Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Thư ngỏ gửi các bạn độc giả nhân dịp Blog có 3,000 tin bài

Các bạn độc giả của Blog thân mến

Nhân kỷ niệm tin bài số 3.000 đã được đăng tải trên blog kể từ khi Blog “Phần mềm tự do nguồn mở cho Việt Nam” được đưa vào hoạt động chính thức ngày 09/06/2007 cho tới nay, xin trân trọng gửi lời cảm ơn tới tất cả các bạn độc giả.

Nhân sự kiện này, để thuận tiện hơn cho các bạn độc giả, tôi muốn liệt kê lại danh sách những tài liệu đã được dịch sang tiếng Việt trong năm 2010 mà các bạn độc giả có thể tải về một cách tự do để tham khảo và sử dụng phù hợp với các mục đích của mình bằng việc nháy vào đường liên kết của từng tài liệu, cả bản dịch sang tiếng Việt cũng như bản gốc bằng tiếng Anh, như sau:

  1. Làm quen với Ubuntu 10.04. Bản gốc tiếng Anh: “Getting Started with Ubuntu 10.04”. Đây là tài liệu hướng dẫn sử dụng phát tán hệ điều hành tự do nguồn mở GNU/Linux Ubuntu phiên bản 10.04 do chính công ty đỡ đầu cho phát tán này là Canonical đã phát hành vào ngày 29/04/2010. Khác với các phiên bản thông thường cứ 6 tháng được đưa ra một lần và chỉ được Canonical hỗ trợ trong vòng 18 tháng, phiên bản Ubuntu 10.04 là phiên bản được hỗ trợ dài hạn LTS (Long Term Support) trong vòng 3 năm và chỉ được Canonical tung ra cứ 2 năm một lần.

  2. Giới thiệu phần mềm tự do (với các phụ lục). Bản gốc tiếng Anh: “Introduction to Free Software”. Đây là tập 1 trong bộ tài liệu 2 tập do Viện Hàn lâm Công nghệ Mở - FTA (Free Technology Academy) phát hành vào năm 2009, được đưa lên Internet vào tháng 01/2010. Đây là tài liệu đang được sử dụng trong chương trình đào tạo “Học tập suốt đời” (Life Long Learning) theo từng module khóa học về phần mềm tự do nguồn mở và chuẩn mở của FTA được tiến hành trực tuyến trên mạng Internet và tại một số trường đại học của Tây Ban Nha, Hà Lan và Nauy, với chứng chỉ cho từng module học của FTA, được cấp cho các đối tượng học viên là các giáo viên và các sinh viên đại học chuyên ngành công nghệ thông tin để họ sau đó đi đào tạo tiếp cho những người sử dụng. Tập 1 của bộ sách này có 2 module là (1) Phần mềm tự do và (2) Các phụ lục. Phiên bản tiếng Việt của tài liệu cũng đã được in thành sách với giấy phép của Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông và hiện có bán với giá 80.000 VNĐ/1 cuốn tại địa chỉ các nhà sách của Công ty Phát hành sách Phương Nam trên toàn quốc như ở đây.

  3. Chỉ dẫn thực tiễn cho việc sử dụng phần mềm tự do trong khu vực nhà nước. Bản gốc tiếng Anh: “A Practical Guide to Using Free Software in the Public Sector”, phiên bản 1.31, được xuất bản vào tháng 06/2010 của tác giả: Thierry Aimé (DGI – Bộ Ngân sách, các Danh khoản Nhà nước và Dịch vụ Dân sự, cộng hòa Pháp), với sự tham gia của: Philippe Aigrain (Sopinspace), Jean-François Boutier (Bộ Sinh thái học, Phát triển bền vững và Kế hoạch không gian), Frédéric Couchet (April), Elise Debies (DGME – Bộ Ngân sách, các Danh khoản Nhà nước và Dịch vụ Dân sự), François Elie (ADULLACT), Jean-Paul Degorce-Duma (DGSIC – Bộ Quốc phòng), Esther Lanaspa (DGME – Bộ Ngân sách, các Danh khoản Nhà nước và Dịch vụ Dân sự), Sylvie Poussines (DAJ – Bộ Kinh tế, Tài chính và Việc làm), Patrice-Emmanuel Schmitz (OSOR.eu). Tài liệu đưa ra những vấn đề cơ bản nhất khi sử dụng phần mềm tự do nguồn mở trong các cơ quan hành chính nhà nước của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu thông qua 23 câu hỏi đáp thường gặp nhất.

  4. Chỉ dẫn mua sắm của nhà nước về phần mềm nguồn mở. Bản gốc tiếng Anh: “Guideline on public procurement of Open Source Software”, được xuất bản vào tháng 03/2010 của các tác giả Rishab Aiyer Ghosh (ghosh@merit.unu.edu) – Đại học Liên hiệp quốc /MERIT; Ruediger Glott – Đại học Liên hiệp quốc /MERIT; Patrice-Emmanuel Schmitz, Abdelkrim Boujraf – Unisys Bỉ theo Hợp đồng đặc biết số 4 (GPOSS) dựa trên hợp đồng khung công việc ENTR/05/066/IDABC/OSOR, theo Chương trình cung cấp tương hợp được các dịch vụ chính phủ điện tử của châu Âu cho các nền hành chính nhà nước, doanh nghiệp và người dân (IDABC). Tài liệu hướng dẫn chi tiết cách thức mua sắm phần mềm tự do nguồn mở trong các cơ quan hành chính nhà nước các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu sao cho tạo ra được một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa phần mềm sở hữu độc quyền và phần mềm tự do nguồn mở, phù hợp với các pháp luật hiện hành của tất cả các quốc gia thành viên và của cả Liên minh châu Âu.

  5. Chính sách của các chính phủ khác. Bản gốc tiếng Anh: “Policy of Other Governments”. Đây là tài liệu từ trang Không gian làm việc Thí điểm về phần mềm nguồn mở của New Zealand, phát hành vào ngày 25/05/2010. Tài liệu đưa ra chính sách về phần mềm tự do nguồn mở của New Zealand và tóm tắt một loạt các chính sách về phần mềm tự do nguồn mở của một số quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Anh, Đan Mạch, Malaysia và Canada. Tài liệu trích dẫn câu nói nổi tiếng của bà Neelie Kros, Ủy viên Hội đồng Cạnh tranh của Liên minh châu Âu: “Khi các lựa chọn thay thế mở sẵn sàng, thì không một công dân hay một công ty nào phải bị ép hoặc khuyến khích sử dụng công nghệ của một công ty cụ thể nào đó để truy cập được tới các thông tin của chính phủ. Không một công dân hay một công ty nào phải bị ép hoặc khuyến khích chọn một công nghệ nào hơn công nghệ nguồn mở, mà chính phủ phải tiến hành lựa chọn đó trước tiên”.

  6. Chỉ dẫn mua sắm của nhà nước về phần mềm nguồn mở. Bản gốc tiếng Anh: “Guideline on public procurement of Open Source Software”. Đây là tài liệu đã được nêu ở mục 4 ở bên trên, nhưng đã được rà soát lại, cập nhật thêm một số nội dung và được xuất bản vào tháng 06/2010.

  7. Khung tương hợp Quốc gia Tây Ban Nha, cũng chính là: Chỉ thị nhà Vua 4/2010, ngày 08/01, qui định Khung Tương hợp Quốc gia trong phạm vi chính phủ điện tử (CPĐT). Bản gốc tiếng Anh: “Spanish National Interoperability Framework, Royal Decree 4/2010, of January 8th, which regulares the National Interoperabiliy Framework within the e-government scope”. Tài liệu đưa ra những chỉ dẫn chi tiết về tính tương hợp, cả về tổ chức - công nghệ - ngữ nghĩa cho việc xây dựng các ứng dụng, dịch vụ chính phủ điện tử tại Tây Ban Nha, phù hợp với những đòi hỏi về tính tương hợp với các ứng dụng, dịch vụ chính phủ điện tử của các quốc gia thành viên khác của Liên minh châu Âu.

  8. Phát triển nhân Linux: Nó nhanh như thế nào, Ai đang làm ra nó, Họ đang làm gì, và Ai đỡ đầu cho nó, Cập nhật tháng 08/2009. Bản gốc tiếng Anh: “Linux Kernel Development: How Fast it is Going, Who is Doing It, What They are Doing, and Who is Sponsoring It, An August 2009 Update”, của Quỹ Linux (Linux Foundation) với các tác giả Greg Kroah-Hartman, phòng thí nghiệm SuSE/công ty Novell Inc.; Jonathan Corbet, LWN.net; Amanda McPherson, Quỹ Linux. Tài liệu đưa ra các thông tin chi tiết liên quan tới việc phát triển nhân Linux từ phiên bản 2.6.11 cho tới phiên bản 2.6.30. Đây là một công việc cộng tác phát triển chưa từng có trong lịch sử phát triển phần mềm trên thế giới từ trước tới nay, chứng minh cho tính ưu việt và vượt trội hơn hẳn so với bất kỳ phần mềm nào được phát triển theo mô hình sở hữu độc quyền.

  9. Các xu thế ứng dụng Linux: Khảo sát những người sử dụng đầu cuối là các doanh nghiệp lớn. Bản gốc tiếng Anh: “Linux Adoption Trends: A Survey of Enterprise End Users”, được Quỹ Linux (Linux Foundation) và Yeoman Technologies hợp tác xuất bản vào tháng 10/2010. Đây là tài liệu khảo sát những người sử dụng Linux đầu cuối của các doanh nghiệp lớn đối với gần 2000 người được hỏi và đã chỉ ra những con số không thể tốt hơn đối với những chuyển đổi để lấy đi thị phần đáng kể của các hệ điều hành Windows và Unix trong các doanh nghiệp hàng đầu thế giới với doanh số hàng năm từ 500 triệu USD trở lên hoặc với 500 nhân viên trở lên, qua đó chỉ ra sự sẵn sàng, đĩnh đạc và chiến thắng tất yếu của GNU/Linux và các phần mềm tự do nguồn mở trong những năm sắp tới.

  10. Bộ phim về lịch sử của phong trào phần mềm tự do nguồn mở, dài 1 giờ 25 phút, có tên là "Revolution OS", với phụ đề tiếng Anh và đã được dịch sang tiếng Việt. Xem thông tin chi tiết để tải về bộ phim cùng các phụ đề ở đây.

Hy vọng những tài liệu đã được dịch sang tiếng Việt ở trên sẽ giúp một phần nhỏ để tham khảo cho việc định hướng chuyển đổi sang phần mềm tự do nguồn mở tại Việt Nam được tự tin hơn, vững chắc hơn, quyết tâm hơn ở cả trong khu vực nhà nước và tư nhân, đặc biệt là trong khu vực giáo dục của Việt Nam để nền công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đi theo được với xu thế tất yếu của thế giới và phát triển bền vững; hướng tới giá trị gia tăng cao chứ không chỉ đơn thuần là doanh số; hướng tới tự chủ công nghệ với sự hiểu biết và làm chủ được mã nguồn, chứ không chỉ phó mặc và phụ thuộc vào các nhà sản xuất, các nhà cung cấp nước ngoài; tạo ra nhiều sản phẩm trí tuệ chứ không chỉ “mua đầu chợ, bán cuối chợ”.

Chúc các bạn độc giả mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Blogger: Lê Trung Nghĩa

letrungnghia.foss@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.