Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Các giấy phép Creative Commons cho các tư liệu mở


-->
Cho tới nay chúng ta đã quen với khái niệm về phần mềm tự do nguồn mở (PMTDNM) và các giấy phép đi liền với chúng như GPL, LGPL, Apache, MPL... Tuy nhiên ít người biết rằng song hành cùng với các PMTDNM còn có những tài liệu mở mà chúng thường được cấp phép theo các giấy phép tài liệu tự do GNU Free Document Licence (GFDL) và Creative Commons.
Nguồn gốc ban đầu của việc này xuất phát từ lập luận cho rằng tài liệu đi với một chương trình phần mềm tạo thành một phần không thể thiếu của chương trình phần mềm đó, khi đưa ra các dẫn giải về mã nguồn, như được, ví dụ như, luật Sở hữu Trí tuệ của Tây Ban Nha, thừa nhận. Đưa ra mức tích hợp giữa phần mềm và tài liệu, có thể coi là logic khi những quyền tự do y hệt của phần mềm phải được áp dụng cho tài liệu và tài liệu cũng phải tiến bộ theo hệt cách thức như với chương trình phần mềm đó, nghĩa là, bất kỳ sửa đổi nào được thực hiện trong một chương trình phần mềm đòi hỏi sự thay đổi tương ứng cùng lúc và luôn được cập nhật trong tài liệu của chương trình phần mềm đó.
Từ điểm xuất phát này, các giấy phép của tài liệu phần mềm đã nhanh chóng lan truyền sang các lĩnh vực khác như các tư liệu học tập nói chung, với các loại nội dung khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh và đa phương tiện trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong khu vực giáo dục mà nổi bật lên trong số chúng là các giấy phép Creative Commons.
Tin học & Đời sống giới thiệu tới các bạn độc giả loạt bài về Creative Commons với ý định tạo thuận lợi cho các bạn độc giả có khả năng dễ dàng tìm hiểu, tìm kiếm, sử dụng được kho tri thức mở khổng lồ của thế giới và cùng với nó là xây dựng các kho tri thức mở tiếng Việt ở bất kỳ đâu có khả năng và nhu cầu theo một cách thức tuân thủ luật về sở hữu trí tuệ.
CREATIVE COMMONS LÀ GÌ?
Creative Commons (CC) là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế (http://creativecommons.org) tích cực trong việc cung cấp các giấy phép tự do cho những người sáng tạo để sử dụng để làm cho các tác phẩm của họ sẵn sàng cho công chúng. Những giấy phép này giúp cho người sáng tạo sớm trao quyền cho những người khác để sử dụng tác phẩm theo những điều kiện nhất định.
Mỗi lần một tác phẩm được tạo ra, như khi một bài trong tạp chí được viết hoặc một tấm ảnh được chụp, tác phẩm đó được tự động bảo vệ về bản quyền. Bảo vệ bản quyền ngăn ngừa được những người khác khỏi việc sử dụng tác phẩm đó theo những cách thức nhất định, như bản quyền của tác phẩm hoặc đặt tác phẩm lên trực tuyến.
Các giấy phép CC cho phép người sáng tạo hoặc tác phẩm lựa chọn cách mà họ muốn những người khác sử dụng tác phẩm đó. Khi một người sáng tạo phát hành tác phẩm của họ theo một giấy phép CC, thì những người sử dụng biết được họ có thể và không thể làm gì với tác phẩm đó. Thứ tuyệt vời là tất cả các giấy phép CC đều cho phép các tác phẩm được sử dụng cho các mục đích giáo dục. Kết quả là, các giáo viên và học sinh có thể tự do sao chép, chia sẻ và đôi khi sửa đổi và pha trộn một tác phẩm CC mà không phải tìm kiếm quyền của người sáng tạo.
CÁC QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ TIÊU CHUẨN
CC đưa ra 6 giấy phép cốt lõi, mỗi giấy phép đó cho phép những người sử dụng sử dụng tư liệu theo các cách khác nhau. Trong khi có những giấy phép CC khác nhau, thì tất cả các giấy phép CC bao gồm các quyền và nghĩa vụ tiêu chuẩn nhất định.
1. Các quyền của người sử dụng
Mỗi giấy phép CC cho phép bạn được:
  • Sao chép tác phẩm (nghĩa là tải về, tải lên, sao chụp và quét tác phẩm đó);
  • Phân phối tác phẩm đó (như, cung cấp các bản sao chụp của tác phẩm đó cho các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng);
  • Hiển thị hoặc trình bày tác phẩm (như, chơi các bản ghi âm thanh hoặc phim trong lớp, hoặc chuyển việc chơi được đó cho phụ huynh học sinh);
  • Truyền đạt tác phẩm (như, làm cho tác phẩm sẵn sàng trực tuyến và trong intranet của nhà trường, hệ thống quản lý đào tạo hoặc trên một blog của lớp); và
  • Định dạng các bản sao chuyển dịch đúng nguyên văn của tác phẩm (như, sao chép một phiên bản MP3 âm nhạc lên một đĩa CD hoặc một phiên bản MP4 của một cuốn phim lên một đĩa DVD để chơi trong lớp học).
Một số giấy phép CC cho phép bạn sử dụng theo các cách khác, tuy nhiên những cách trên là các quyền cơ bản của người sử dụng được đưa ra cho tất cả các tư liệu CC.
2. Các nghĩa vụ của người sử dụng
Khi bạn sử dụng bất kỳ tư liệu CC nào, bạn phải:
  • Luôn ghi công của người sáng tạo tác phẩm đó (các thông tin về cách ghi nhận công một tác phẩm sẽ được trình bày trong một bài khác).
  • Có được quyền từ người sáng tạo để làm mọi điều vượt ra ngoài các điều khoản giấy phép (như, sử dụng thương mại đối với tác phẩm hoặc tạo một tác phẩm phái sinh ở những nơi mà giấy phép không cho phép điều này);
  • Giữ bất kỳ lưu ý bản quyền nào được gắn nguyên si với tác phẩm trong tất cả các bản sao của tác phẩm;
  • Chỉ ra và liên kết tới giấy phép từ bất kỳ bản sao nào của tác phẩm; và
  • Khi bạn tiến hành những thay đổi cho tác phẩm, hãy ghi nhận tác phẩm gốc ban đầu và chỉ ra rằng những thay đổi đã được thực hiện (như bằng việc nói 'Đây là một bản dịch sang tiếng Việt của tác phẩm gốc ban đầu, X')
Hơn nữa, khi bạn sử dụng bất kỳ tư liệu CC nào, bạn phải không:
  • Chỉnh sửa các điều khoản của giấy phép;
  • Sử dụng tác phẩm theo bất kỳ cách gì gây thiệt hại cho uy tín của người sáng tạo tác phẩm;
  • Ngụ ý rằng người sáng tạo đang phê chuẩn hoặc đỡ đầu cho bạn hoặc tác phẩm của bạn, hoặc
  • Bổ sung bất kỳ công nghệ nào (như quản lý các quyền số) cho tác phẩm mà hạn chế những người khác sử dụng nó theo những điều khoản của giấy phép.
CÁC YẾU TỐ TÙY CHỌN CỦA GIẤY PHÉP
Cùng với các quyền và nghĩa vụ cơ bản được thiết lập trong từng giấy phép CC, có một tập hợp các yêu tố 'tùy chọn' của giấy phép có thể được người sáng tạo tác phẩm bổ sung.
Những yếu tố đó cho phép người sáng tạo lựa chọn các cách thức khác nhau như họ muốn công chúng sử dụng tác phẩm của họ. Người sáng tạo có thể pha trộn và khớp nối các yếu tố đó để tạo ra giấy phép CC họ muốn. Qui trình này là một cách đơn giản và nhanh chóng cho những người sáng tạo để chỉ ra cách mà họ muốn tác phẩm của họ được sử dụng.
Mỗi yếu tố có biểu tượng và mô tả tóm tắt của nó, làm cho chúng dễ dàng để nhận diện. Có 4 yếu tố tiêu chuẩn của giấy phép như được liệt kê trong Bảng 1.
Biểu tượng
Yếu tố tùy chọn
Diễn giải
Ghi công - BY (Atrribution)
Bạn phải ghi công của người sáng tạo, tên và giấy phép của tác phẩm. Điều này là nghĩa vụ bắt buộc đối với tất cả các giấy phép Creative Commons.
Phi thương mại – NC (Non-Commercial)
Bất kỳ sử dụng tác phẩm nào cũng chỉ được cho các mục đích phi thương mại. Ví dụ, chia sẻ tệp, sử dụng cho giáo dục và các cuộc liên hoan phim tất cả là được phép, nhưng việc quảng cáo và sử dụng vì mục đích thương mại là không được phép.
Không có tác phẩm phái sinh - ND
(Non-Derivatives)
Tác phẩm chỉ có thể được sử dụng chính xác như nó hiện có. Tác phẩm không thể được tùy biến hoặc sửa đổi theo bất kỳ cách gì. Điều này có nghĩa là bạn sẽ cần có quyền bổ sung nếu bạn muốn trộn tác phẩm đó, cắt xén một cái ảnh, sửa văn bản hoặc sử dụng một bài hát trong một bộ phim.
Chia sẻ giống tương tự – SA
(Share - Alike)
Bất kỳ tác phẩm mới nào được tạo ra có sử dụng tài liệu này phải được làm cho sẵn sàng theo giấy phép y hệt như với tác phẩm gốc ban đầu. Vì thế, ví dụ, nếu bạn trộn một tác phẩm theo giấy phép Ghi công - Chia sẻ Tương tự (Attribution-Share Alike), thì bạn phải phát hành tác phẩm mới mà bạn tạo ra đó theo một giấy phép Ghi công - Chia sẻ Tương tự.
Bảng 1. Các yếu tố tùy chọn của giấy phép CC.
SÁU GIẤY PHÉP CREATIVE COMMONS TIÊU CHUẨN
Từ sự kết hợp giữa 4 yếu tố tùy chọn ở trên, 6 giấy phép CC tiêu chuẩn được tạo ra với những điều kiện khác nhau gắn với từng giấy phép như trong Bảng 2.
Giấy phép
Biểu tượng
Dạng sử dụng
Bạn có thể
Ghi công (BY)
Thương mại và phi thương mại
- Sao chép
- Tùy biến hoặc sửa đổi
- Phân phối lại (xuất bản, hiển thị, trình bày hoặc truyền đạt công khai tác phẩm); và
- Cấp phép cho những người khác
Ghi công - Phi thương mại (BY-NC)
Chỉ phi thương mại
- Sao chép
- Tùy biến hoặc sửa đổi
- Phân phối lại (xuất bản, hiển thị, trình bày hoặc truyền đạt công khai tác phẩm); và
- Cấp phép cho những người khác
Ghi công - Chia sẻ tương tự (BY-SA)
Thương mại và phi thương mại
- Sao chép
- Tùy biến hoặc sửa đổi
- Phân phối lại (xuất bản, hiển thị, trình bày hoặc truyền đạt công khai tác phẩm); và
- Cấp phép cho những người khác theo các điều khoản y hệt như tác phẩm gốc ban đầu
Ghi công - Không có tác phẩm phái sinh (BY-ND)
Thương mại và phi thương mại
- Sao chép
- Phân phối lại (xuất bản, hiển thị, trình bày hoặc truyền đạt công khai tác phẩm); và
- Cấp phép cho những người khác
Ghi công - Phi thương mại - Chia sẻ tương tự (BY-NC-SA)
Chỉ phi thương mại
- Sao chép
- Tùy biến hoặc sửa đổi
- Phân phối lại (xuất bản, hiển thị, trình bày hoặc truyền đạt công khai tác phẩm); và
- Cấp phép cho những người khác theo các điều khoản y hệt như tác phẩm gốc ban đầu
Ghi công - Phi thương mại - Không có tác phẩm phái sinh (BY-NC-ND)
Chỉ phi thương mại
- Sao chép
- Phân phối lại (xuất bản, hiển thị, trình bày hoặc truyền đạt công khai tác phẩm); các bản sao y hệt bản gốc; và
- Cấp phép cho những người khác
Bảng 2. Sáu giấy phép Creative Common tiêu chuẩn.
MỨC ĐỘ TỰ DO CỦA CÁC GIẤY PHÉP CC
Để có thể thấy rõ được các mức độ tự do của các giấy phép CC và so sánh giữa chúng với nhau, chúng ta làm quen với một số khái niệm trong Bảng 3.
Khái niệm
Biểu tượng
Diễn giải
Miền công cộng (Public Domain)
Khi (các) tác giả của tác phẩm từ bỏ hoàn toàn các quyền trí tuệ của mình đối với tác phẩm, hoặc khi tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ theo các điều khoản của Luật Sở hữu Trí tuệ.
Giữ lại mọi quyền (All Rights Reserved)
Rất thường thấy và điển hình như đối với các phần mềm và các tác phẩm sở hữu độc quyền. (Các) tác giả của tác phẩm giữ lại tất cả các quyền có liên quan tới tác phẩm.
Giữ lại một số quyền (Some Rights Reserved)
Giống như tất cả các giấy phép của PMTDNM, tất cả các giấy phép CC đều ở dạng “Giữ lại một số quyền”. Các tác phẩm mang các giấy phép đó không nằm trong miền công cộng. Nói một cách khác, vi phạm các điều khoản của các giấy phép PMTDNM và CC là vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo vệ thông qua Luật Sở hữu Trí tuệ.


Làm thế nào để có thể ghi công đúng cho các tác giả khi bạn sử dụng và/hoặc tùy biến các tác phẩm có giấy phép CC để tạo ra các tác phẩm phái sinh, là nội dung của bài tiếp sau trong loạt bài này.
Tất cả các ảnh biểu tượng được sử dụng trong bài đều mang giấy phép CC.
Một phần nội dung bài viết dựa vào tài liệu: Creative Commons là gì?

Trần Lê
Bài đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 07/2012, trang 59-61.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.