Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

Chuẩn mở và tính tương hợp là hệ tọa độ tham chiếu trong môi trường hỗn hợp

Trong một môi trường hỗn hợp các công nghệ và hệ thống thông tin khác nhau của các cơ quan chính phủ, thì nhu cầu để các thông tin - dữ liệu có thể trao đổi được với nhau và sử dụng được lẫn của nhau phải là ưu tiên hàng đầu. Chính chuẩn mở là cốt lõi của tính tương hợp (tính tương thích liên thông) sẽ giúp để thỏa mãn được yêu cầu sống còn này. Chuẩn mở và tính tương hợp chính là hệ tọa độ tham chiếu cho một môi trường hỗn hợp, chứ không phải là các phần mềm của một hãng nào đó như Microsoft, như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Ngày 30/12/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông tư số 41/2009/TT-BTTTT Ban hành Danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, trong đó có cả hệ điều hành cho máy trạm, một số ứng dụng cơ bản cho máy trạm và máy chủ.

Có lẽ ý nghĩa quan trọng nhất của thông tư này về mặt kỹ thuật là việc Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố chính thức phá bỏ môi trường công nghệ độc quyền của Microsoft Windows và các ứng dụng chạy trên đó từng tồn tại từ hàng chục năm nay tại Việt Nam, mở ra một môi trường hỗn hợp các công nghệ, cả nguồn đóng lẫn nguồn mở, ở mức độ của hệ điều hành, cho dù với thông tư này, nó mới dừng ở phía các máy trạm.

Trong môi trường đơn nhất với hệ điều hành Microsoft Windows trước đây, ta thường nghe thấy những nhận xét lạ lẫm đã được đưa ra kiểu như: tôi đã thử phần mềm hay giải pháp XYZ nào đó với Windows nhưng mà nó không chạy hoặc chạy không tốt nên nó không hiệu quả và có tính tương thích kém, hoặc phần mềm XYZ nào đó có tính tương thích kém vì nó không mở được trong sản phẩm ABC nào đó của Microsoft.

Trong một môi trường hỗn hợp, thì không thể nói như vậy, mà ở đó khi ta muốn nói về phần mềm XYZ nào đó có tính tương hợp kém hoặc không tương hợp được với ABC thì phải nói rõ là so với cái gì, so với chuẩn nào, so với hệ tọa độ tham chiếu nào.

Với đa số các quốc gia tiên tiến trên thế giới, người ta sẽ so sánh với khung tương hợp của quốc gia họ. Mà trong các khung tương hợp đó, phần quan trọng nhất chính là bộ các chuẩn. Tới lượt mình, các chuẩn mà hiện nay được các quốc gia ưa chuộng nhất để chọn đưa vào các bộ chuẩn của khung tương hợp là các chuẩn mở.

Tính tương hợp, ở nghĩa rộng, là khả năng các bên tham gia làm việc được với nhau. Về khía cạnh kỹ thuật, đây là khả năng của 2 hoặc nhiều hệ thống hoặc thành phần công nghệ thông tin và truyền thông trao đổi thông tin và sử dụng các thông tin được trao đổi đó nhằm mục đích cải thiện việc điều hành và quản lý của chính phủ.

Vì đặc điểm về tổ chức của một chính phủ luôn được tạo nên từ nhiều bộ, ngành, tỉnh thành mà tại mỗi nơi này đều có những hệ thống thông tin của mình nên tính tương hợp là một trong những yếu tố quan trọng mang tính sống còn, nhất là trong các ứng dụng và dịch vụ chính phủ điện tử, khi mà người dân cần được cung cấp các dịch vụ không chỉ từ một mà từ nhiều cơ quan hành chính cùng một lúc.

Ví dụ, bạn hãy nghĩ về việc bạn xin mở một công ty và bạn cùng một lúc phải làm việc với nhiều cơ quan chính phủ để cuối cùng bạn có được một đăng ký kinh doanh, một con dấu và một tài khoản của ngân hàng để sẵn sàng cho việc kinh doanh của mình. Với một hệ thống chính phủ điện tử làm việc hiệu quả, thì bạn có khả năng chỉ cần làm việc với một cổng điện tử và sau đó sẽ nhận được đủ những điều bạn cần trong một thời gian ngắn mà không cần phải đi tới từng cơ quan hành chính đó nhiều lần. Để làm được việc như vậy, điều sống còn là nhờ vào tính tương hợp của các ứng dụng và dịch vụ bên trong từng đơn vị, các cơ quan hành chính chính phủ trao đổi và sử dụng được các thông tin, dữ liệu lẫn của nhau một cách nhanh chóng, có hiệu quả.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về chuẩn mở, nhưng nhiều quốc gia thừa nhận có những điểm chung như sau:

  • Đã được công bố mà với nó thì bất kỳ các công ty nào có công nghệ tương tự cũng có thể triển khai được một cách tự do, dễ dàng.

  • Quá trình phát triển của chuẩn cả trong quá khứ cũng như tương lai phải là một quá trình mở, minh bạch mà bất kỳ ai cũng có thể tham gia đóng góp được

  • Việc sử dụng lại các chuẩn này và các đặc tả kỹ thuật của nó phải là tự do và không có bất kỳ hạn chế nào.

Từ những điểm mấu chốt này trong định nghĩa chuẩn mở, chúng ta có thể trả lời được vì sao chuẩn mở lại mang tính sống còn cho các hệ thống thông tin với các công nghệ khác nhau của chính phủ, vì:

  • Một khi nhiều công ty có thể triển khai được, có nghĩa là các thông tin và dữ liệu từ các ứng dụng, dịch vụ mà cơ quan của bạn xây dựng có khả năng lớn hơn trong trao đổi và sử dụng được ở những cơ quan khác và ngược lại một cách tự nhiên, mà không cần bất kỳ một trình chuyển đổi thông tin dữ liệu trung gian nào. Trong thực tế, một khi sử dụng các trình chuyển đổi, thì khó có thể bảo toàn nguyên vẹn các thông tin dữ liệu được.

  • Một khi nhiều công ty có thể triển khai được, và ai cũng có thể tham gia vào quá trình xây dựng chuẩn, thì sẽ không còn sự khóa trói vào nhà cung cấp duy nhất, sự cạnh tranh giữa các công ty được khuyến khích để hạ giá thành, liên tục đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm tốt hơn cho người sử dụng.

  • An ninh của các thông tin, dữ liệu sử dụng chuẩn mở sẽ tốt hơn do không bị phụ thuộc vào chỉ một nhà cung cấp và dễ dàng sử dụng lại được các chuẩn, có nghĩa là khi cần thì người sủ dụng có thể dễ dàng rút ra khỏi các dịch vụ từ hệ thống của nhà cung cấp này để chuyển sang hệ thống của nhà cung cấp khác với chi phí thấp nhất có thể được, mà vẫn bảo toàn nguyên vẹn được các thông tin và dữ liệu của mình cho lâu dài hoặc vĩnh viễn.

Một điểm đáng lưu ý nữa là bản thân chính thông tin - dữ liệu, trong nhiều trường hợp, mới là thứ quý nhất, chứ không phải là các công cụ, ứng dụng - dịch vụ, giải pháp, công nghệ hay các hệ thống giúp tạo ra và lưu trữ chúng.

Trên thực tế, các ứng dụng - hệ thống độc quyền thường có tính tương hợp kém hoặc không có tính tương hợp. Điển hình là trong vụ kiện chống độc quyền giữa Ủy ban châu Âu (EC) và hãng Microsoft về phần mềm trình duyệt Internet Explorer (IE) vừa tạm kết thúc vào giữa tháng 12/2009, theo đó Microsoft, bên cạnh việc phải cam kết về một màn hình lựa chọn cho người sử dụng với 12 trình duyệt khác nhau - chứ không phải chỉ có IE khi cài đặt Windows 7, còn phải cam kết cải thiện tính tương hợp giữa các sản phẩm của các nhà sản xuất khác và một số sản phẩm của Microsoft, bao gồm Windows, Windows Server, Office, Exchange và SharePoint.

Sự việc này khẳng định rằng tính tương hợp của các sản phẩm nêu trên của Microsoft là không cao tại thời điểm này và có thể điều này là trái ngược với suy nghĩ của nhiều người Việt Nam chúng ta.

Trong tương lai, khi sự độc quyền về môi trường hệ điều hành được phá bỏ hoàn toàn cả ở phía máy chủ cũng như phía máy trạm, thì chuẩn mở và tính tương hợp sẽ còn được nhắc tới nhiều hơn nữa và chắc chắn các hệ thống thông tin của Việt Nam sẽ được dựa vào chúng!

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 01/2010, trang 64-65.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.