“Ban đầu, họ phớt lờ bạn. Rồi thì họ cười vào bạn. Rồi thì họ chiến đấu với bạn. Rồi thì bạn chiến thắng”. Đó là câu nói nổi tiếng của Mahatma Gandhi, nhà cách mạng vĩ đại của đất nước Ấn Độ và thế giới, và có lẽ nó cũng đúng với những gì có trong quan điểm của Microsoft đối với thế giới phần mềm tự do nguồn mở.
Ngày 20/07/2009 vừa qua, Microsoft, người khổng lồ phần mềm nguồn đóng, đã làm một việc “động trời” khi tuyên bố đóng góp 20.000 dòng mã lệnh viết cho các trình điều khiển thiết bị – phục vụ cho việc chạy công nghệ ảo hoá của hãng là Hyper-V trong môi trường GNU/Linux – vào nhân của hệ điều hành GNU/Linux theo một giấy phép nguồn mở nổi tiếng là GPLv2, một giấy phép mà nhiều năm trước đây, các lãnh đạo hàng đầu của Microsoft coi như kẻ thù không đội trời chung của hãng.
Điều đáng tiếc là ngay sau đó, sự việc này đã được phát hiện rằng Microsoft đã làm không đúng, khi mà hãng đã liên kết các mã nguồn mở vào các mã nguồn đóng, điều không được phép, vi phạm các điều khoản của giấy phép GPL.
Đây không phải là lần đầu tiên Microsoft đã vấp ngã trong việc áp dụng các giấy phép nguồn mở. Hãng đã từng rút mã nguồn khỏi site CodePlex của hãng khi bị phát hiện rằng nó không bám vào những điều khoản cấp phép của tổ chức Sáng kiến Nguồn mở (OSI) – nơi đưa ra 10 khoản mục trong định nghĩa thế nào là phần mềm nguồn mở mà mọi giấy phép nguồn mở phải tuân thủ – nhưng lại quảng cáo rằng các mã nguồn đó là theo một giấy phép nguồn mở.
Bỏ tất cả những chuyện đó sang một bên, ta hãy thử điểm lại những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử mối quan hệ giữa người khổng lồ phần mềm này với thế giới phần mềm tự do nguồn mở, kể từ khi những ghi chép nội bộ của Microsoft bị rò rỉ vào năm 1998 đã hướng mũi tấn công vào hệ điều hành GNU/Linux nguồn mở khi hãng đã bắt đầu nhận thức được sức sống của một giải pháp thay thế cho hệ điều hành Windows của hãng.
1998: “Những ghi chép nhân Ngày lễ Thánh” nội bộ của Microsoft về việc tấn công Linux bị rò rỉ ra ngoài. Có 2 tài liệu dài được chuẩn bị một cách công khai bởi các nhân viên của Microsoft đánh giá những yếu tố rủi ro mà Linux có thể gây ra đối với các hệ điều hành của Microsoft.
2001:
Tháng 5 – Craig Mundie, Phó chủ tịch cao cấp của Microsoft, nói [giấy phép nguồn mở] GPL đặt ra một mối đe doạ cho sở hữu trí tuệ của bất kỳ tổ chức nào mà sử dụng nó.
Tháng 6 – Giám đốc điều hành (CEO) Steve Ballmer, người còn cao cấp hơn Mundie, gọi Linux là “bệnh ung thư mà nó gắn bản thân nó vào trong ý thức sở hữu trí tuệ tới bất kỳ thứ gì nó động tới”. Và ông ta đã khẳng định “Đó là cách mà giấy phép này (GPL) làm việc”.
2002: Tháng 5 – Chủ tịch Bill Gates của Microsoft đánh đồng GPL với chủ nghĩa chống tư bản tại một Hội nghị các Lãnh đạo các Chính phủ tại Seattle, Mỹ.
2003: Microsoft bắt đầu chiến dịch “Có được những thực tế” (Get the Facts) tán dương những tính năng tốt của Windows so với Linux. Chiến dịch này bị giải tán năm 2007, có lẽ vì quá chướng để tán dương những điều ngược lại được chăng?.
2004: Tháng 11 – Ballmer nói Windows cung cấp tiền bồi thường sở hữu trí tuệ tốt hơn là các đối thủ nguồn mở của nó.
2005: Tháng 9 – Một lính mới vô danh gửi cho nhà bảo vệ nguồn mở nổi tiếng Eric Raymond một thư điện tử cố tìm cho được tầm quan trọng của anh ta trong một vị trí tại Microsoft.
2006:
Tháng 3 – Microsoft mở cổng 25, mà nó được quảng cáo như một cộng đồng nguồn mở trong Microsoft.
Tháng 6 – Microsoft bắt đầu quản lý Codeplex, một site lưu trữ Web cho các lập trình viên.
Tháng 11 – Microsoft và Novell tham gia quan hệ đối tác kinh doanh và công nghệ để cung cấp tính hợp liên thông giữa Linux và Windows.
2007: Tháng 5 – Microsoft tố Linux và nguồn mở vi phạm 235 bằng sáng chế của hãng, nhưng lại không chỉ ra chúng là những gì.
2008:
Tháng 7 – Microsoft đầu tư 100.000 USD vào quỹ Apache Foundation để trở thành một trong 3 nhà tài trợ bạch kim của Quỹ Apache Foundation này (Yahoo và Google và 2 nhà tài trợ bạch kim còn lại).
Tháng 7 – Microsoft lần đầu tiên đóng góp mã nguồn cho PHP – một ngôn ngữ scripting nguồn mở – một bản vá cho ADOdb, một lớp truy cập dữ liệu cho PHP.
2009: Tháng 7 – Microsoft đệ trình mã nguồn của trình điều khiển thiết bị để đưa vào nhân Linux theo một giấy phép GPLv2, song đáng tiếc là đã vi phạm các điều khoản của giấy phép này.
Câu chuyện lịch sử này có thể cho chúng ta nhiều bài học, một trong số đó là việc không phải cứ nói mở mã nguồn là phần mềm đó là phần mềm mã nguồn mở đâu, mà muốn trở thành một phần mềm mã nguồn mở hợp pháp thì phần mềm còn phải tuân thủ các điều khoản của giấy phép mà nó được gắn vào, và quan trọng hơn cả, là phải tuân thủ mọi điều khoản trong định nghĩa của OSI về thế nào là một phần mềm mã nguồn mở.
Thế giới phần mềm tự do nguồn mở và mọi người đang được chiêm nghiệm câu nói nổi tiếng của Mahatma Gandhi đi vào thực tế như thế nào trong mối quan hệ phức tạp này.
Trần Lê
PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 08/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.