Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Giáo dục mở ở Việt Nam: Thách thức và giải pháp

(Bài viết được đăng trên tạp chí Tia Sáng, bản điện tử trên trực tuyến xuất bản ngày 14/04/2018 tại địa chỉ:


Lê Trung Nghĩa
Hơn 4 năm đã trôi qua kể từ ngày Nghị quyết số 29-NQ-TW được ban hành về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” với quan điểm chỉ đạo là “đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở”... tuy nhiên chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về hệ thống giáo dục mở và quá trình thúc đẩy tài nguyên giáo dục mở (TNGDM). Bài viết này nhận diện các thách thức đó và đề xuất giải pháp để thúc đẩy TNGDM ở Việt Nam.
Giáo dục mở là gì?
Trên thế giới, đang phổ biến các định nghĩa về giáo dục mở của Bộ Giáo dục Mỹ, SPARC - liên minh toàn cầu cam kết làm cho Mở thành mặc định cho nghiên cứu và giáo dục và Opensource.com - trang xuất bản các câu chuyện về việc áp dụng và chia sẻ giải pháp nguồnmở. Tựu trung, họ đều cho rằng giáo dục mở là việc loại bỏ các rào cản tài chính, pháp lý và kỹ thuật để truy cập được tới các tài nguyên giáo dục, các tài nguyên phục vụ cho việc dạy, việc học và việc nghiên cứu, và rộng lớn hơn là để truy cập tới được tri thức của nhân loại. Bằng việc loại bỏ các rào cản truy cập tới tri thức đó, cơ hội được giáo dục sẽ là sẵn sàng cho tất cả những người học, bất kể họ là ai, bất kể tình trạng kinh tế của họ ra sao. Vì vậy, hệ thống giáo dục mở, từ quan điểm của thế giới nguồn mở, chính là hệ thống giáo dục không có các rào cản được nêu ở trên.
TNGDM (OER - Open Educational Resources) là phong trào toàn cầu khởi đầu vào năm 2001 khi Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ đã đưa ra chương trình OpenCourseWare (Khóa học Mở) với vài chục khóa học trực tuyến và năm 2002 UNESCO đưa rakhái niệm TNGDM là bất kỳ dạng tư liệu giáo dục nào nằm trong phạm vi công cộng hoặc được cấp một giấy phép mở. Các tư liệu mở đó ngụ ý bất kỳ ai cũng có thể hợp pháp và tự do sao chép, sử dụng, tùy biến thích nghi và sử dụng lại chúng. TNGDM gồm nhiều loại từ sách giáo khoa (SGK) đến chương trình đào tạo, đề cương môn học, bài giảng, bài tập, bài kiểm tra, báo cáo, âm thanh, hình ảnh và hoạt hình”.
Rất cần phải thúc đẩy giáo dục mở ở Việt Nam, bởi chỉ giáo dục mở mới đảm bảo được cho từng công dân Việt Nam có khả năng có được tri thức nhân loại lớn nhất với chi phí nhỏ nhất và với số lượng người được tiếp cận các tri thức lớn nhất và là cách nhanh nhất để có được các kỹ năng cần thiết để sống, làm việc và học tập trong kỷ nguyên số - kỷ nguyên tri thức.
Những rào cản với TNGDM Việt Nam
Chưa thay đổi nhận thức về TNGDM
Cả các khóa học mở và TNGDM đều đã tới Việt Nam từ khá sớm, từ khoảng những năm 2005, mặc dù vậy, cho tới nay, TNGDM hầu như không phát triển ở Việt Nam, trong tất cả các cơ sở giáo dục ở mọi cấp trong toàn quốc, cả khu vực tư nhân và nhà nước.
Đầu tiên, hai dự án về OpenCourseWare và TNGDM đã vào Việt Nam từ năm 2005, nhưng hai tác nhân quan trọng nhất là Hội Thư viện Việt Nam (nơi tập trung hầu hết các thư viện các trường đại học trong cả nước) và VFOSSA (nơi tập trung nhiều công ty cung cấp các giải pháp/sản phẩm/dịch vụ dựa vào phần mềm tự do nguồn mở) đều chưa từng bao giờ biết tới 2 dự án này.
Phải tới 2015, 2 tác nhân này, đặc biệt là khối thư viện mới có những hoạt động về TNGDM tích cực hơn, điển hình là các Hội thảo quốc tế về TNGDM trong 3 năm liền với sự tham gia và cả tài trợ (các năm 2016-2017) của UNESCO và một vài đối tác nước ngoài khác; bên cạnh đó khối thư viện còn có các hoạt động nâng cao nhận thức sơ bộ ban đầu về TNGDM thông qua các cuộc hội thảo, các khóa huấn luyện ngắn ngày. Tuy nhiên, việc thực hiện TNGDM ở các thư viện, các trường đại học vẫn còn rất nhiều hạn chế, theo kết quả một báo cáomới đây do Khoa Thông tin – Thư viện, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội thực hiện dưới sự tài trợ của Văn phòng UNESCO. Cụ thể:
  • Xu thế sử dụng tài liệu số đang gia tăng. Giảng viên và sinh viên đã coi các nguồn học liệu số là kênh khai thác thông tin thuận tiện và hữu hiệu. Có thể coi đây là “văn hóa số” – điều kiện thuận lợi để phát triển TNGDM. Tuy nhiên, việc sử dụng TNGDM ở các trường đại học chưa phổ biến. Phần lớn chỉ khai thác các nguồn thông tin miễn phí trên mạng, rất ít các trường đại học triển khai TNGDM trong đơn vị mình, hầu hết giảng viên cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các nguồn học liệu miễn phí, chưa ý thức được việc tạo lập và chia sẻ TNGDM.
  • Các trường đại học đã có những nhận thức và hiểu biết cơ bản TNGDM. Tuy nhiên việc thực thi bản quyền tại các trường đại học chưa được coi trọng, thư viện đặt kế hoạch số hóa tài liệu nhưng chưa quan tâm nhiều đến vấn đề bản quyền. Bên cạnh đó hiểu biết của họ về giấy phép mở (creative commons) chưa đầy đủ.
  • Chưa tin tưởng về lợi ích và giá trị mà TNGDM mang lại. Do TNGDM là một nguồn học liệu mới, chưa phổ biến và có cách tiến cận hoàn toàn khác so với việc phải bỏ tiền mua các tài liệu do các nhà xuất bản phát hành. Nhiều người nghi ngờ, liệu chất lượng TNGDM có thực sự tốt và nguồn tài nguyên này có làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận tri thức cũng như hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo hay không.
Báo cáo cũng khảo sát về nguồn nhân lực chuẩn bị cho sự phát triển của TNGDM, gồm giảng viên, nhân viên thư viện và sinh viên. Trong đó, đa phần giảng viên cho rằng sự thiếu nhận thức về TNGDM là nguyên nhân chủ yếu nhất cản trở việc tạo lập và phát triển TNGDM ... Có thể nói, TNGDM vẫn là vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam hiện nay, và việc truyền thông, đào tạo bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về vấn đề này sẽ trở thành chìa khóa cho việc triển khai phát triển TNGDM tại Việt Nam. Đối với các cán bộ thư viện, cản trở lớn nhất là thiếu kinh phí, sau đó là các rào cản về pháp lý, quyền sở hữu, bản quyền trong phát triển TNGDM... Đây cũng là hai lo ngại xuất phát từ chính bản chất công việc của cán bộ thư viện, vốn dĩ cũng là hai vấn đề lớn của ngành thư viện Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đối với các sinh viên, trở ngại lớn nhất là rào cản ngoại ngữ để tiếp cận với TNGDM tiếng nước ngoài, tiếp sau là thiếu kiến thức và kỹ năng tìm kiếm và hiểu biết về nguồn thông tin.
Dự án triển khai TNGDM nhưng không có bất kỳ hoạt động nào mở
Ở quy mô cấp quốc gia, trong thực tế, đã có dự án xây dựng kho tài nguyên giáo dục mở sử dụng nguồn ngân sách nhà nước được viết ra. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nó không có bất kỳ hoạt động dự án nào tuân theo các nguyên tắc phát triển của nguồn mở vàTNGDM, cả về tính mở, mô hình phát triển, mô hình cấp phép và mô hình kinh doanh để đảm bảo tính bền vững của dự án sau khi thời hạn cấp vốn nhà nước kết thúc. Điều này cho thấy thách thức lớn từ quản lý, khi mà nhận thức chung về TNGDM và/hoặc nguồn mở của cả xã hội còn rất thấp, kể cả trong các doanh nghiệp CNTT và có lẽ, đa số các nhà quản lý - các nhà cấp vốn có liên quan.
Giải pháp thúc đẩy TNGDM ở Việt Nam
Không có cách nào khác để thúc đẩy TNGDM ở Việt Nam ngoài cách thông qua các hoạt động giáo dục và truyền thông để vừa nâng cao nhận thức toàn xã hội, vừa huấn luyện đào tạo năng lực và các kỹ năng ứng dụng và phát triển TNGDM, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ khác. Dưới đây là một vài gợi ý để thúc đẩy ứng dụng và phát triển TNGDM.
Thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về TNGDM
Cần thiết phải thành lập ban chỉ đạo quốc gia về TNGDM, bởi vì TNGDM (hoặc Giáo dục Mở, Khoa học Mở) không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục, mà có liên quan chặt chẽ với giới khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà cấp vốn nghiên cứu, giới công nghệ thông tin, giới thư viện, các vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, các nhà xuất bản…, trong khi các vấn đề này ở Việt Nam không chỉ do Bộ Giáo dục Đào tạo quản lý, mà còn liên quan tới các bộ khác như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch.
Bên cạnh đó, TNGDM còn có liên quan chặt chẽ với các thành phần khác của Khoa học Mở như truy cập mở tới các xuất bản phẩm, dữ liệu nghiên cứu mở, rà soát lại ngang hàng mở (open peer review), tạp chí truy cập mở, nhà xuất bản truy cập mở, các kho truy cập mở, những vấn đề chắc chắn Việt Nam cũng sẽ không thể bỏ qua trong xu thế phát triển Khoa học Mở của thế giới, và chúng sẽ liên quan tới nhiều bộ ngành hơn nữa, chứ không chỉ như được nêu ở trên. Ví dụ, việc ứng dụng và phát triển dữ liệu mở chắc chắn sẽ liên quan tới không chỉ các văn bản quy phạm pháp luật về dữ liệu mở, mà còn cả về đảm bảo an toàn và tính riêng tư các thông tin - dữ liệu cá nhân và dữ liệu bí mật quốc gia, cũng như các vấn đề về tính liên ngành - liên lĩnh vực của dữ liệu mở và/hoặc dữ liệu nghiên cứu mở.
Xây dựng chính sách truy cập mở
TNGDM trước hết là tài nguyên truy cập mở được. Vì vậy việc xây dựng chính sách truy cập mở là điều kiện cần thiết để phát triển TNGDM. Không có chính sách truy cập mở ở các cấp quốc gia/bộ/địa phương/cơ sở thì không cơ sở nào, đặc biệt là các cơ sở giáo dục công lập, có khả năng triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển TNGDM được.
Để xây dựng chính sách truy cập mở, đặc biệt là ở mức quốc gia, một lần nữa, cần có sự tham gia của nhiều bên như các cơ quan quản lý nghiên cứu, các cơ quan cấp vốn nghiên cứu, các trường đại học, các nhà xuất bản, các thư viện của các trường đại học và viện nghiên cứu để thảo luận về hiện trạng hệ thống truyền thông nghiên cứu ở Việt Nam và cách thức để dịch chuyển hệ thống đó sang tiếp cận truy cập mở sao cho lợi ích của từng bên có thể là hài hòa ở mức tất cả các bên đều có thể chấp nhận được.
Nếu Việt Nam, vì bất kỳ lý do gì, không thể xây dựng được chính sách truy cập mở ở các mức như được nêu ở trên, đặc biệt ở mức quốc gia, thì nhiều khả năng sẽ không thể thúc đẩy ứng dụng và phát triển TNGDM và cùng với nó, cả dữ liệu mở và khoa học mở.
Cách tiếp cận từ dưới lên
Muốn triển khai TNGDM trong bất kỳ cơ sở nào, đặc biệt là các cơ sở giáo dục công lập, đều thường phải đi qua cơ chế đề tài - dự án để có kinh phí triển khai, trong khi trên thực tế, mô hình triển khai dự án từ trên xuống thường tốn kém và không mang lại hiệu quả mong muốn trong giai đoạn hiện nay. Thay vào đó, nên xây dựng theo cách tiếp cận “từ dưới lên”, trước hết với các dự án thí điểm có mục tiêu hết sức cụ thể, có khả năng giải quyết những khó khăn cơ bản như được nêu trong báo cáo khảo sát TNGDM ở trên, ví dụ như (các) dự án thí điểm triển khai “Sáng kiến:Tạo video truy cập mở - bước khởi đầu thực tế chocác thư viện, các cơ sở đại học và cao đẳng ứngdụng và phát triển các tài nguyên truy cập mở và đượccấp phép mở” với lược đồ tạo và chia sẻ video như ở Hình 1.

Hình 1. Lược đồ tạo và chia sẻ video truy cập mở
Sáng kiến này có khả năng khắc phục được các khó khăn ở trên, vừa tuân thủ các nguyên tắc của nguồn mở và tận dụng được các kho tài nguyên truy cập mở khổng lồ miễn phí trên thế giới, đồng thời, trong giai đoạn đầu, giúp cho các cán bộ thư viện, các thủ thư, các giảng viên tham gia phát triển - tạo lập các tài nguyên truy cập mở hoàn toàn sạch về bản quyền và sở hữu trí tuệ, nhằm từng bước xây dựng kho các tài nguyên truy cập mở và TNGDM. Cách làm này rất cần thiết trong giai đoạn thí điểm trong điều kiện kinh phí hết sức hạn hẹp hiện nay.
Trong quá trình triển khai thí điểm ở các đơn vị được chọn, sẽ tiến hành các khóa huấn luyện huấn luyện viên về các vấn đề liên quan tới ứng dụng và phát triển TNGDM, cả lý thuyết và thực hành, để tạo ra các đội xung kích cho giai đoạn mở rộng tiếp sau. Kết thúc giai đoạn thí điểm sẽ có báo cáo tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các thực hành tốt nhất cho các giai đoạn tiếp sau.
Truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội
Tthật khó để làm việc gì đó ở phạm vi rộng như TNGDM mà lại không có các hoạt động truyền thông của báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đi kèm để tạo ra các thảo luận trao đổi, các phản hồi từ các cộng đồng để nâng cao nhận thức và tiến tới sự đồng thuận của xã hội. Các hoạt động truyền thông này cần được nhúng vào nội dung của các dự án thí điểm như được nêu ở trên.
Kết luận
Bất kỳ sự chuyển đổi nào từ ĐÓNG sang MỞ đều sẽ gặp vô số các trở ngại khó khăn ở Việt Nam, và con đường để hướng tới việc ứng dụng và phát triển TNGDM cũng vậy. Cách để thúc đẩy TNGDM vì thế cần làm từng bước một, chắc chắn, theo đúng các chuẩn mực quốc tế và quan trọng nhất, có sự ủng hộ từ những người đứng đầu ở tất cả mọi cấp, bao gồm cả cấp cao nhất của chính phủ, bằng các chính sách truy cập mở/TNGDM cụ thể, quyết liệt và thiết thực, cùng với sự đồng thuận của cả xã hội, thông qua các con đường giáo dục và truyền thông.
Trên con đường đó, cần có giai đoạn 2-3 năm triển khai thí điểm trong thực tế theo tiếp cận từ dưới lên để nhận diện ra được tất cả các thách thức và có được các bài học thực tế với chi phí thấp nhất có thể, đồng thời xây dựng ra được các nhóm hạt nhân nòng cốt để phục vụ cho việc nhân rộng các thực hành tốt ở các giai đoạn sau.
Các đối tượng chính cần được chọn trong giai đoạn thí điểm nên là các cán bộ thư viện, các thủ thư và các giảng viên/các nhà nghiên cứu với sự trợ giúp của bộ phận công nghệ thông tin ở một số trường đại học nghiên cứu/cao đẳng thực hành được chọn có đủ năng lực triển khai thí điểm TNGDM trải khắp cả nước, cả khu vực nhà nước và tư nhân, đặc biệt trong khối sư phạm (vì khối này được ví như những chiếc máy cái tạo ra những chiếc máy con cho xã hội).
Thí điểm và mở rộng ứng dụng và phát triển TNGDM thành công, sẽ là tiền đề cần thiết và quan trọng để ứng dụng và phát triển dữ liệu mở và khoa học mở trong tương lai ở Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.