Trong phiên hội nghị với chủ để về phần mềm tự do nguồn mở (FOSS) tại WITFOR 2009 lần này, 1 trong 2 diễn giả nước ngoài được mời trình bày bài phát biểu chính, có Jon “Maddog” Hall, chủ tịch của Linux International.
Là người đã từng có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực máy tính và phần mềm, trong đó có 5 năm làm việc với các máy chủ mạnh Mainframe, làm việc với các hệ điều hành Unix từ 1980 và với hệ điều hành GNU/Linux phiên bản 1.0 từ ngày nó được tung ra, năm 1994, từng kinh qua các vị trí công việc như lập trình viên, kỹ sư hệ thống, người đảm bảo về chất lượng phần mềm, marketing kỹ thuật, nhà giáo dục đại học và nhà tư vấn về công nghệ thông tin.
Theo ông, trên hết tất cả và là điều quan trọng nhất của FOSS đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam là việc kiểm soát được việc xây dựng các phần mềm và khẳng định chủ quyền đối với hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia.
Ông cho rằng, người sử dụng phải luôn đặt vấn đề về tính có thể tồn tại bền lâu của các giải pháp phần mềm mà họ lựa chọn thông qua những câu hỏi đơn giản mà ai cũng có thể hiểu được, dạng như: Liệu bạn sẽ còn nhận được các bản vá của Windows 2000 tới khi nào?; liệu hệ thống thư điện tử của bạn còn sống được bao lâu nữa?; hay liệu bản tuyên ngôn độc lập của quốc gia bạn còn có thể đọc được bao lâu nữa? Với ông, lịch sử đã chứng minh là không bao giờ được phép tin một cách chắc chắn vào sự tồn tại vĩnh viễn của bất kỳ một công ty nào, dù tạm thời nó có mạnh tới mấy, và không khó để liệt kê ra hàng loạt những cái tên từng lẫy lừng một thời trong bất kỳ ngành công nghiệp nào, kể cả trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin và phần mềm.
Ông khuyên mọi người nên sử dụng các giải pháp và sản phẩm FOSS vì sự cân bằng trong cán cân thương mại của quốc gia mình với các nước đối tác bên ngoài, để hàng triệu tỷ đồng không bay khỏi nước mình thông qua việc trả tiền phí bản quyền cho các phần mềm sở hữu độc quyền, mà hầu hết chúng sẽ được đầu tư trở lại cho những giải pháp và sản phẩm FOSS phù hợp với tiếng mẹ đẻ và cách làm việc của quốc gia mình, theo các nhu cầu thực tế của chính phủ, người dân và nhất là các doanh nghiệp công nghệ thông tin và phần mềm của nước mình thông qua các dịch vụ như tư vấn, đào tạo, cấp chứng chỉ, tích hợp, tùy biến, cài đặt, quản trị hệ thống, bản địa hóa, vân vân. Không ai có thể đáp ứng được tốt nhất những nhu cầu cấp thiết của người bản địa bằng chính người bản địa. Theo ông thì phần tiền mà bạn kiếm được từ hỗ trợ FOSS sẽ nhiều hơn so với kinh doanh phần mềm sở hữu độc quyền.
Việc sử dụng FOSS cũng sẽ giúp các nước đang phát triển hạn chế được sự chảy máu chất xám, khi mà những sinh viên được đào tạo về khoa học máy tính và phần mềm không còn phải đi tìm những công việc thách thức hơn ở những nước nào khác, hoặc cho các nước nào khác, mà có thể tìm thấy được và sống tốt được ngay trên đất nước của mình.
Ông giảng giải rằng FOSS là nền tảng cho việc giáo dục về khoa học máy tính, trong đó có phần mềm. Nếu bạn dạy học sinh về phần mềm sở hữu độc quyền nguồn đóng, thì học sinh sẽ biết được cách sử dụng các phần mềm đó. Nhưng nếu bạn dạy học sinh về FOSS, thì học sinh không những biết được cách sử dụng các phần mềm FOSS, mà còn biết được cách mà các phần mềm FOSS đó làm việc như thế nào. Đó là sự khác biệt giữa sự hiểu biết và không hiểu biết, giữa tính sáng tạo và sự thụ động.
Đối với một quốc gia mà tỷ lệ vi phạm bản quyền và ăn cắp phần mềm đứng ở những vị trí hàng đầu thế giới như Việt Nam thì việc sử dụng FOSS còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa, vì FOSS là “phần mềm của chúng ta”, vì vậy câu chuyện “chúng ta ăn cắp phần mềm của chúng ta” sẽ trở nên nực cười và không thể xảy ra được. Ông nói việc ăn cắp phần mềm sẽ tạo ra sự nô lệ của phần mềm, nó không có điểm dừng, nó làm mất đi giá trị đối với tính sáng tạo và sự lao động cật lực của những người tạo ra phần mềm, nó không khuyến khích việc tạo ra thị trường nội địa tích cực cho phần mềm, nó là thảm họa cho cả phần mềm nguồn đóng và FOSS, nó không tạo ra doanh số cho những công ty sản xuất phần mềm sở hữu độc quyền nguồn đóng, nó phá hủy ưu thế về giá đối với những công ty cung cấp dịch vụ phần mềm FOSS, và cuối cùng, nó sẽ hủy diệt tương lai của một quốc gia, mà trong bài trình bày, ông đã dẫn chứng về một quốc gia như vậy, Jamaica. Thú thực, nó làm chạnh lòng chúng ta, những người Việt Nam.
Với FOSS, “chúng ta ăn cắp phần mềm của chúng ta”. Người bên trái là Jon “Maddog” Hall | “Ăn cắp phần mềm sẽ tạo ra sự nô lệ của phần mềm” Jon “Maddog” Hall |
FOSS làm cho mọi người đều bình đẳng như nhau vì ai cũng có thể tham gia vào sự phát triển của nó, cũng có thể trở thành các chuyên gia trong một lĩnh vực phần mềm mà nó gắn bó với công việc hàng ngày của người sử dụng đó, và hơn thế, nó luôn trao lại quyền kiểm soát cho người sử dụng.
Tạm biệt WITFOR 2009, tạm biệt và cảm ơn Jon “Maddog” Hall, một người nổi tiếng trong thế giới FOSS, một người bình dị, rất thích... bia hơi Việt Nam.
Trần Lê
PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 09/2009, trang 70-71
Những bức ảnh sử dụng trong bài đều có trong các bài phát biểu của Jon “Maddog” Hall ngày 28/08/2009 tại WITFOR 2009 và ngày 31/08/2009 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.