Ngày 16/12/2009 là một ngày quan trọng đối với hơn 100 triệu người sử dụng Internet của Liên minh châu Âu (EU), khi mà vụ kiện chống độc quyền kéo dài 10 năm giữa Ủy ban châu Âu (EC) và Microsoft đối với trình duyệt Microsoft Internet Explorer (MS IE) đã tạm thời khép lại.
Phán quyết của EC đối với vụ kiện này là từ tháng 03/2010, người sử dụng châu Âu có khả năng chọn cài 1 trong số 12 trình duyệt web mà mình yêu thích khi chạy trên Windows, như Mozilla Firefox, Google Chrome, Apple Safari, Opera hay những trình duyệt khác, chứ không nhất thiết phải cải MS IE.
Điều quan trọng hơn là bằng sức ép từ phía EC, Microsoft phải đưa ra những lời hứa, những cam kết về tính tương hợp cho một loạt các sản phẩm khác của hãng như Windows, Windows Server, Office, Exchange Server và SharePoint khi làm việc với các sản phẩm cùng loại của các nhà cung cấp khác trong các hệ thống thông tin.
Điều này giúp khẳng định cho những người Việt Nam chúng ta thấy rõ ràng rằng tính tương hợp của các sản phẩm nêu trên của Microsoft với những sản phẩm tương ứng của các hãng khác, ví dụ như của cộng đồng phần mềm tự do nguồn mở là chưa từng có cho tới ngày hôm nay, điều mà một số người tại Việt Nam bấy lâu nay vẫn lầm tưởng khi tin vào những quảng cáo và marketing từ phía Microsoft.
Theo phán quyết này thì trong vòng 6 tháng, và sau đó là hàng năm, Microsoft sẽ phải báo cáo cho EC về việc thực hiện những cam kết về tính tương hợp của hãng.
Nói là vụ kiện tạm thời khép lại vì EC hoàn toàn có khả năng quay lại vụ kiện này một khi Microsoft không tuân thủ những cam kết của hãng, như lời của Ủy viên hội đồng EC về cạnh tranh, bà Neelie Kroes, rằng EC sẽ cẩn trọng theo dõi ảnh hưởng của những đề xuất từ Microsoft lên thị trường và đưa ra những phát hiện của mình vào việc định giá chống độc quyền về tính tương hợp.
Điều kỳ lạ là trong khi người dân châu Âu quyết tâm hướng tới tính tương hợp để có được sự tự do lựa chọn trình duyệt web và các sản phẩm công nghệ thông tin khác mà họ thấy có được nhiều lợi ích khi sử dụng, thì tại Việt Nam, một số nơi lại đang làm điều ngược lại, bằng cách 'ép' người sử dụng vào những sản phẩm của (các) nhà cung cấp độc quyền. Ví dụ điển hình gây xôn xao trên diễn đàn những người sử dụng GNU/Linux vừa qua là việc một số ngân hàng của Việt Nam có những website thông tin và cung cấp các dịch vụ trực tuyến của mình lại chỉ có khả năng phục vụ cho những khách hàng nào mà sử dụng trình duyệt web sở hữu độc quyền MS IE, gây khó chịu và bất bình cho không ít các khách hàng, khi mà họ có những lựa chọn sử dụng các trình duyệt web khác, ví dụ như Mozilla Firefox chẳng hạn. Có thể những ngân hàng này còn chưa ý thức được rằng họ cũng chính là nạn nhân của sự khóa trói vào nhà cung cấp và đang gây thiệt hại cho chính họ, khi mà bất kỳ công việc kinh doanh thông thường nào, với ưu tiên trên hết là lợi nhận, chỉ có thể đạt được khi khách hàng thực sự là 'thượng đế'.
Hy vọng các ngân hàng của Việt Nam cũng sẽ nhanh chóng tìm được cách tự thoát khỏi sự khóa trói vào nhà cung cấp vì lợi ích của các khách hàng và của chính mình.
Trần Lê
PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống, số tháng 02/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.