, tập trung vào 387 người chuyên nghiệp về công nghệ thông tin từ các công ty có doanh số từ 500 triệu USD trở lên trong 1 năm hoặc có 500 nhân viên trở lên, trong đó 46.5% là từ Mỹ và Canada, 28.7% là từ châu Âu, và 11.6% là từ châu Á. Trong số các công ty và tổ chức này, có những cái tên nổi tiếng như Morgan Stanley, Goldman Sachs, Ngân hàng Quốc gia Mỹ (Bank of America), Bristol-Myers Squibb, NTT, Ngân hàng Quốc gia Đức (Deutsche Bank), Dreamworks, ADP, McKinsey and Company, Ngân hàng New York (Bank of New York), Barclays Capital, AIG, Bộ Quốc phòng Mỹ, MetLife, CME Group, NASDAQ QMX, Thị trường Chứng khoán New York, Goodrich, và nhiều thực thể lớn khác.

Và đây là những phát hiện chính từ báo cáo này:

  • 79.4% các công ty đang bổ sung thêm nhiều Linux hơn so với các hệ điều hành khác trong vòng 5 năm tới vào các hệ thống thông tin của mình.

  • Nhiều người nói rằng những triển khai Linux của họ là những chuyển đổi từ Windows sang hơn bất kỳ nền tảng nào khác, và cả sự chuyển đổi từ Unix sang. 66% số người sử dụng được khảo sát nói rằng những triển khai Linux của họ sẽ là những triển khai mới tinh (“lĩnh vực xanh”).

  • Trong số những người ứng dụng sớm công nghệ điện toán đám mây, thì 70.3% sử dụng Linux như là nền tảng ban đầu của họ, trong khi chỉ có 18.3% sử dụng Windows.

  • 60.2% những người được hỏi nói họ sẽ sử dụng Linux cho những tải công việc mang tính sống còn hơn trong vòng 12 tháng tới.

  • 86.5% những người được hỏi nói rằng Linux đang tiếp tục được cải tiến và 58.4% nói các giám đốc thông tin CIO của họ thấy Linux là chiến lược hơn đối với tổ chức so với 3 năm về trước.

  • Những động lực cho việc áp dụng Linux vượt ra khỏi chi phí: sự siêu việt về kỹ thuật là động lực đầu tiên, theo sau là chi phí và an ninh.

  • Sự tăng trưởng trong Linux, như được trình bày trong báo cáo, đang dẫn dắt các công ty tới việc tìm kiếm ngày một gia tăng các chuyên gia IT về Linux, với 38.3% những người được hỏi nói sự thiếu hụt những nhân tài về Linux như một trong những mối quan tâm chính của họ có liên quan tới nền tảng này.

  • Những người sử dụng tham gia vào phát triển Linux theo 3 cách thức ban đầu: kiểm thử và đệ trình các lỗi (37.5%), làm việc với các nhà cung cấp (30.7%) và tham gia vào các hoạt động của Quỹ Linux (26.0%).

Một điều khá trùng hợp với xu thế này, là các hệ thống thông tin của các thị trường chứng khoán số 1 thế giới New York, số 2 thế giới Tokyo, số 3 thế giới Luân Đôn, và nhiều thị trường chứng khoán khác trên thế giới hiện nay đều đã và đang chạy trên nền tảng của hệ điều hành PMTDNM GNU/Linux, chứ không phải là trên Unix hay Windows như rất nhiều người Việt Nam chúng ta lầm tưởng. Sở dĩ những thị trường kinh doanh hàng đầu thế giới này, nơi mà các giao dịch kinh doanh xảy ra trong thời gian của một phần triệu giây - nghĩa là trong một phần triệu giây đó, nhà đầu tư chứng khoán có thể mất hoặc được hàng triệu USD - nơi mà nhu cầu về tốc độ, về độ ổn định và về an ninh của toàn bộ hệ thống thông tin là cao nhất, thì chỉ có nền tảng hệ điều hành PMTDNM GNU/Linux mới có thể đáp ứng được tốt nhất. Đó là một thực tế.

Có thể cũng chính vì thế, mà ngay trong năm 2010 này, chúng ta cũng được chứng kiến những cuộc chuyển đổi của các công ty lớn như vậy sang nền tảng hệ điều hành PMTDNM GNU/Linux, một là của Google cho hơn 23.000 nhân viên của toàn bộ hãng tại tất cả các văn phòng trên khắp thế giới, và cái kia là của Viettel, với sự chuyển đổi 2.200 máy tính trong tổng công ty sang sử dụng hệ điều hành PMTDNM GNU/Linux Ubuntu trên các máy tính trạm.

Các công ty lớn nhất trên thế giới đã, đang và sẽ chạy trên hệ điều hành PMTDNM GNU/Linux!!!

Trần Lê

Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 11/2010, trang 70-71.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.