Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Phần mềm tự do nguồn mở cần có sự đồng vận, bắt đầu từ ngành giáo dục

Ngày nay, tính tương hợp, nguồn của đám đông, tri thức cộng tác, điện toán đám mây và các mạng xã hội ... là những khái niệm được nhiều người biết tới, nhất là những người làm việc trong khu vực công nghệ thông tin và truyền thông. Tất cả những khái niệm này có liên quan chặt chẽ với việc xây dựng một hệ sinh thái với các cộng đồng làm việc trong sự cộng tác, một đặc tính vốn gắn liền với phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM).

Mô hình cộng đồng phát triển PMTDNM là một mô hình toàn cầu hóa trong đó các bên tham gia sử dụng Internet trong các quá trình phát triển và trong một môi trường hợp tác, bất chấp những người tham gia hoặc các dự án là của dân tộc nào, không phụ thuộc vào các vùng địa lý. Chính sự toàn cầu hóa của hệ thống phát triển này cho phép sự cộng tác cùng một lúc của một cộng đồng thế giới và một cộng đồng bản địa địa phương, với cộng đồng bản địa địa phương đấu tranh cho những khác biệt của riêng mình.

Đối với mỗi quốc gia, sự đồng vận của 4 trụ cột là (1) khu vực các cơ quan nhà nước; (2) khu vực các công ty tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; (3) khu vực giáo dục, đặc biệt là các trường đại học và (4) các cộng đồng của các lập trình viên, các nhà tích hợp hệ thống, những người bản địa hóa và sử dụng. Sự phát triển của PMTDNM ngày nay đi liền với sự phát triển của xã hội thông tin của từng quốc gia, mà Việt Nam cũng không thể là một ngoại lệ.

Không khó để nhận ra rằng, sự tập trung cho việc phát triển PMTDNM là nhằm vào việc thúc đẩy sự phát triển các cộng đồng của chúng. Nói một cách khác, không có các cộng đồng như được nêu ở trên, sẽ không có PMTDNM, và do đó, cũng không có một xã hội thông tin phát triển.

Trong 4 trụ cột đó, mỗi trụ cột đều có vai trò của mình, cụ thể:

  1. Khu vực nhà nước: Hoạt động theo 2 mục tiêu rằng (1) các cơ quan hành chính nhà nước như một người thúc đẩy các chính sách nhà nước trong lĩnh vực PMTDNM và (2) như một người sử dụng PMTDNM.

  2. Khu vực các doanh nghiệp tư nhân: Mức độ sản xuất và ứng dụng PMTDNM của khu vực các doanh nghiệp tư nhân, kích cỡ và cấu thành của các nhà cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xung quanh PMTDNM, cần thiết cho việc sử dụng PMTDNM của nền hành chính và của chính các công ty tư nhân.

  3. Các trường đại học: Sự đóng góp của các trường đại học của một quốc gia vào việc huấn luyện nhân lực đủ năng lực và sự triển khai các dự án dựa vào PMTDNM.

  4. Các cộng PMTDNM: Những nỗ lực của các cộng đồng các lập trình viên, các nhà tích hợp hệ thống và những người sử dụng PMTDNM.

Cũng không khó để nhận ra rằng, tại Việt Nam, và cũng là trên toàn thế giới, sự tập trung đó trước hết là vào khu vực giáo dục, vào các trường đại học, vào hệ thống giáo dục phổ thông, nơi tạo ra nguồn lực dồi dào, liên tục và không thể thiếu cho sự phát triển của PMTDNM cho các trụ cột khác được nêu ở trên, kể cả cho chính trụ cột các trường đại học.

  1. Đối với khu vực nhà nước:

  • Một khi các trường đại học nói riêng, khu vực giáo dục nói chung, không tạo ra đủ một đội ngũ những người trẻ tuổi có khả năng hỗ trợ cho việc sử dụng PMTDNM của các cơ quan nhà nước, thì khu vực này cũng khó mà có thể làm tròn được vai trò của mình trong việc phấn đấu để đạt được 2 mục tiêu cần phải thực hiện như được nêu ở trên. Thực tế thời gian vừa qua cũng đã chỉ ra rằng, bên cạnh những lý do khác, thì chính vì sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng có hiểu biết về PMTDNM để hỗ trợ kỹ thuật cho việc chuyển đổi của khu vực nhà nước sang sử dụng PMTDNM đã cản trở việc thi hành các chính sách được ban hành có liên quan tới PMTDNM, làm nản lòng và/hoặc gây hoài nghi về khả năng thực hiện các chính sách chuyển đổi.

  • Bên cạnh đó có lẽ vẫn còn ngự trị ý thức cho rằng việc phát triển PMTDNM là việc của thị trường, còn nhà nước, như một hộ tiêu dùng, muốn chọn gì sử dụng là quyền của nhà nước. Điều này có lẽ là không đúng, khi mà nhà nước, trên thực tế, không có được mức độ tự do như so với của các công ty vì nhà nước hoạt động theo những nguyên tắc chặt chẽ hơn của nó, như những nguyên tắc tối thượng về an ninh và chủ quyền thông tin cần phải được đảm bảo, về gìn giữ một cách vĩnh cửu các thông tin của dân - mang tính toàn dân mà nhà nước quản lý, về việc tự do của công dân lựa chọn sử dụng các công cụ để truy cập tới các thông tin của nhà nước.

  • Bản thân sự phối hợp để đồng vận giữa các bộ - ngành - địa phương, thậm chí trong cùng một bộ, có liên quan về ứng dụng và phát triển PMTDNM còn hạn chế.

  • Cũng do sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng có hiểu biết để hỗ trợ trong việc chuyển đổi sang PMTDNM, nên cho dù Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mà đại diện của nó là Viện Tin học Doanh nghiệp trong 2-3 năm qua cũng đã có những quan tâm bước đầu trong việc nâng cao nhận thức về sử dụng PMTDNM trong các doanh nghiệp và mở ra một số lớp đào tạo về PMTDNM, thì số lượng các doanh nghiệp chuyển đổi sang PMTDNM vẫn còn ở mức nhỏ bé, chưa tương xứng với số lượng vài trăm ngàn doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay.

  • Các doanh nghiệp khối nhà nước quan tâm tới việc ứng dụng và phát triển PMTDNM còn chưa nhiều, mặc dù sự quan tâm ngày một gia tăng. Một điều chắc chắn rằng họ cũng sẽ gặp khó khăn vì vấn đề thiếu nhân lực có hiểu biết về PMTDNM.

  • Công tác truyền thông định hướng cho xã hội về PMTDNM của các phương tiện truyền thông đại chúng rất cần sự cải thiện trong thời gian tới.

  1. Khu vực các doanh nghiệp tư nhân

  • Tương tự như với khu vực nhà nước, một khi các trường đại học nói riêng, khu vực giáo dục nói chung, không tạo ra đủ nhân lực có hiểu biết về PMTDNM để vừa cung cấp một cách thường xuyên và liên tục cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, vừa tạo ra những mối liên kết giữa doanh nghiệp - các trường đại học - cộng đồng trong lĩnh vực PMTDNM, thì không thể có sự phát triển về cả số lượng và chất lượng các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng và hỗ trợ sử dụng PMTDNM được. Đặc biệt khi mà mối quan tâm của mọi doanh nghiệp không phải là theo hướng ứng dụng và/hoặc phát triển PMTDNM, mà là kinh doanh bằng mọi cách để tồn tại, kể cả các doanh nghiệp hàng đầu.

  • Thiếu nhân lực, thiếu định hướng, không ngạc nhiên khi số lượng các công ty tư nhân có liên kết với các cộng đồng PMTDNM chính như GNU/Linux Ubuntu, Fedora, OpenOffice.org, MeeGo, Drupal... hầu như vô cùng ít và mang tính tự phát.

  • Hầu như không có tổ chức tư nhân nào thúc đẩy việc sử dụng và phát triển PMTDNM, ngoại trừ Hội Tin học Việt Nam thông qua các cuộc thi Mùa hè sáng tạo từ 2 năm qua, với sự khan hiếm nhân sự có hiểu biết cùng với sự nhiệt tình về PMTDNM cho các vị trí trong Ban giám khảo, những người hướng dẫn các dự án và thậm chí là khan hiếm cả đối với số lượng các thí sinh tham gia từ hàng trăm trường đại học hiện có trong cả nước. Chưa có cộng đồng PMTDNM nào được tổ chức dưới dạng một Hội hay Hiệp hội để có thể thúc đẩy việc sử dụng và phát triển PMTDNM. Không ngạc nhiên, khi Red Hat - Đại học Georgia đã đưa ra báo cáo vào tháng 04/2009 đánh giá về chỉ số nguồn mở (Open Source Index) của Việt Nam thì đối với các hoạt động của khu vực các doanh nghiệp Việt Nam xếp thứ 75/75 quốc gia được khảo sát.

  • Không có thống kê nào cho tới nay về số lượng các công ty tư nhân sử dụng PMTDNM trong toàn quốc, cho dù thông qua các diễn đàn nguồn mở như HanoiLUG và SaigonLUG thì có vẻ như số lượng này cũng đang gia tăng, dù không nhanh và song hành với quyền “tự do” sử dụng phần mềm “chùa” vẫn còn rất phổ biến trong xã hội.

  1. Các trường đại học

  • Chưa có báo cáo thống kê cụ thể nào từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với những chỉ tiêu được nêu trong thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT ngày 01/03/2010 “Qui định về sử dụng PMTDNM” trong các cơ sở giáo dục của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào các văn bản chính thức của Bộ GDĐT sau thời hạn tháng 09/2010, thời hạn chót để các cơ sở giáo dục hoàn tất việc triển khai các PMTDNM như OpenOffice.org, Firefox, Unikey, Thunderbird theo thông tư, hiện diện trên các site chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo như http://www.moet.gov.vn/, http://edu.net.vn/media/, .... vẫn thấy đầy những tài liệu với các định dạng xưa cũ của sở hữu độc quyền, mà hầu như không thấy đâu những định dạng mở được quy định trong thông tư. “Thượng” đã thế, thì có thể suy ra rằng “Hạ” cũng chẳng thể khá hơn được, cho dù từ đầu năm 2009, đã từng có thông tin 70 trường đại học có website được xây dựng từ các PMTDNM, trong khi cổng thông tin điện tử của chính cơ quan Bộ GDĐT được xây dựng trong năm 2010, thì lại từ một phần mềm sở hữu độc quyền.

  • Đây chắc chắn là khâu yếu nhất trong toàn bộ các trụ cột được nêu ở trên hiện nay, mà đáng lẽ ra nó phải là khâu mạnh nhất trong một xã hội thông tin phát triển. Một khi khu vực giáo dục, kể cả cơ quan đầu não về công nghệ thông tin của Bộ này chỉ “nói cho vui” với thông tư 08/2008/TT-BGDĐT thì hiển nhiên bức tranh về ứng dụng và phát triển PMTDNM của Việt Nam chắc chắn chỉ có thể là một màu tối là chuyện đương nhiên. Hy vọng từ năm 2011 trở đi, thông tư 08/2010/TT-BGDĐT sẽ được đưa vào thực hiện cụ thể, kiên quyết trong thực tế. Cũng hy vọng cuối năm 2011, sẽ có những con số thống kê cụ thể về việc thực hiện thông tư này trong toàn bộ ngành giáo dục Việt Nam.

  • Có lẽ cũng chính vì khâu yếu nhất này, mà trong 2 năm 2009 và 2010, cuộc thi Mùa hè sáng tạo do Hội Tin học Việt Nam tổ chức, dựa theo Google Summer of Code, rất ít trong số khoảng 200 trường đại học của Việt Nam tham gia, và hầu như không có sự tham gia nào từ phía các cơ quan quản lý của Bộ GDĐT.

  • Có thể thấy hiện nay, một số các trường đại học có các diễn đàn cho nguồn mở, nhưng có thể thấy được thông tin trên các diễn đàn đó là chồi sụt không đều, lúc có lúc không.

  1. Các cộng đồng

  • Các cộng đồng vẫn phát triển, dù chậm và hoàn toàn tự phát, cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh một số cộng đồng của từng sản phẩm PMTDNM, thì ở một số tỉnh cũng đã xuất hiện các cộng đồng PMTDNM chung, cho dù với số lượng nhỏ và chủ yếu dựa vào các thành viên tự nguyện nhiệt thành một cách tự phát. Ngoài HanoiLUG và SaigonLUG, năm 2010 đánh dấu sự ra đời của HueLUG, DanangLUG, và có tỉnh thì cộng đồng PMTDNM không có cái tên quen thuộc với chữ LUG đi kèm.

  • Công việc chính của cộng đồng vẫn là các dự án bản địa hóa một số phần mềm chính như GNU/Linux Ubuntu, Fedora, MeeGo, Asianux, GNOME, Debian ... và năm nay sẽ có thêm LibreOffice thay cho OpenOffice.org. Bên cạnh đó cộng đồng cũng bắt đầu nhen nhóm thực hiện dự án a11y với ý định đưa các PMTDNM hỗ trợ cho những người khuyết tật vào Việt Nam.

  • Đánh giá chung thì cộng đồng PMTDNM tại Việt Nam với những thành viên tham gia hoạt động theo tính tự phát, quản lý theo cách tự phát, cũng có những thành viên xuất phát từ khu vực nhà nước, khu vực các doanh nghiệp tư nhân, khu vực các trường đại học nhưng cũng ở mức tự phát. Không có sự liên kết và đồng vận của các cơ quan quản lý của cả khu vực nhà nước lẫn khu vực các trường đại học một cách chính thức trong các cộng đồng này, điều không thể có tại các quốc gia với xã hội thông tin phát triển, như Mỹ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Úc...

Kết luận tóm tắt

Bức tranh tổng thể về ứng dụng và phát triển PMTDNM hiện nay còn tối, dù đã có những tiến bộ nhỏ ở nơi này nơi khác so với ... thời gian trước đó.

Để PMTDNM và cùng với nó là một xã hội thông tin thực sự phát triển, rất cần có những thay đổi cơ bản để biến sự tự phát thành có tổ chức, rất cần tới sự đồng vận của các trụ cột của nó, nhất là giữa các cơ quan chính phủ có liên quan, đặc biệt là khu vực nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiên quyết trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện cho PMTDNM phát triển thông qua việc ban hành những chính sách cụ thể và thực tế cũng như việc thi hành triển khai sử dụng kiên quyết và có hiệu quả những chính sách đó như một hộ tiêu dùng có ý thức chủ động để trở thành một đầu tàu lôi kéo các trụ cột khác cùng phát triển. Hy vọng từ năm 2011 trở đi, những mong muốn đó sẽ trở thành hiện thực và tổng kết năm bằng một thống kê đầu tiên về 4 trụ cột ở trên với những con số cụ thể.

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 02/2011, trang 72-74.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.