Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Hội thảo Thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm tự do nguồn mở

Ngày 14/12/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông, với sự tài trợ của công ty Intel đã tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm tự do nguồn mở” tại Hà Nội để sơ kết tình hình thực hiện quyết định số 50/2009/QĐ-TTg ngày 30/04/2009 của Thủ tướng chính phủ và 2 năm thực hiện chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT ngày 30/12/2008 và của Bộ Thông tin và Truyền thông về ứng dụng PMTDNM trong các cơ quan nhà nước.

Tham dự cuộc hội thảo có đại diện các sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh đã triển khai phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM), đại diện cộng đồng PMTDNM Hà Nội (HanoiLUG), các công ty chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới PMTDNM, đại diện các nhóm bản địa hóa các sản phẩm nguồn mở được thừa nhận đáp ứng và khuyến khích sử dụng trong các cơ quan hành chính của nhà nước và một số cơ sở giáo dục và đào tạo, các viện nghiên cứu có liên quan tới PMTDNM.

Trong bài phát biểu mở đầu Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng khẳng định, cùng với xu thế chung của thế giới, Việt Nam cũng đã có những chính sách về vấn đề PMTDNM. Đây là một trong những giải pháp hàng đầu hỗ trợ đắc lực các tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm làm chủ công nghệ, tránh sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp giải pháp độc quyền, giảm chi phí mua sắm phần mềm, góp phần đảm bảo khả năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các cơ quan nhà nước, đồng thời góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm trong nước. Thứ trưởng nói: "Thời gian qua việc phát triển và ứng dụng PMNM ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc ứng dụng PMNM ở Việt Nam còn hạn chế vì thiếu các quy định cụ thể về việc áp dụng các chuẩn mở, chính sách, cơ chế tài chính, định mức, các quy định cụ thể về ứng dụng PMNM cũng như những chính sách ưu tiên sử dụng PMNM trong các cơ quan Nhà nước làm cơ sở để các cơ quan thống nhất thực hiện. Lý do chính để việc ứng dụng PMNM gặp nhiều khó khăn cản trở chính là do hạn chế về nhận thức đối với loại phần mềm này".

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho rằng, trong thời gian tới cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp, Sở, Ngành, địa phương để đạt được những mục tiêu cụ thể trong việc ứng dụng và sử dụng PMNM, qua đó đạt mục tiêu đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT-TT.

Hội thảo tiếp tục với 5 bài trình bày của (1) Vụ CNTT, Bộ TTTT; (2) Giám đốc sở TTTT tỉnh Ninh Thuận; (3) Giám đốc công ty iWay; (4) Giám đốc công ty Asianux Việt Nam và (5) Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số, Bộ TTTT. Phần cuối là hỏi đáp và một số ý kiến đóng góp của những người tham dự hội thảo.

Bài phát biểu của Vụ CNTT, Bộ TTTT cho thấy sau 2 năm thực hiện thì các chỉ tiêu đặt ra trong chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT đều không đạt, ở mức rất thấp. Cụ thể:

  1. Về chỉ tiêu 100% máy trạm của đơn vị chuyên trách CNTT của Bộ, các cơ quan ngang bộ (CQNB) được cài đặt PMMNM: Có 9/12 Bộ đạt, chiếm tỉ lệ 75%.

  2. Về chỉ tiêu 70% máy trạm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được cài đặt PMMNM: Có 4/12 Bộ đạt, chiếm tỉ lệ 33,3%. Về chỉ tiêu 70% cán bộ (CB), nhân viên (NV) của Bộ, CQNB được tập huấn sử dụng PMMNM: có 1/12 Bộ đạt, chiếm 8,3%. Về chỉ tiêu 40% CB, NV của Bộ, CQNB có thể sử dụng thành thạo và có khả năng hướng dẫn trợ giúp các đơn vị khác: có 1/12 Bộ đạt, chiếm 8,3%.

  3. Hiển nhiên khi 2 chỉ tiêu ở trên không đạt, thì chỉ tiêu thứ 3 của 07 “đảm bảo đến ngày 31/12/2010 hầu hết cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành, tỉnh, thành phố sử dụng các phần mềm nêu trên trong công việc” chắc chắn là không thể đạt được.

Chỉ có một số rất ít các đơn vị tích cực tham gia thực hiện chỉ thị 07 như Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và một vài Sở TTTT cấp tỉnh như Ninh Thuận, Hải Phòng, Phú Thọ, Lâm Đồng, Điện Biên, Đắk Lắk.

Theo Vụ CNTT, Bộ TTTT thì việc thực hiện Chỉ thị 07 đạt mức rất thấp so với chỉ tiêu do nhiều nguyên nhân như: (1) Về kỹ thuật và thói quen của người sử dụng đã “nghiện” với các phần mềm nguồn đóng; (2) Thiếu nhân lực và kỹ năng hiểu biết về PMTDNM; (3) Về chính sách và tổ chức thực hiện và còn một số lãnh đạo đơn vị không ủng hộ PMTDNM và thiếu chế tài để thực hiện, kể cả với việc xử lý vi phạm bản quyền; (4) Về sự lúng túng trong thực hiện khi cùng trong năm 2009 các nơi đồng thời triển khai Microsoft Office 2007 với OpenOffice.org; (5) Kinh phí cấp phát từ trung ương theo quyết định 50 không kịp và thiếu (tới 22/09/2010 thông tư liên tịch Bộ TTTT, Bộ Tài chính số 142/2010/TTLT-BTC-BTTTT mới được ban hành, kèm theo một số nội dung chi và định mức chi cho công việc chuyển đổi sang sử dụng PMTDNM và đào tạo).

Nhìn nhận những khó khăn của thời gian qua, Vụ CNTT, Bộ TTTT cũng khẳng định có một số thuận lợi đã bộc lộ cho thời gian tới như: (1) Các giải pháp PMTDNM ngày càng đa dạng và phong phú, thể hiện trong việc có nhiều bộ PMTDNM có tính năng tin cậy và hoàn toàn dễ dàng sử dụng có thể thay thế được phần mềm nguồn đóng, đặc biệt như giải pháp thay thế Windows, Microsoft Office bằng Ubuntu LTS 10.04 và OpenOffice.org...; (2) Cộng đồng PMTDNM và đội ngũ doanh nghiệp cung cấp giải pháp hỗ trợ cho người sử dụng ngày càng lớn mạnh, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn mở.

Vụ CNTT, Bộ TTTT cũng đã đưa ra một số định hướng về chính sách thúc đẩy trong những năm tới (1) để phù hợp với mục tiêu của Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/09/2010 của Thủ tướng chính phủ Quyết định phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, trong đó có ưu tiên phát triển sản phẩm, giải pháp phục vụ ứng dụng CNTT của Nhà nước và doanh nghiệp do Việt Nam nghiên cứu, phát triển hoặc bản địa hóa từ phần mềm tự do mã nguồn mở; (2) Đang xây dựng định mức chi cho việc triển khai áp dụng PMTDNM và định mức chi cho phát triển sản phẩm PMTDNM được dự kiến ra đời vào năm 2011; (3) Giải pháp PPP- công tư kết hợp để thúc đẩy PMTDNM; (4) Chính phủ bố trí thêm kinh phí hỗ trợ địa phương; (5) Nghiên cứu, xây dựng quy chế bắt buộc tất cả các máy tính trạm hoặc máy tính chủ được mua mới trong các CQNN phải cài đặt sẵn tất cả các phần mềm trong Danh mục PMTDNM ban hành theo Thông tư 41/2009/TT-BTTTT; (6) Các cơ quan nhà nước nghiên cứu bổ sung việc sử dụng PMTDNM và thi đua, khen thưởng hoặc có cơ chế bắt buộc CBCC sử dụng 1 số PMTDNM.

Ý kiến đóng góp từ những người tham gia hội thảo

Trong các bài trình bày cũng như trong phần nêu các ý kiến hỏi đáp của các công ty, đơn vị, cá nhân cho Bộ TTTT, nhiều ý kiến đóng góp đã được nêu ra, cụ thể một số như sau:

  1. Việc triển khai các nội dung về PMTDNM theo quyết định 50/2009/QĐ-TTg, thông tư 41/2009/TT-BTTTT còn chưa tốt do chưa có đơn vị chịu trách nhiệm triển khai hoặc đơn vị có trách nhiệm triển khai của Bộ nhưng lại không thực hiện việc triển khai.

  2. Thông qua việc tham khảo chính sách mua sắm về PMTDNM ở nước ngoài, đề nghị Bộ điều chỉnh chính sách mua sắm về CNTT của các cơ quan nhà nước vừa để PMTDNM được đối xử ngang bằng với các phần mềm sở hữu độc quyền (PMSHĐQ) - không phụ thuộc vào nhà cung cấp duy nhất, vừa để cho các chính sách được đưa ra tuân thủ được với các luật lệ quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ mà VN đã ký kết với quốc tế khi ra nhập WTO.

  3. Đề nghị Bộ TTTT có các chính sách cụ thể hỗ trợ cộng đồng và các doanh nghiệp PMTDNM phát triển. Thời gian vừa qua, cộng đồng những người sử dụng Linux tại Hà Nội (HanoiLUG) và cộng đồng những người sử dụng Linux tại thành phố Hồ Chí Minh (SaigonLUG) đã bản địa hóa hoàn toàn sang tiếng Việt phát tán hệ điều hành PMTDNM GNU/Linux Ubuntu 10.04 và bộ phần mềm văn phòng nguồn mở OpenOffice.org 3.2, đều là những phần mềm được thừa nhận đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan nhà nước theo thông tư số 41/2009/TT-BTTTT (trước đó là quyết định số 08/2007/QĐ-BTTTT), thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT và được yêu cầu phải triển khai trong tất cả các cơ quan nhà nước theo chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT. Tránh tình trạng như trong năm 2010, không có bất kỳ cơ quan nhà nước nào tham gia vào cuộc thi “Mùa hè sáng tạo 2010” do Hội Tin học Việt Nam tổ chức để tìm kiếm tài năng về PMTDNM trong các trường đại học với sự tham gia tích cực của các thành viên trong cộng đồng PMTDNM Việt Nam.

  4. Đề nghị Bộ TTTT, Bộ GDĐT thời gian tới triển khai quyết liệt và triệt để việc đưa các phần mềm đã được các cộng đồng HanoiLUG và SaigonLUG bản địa hóa là hệ điều hành PMTDNM GNU/Linux Ubuntu 10.04 và bộ phần mềm văn phòng nguồn mở OpenOffice.org 3.2 vào sử dụng trong tất cả các cơ quan nhà nước như các thông tư được nêu ở mục trên và phù hợp với mục tiêu của Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/09/2010 được nêu ở trên.

  5. Đề nghị Bộ TTTT làm việc với các bộ ngành liên quan sửa lại các qui định thi công chức với việc sử dụng các PMTDNM thay cho các phần mềm sở hữu độc quyền.

  6. Đề nghị Bộ TTTT và Bộ GDĐT có giải pháp để sớm chấm dứt tình trạng (các) Bộ là (những) nơi ban hành các văn bản về đường lối chính sách thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển PMTDNM cho cả nước nhưng lại không có đơn vị đi đầu làm gương được cho những nơi khác noi gương về việc ứng dụng các PMTDNM.

Vụ CNTT, Bộ TTTT phát biểu kết thúc cuộc hội thảo, cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn từ những người tham dự hội thảo và hứa sẽ xem xét nghiêm túc các đề nghị của những người tham gia hội thảo để việc ứng dụng và phát triển PMTDNM thực sự đi vào cuộc sống trong thời gian tới.

Lời kết

Những ý kiến đóng góp ở trên chưa phải là tất cả những ý kiến đóng góp tại hội thảo, nhưng có lẽ chúng khó có thể tồn tại được sau 2 năm kể từ ngày chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT ra đời nếu trong thời gian đó chỉ thị đã có được sự quyết tâm và sự tham gia thực hiện một cách trực tiếp từ các lãnh đạo cao nhất của chính Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành và địa phương các cấp. Hy vọng từ năm 2011 trở đi, cùng với mục tiêu được nêu rõ trong Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, lãnh đạo cao nhất của Bộ và của chính phủ sẽ không “đánh trống bỏ dùi” đối với PMTDNM.

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số 01/2011, trang 72-74.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.