Đã có một thời,
mọi người coi việc Microsoft thực sự đi theo nguồn mở,
thừa nhận mô hình phát triển và mô hình kinh doanh của
nguồn mở, như việc “con
lợn biết bay” vậy.
Sở dĩ có chuyện như
vậy, là xuất phát từ bản chất mô hình phát triển và
mô hình kinh doanh phần mềm nguồn đóng sở hữu độc
quyền, cũng như cách thức mà Microsoft muốn tìm mọi cách
để hủy diệt sự tồn tại của thế giới phần mềm
tự do nguồn mở (PMTDNM) trong một thời gian dài hơn chục
năm của hãng, nhằm bảo vệ sự độc quyền của hãng
về phần mềm, đặc biệt với các sản phẩm như hệ
điều hành Microsoft Windows và bộ phần mềm các ứng dụng
văn phòng Microsoft Office, 2 chiếc máy in tiền của
Microsoft cũng trong quãng thời gian nói trên.
Đã trở thành nổi
tiếng với những
tuyên bố bất hủ một thời của các lãnh đạo cao cấp
của Microsoft về quan điểm không đội trời chung của
họ đối với thế giới PMTDNM như:
- Tháng 05/2001, Craig Mundie, Phó chủ tịch cao cấp của Microsoft, nói [giấy phép nguồn mở] GPL đặt ra một mối đe doạ cho sở hữu trí tuệ của bất kỳ tổ chức nào mà sử dụng nó.
- Tháng 06/2001, Giám đốc điều hành Steve Ballmer, người còn cao cấp hơn Mundie, gọi Linux là “bệnh ung thư mà nó gắn bản thân nó vào trong ý thức sở hữu trí tuệ tới bất kỳ thứ gì nó động tới”. Và ông ta đã khẳng định “Đó là cách mà giấy phép này (GPL) làm việc”.
- Tháng 05/2002, Chủ tịch Bill Gates của Microsoft đánh đồng GPL với chủ nghĩa chống tư bản tại một Hội nghị các Lãnh đạo các Chính phủ tại Seattle, Mỹ.
- Và nhiều hành động cụ thể khác mà không thể nêu hết được trong phạm vi của một bài báo.
Nhưng nay thời thế
đã thay đổi, khi tương lai của nền công nghiệp công
nghệ thông tin thế giới nói chung, phần mềm nói riêng
đang phụ thuộc hầu hết vào thế giới PMTDNM, với các
sản phẩm và công nghệ mới như các thiết bị di động,
các máy tính bảng, công nghệ mạng xã hội, công nghệ
điện toán đám mây và nhất là những thành phần tạo
nên các công nghệ mới, được gọi là “Công
nghệ Mở” (Open Technology), với các hãng mà nói ra
thì hầu như ai cũng biết, ai cũng đang sử dụng các sản
phẩm công nghệ mở của họ như Google, Amazon, Facebook,
Twitter, Yahoo …
Và
Microsoft, để tự cứu mình, cũng khó có thể làm khác.
- Từ tháng 07/2009 – Microsoft đã từng đệ trình mã nguồn của trình điều khiển thiết bị để đưa vào nhân Linux, phục vụ cho công nghệ ảo hóa Hyper-V của hãng, theo một giấy phép GPLv2. Tại thời điểm đó, Microsoft, như một cậu học trò mới tập tễnh vào “nghề nguồn mở”, đã vi phạm các điều khoản của giấy phép này. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của Quỹ Linux năm 2012, Microsoft đã trở thành hãng đứng thứ 19 trong số các công ty đóng góp nhiều mã nguồn nhất cho dự án nhân Linux, với 688 thay đổi tương đương với 1% sự thay đổi của nhân Linux, chủ yếu là để phục vụ cho công nghệ ảo hóa Hyper-V nêu trên. Điều đáng nói là, bản thân nhân Linux mang giấy phép GPLv2, thứ mà cả Bill Gates và Steve Ballmer từng căm ghét một thời như vừa nêu ở trên.
- Điều gây ngạc nhiên hơn là vào ngày thứ sáu, 13/04/2012, Microsoft đã thành lập một công ty con, có tên là “Microsoft Open Technologies” (Công nghệ Mở của Microsoft) mà, theo như lời của Giám đốc điều hành Jean Paoli của Microsoft, thì mục đích của nó là để làm việc với các dự án nguồn mở. Jean Paoli đã nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng công ty con này sẽ cung cấp một cách mới trong việc tham gia với các cộng đồng nguồn mở theo một cách thức được xác định rõ ràng hơn”, và bổ sung. “... với mục đích để công việc bên ngoài môi trường thông thường của Microsoft sẽ cho phép công ty con này làm việc nhanh hơn nhiều trong và với các công nghệ nguồn mở. Công việc này sau đó sẽ chui ngược vào Microsoft”.
Sự
kiện này đã thổi bùng cơn mưa các bài bình luận trên
Internet về mối quan hệ giữa Microsoft và thế giới nguồn
mở. Nhiều ý kiến khen ngợi Microsoft thức thời, nhiều
ý kiến cho rằng Microsoft đang chỉ lợi dụng nguồn mở
và chỉ như những công dân hạng 2 trong thế giới nguồn
mở, mà để trở thành công dân hạng nhất trong cái thế
giới đó, Microsoft còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa
để có được lòng tin của thế giới đó, như việc mở
mã nguồn của hệ điều hành Microsoft Windows, bộ phần
mềm văn phòng Microsoft Office và chấm dứt việc đe dọa,
kiện
tụng các công ty công nghệ khác vi phạm các bằng sáng
chế phần mềm,
thứ mà cả thế giới PMTDNM đang đấu tranh chống lại
vì cho rằng các bằng sáng chế phần mềm đó cản trở
sự đổi mới sáng tạo và cạnh tranh bình đẳng.
Dù
chỉ có thời gian mới có thể cho chúng ta biết rõ “Công
nghệ Mở của Microsoft” là như thế nào, có giống như
“Công
nghệ mở” được thế giới thừa nhận
hay không, thì với sự kiện này, chúng ta cũng có thể
khẳng định một điều quan trọng vào lúc này:
Biểu
dương Microsoft, Nguồn Mở đã chiến thắng!!!
Trần
Lê
Bài đăng trên tạp
chí Tin học & Đời sống, số tháng 05/2012, trang 63.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.