(Bài
viết được thực hiện sau cuộc tọa đàm ngày 04/08/2017
tại trụ sở tòa soạn tạp chí Tia Sáng với chủ đề:
Công nghệ thông tin Việt Nam có thể làm gì trong cách
mạng công nghiệp 4.0; được đăng trên tạp chí Tia Sáng số 16 - 20/8/2017 các trang 12-17 và trên Tia Sáng điện tử tại địa chỉ: http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Rat-can-khoa-hoc-mo-cho-CMCN-40--10878) .
Cách
mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) đang tới và nó là một xu
thế không thể tránh khỏi đối tới mọi quốc gia, và
Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Tại
Việt Nam thời gian gần đây, bạn có thể nghe nói nhiều
tới CMCN4.0 ở khắp mọi nơi, nhất là trên các phương
tiện thông tin đại chúng và trên các trang mạng xã hội…
Tôi
đã may mắn được mời tham dự cuộc tọa đàm do tạp
chí Tia sáng tổ chức với chủ đề: “CNTT Việt
Nam có thể làm gì trong CMCN4.0” vào đầu tháng 8/2017,
nơi tôi đã có cơ hội để trình bày một tham luận nhỏ
với nhan đề “Có hay không cơ hội của Việt Nam trong
CMCN4.0?”. Bài viết này chính là trình bày và giải nghĩa
chi tiết hơn cho tham luận đó.
Quả
thật, để trả lời cho câu hỏi ở trên vào lúc này là
không dễ, và tôi tin sẽ có nhiều câu trả lời khác
nhau, thậm chí rất khác nhau, từ góc nhìn và quan điểm
của những người khác nhau, với các lĩnh vực chuyên sâu
khác nhau của họ.
Là
người có đam mê tìm hiểu các thông tin trong lĩnh vực
nguồn mở, bao gồm cả phần mềm nguồn mở, phần cứng
nguồn mở, khoa học mở, truy cập mở, dữ liệu mở, tài
nguyên giáo dục mở và nhiều khái niệm “NGUỒN MỞ”
khác, tôi muốn thông qua bài viết này để thử trả lời
cho câu hỏi khó ở trên với góc nhìn của “NGUỒN MỞ”,
cùng lúc đối chiếu với hiện trạng của Việt Nam để
bạn đọc, đặc biệt là những người trong cuộc, có
thể cảm nhận được ngay những khó khăn mà chúng ta gặp
phải khi đối mặt với CMCN4.0.
Triết
lý của “NGUỒN MỞ”
Tôi
mê cái triết lý của “NGUỒN MỞ”, được diễn giải
trong câu sau đây của Bernard
Shaw trong cuốn sách “Giới
thiệu phần mềm tự do” của Viện Công nghệ Tự do
– FTA (Free Technology Academy):
“Nếu
bạn có một quả táo và tôi có một quả táo và chúng
ta trao đổi táo cho nhau, thì bạn và tôi sẽ vẫn mỗi
người có một quả táo. Nhưng nếu bạn có một ý tưởng
và tôi có một ý tưởng và chúng ta trao đổi cho nhau
những ý tưởng đó, thì mỗi người chúng ta sẽ có 2 ý
tưởng”.
Đây
chính là triết lý cơ bản nhất của thế giới nguồn
mở, là nguyên tắc cộng lực tuyệt vời không chỉ
cho phần mềm nguồn mở, mà còn cho và là nguồn cảm
hứng để chia sẻ mở nhiều điều khác nữa trong thế
giới của những thứ vô hình được chia sẻ mở
khác, như trong các khái niệm mới được sinh ra thời
gian gần đây như “Khoa học mở - Open Science”, “Truy
cập mở - Open Access”, “Dữ liệu Mở - Open Data”, “Dữ
liệu mở liên kết - Linked Open Data”, “Tài nguyên giáo
dục mở - Open Educational Resources”…
Ngày
nay, nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả nước Mỹ
và châu Âu, đang triển khai rộng rãi triết lý này và sự
chia sẻ mở trong các chương trình, dự án đi với các
khái niệm được nêu ở trên, đặc biệt trong trường
hợp các chương trình, dự án đó được cấp vốn từ
nhà nước, về bản chất là từ tiền của những người
dân đóng thuế của các nước đó.
Triết
lý này không là đặc tính của thế giới nguồn đóng,
bất kể lĩnh vực nào, nơi mà mọi ý tưởng thường
không được chia sẻ mở và bản thân sự chia sẻ mở
cũng là điều cấm kỵ, không được khuyến khích
và/hoặc chào đón trong cái thế giới nguồn đóng đó.
A.
Vài đặc tính nổi bật nhất của CMCN4.0
Trong
thời gian qua, đã có không ít các bài viết nêu những
đặc tính của CMCN4.0, trong số đó, có lẽ nổi bật
nhất là: (1) người máy có khả năng thay thế con người;
và (2) sự thông minh trong giải quyết nhiều vấn đề
khác nhau trong cuộc sống của con người theo các mức độ
‘thông minh’ khác nhau, với mức thông minh cao nhất được
cho là nhờ vào khả năng sử dụng các kết quả phân
tích dữ liệu lớn theo thời gian thực (hoặc gần với
thời gian thực) để đưa ra các quyết định điều khiển
sự vận hành của một (vài) quy trình công việc nào đó
cũng theo thời gian thực (hoặc gần với thời gian thực).
B.
Việt Nam trước các cơ hội và thách thức của CMCN4.0
Có
một logic đơn giản có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy
là đương nhiên, đó là, để có thể tiếp cận được
và làm được gì đó với CMCN4.0, yêu cầu hàng đầu là
phải đổi mới sáng tạo. Để có được đổi mới sáng
tạo thì cần phải có tri thức và đầu tư thích đáng
cho nghiên cứu/ phát triển và triển khai, cả nhân lực,
vật lực và tiền bạc.
Bạn
đừng bao giờ nghĩ Việt Nam có thể tiếp cận được
hoặc làm gì đó lớn với CMCN4.0 bằng con đường để
trở thành “Người mua sắm vĩ đại” như những gì, có
lẽ, Việt Nam đã từng làm trong vài thập kỷ vừa qua,
và cũng đã được nhắc tới trong một bài trên tạp chí
Tia sáng thời gian gần đây. Vì sao? Vì, ít nhất,
bạn cần các dữ liệu về và của Việt Nam.
C.
Tại sao khoa học mở, truy cập mở, dữ liệu mở, và tài
nguyên giáo dục mở lại cần thiết để Việt Nam có thể
nâng cao năng lực tiếp cận trong cuộc CMCN4.0?
Với
Việt Nam bây giờ và có lẽ trong vài thập kỷ tới, câu
hỏi lớn được đặt ra: Làm thế nào để đổi mới
sáng tạo khi mà nhân lực, vật lực và tiền bạc đều
rất ít và rất hiếm?
Vô
số các ví dụ ở các quốc gia như Mỹ và châu Âu hiện
nay, những nơi đang phất cao ngọn cờ khoa học mở, truy
cập mở, giáo dục mở và dữ liệu mở, có lẽ là tấm
gương sáng để Việt Nam nhận thức ra được con đường
tất yếu phải đi nếu thực sự Việt Nam muốn tiếp cận
và làm được gì đó trong cuộc CMCN4.0. Biết rằng, để
khoa học mở phát triển, Liên minh châu Âu (EU) đã từng
đầu tư liên tục trong vòng hơn 1 thập kỷ qua, và chỉ
riêng với chương trình Horizon 2020
(https://ec.europa.eu/programmes/horizon2020/en/what-horizon-2020),
EU đã và đang đầu tư cho tới năm 2020 một khoản tiền
khổng lồ gần 80 tỷ euro để hiện thực hóa ‘Đám mây
khoa học mở của châu Âu’.
C1.
Khoa học mở
Định
nghĩa khoa học mở: Khoa học Mở (Open Science) là thực
hành khoa học theo cách thức sao cho những người khác có
thể cộng tác và đóng góp, nơi mà các dữ liệu nghiên
cứu, các ghi chép trong phòng thí nghiệm và các quy trình
nghiên cứu khác là sẵn sàng tự do, theo các điều khoản
cho phép sử dụng lại, phân phối lại và tái tạo lại
nghiên cứu đó và các dữ liệu và phương pháp nằm bên
dưới của nó.
Hình
1: Khoa học mở - các thành phần và đặc tính
Hình
1 cho chúng ta nhận biết được: (1) khoa học mở gồm
những thành phần nào; và (2) khoa học mở ngày nay có thể
được đặc trưng bằng những đặc tính nào (hoặc các
ký tự nào theo tiếng Anh). Hình 1 cũng cho chúng ta thấy:
-
Khoa học mở là chưa tồn tại ở Việt Nam
-
Ở Việt Nam hiện tại, không khó để thấy rằng, các tài liệu và dữ liệu khoa học là kết quả của các nghiên cứu khoa học, nhất là các nghiên cứu khoa học được nhà nước cấp tiền, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, chưa mang/với tới được các tiêu chuẩn của bất kỳ đặc tính nào của khoa học mở như: (1) Khả năng tìm kiếm, phát hiện ra được (Findable) trên Internet; (2) Truy cập được (Accessible) trên/qua Internet; (3) Tương hợp được (Interoperable) - khả năng trao đổi và pha trộn thông tin và/hoặc dữ liệu với nhau nhờ sử dụng các tiêu chuẩn mở; (4) Sử dụng lại được (Re-usable); (5) Lần vết được (Traceable), ví dụ trích dẫn từ đâu, có rõ ràng và minh bạch hay không, có ‘đạo văn’ hay không?; (6) Được cấp phép mở (Licensed), ví dụ như Creative Commons; (7) Được kết nối với nhau (Connected).
C2.
Truy cập mở
UNESCO
định nghĩa truy cập mở
(http://en.unesco.org/open-access/what-open-access)
như sau: “Truy cập mở tới tư liệu ngụ ý tính sẵn
sàng tự do trên Internet công khai, cho phép bất kỳ người
sử dụng nào để đọc, tải về, sao chép, phân phối,
in, tìm kiếm, hoặc liên kết tới toàn văn các bài báo
đó, đi sâu vào chúng để đánh chỉ mục, truyền chúng
như là dữ liệu tới phần mềm, hoặc sử dụng chúng vì
bất kỳ mục đích hợp pháp nào khác, mà không có các
rào cản về tài chính, pháp lý hoặc kỹ thuật khác với
những gì không thể tách rời được khỏi việc giành
được sự truy cập tới bản thân Internet”.
Triết
lý của truy cập mở là để cung cấp sự truy
cập miễn phí và không có rào cản tới nghiên cứu và
các xuất bản phẩm của nó mà không có các hạn chế về
bản
quyền.
Để
làm thỏa mãn những gì được nêu trong định nghĩa của
truy cập mở, công việc cốt lõi là chuyển đổi hệ
thống truyền thông nghiên cứu
từ hệ thống người sử dụng
trả tiền thành hệ thống
truyền thông nghiên cứu tác
giả trả tiền, đặc biệt
đối với các nghiên cứu có sử dụng tiền từ nhà nước
cấp (từ những người đóng thuế). Sự thay đổi này
kéo theo sự thay đổi của quy
trình xuất bản các kết quả
nghiên cứu và mô hình kinh
doanh của tất cả các bên
tham gia đóng góp trong hệ thống truyền thông nghiên cứu,
bao gồm cả các nhà nghiên cứu, các nhà xuất bản, các
nhà cấp vốn nghiên cứu, các trường đại học/ các
viện nghiên cứu và các thư viện, và xã hội học tập.
Đây
là công việc rất khó, mất nhiều công sức và thời
gian, vì cần phải làm hài hòa lợi ích của nhiều bên,
trong khi các lợi ích của từng bên là khác nhau, đôi khi
trái ngược nhau. Thực thể có khả năng nhất để kết
nối để làm hài hòa hóa các lợi ích của các bên chính
là nhà nước - thực thể thay mặt cho những người dân
đóng thuế.
Hình
2: Các dạng truy cập mở
Có
thể dễ dàng để thấy, các dạng truy cập mở là chưa
tồn tại ở Việt Nam, trong khi nó là phổ biến hiện nay
trên thế giới, với các chính sách truy cập mở ở nhiều
mức, như ở mức nhóm các quốc gia, quốc gia, tổ chức
quốc tế, trường đại học khắp trên thế giới.
C3.
Dữ liệu mở và dữ liệu mở liên kết
Dữ
liệu mở (Open Data) được định nghĩa như sau: Dữ liệu
mở là dữ liệu có thể được bất kỳ ai tự do sử
dụng, sử dụng lại và phân phối lại - nhiều nhất,
chỉ tuân thủ yêu cầu ghi công và chia sẻ tương tự.
(http://opendatahandbook.org/guide/en/what-is-open-data/)
Dữ
liệu mở liên kết là sự liên kết chỉ của các dữ
liệu mở với nhau tạo thành.
Nếu
sử dụng hệ thống giấy phép Creative Commons để cấp
phép cho dữ liệu mở, thì chỉ có 3 loại giấy phép ở
khoang trên cùng phần bên trái của Hình 3 bên dưới là
đáp ứng được định nghĩa của dữ liệu mở. Dữ liệu
mở cũng có thể sử dụng các giấy phép mở tương đương
với 3 giấy phép ở trên nhưng từ của các
hệ thống giấy phép mở khác.
Để
có thể làm cho máy đọc/hiểu được và có được sự
thông minh, kể cả ở mức cao nhất, từ năm 2006, nhà
phát minh ra World Wide Web, ngài Tim - Berners Lee đã đưa ra
(https://www.w3.org/DesignIssues/LinkedData.html)
nguyên tắc 4 điểm và lược đồ tiêu chuẩn 5 sao của
dữ liệu mở liên kết.
Với
nguyên tắc 4 điểm, ông chỉ ra rằng, nếu như
Internet trước đây là web của các tài liệu được
liên kết với nhau, thì Internet của ngày nay là web của
các dữ liệu được liên kết với nhau; nếu
Internet của trước đây sử dụng bộ định vị tài
nguyên thống nhất - URL (Uniform Resource Locator) để định
vị tài nguyên thì Internet của ngày nay sử dụng mã nhận
diện tài nguyên thống nhất - URI (Uniform Resource
Identifier) để không chỉ con người, mà cả máy cũng
có thể đọc/hiểu được và có thể không chỉ dừng
lại ở mức biết được tri thức về tài nguyên được
định vị như trước kia, mà quan trọng hơn nhiều, là để
sinh ra được các tri thức mới.
Với
lược đồ tiêu chuẩn 5 sao: Để có thể đạt tới
mức 5 sao, dữ liệu cần phải tuân thủ một số yêu cầu
nhất định:
Hình
3: Lược đồ tiêu chuẩn 5 sao và các giấy phép mở
Creative Commons
-
Mức 1 sao là thấp nhất, yêu cầu dữ liệu phải được cấp phép mở để trở thành dữ liệu mở, như được nêu ở phần định nghĩa dữ liệu mở ở trên, vì thế bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, đều có thể sử dụng các dữ liệu mở đó để tạo ra các ứng dụng/dịch vụ được phép thương mại hóa (xem khoang trên cùng của Hình 3). Ở Việt Nam hiện chưa ở đâu có các dữ liệu được cấp phép mở để đạt được mức 1 sao này.
-
Mức 2 sao yêu cầu dữ liệu phải đạt được mức 1 sao cộng thêm yêu cầu dữ liệu đó phải có cấu trúc để máy còn có khả năng đọc được.
-
Mức 3 sao yêu cầu dữ liệu phải đạt được mức 2 sao cộng thêm yêu cầu dữ liệu phải ở định dạng mở (tiêu chuẩn mở), điều rất khó cho Việt Nam để đạt được, khi mà trong thực tế hiện nay trong các cơ quan nhà nước và trong giáo dục, hầu như chỉ sử dụng các định dạng và tiêu chuẩn đóng, rất nhiều từ 1 nhà cung cấp độc quyền duy nhất. Nếu Việt Nam tiếp tục đi theo cách thức đào tạo và/hoặc sử dụng này, trong tương lai, có khả năng sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để thực hiện việc chuyển đổi các dữ liệu từ định dạng đóng sang định dạng mở. Một điều Việt Nam cần tránh càng xa càng tốt ngay từ bây giờ.
-
Mức 4 sao yêu cầu dữ liệu phải đạt được mức 3 sao cộng thêm yêu cầu dữ liệu đi với URI cho các các đối tượng hữu hình và/hoặc vô hình. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng kho từ vựng tiêu chuẩn để dựa vào đó xây dựng các bộ mã URI cho Việt Nam, ví dụ như các bộ từ vựng được chuẩn hóa để làm URI của Eurovoc (http://eurovoc.europa.eu/) của châu Âu, hay tìm hiểu cách tham gia sử dụng các hệ thống mã khác của thế giới, như ORCID (https://orcid.org/) để cấp mã nhận diện cho từng nhà nghiên cứu hiện nay, hay mã nhận diện đối tượng số DOI (https://www.doi.org/) cho các bài báo hay dữ liệu nghiên cứu... Lưu ý là ở Việt Nam hiện nay còn chưa xây dựng xong hệ thống mã nhận diện các tỉnh, thành phố để sử dụng trong hệ thống chính phủ điện tử. Vì vậy, có khả năng Việt Nam sẽ phải cần nhiều năm để xây dựng được hệ thống mã dạng như của Eurovoc.
-
Mức 5 sao yêu cầu dữ liệu phải đạt được mức 4 sao cộng thêm yêu cầu dữ liệu phải được kết nối theo nghĩa toàn cầu. Việt Nam bây giờ, dữ liệu còn chưa có, các cơ sở dữ liệu quốc gia vẫn ở giai đoạn chuẩn bị làm và/hoặc đang làm như từ thời kỳ IT-2000 của những năm 1996-2000, chưa thể nói gì tới việc kết nối toàn cầu.
Trong
khi đó, người châu Âu với chính sách Khoa học Mở đã
được phê chuẩn và đã được triển khai trong thực tế
từ 2007 cho tới nay, đã và đang chỉ ra cho thế giới
thấy:
Hình
4: Lợi ích của việc áp dụng các tiếp cận dữ liệu
mở và dữ liệu mở liên kết
-
Nếu đi theo tiếp cận dữ liệu mở, thì bạn thu được các ứng dụng thông minh, còn
-
Nếu đi theo tiếp cận dữ liệu mở liên kết, thì ngoài các ứng dụng thông minh ra, bạn còn có khả năng có được các sản phẩm thông minh và các hệ thống thông minh.
Cũng
ngay từ bây giờ, bất kỳ ai trên thế giới, kể cả các
nhà nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng như các công
ty của Việt Nam, đều được tự do tải về để sử
dụng các kết quả nghiên cứu của châu Âu, bao gồm cả
các bài báo, tài liệu và các bộ dữ liệu, dưới cái ô
khoa học mở theo chương trình Horizon 2020 ở các trang như
OpenAIRE (https://www.openaire.eu/)
hay Zenodo (https://zenodo.org/),
ví dụ thế.
C4.
Tài nguyên giáo dục được cấp phép mở / Tài nguyên
giáo dục mở (OER)
Bộ
Giáo dục Mỹ (https://tech.ed.gov/open/)
định nghĩa tài nguyên giáo dục được cấp phép mở
(hay tài nguyên giáo dục mở - Open Educational Resource, viết
tắt là OER) là các tài nguyên học tập, giảng dạy, và
nghiên cứu nằm trong phạm vi công cộng hoặc đã được
phát hành theo giấy phép cho phép tự do sử dụng, sử
dụng lại, sửa đổi và chia sẻ chúng với những người
khác. Các tài nguyên số được cấp phép mở có thể gồm
các khóa học đầy đủ trên trực tuyến, các sách giáo
khoa số theo module cũng như các tài nguyên khác như các
hình ảnh, video và các hạng mục đánh giá.
Khác
với dữ liệu mở, tài nguyên giáo dục mở có thể được
gán bất kỳ giấy phép Creative Commons nào như phần bên
trái của Hình 3 ở trên, và/hoặc bất kỳ giấy phép mở
nào tương đương từ các hệ thống giấy phép mở khác
với Creative Commons.
Theo
thống kê của Creative Commons
(https://stateof.creativecommons.org/),
năm 2016, trên thế giới có 1 tỷ 200 triệu tư liệu được
cấp phép mở Creative Commons, nghĩa là từng công dân Việt
Nam, nếu có đủ các kỹ năng và khả năng, đều có thể
khai thác và sử dụng được hàng tỷ tư liệu được
cấp phép mở nêu trên, mà không vi phạm các luật bản
quyền.
Một
câu hỏi lớn cho giáo dục Việt Nam là: ở đâu đang sản
xuất và tiêu dùng OER ở Việt Nam?, bằng tiếng Việt hay
tiếng nước ngoài. Trong khi đó, tại nước Mỹ, có các
trang web về OER cho cả bậc đại học như MERLOT
(https://www.merlot.org/merlot/index.htm),
cũng như giáo dục phổ thông 12 lớp như CK-12
(https://www.ck12.org/)
cung cấp nội dung OER, kể cả bằng tiếng Việt. Điều
đó có nghĩa là, từ giờ trở đi, mọi học sinh phổ
thông và sinh viên đại học của Việt Nam hoàn toàn có
khả năng ngồi ở Việt Nam và học các sách giáo khoa và
các nội dung giáo dục của nước Mỹ bằng tiếng Việt
mà không mất đồng xu nào ngoài việc phải có kết nối
Internet. Không rõ, các giáo viên và các cơ sở giáo dục
của Việt Nam rồi sẽ ra sao khi việc sử dụng đó trở
nên dễ dàng, thuận tiện và phổ cập hơn?
Hình
5: OER và các trang OER của giáo dục nước Mỹ có tiếng
Việt
Có
thể, những trang như MERLOT
hay CK-12 còn đưa ra
một thông điệp cảnh báo cho chúng ta rằng: Từ nay trở
đi, những gì người Việt Nam không có khả năng làm được
bằng tiếng Việt cho người Việt Nam, thì thế giới sẽ
làm hộ cho Việt Nam, và người Việt Nam chỉ cần bỏ
tiền ra mua dịch vụ là được chăng? Bằng cách này,
Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành “Người tiêu dùng
vĩ đại” chăng?
D.
Lời kết
Với
những gì được nêu sơ lược ở trên về một vài thành
phần của khoa học mở, có thể nói ngắn gọn rằng, để
có thể tiếp cận được CMCN4.0, trước hết cần phải
có tri thức! Với nguyên tắc cộng lực của “NGUỒN
MỞ”, thì đi với “NGUỒN MỞ” là cách để vừa có
được nhiều tri thức nhất với giá thành thấp nhất và
số lượng người tham gia truy cập tới tri thức lớn
nhất và không có giới hạn, vừa phù hợp với xu thế
phát triển của thế giới! Điều này là đúng với bất
kỳ quốc gia nào, dù là nước Mỹ, các nước châu Âu
hay Việt Nam.
Trên
tinh thần đó, một vài gợi ý cho Việt Nam như sau:
-
Việt Nam cần một thế hệ trẻ các nhà khoa học có định hướng khoa học mở.
-
Việt Nam cần hệ thống chính sách để khoa học mở/truy cập mở/giáo dục mở - tài nguyên giáo dục được cấp phép mở/dữ liệu mở phát triển.
-
Việt Nam cần các hệ thống thư viện số, mở, kết nối được với nhau theo các tiêu chuẩn mở quốc tế với lực lượng các thủ thư thế hệ mới với đủ các kỹ năng và khả năng để quản lý toàn bộ vòng đời dữ liệu nghiên cứu.
-
Việt Nam thời gian tới cần tập trung vào xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho CMCN4.0 theo cách thức của khoa học mở, từng bước một để với tới được đầy đủ các đặc tính FAIR+TLC, bao gồm: (1) Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và khác; (2) Các hệ thống mã nhận diện duy nhất, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
-
Việt Nam cần bỏ hoàn toàn giáo dục CNTT phụ thuộc vào một nhà cung cấp nguồn đóng độc quyền từ bậc tiểu học, để tránh sau này tạo gánh nặng cho việc chuyển đổi các dữ liệu từ đóng sang mở để đạt được mức 3 sao theo lược đồ tiêu chuẩn 5 sao về dữ liệu mở liên kết của Tim - Berners Lee, một công việc được biết trước, vừa tốn công, tốn sức, tốn tiền và tốn thời gian một cách vô ích. Trong khi, đối với các học sinh bậc tiểu học, thầy cô giáo dạy cái gì thì cái đó nhiều khả năng sẽ trở thành thói quen đi với chúng suốt cuộc đời. Mặt khác, đừng để trẻ em Việt Nam được giáo dục về CNTT để trở thành công dân của quốc gia là thuộc địa số của một công ty nguồn đóng độc quyền nào!!!
-
Các nhà khoa học trẻ Việt Nam có quan tâm tới khoa học mở có thể tìm thấy cơ hội cho mình tại châu Âu ngay lúc này, với hy vọng sẽ là lực lượng đó sau này có thể giúp cho Việt Nam tiếp cận và làm được gì đó đúng với các yêu cầu của CMCN4.0, biết rằng, trong vòng 10 năm tới, châu Âu thiếu nửa triệu nhân viên dữ liệu cốt lõi, một triệu nhà nghiên cứu khoa học để hiện thực hóa được ‘Đám mây khoa học mở châu Âu’.
Bài
viết này chỉ nêu vài thông tin sơ lược của vài thành
phần cơ bản của khoa học mở. Để có thêm nhiều thông
tin liên quan, bạn có thể xem tại địa chỉ:
https://vnfoss.blogspot.com/.
PS: Bạn có thể tải về bài viết ở dạng tệp PDF tại địa chỉ:
Lê
Trung Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.