Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Cuộc chiến hacker Trung Quốc - Việt Nam lần thứ nhất, một trò chơi nguy hiểm

Cụm từ “chiến tranh không gian mạng” đã được đề cập tới từ vài năm nay, nhiều hiện tượng chọc phá cũng đã được cảnh báo liên tục, nhưng hình như không mấy ai bận tâm. Nếu có, thì cũng chỉ là cái phẩy tay, sống chung với lũ mà.

Cho tới khi nó thực sự xảy ra, đâu đó chỉ khoảng 5 ngày từ mùng 2 đến 7/06/2011, từ một cộng đồng nhỏ những người tự nguyện trực tiếp tham chiến và một số ít người khác vào lúc diễn ra cuộc chiến là biết tới có cái thứ chiến tranh như trò chơi máy tính đó. Các cơ quan có trách nhiệm về an ninh an toàn thông tin và các lực lượng vũ trang đâu nhỉ? Chẳng thấy ai cả. Thế còn các công ty đại gia về an ninh an toàn thông tin ở đâu? Chẳng thấy ai nốt. Hình như họ cũng đang bận vá víu cho chính hệ thống mạng đang bị đánh của họ cũng nên? Chỉ còn bọn trẻ nóng đầu chơi trò chiến tranh trên máy tính với nhau. Mặc kệ chúng nó, chơi mãi rồi chắc cũng chán.

Nguyên nhân của cuộc chiến, chẳng ai rõ thực hư. Bên kia đổ cho bên này là vì các ông biểu tình trước Đại sứ quán của chúng tôi; bên này đổ cho bên kia vì các ông cắt cáp tàu Bình Minh 2 trong vùng Biển Đông của chúng tôi, thế là đám hacker hai bên lao vào chọi nhau chát chúa.

Chỉ trong vài ngày đã có hàng triệu tin trên mạng Internet, toàn là những tin được coi là không đáng tin cậy, còn những thứ được coi là chính thống thì lại chẳng thấy ở đâu, và chúng chỉ xuất hiện khi cuộc chiến đã chấm dứt được vài ngày. Nói khi mọi chuyện đã xong bao giờ cũng dễ hơn thật, và nó là hàng loạt nhiều vô tận.

Các thông tin về kết quả cũng rất khác nhau. Có tin nói các site quân ta “chết” nhiều hơn quân nó, tổng cộng thì nơi nói vài trăm, nơi nói đâu đó ngàn rưỡi, nơi nói vài ngàn. Rồi tin về những site chết đó chạy hệ điều hành gì nữa chứ? Nơi nói toàn Microsoft Windows, nơi nói GNU/Linux. Những người được chứng kiến bằng mắt thật thì lại chẳng nói ra, hoặc nếu nói ra, thì chắc chẳng mấy ai thích, vì còn là đối tác chiến lược làm ăn dài dài. Thật không biết tin vào ai.

Cuộc chiến lần này, đa số các website đều bị đánh ở dạng làm cho biến dạng kiểu bôi xấu mặt (defacement), một dạng chiếm quyền điều khiển máy chủ với các website trên các máy chủ đó để rồi bôi xấu chúng một cách tùy ý. Ví dụ như thay màn hình trang chủ bằng một hình ảnh bất kỳ nào đó. Không ai biết và đếm được số các site sau khi bị làm biến dạng đã được sửa lại như thế nào. Vì rất có thể, sau khi sửa, các site vẫn chạy bình thường. Hoặc tệ hơn, là các site chẳng bị biến dạng gì cả, chỉ có quyền điều khiển các máy chủ với các webiste có thể bị chiếm mất rồi, có thể bị gài thêm các phần mềm độc hại vào trong đó mà những người sử dụng khác sẽ bị lây nhiễm khi viếng thăm chúng rồi cứ như vậy sẽ truyền độc hại sang cho những người sử dụng máy tính khác nữa. Thật khó mà biết được, đo đếm được hết các thiệt hại.

Không quốc gia nào trên thế giới ủng hộ việc các hacker phá phách. Đổi lại các quốc gia phát triển, với nền kinh tế xã hội phụ thuộc nhiều vào mạng máy tính, đều tuyển mộ các chiến binh để sẵn sàng cho cuộc chiến tranh không gian mạng tiềm tàng. Theo Techspot, nước Mỹ có tới 25% các hacker làm việc với chính phủ.

Với Việt Nam, những xung đột bán quân sự trên biển đã tới từ Trung Quốc mà kịch bản tiếp theo có thể kèm theo những tấn công giấu mặt có chủ đích vào hệ thống thông tin. Cuộc đấu chắc chắn còn dài, có khi sẽ là bất tận, nên ai ai cũng cần có tinh thần sẵn sàng chuẩn bị để đối phó. Đặc biệt, ngoài các biện pháp phòng ngừa tăng cường an ninh mạng như đang thấy, để bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia chúng ta còn cần phải chuẩn bị những biện pháp phát hiện và đáp trả nếu xảy ra những đòn đánh trên không gian mạng từ phía đối phương.

Nếu cuộc chiến hacker lần thứ 2 mà xảy ra, chắc chắn nó sẽ khốc liệt hơn nhiều so với lần này!

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học & Đời sống, số tháng 07/2011, trang 4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.