Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Gợi ý triển khai tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học theo Quyết định 1117/QĐ-TTg ngày 25/09/2023 của Thủ tướng Chính phủ


Lê Trung Nghĩa, ORCID iD: https://orcid.org/0009-0007-7683-7703

Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở - InOER (Institute for Research, Training and Development of Open Educational Resources),

Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam (AVU&C)


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế.


------------------------------------------------------


Tóm tắt
: Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ bạn hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động theo Quyết định này, dù mức độ triển khai chúng có thể khác nhau và không đồng đều giữa các trường. Bài viết này gợi ý các hoạt động các trường đại học có thể đã, đang hoặc sẽ triển khai trong thời gian tới dưới dạng một bảng câu hỏi khảo sát, dù chúng không là toàn diện hay vét cạn.

Từ khóa: Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM), nhận thức/năng lực TNGDM, chính sách hỗ trợ/khuyến khích TNGDM, mô hình bền vững TNGDM

------------------------------------------------------

Đặt vấn đề

Ngày 25/09/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg[1] Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học, với mục tiêu chung, các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2023-2026 và 2027-2030, cùng với 4 nhiệm vụ và giải pháp nhằm triển khai thực hiện quyết định này.

Có thể thấy là với vai trò của mình được nêu trong quyết định, các trường đại học hoàn toàn có thể chủ động tích cực triển khai nhiều trong số các hoạt động thuộc 4 nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong đó[2]. Dưới đây là một số gợi ý ở dạng một bảng câu hỏi khảo sát, dù không là toàn diện hay vét cạn, một loạt hoạt động cụ thể các trường đại học có thể đã, đang hoặc sẽ triển khai.



BẢNG CÂU HỎI KHẢO SÁT

Câu hỏi sơ bộ

Nhà trường có kế hoạch triển khai 1117/QĐ-TTg ngày 25/09/2023 hay không?

  • Nếu không, vui lòng cho biết lý do

  • Nếu có, vui lòng cho biết những điểm dưới đây

1. Xây dựng và nâng cao nhận thức/năng lực TNGDM

  • Khảo sát hiểu biết và/hoặc cuộc thi tìm hiểu TNGDM trong cán bộ/giảng viên và/hoặc sinh viên. Bảng các câu hỏi khảo sát. Kết quả/đánh giá khảo sát.

  • Có bao nhiêu hội nghị/hội thảo/tập huấn và/hoặc các sự kiện tương tự, cả mặt đối mặt/trên trực tuyến và/hoặc kết hợp cả 2 hình thức nêu trên đã được tổ chức/đồng tổ chức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, người học về Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM)?

  • Mục đích/Chủ đề và các nội dung cụ thể của các sự kiện đó là gì? Số lượng người tham gia cụ thể trong từng sự kiện là bao nhiêu, bao gồm cả cán bộ quản lý, giảng viên và người học?

  • Đánh giá kết quả/tác động/ảnh hưởng của việc tổ chức các sự kiện đó tới việc ứng dụng/phát triển/chia sẻ/khai thác TNGDM là gì?

  • Số lượng/tỷ lệ chuyển đổi các tài liệu nội sinh của nhà trường thành TNGDM và được chia sẻ/khai thác với tần suất như thế nào trên Internet.

  • Số lượng/tỷ lệ các cán bộ/giảng viên của nhà trường chuyển đổi các tài liệu nội sinh của nhà trường thành TNGDM và được chia sẻ/khai thác trên Internet.

  • Số lượng/tỷ lệ TNGDM do các cán bộ/giảng viên của nhà trường tạo lập mới từ đầu và được chia sẻ/khai thác với tần suất như thế nào trên Internet.

  • Số lượng/tỷ lệ các cán bộ/giảng viên của nhà trường tạo lập TNGDM mới từ đầu và được chia sẻ/khai thác trên Internet.

  • Số lượng/tỷ lệ TNGDM được tạo lập mới dựa trên cơ sở tùy chỉnh các tài liệu đã có của các đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường, cả trong nước và quốc tế và được chia sẻ/khai thác với tần suất như thế nào trên Internet.

  • Số lượng/tỷ lệ các cán bộ/giảng viên của nhà trường tạo lập mới TNGDM dựa trên cơ sở tùy chỉnh các tài liệu đã có của các đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường, cả trong nước và quốc tế và được chia sẻ/khai thác trên Internet.

  • Chất lượng TNGDM được tạo ra ở nhà trường được đánh giá như thế nào, theo phương pháp nào, với các tiêu chí cụ thể nào?

  • TNGDM được sử dụng trong việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu như thế nào?

  • Đề tài nghiên cứu liên quan tới các khía cạnh của TNGDM ở cấp cơ sở, liên cơ sở, bộ, ngành? Tên đề tài, người/cơ sở chủ trì, người/bên tham gia, mục đích và kết quả của đề tài.

  • Có hay không việc gắn kết các năng lực TNGDM với các năng lực chuyển đổi số tại nhà trường. Ví dụ: Khung năng lực TNGDM[3] là một thành phần không thể thiếu trong Khung năng lực số của bất kỳ cơ sở giáo dục nào, bất kỳ cấp học nào, như được minh họa trên Hình 1 [4].


Hình 1
. TNGDM (OER) trong Khung năng lực số cho các cơ sở giáo dục[4]

  • Có hay không việc thực hành tự kiểm tra đánh giá năng lực số của bản thân, bao gồm năng lực TNGDM và cấp phép mở Creative Commons trên một số trang web cung cấp dịch vụ tự kiểm tra đánh giá năng lực số, bao gồm năng lực TNGDM và cấp phép mở Creative Commons, ví dụ như Euro Pass và/hoặc Pix Pro.

  • Có hay không việc tham gia các hoạt động dự án với các tổ chức nước ngoài có nội dung liên quan đến TNGDM.

  • Có hay không việc tham gia các hoạt động liên quan đến TNGDM với quốc tế, ví dụ Tuần lễ Giáo dục Mở Toàn cầu, Tuần lễ Truy cập Mở Quốc tế, Ngày Dữ liệu Mở Quốc tế, mạng lưới các trường đại học mở khu vực và quốc tế v.v.

2. Xây dựng chính sách hỗ trợ/khuyến khích TNGDM tại nhà trường

Vui lòng cho biết các chính sách hỗ trợ/khuyến khích TNGDM tại nhà trường, ví dụ:

  • Xây dựng chính sách/chiến lược cấp trường để hỗ trợ/khuyến khích TNGDM

  • Có chính sách hỗ trợ/khuyến khích cụ thể cán bộ quản lý, giảng viên và/hoặc học viên ứng dụng và phát triển TNGDM bằng khen thưởng, tài chính, thăng tiến, bổ nhiệm, nâng lương và/hoặc khác

  • Xây dựng/áp dụng khung năng lực TNGDM cho giảng viên và/hoặc học viên

  • Xây dựng chính sách cấp phép mở Creative Commons cấp trường để thúc đẩy việc tạo lập TNGDM mới và/hoặc tùy chỉnh TNGDM sẵn có.

  • Có chính sách khuyến khích các cán bộ quản lý/giảng viên đi học chương trình đào tạo chuyên về cấp phép mở Creative Commons[5] cho các đối tượng: (a) nhà giáo dục; (b) thủ thư hàn lâm; và (3) văn hóa mở để có chứng chỉ quốc tế đó.

  • Xây dựng chính sách cấp phòng/ban/trung tâm/đơn vị trực thuộc để hỗ trợ/khuyến khích TNGDM

  • Thành lập đơn vị trực thuộc có chức năng/nhiệm vụ về TNGDM

  • Xây dựng quy định về đánh giá chất lượng của TNGDM

  • Xây dựng chính sách gắn kết các năng lực TNGDM với các năng lực chuyển đổi số tại nhà trường. Ví dụ: Khung năng lực TNGDM là một thành phần không thể thiếu trong Khung năng lực số của bất kỳ cơ sở giáo dục nào, bất kỳ cấp học nào, như được minh họa trên Hình 1[4].

  • Xây dựng website chuyên dụng và/hoặc kho TNGDM tại nhà trường và chính sách duy trì/cập nhật liên tục cho website đó.

  • Kết nối/tải lên TNGDM của nhà trường tới các website/kho TNGDM chuyên dụng của các trường và/hoặc tổ chức giáo dục khác, trong nước và/hoặc quốc tế. Ví dụ: Tải TNGDM do nhà trường tạo ra lên trang OER Commons, YouTube, Vimeo Creative Commons, v.v. và chính sách theo dõi việc cập nhật/khai thác các TNGDM đó.

  • Xây dựng phần mềm chuyên để quản lý các hoạt động liên quan đến TNGDM, ví dụ phần mềm giúp đánh giá, tính điểm, xếp hạng năng lực TNGDM.

  • Xây dựng chính sách khuyến khích các cán bộ/giảng viên của nhà trường tham gia các hoạt động giảng dạy và/hoặc quảng bá TNGDM trên các phương tiện truyền thông mạng, ví dụ qua Zalo, Facebook, Blogs, v.v.

  • Xây dựng chính sách khuyến khích các cán bộ/giảng viên của nhà trường tham gia các hoạt động giảng dạy và/hoặc quảng bá TNGDM cho các cơ sở giáo dục khác, các cấp học khác, bất kể hình thức nào. Ví dụ, mở các lớp thực hành khai thác TNGDM để xây dựng và nâng cao năng lực TNGDM cho các cán bộ/giảng viên giáo dục phổ thông các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục đào tạo nghề và/hoặc các cơ sở khác của giáo dục đại học.

  • Xây dựng chính sách khuyến khích các cán bộ/giảng viên của nhà trường tham gia xây dựng (các) cộng đồng TNGDM chung/theo chuyên đề trên các phương tiện truyền thông trên Internet, ví dụ như trên Zalo, Facebook, Google Newsletters...

3. Các mô hình bền vững TNGDM được áp dụng tại nhà trường[6]

  • Khi áp dụng các mô hình bền vững TNGDM, nhà trường quan tâm nhất đến điều gì sau đây?

    • (a) mô hình bền vững kinh tế, bao gồm cả các mô hình có khả năng sinh doanh thu và các mô hình có khả năng thu hồi các chi phí để tạo lập, tùy chỉnh và duy trì dài hạn TNGDM, bao gồm cả chi phí duy trì, mở rộng quy mô mạng và hạ tầng cho TNGDM;

    • (b) Mô hình bền vững TNGDM phải tính đến giá trị TNGDM tạo ra để làm cho nó có thể hoàn thành các tầm nhìn, mục tiêu và mục đích đa dạng của giáo dục nhằm “Đảm bảo giáo dục có chất lượng, công bằng và toàn diện, đồng thời thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”, như được nêu ở mục tiêu phát triển bền vững 4 (SDG4) về giáo dục của Liên hiệp quốc đến năm 2030[7], chứ không chỉ tính tới duy nhất giá trị về kinh tế - tài chính.

  • Nhà trường hiện đang áp dụng thực tế (các) mô hình bền vững TNGDM nào về kinh tế - tài chính? ví dụ, cấp vốn công từ nhà nước, cấp vốn nội bộ của cơ sở, các nguồn cấp vốn khác (vui lòng nêu cụ thể).

Thay cho lời kết

Kết luận của Bộ Chính trị số 91-KL/TW[8] ngày 12/08/2024 ‘tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW[9], ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”’... tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

“...

5. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. .... Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân hóa, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo; đồng thời, trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng thiết yếu để thích ứng học tập, làm việc hiệu quả, an toàn trong không gian số. Phát triển các phương thức đào tạo mở, các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, phát triển học liệu mở trực tuyến.”

Việc ứng dụng và phát triển TNGDM tại các trường đại học Việt Nam không chỉ nhằm thực hiện Quyết định 1117/QĐ-TTg, mà còn đóng góp để thúc đẩy triển khai nhanh nội dung được nêu ở trên trong kết luận của Bộ Chính trị số 91-KL ngày 12/08/2024.

Tài liệu/thông tin tham khảo

[1] Trang thông tin điện tử Chính phủ: Quyết định số 1117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học: https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=208699

[2] Lê Trung Nghĩa (2023): Xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở và vai trò của các trường đại học: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/xay-dung-nguon-tai-nguyen-giao-duc-mo-va-vai-tro-cua-cac-truong-dai-hoc-1063.html

[3] Lê Trung Nghĩa & Trần Ái Cầm (2023). Khung năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở cho giảng viên V1.0. Zenodo. https://doi.org/10.5281/zenodo.10130129

[4] Kampylis, P., Punie, Y. & Devine, J. (2015); Promoting Effective Digital-AgeLearning - A European Framework for Digitally-Competent Educational Organisations; EUR 27599 EN; doi:10.2791/54070: https://publications.jrc.ec.europa.eu/repository/bitstream/JRC98209/jrc98209_r_digcomporg_final.pdf. Bản dịch sang tiếng Việt: https://www.dropbox.com/scl/fi/wg1k8bvn2xiz6tu5octn7/jrc98209_r_digcomporg_final_Vi-18032021.pdf?rlkey=rlaut5n5j8yjs83vx09yjq5zs&dl=0

[5] Creative Commons: Creative Commons Certificate for Educators, Academic Librarians, and Open Culture: https://certificates.creativecommons.org/cccertedu/. Bản dịch sang tiếng Việt: https://giaoducmo.avnuc.vn/cap-giay-phep-mo/chung-chi-creative-commons-cho-cac-nha-giao-duc-thu-thu-han-lam-va-van-hoa-mo-1138.html

[6] Lê Trung Nghĩa (2024): Các mô hình bền vững Tài nguyên Giáo dục Mở: https://giaoducmo.avnuc.vn/bai-viet-toan-van/cac-mo-hinh-ben-vung-tai-nguyen-giao-duc-mo-1186.html

[7] Trang thông tin điện tử của Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người (VAEFA): Mục tiêu phát triển bền vững số 4: https://vaefa.edu.vn/cac-hoat-dong/tin-hoat-dong/44-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-so-4.html

[8] Trang thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, 14/08/2024: Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: https://moet.gov.vn/tintuc/pages/chi-tiet.aspx?ItemID=9716

[9] Trang thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, 05/11/2013: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/doi-moi-can-ban-toan-dien-gd-va-dt.aspx?ItemID=3928



(Bài viết cho Tọa đàm: ‘Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Tài nguyên Giáo dục Mở tại các Trường Đại học ở Việt Nam’, do Câu lạc bộ Giáo dục Mở thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh, ngày 01/10/2024).

Tự do tải về bài viết định dạng PDF ở địa chỉ DOI: 10.5281/zenodo.13864737

Tự do tải về bài trình chiếu tại hội thảo ở địa chỉ: https://www.dropbox.com/scl/fi/nbb3umj7dnqehn1w6yu0j/Goi-Y-Trien-Khai-1117-QD-TTg_Slides.pdf?rlkey=205csh6vo9v3xxy9c8fefjjm1&st=juj4tfty&dl=0

X (Tweet): https://twitter.com/nghiafoss/status/1841025414195491287

Xem thêm:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.