Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

Bàn sơ về bài: Tính liên thông là yếu tố sống còn

Trong phạm vi một bài báo, khó có thể nói được nhiều chuyện xung quanh tính tương thích liên thông (TTLT) được.

Tuy nhiên, khi đọc bài “Xây dựng chính phủ điện tử: Tính liên thông là yếu tố sống còn” đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 07/2009, mục “Doanh nghiệp số”, trang 28-29, thấy có một vấn đề khó có thể đồng ý được với tác giả của bài viết và muốn đưa ra đây để cùng tranh luận với các bạn độc giả.

Bài viết có đoạn: “Chuẩn hoá dữ liệu đã đóng góp cho việc xây dựng TTLT hệ thống ở mức cơ bản. Tuy nhiên, việc áp dụng nhiều chuẩn để thực hiện TTLT sẽ dễ dàng hơn nhờ phần mềm cho phép hoán đổi các chuẩn”.

Chúng ta thử giải mã những gì được viết trong đoạn này xem sao.

Đúng là “Chuẩn hoá dữ liệu đã đóng góp cho việc xây dựng TTLT hệ thống ở mức cơ bản”.

Nhưng câu “Tuy nhiên, việc áp dụng nhiều chuẩn để thực hiện TTLT sẽ dễ dàng hơn nhờ phần mềm cho phép hoán đổi các chuẩn” có lẽ là phải xem xét lại.

Đối với mọi người Việt Nam chúng ta, thực tế của việc áp dụng nhiều chuẩn được chứng minh rõ nét nhất mà cho tới bây giờ là việc sử dụng các tiêu chuẩn bộ mã tiếng Việt trong các tài liệu điện tử. Không cần phải viện tới nhiều chuẩn, mà chỉ cần xét tới việc cùng tồn tại 2 tiêu chuẩn cho cùng một vấn đề về bộ mã tiếng Việt đã tồn tại trong lịch sử công nghệ thông tin Việt Nam cho tới tận bây giờ xem sao. Chúng ta có các tiêu chuẩn bộ mã tiếng Việt theo TCVN 5712:1993 với bộ phông chữ tiếng Việt mà dân gian chúng ta vẫn gọi là bộ phông ABC, và có bộ mã tiếng Việt theo TCVN 6909:2001 với sự tuân thủ bảng mã Unicode dựng sẵn. Trước đây đã từng có quyết định của Chính phủ qui định rằng từ ngày 01/01/2003 trở đi, tất cả các tài liệu điện tử trao đổi trong các cơ quan nhà nước được qui định phải tuân thủ theo TCVN 6909:2001 và trong quyết định số 20/2008/QĐ-BTTTT ngày 09/04/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông “Ban hành Danh mục tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước” đã được nhắc lại rằng TCVN 6909:2001 là tiêu chuẩn bắt buộc sử dụng trong các cơ quan nhà nước.

Mọi người sử dụng máy tính ở Việt Nam đều hiểu rõ khi sử dụng cùng một lúc cả 2 tiêu chuẩn TCVN 5712:1993 và TCVN 6909:2001 với các bộ chuyển đổi phông chữ được xây dựng sẵn trong các bộ gõ tiếng Việt thường dùng hàng ngày hiện nay như Vietkey, Unikey để soạn thảo văn bản và sử dụng web là rất phiền hà, tốn thời gian, công sức và gây bực mình như thế nào, khi mà nhiều lúc đã không thể đọc được tiếng mẹ đẻ của mình sau một vài lần trao đi đổi lại qua mạng, cho dù ban đầu những tài liệu, thông tin đó do chính mình gõ ra.

Việc chuyển đổi dữ liệu từ một tiêu chuẩn này sang một tiêu chuẩn khác đôi lúc có thể là cần tới, ví dụ như để trao đổi các tài liệu giữa quốc gia này với quốc gia khác, nhưng trong một quốc gia thì nên lựa chọn một tiêu chuẩn duy nhất cho một khái niệm, ví dụ như bộ mã tiếng Việt hay định dạng tài liệu văn phòng, thì mới mang lại hiệu quả cao nhất được. Hãy thử tưởng tượng rằng luật giao thông đường bộ của Việt Nam hiện nay với các phương tiện xe cộ đều tuân theo chuẩn là đi theo chiều bên phải đường; giả thiết vì một lý do bất kỳ nào đó mà chúng ta phải nhập thêm một chuẩn nữa là đi theo chiều bên trái đường thì sẽ ra sao? Có thể chỉ sau 1 tuần triển khai, không còn ai có thể tham gia giao thông để đi làm được nữa, trừ những người có thể đi lại bằng máy bay chăng?

Đó chính là cái giá bất tận phải trả cho cái gọi là “Việc áp dụng nhiều chuẩn để thực hiện TTLT sẽ dễ dàng hơn nhờ phần mềm cho phép hoán đổi các chuẩn”, một thứ hoang đường về lý thuyết và hoang đường về thực tiễn triển khai sử dụng, mà có thể mục đích chính và cuối cùng của nó chỉ để phục vụ cho cái gọi là TTLT cục bộ mà ta sẽ đề cập tới ở phần cuối của bài này.

Trên thế giới hiện nay, hầu hết các chính phủ khi xây dựng chính phủ điện tử, đều coi trọng TTLT thông qua việc sử dụng các tiêu chuẩn mở, là các tiêu chuẩn mà:

  • Đã được công bố mà với nó thì bất kỳ công ty nào có công nghệ tương tự cũng có thể triển khai được một cách tự do, dễ dàng.

  • Quá trình phát triển của những tiêu chuẩn này cả trong quá khứ cũng như trong tương lai phải là một quá trình mở, minh bạch mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia đóng góp được.

  • Việc sử dụng lại những tiêu chuẩn này và các đặc tả kỹ thuật của nó phải là tự do và không có bất kỳ hạn chế nào.

Các chuyên gia cho rằng, TTLT có thể tồn tại dưới dạng TTLT thực sự và TTLT cục bộ. Hai bức hình dưới đây sẽ cho chúng ta hiểu đơn giản thế nào về các dạng TTLT đó.

From Album cho Blog tin hàng ngày

TTLT thực sự: Inter-Operability - Chúng ta cần theo – Sân chơi cho mọi người

From Album cho Blog tin hàng ngày

TTLT cục bộ: Intra-Operability - Chúng ta cần tránh – Khoá trói vào nhà cung cấp

Theo một nghĩa rộng lớn hơn, TTLT chính là một sân chơi mà trong đó các hệ thống thông tin có thể trao đổi được với nhau một cách tự do, không bị khoá trói vào chỉ một nhà cung cấp nào đó. Các hệ thống đó phải tuân theo các tiêu chuẩn mở, công nghệ mở và là mở cho mọi doanh nghiệp với mọi công nghệ tương đương có thể tham gia được. Bằng cách này, chính phủ sẽ đảm bảo được an ninh chủ quyền quốc gia của mình thông qua việc đảm bảo được an ninh của các hệ thống và thông tin, quản lý giám sát được các dữ liệu thông tin của mình, giảm được tổng chi phí sở hữu, khuyến khích được sự đổi mới sáng tạo. TTLT thực sự sẽ không bao giờ có thể được hiểu là TTLT cục bộ được.

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 08/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.