Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

Đổi mới sáng tạo Mở và vài gợi ý

(Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng số 07 năm 2019, ra ngày 05/04, trang 19-22. Phiên bản điện tử của Tia Sáng trên trực tuyến đăng ngày 22/04/2019 tại địa chỉ: http://www.tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Doi-moi-sang-tao-mo-va-vai-goi-y-15309)
Đổi mới sáng tạo Mở/Cách tân Mở/Đổi mới Mở - OI (Open Innovation) là khái niệm phức tạp, hiện vẫn đang tiếp tục tiến hóa. Tại Việt Nam hiện nay, OI là một khái niệm hoàn toàn mới. Vì bản chất phức tạp và đang tiến hóa đó của nó, bài viết này có mong muốn giới thiệu, làm quen với những phạm trù chính, cơ bản và đưa ra những gợi ý ban đầu, chủ yếu nhằm nâng cao nhận thức cho các tác nhân có liên quan như khu vực nhà nước, các công ty, các viện/trường/đại học/tổ chức nghiên cứu .v.v. và công chúng nói chung về OI trên cơ sở một số tài liệu tham chiếu tới cả lý thuyết và thực hành của những công ty tiên phong trên thế giới về lĩnh vực mới mẻ này.


A. Định nghĩa và khái niệm
Trước khi đưa ra định nghĩa và “Đổi mới sáng tạo Mở”, có lẽ cũng cần nhắc lại khái niệm “Đổi mới sáng tạo”, có thể được nêu như sau:
Đổi mới sáng tạo là quy trình biến một ý tưởng hoặc phát minh thành hàng hóa hoặc dịch vụ tạo ra giá trị hoặc các khách hàng sẽ trả tiền cho hàng hóa/dịch vụ đó.
Cũng như với nhiều khái niệm khác, khái niệm “Đổi mới sáng tạo Mở” - OI (Open Innovation) cũng có nhiều định nghĩa khác nhau trong quá trình tự tiến hóa. Nổi bật trong số chúng được GS. Henry Chesbrough, khi đó là trợ lý giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard ở Boston, diễn giải lần đầu vào năm 2003 trong tác phẩm của ông ‘Kỷ nguyên của Đổi mới sáng tạo Mở[1]’ như sau:
Các công ty đang ngày càng suy nghĩ lại các cách thức ở đó họ tạo ra các ý tưởng và mang nó tới thị trường - khai thác các ý tưởng bên ngoài trong khi tận dụng nghiên cứu và phát triển trong nội bộ của họ ở bên ngoài các hoạt động hiện hành của họ.
Nói một cách khác, “Đổi mới sáng tạo Mở” là khái niệm kinh doanh khuyến khích các công ty giành được các nguồn đổi mới sáng tạo (ĐMST) từ bên ngoài để cải thiện các dòng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và rút ngắn thời gian cần thiết để mang các sản phẩm tới thị trường, và thương mại hóa hoặc phát hành kết quả ĐMST được phát triển trong nội bộ mà chưa phù hợp với mô hình kinh doanh của công ty nhưng có thể được sử dụng ở đâu đó hiệu quả.
B. Đổi mới sáng tạo Mở hiện diện ngày càng nhiều - ví dụ điển hình tại châu Âu
Nhiều bài báo, tài liệu dẫn chiếu cho thấy ngày càng nhiều công ty ở mọi quy mô, lĩnh vực khác nhau đã và đang tiếp cận OI nhằm mục đích giành ưu thế cạnh tranh và kiếm tìm lợi nhuận từ công nghệ. Từ các tập đoàn lớn như Xerox, IBM, Lucent Technologies[2], General Motor, Facebook, Samsung, Apple, .v.v. đến các chương trình có tác động xã hội sâu rộng như dự án gene Hợp nhất (cho phép nhiều nhà khoa học khắp nơi trên thế giới nghiên cứu trên một cơ sở dữ liệu mở về gene người), sắp hình Lego[3] (người chơi tự thiết kế các bộ xếp hình riêng và tải lên website của Lego, bộ nào được nhiều người hưởng ứng nhất sẽ được sản xuất hàng loạt) .v.v.
Có thể thấy, các thực hành OI bắt nguồn bên trong các hãng lớn, và bây giờ đã lan truyền tới các chính phủ và các tổ chức khu vực xã hội[4]. Nổi bật nhất về triển khai tiếp cận OI trong khu vực chính phủ không thể không nhắc tới ‘Đổi mới sáng tạo Mở, Khoa học Mở và Mở ra với Thế giới - Tầm nhìn cho châu Âu[5]’ của Liên minh châu Âu (EU), vì nó giới thiệu OI trong phạm vi vài chục quốc gia châu Âu có tầm phát triển và là đối tác của hàng trăm quốc gia khác trên thế giới. EU coi:
Đổi mới sáng tạo Mở là mở ra quy trình Đổi mới sáng tạo cho tất cả các tay chơi tích cực sao cho tri thức có thể lưu thông tự do hơn và được biến đổi thành các sản phẩm và dịch vụ tạo ra các thị trường mới, nuôi dưỡng văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ hơn.
Khái niệm Đổi mới sáng tạo Mở đang liên tục tiến hóa và đang dịch chuyển từ các giao dịch tuyến tính, hai chiều và các cộng tác để hướng tới các hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo năng động, có kết nối mạng, cộng tác đa chiều;
Mục đích của bài viết để làm quen với những điều cơ bản của khái niệm OI vẫn còn đang tiến hóa đối với mọi tác nhân trong xã hội tham gia trong hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở. Dưới đây sẽ nêu một vài điểm nổi bật từ tài liệu trên của Ủy ban châu Âu (EC):
Các nguyên tắc tương phản giữa Đổi mới sáng tạo Mở và Đóng
Hình 1. Sự tương phản các nguyên tắc của Cách tân Mở và Đóng
Hình 1 cho thấy EU/EC coi ĐMST ‘có thể không còn được xem như là kết quả của các hoạt động ĐMST được xác định trước và biệt lập, mà thay vào đó như là kết quả đầu ra của một quy trình đồng sáng tạo phức tạp có liên quan tới các dòng chảy tri thức xuyên khắp toàn bộ môi trường kinh tế và xã hội. Việc cùng sáng tạo này diễn ra ở các phần khác nhau của hệ sinh thái ĐMST và đòi hỏi trao đổi tri thức và các năng lực hấp thụ từ tất cả các tác nhân tham gia, bất kể là các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở tài chính, các nhà chức trách nhà nước hay công dân’. Từ nhận thức này, EU/EC đã đưa ra các cơ chế của Đổi mới sáng tạo Mở như Hình 2 bên dưới.
Hình 2. Các cơ chế của Cách tân Mở
Hai yếu tố chính là trụ cột cho khái niệm OI gần đây nhất khi giới hàn lâm đưa ra khái niệm Đổi mới sáng tạo Mở 2.0 gồm:
  • Người sử dụng nằm ở vị thế nổi bật: Phát minh trở thành một ĐMST chỉ nếu những người sử dụng trở thành một phần của quy trình tạo lập giá trị (xem Hình 3).
  • Tạo lập hệ sinh thái vận hành tốt, cho phép đồng sáng tạo trở thành động lực cơ bản của OI. Trong hệ sinh thái này các bên tham gia đóng góp sẽ cộng tác xuyên suốt các chuỗi giá trị đặc thù của từng lĩnh vực và nền công nghiệp để cùng tạo ra giải pháp cho các thách thức kinh tế - xã hội và kinh doanh.
Hình 3. Từ chuyển giao tri thức tới Cách tân Mở 2.0
Đổi mới sáng tạo Mở của Ủy ban châu Âu đặc trưng bởi:
  • Kết hợp sức mạnh các ý tưởng và tri thức từ các tác nhân khác nhau (bất kể là tư nhân, nhà nước hay xã hội dân sự/bên thứ 3) để đồng sáng tạo ra các sản phẩm mới và tìm kiếm các giải pháp cho các nhu cầu của xã hội;
  • Tạo dựng nền kinh tế chia sẻ và giá trị xã hội, bao gồm tiếp cận của các công dân và lấy người sử dụng làm trung tâm;
  • Thương mại hóa dựa vào các tác động của các xu thế như số hóa, tham gia cộng tác của đại chúng;
Yếu tố quan trọng cần nhớ khi thảo luận về Đổi mới sáng tạo Mở là nó không thể được định nghĩa theo các khái niệm chính xác tuyệt đối. Tốt hơn, hãy hình dung khái niệm này như một điểm trong chuỗi liên tục, rằng ĐMST có dải các hoạt động phụ thuộc vào những giai đoạn khác nhau - từ nghiên cứu, phát triển, tới thương mại hóa sản phẩm - trong đó có những khâu mà vài hoạt động này là mở hơn so với các hoạt động khác.
Xây dựng hệ sinh thái cho Đổi mới sáng tạo Mở:
EU/EC xây dựng chính sách dựa vào 3 trụ cột hành động gồm: (1) Cải cách môi trường pháp lý; (2) Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo; và (3) Tối đa hóa các tác động;
Hình 4. Vai trò của các tác nhân trong hệ sinh thái Cách tân Mở của EU/EC
  • Đổi mới sáng tạo Mở kết nối với Khoa học Mở và Mở ra với Thế giới. Như Henry Chesbrough[6] nêu năm 2015, việc ưu tiên cho Khoa học Mở không lập tức đảm bảo các kết quả nghiên cứu và tri thức khoa học sẽ được thương mại hóa hoặc biến đổi thành giá trị kinh tế - xã hội. Để có được điều đó, phải có Đổi mới sáng tạo Mở giúp kết nối, khai thác các kết quả từ nghiên cứu Khoa học Mở thành ứng dụng và đẩy nhanh quá trình đó ra thị trường.
  • Triển khai đồng thời “3 Mở” gồm: Đổi mới sáng tạo Mở, Khoa học Mở và Mở ra với Thế giới. EU/EC hiện đang đi theo tiếp cận triển khai cùng lúc cả 3 công việc MỞ này với hy vọng đưa tri thức mới ra thị trường nhanh nhất và được nhiều lợi ích nhất.
C. Quan hệ giữa Đổi mới sáng tạo Mở với phần mềm nguồn mở
Từ những ví dụ Đổi mới sáng tạo Mở của các tập đoàn lớn và những điểm nổi bật trong hướng dẫn Đổi mới sáng tạo Mở của EU/EC cho thấy: dù khái niệm OI được cho là do Henry Chesbrough lần đầu đưa ra vào năm 2003, nhưng một số vấn đề được nêu ở đây có nguồn gốc từ phong trào phần mềm tự do (Free Software) và phần mềm nguồn mở - OSS (Open Source Software) những năm 1980-1990 của thế kỷ trước, khi bản chất của mô hình phát triển những phần mềm này dựa vào sự tham gia của cộng đồng - không chỉ từ các lập trình viên phần mềm trong nội bộ một công ty, mà còn cả từ các tác nhân bên ngoài công ty như người sử dụng trên toàn cầu, khu vực nhà nước, khu vực tư nhân, các trường đại học và cộng đồng lập trình viên.
Hình 5. Mô hình phát triển của một dự án phần mềm nguồn mở điển hình[7]
Hình 5 cho thấy cả cộng đồng các lập trình viên (gồm cả các lập trình viên bên ngoài một công ty) và cộng đồng những người sử dụng đều tham gia vào các bước phát triển phần mềm của một dự án phần mềm nguồn mở.
Hình 6. Mô hình cộng đồng dự án phần mềm tự do nguồn mở[8]
Hình 6 cho thấy, đơn vị tham gia phát triển một dự án phần mềm tự do nguồn mở sẽ làm việc cộng tác trong cộng đồng, bao gồm các lập trình viên và những người sử dụng, cả bên trong và bên ngoài đơn vị đó để xây dựng phần mềm chung cho cả cộng đồng đó trên phạm vi toàn cầu.
Đáng để lưu ý, mô hình phát triển hợp tác của những phần mềm tự do nguồn mở cùng với những đặc thù khác như việc ngược lên dòng trên[9] để chuyển các mã nguồn được các cá nhân/đơn vị ở các vị trí khác nhau về kho mã nguồn của dự án gốc rồi sau đó chia sẻ tự do cho bất kỳ ai truy cập là lý do dẫn tới các mô hình liên quan khác của nó, ví dụ mô hình cấp phép mở, mô hình xây dựng và quản lý cộng đồng dự án, vấn đề bản quyền và sở hữu tài sản trí tuệ, và đặc biệt mô hình kinh doanh mới. Tất cả hệ thống này đều khác biệt hoặc mới lạ so với thế giới phần mềm nguồn đóng thuần túy.
Hình 7. Hệ sinh thái của phần mềm nguồn mở với các tác nhân khác nhau[10]
Hình 7 cho thấy hình ảnh hệ sinh thái của phần mềm nguồn mở được phản ánh gần tương tự với hình ảnh hệ sinh thái của Đổi mới sáng tạo Mở, với nhiều bên tham gia đóng góp và có vai trò tương ứng khác nhau.
Bản thân Henry Chesbrough cũng cho rằng với sự xuất hiện của Internet và Web, các chuẩn mực hành vi của khoa học đã được diễn giải dựa trên các cơ sở mới, thậm chí một lần nữa tạo ra lượng tri thức lớn hơn và khuếch tán nhanh hơn[11]. Một ví dụ cụ thể là phần mềm nguồn mở. Ông viết:
Phần mềm nguồn mở là phương pháp phát triển phần mềm ở đó kho mã nguồn là mở để tất cả những người tham gia soi xét. Điều này xúc tác cho phần mềm đó lan truyền nhanh tới những người khác, và cũng cho phép các thủ tục chung trong phần mềm đó được áp dụng nhanh chóng trong các ngữ cảnh khác. Cùng lúc, mã này được vô số các lập trình viên và các kiểm thử viên độc lập kiểm thử, bằng cách đó phần “các lỗi” phần mềm nhanh chóng được dò tìm ra và sau đó được sửa. Theo châm ngôn nổi tiếng của Richard Stallman, “Với đủ các cặp mắt soi vào, tất cả các lỗi sẽ cạn” (With enough eyes, all bugs are shallow). Điều này cho phép phần mềm nguồn mở sản xuất mã chất lượng cao và tin cậy’.


D. Vài gợi ý cho Việt Nam
Một vấn đề nóng bỏng, mới mẻ và phức tạp và khó như Đổi mới sáng tạo Mở sẽ rất cần yếu tố ĐMST ở tất cả các bên tham gia như đã được mô tả phía trên.
Bất kỳ ai, đặc biệt là giới hàn lâm và các công ty đều có thể học hỏi được cả về lý thuyết cũng như những bài học thực tế như được giới thiệu ở trên trong các cuốn sách của GS. Henry Chesbrough. Nội dung của một trong các cuốn sách đó cũng đã được tác giả biên soạn và Nhà in Trường Kinh doanh Harvard[12] xuất bản thành các bài giảng cho khóa học về Đổi mới sáng tạo Mở với nhiều nội dung như: (1) Quản lý Cách tân; (2) Phát triển sản phẩm mới; (3) Thiết kế kỹ thuật công nghiệp; (4) Quản lý chung; (5) Tinh thần khởi nghiệp của tập đoàn; và (6) Quản lý sở hữu trí tuệ;
Vì Đổi mới sáng tạo Mở có những nội dung với nguồn gốc từ phong trào phần mềm tự do và phần mềm nguồn mở, ngụ ý rằng bất kỳ ai đều có thể tìm kiếm hiểu biết về mô hình của thế giới nguồn mở để phục vụ cho Đổi mới sáng tạo Mở, tránh đi theo kiểu ‘Tráng qua hàng mở’ - Open Washing[13] (nói mở nhưng thực tế không mở gì cả hoặc không đáp ứng được các tiêu chí của mở), như thường thấy ở Việt Nam hiện nay[14].
Một lần nữa, có lẽ trách nhiệm Đổi mới sáng tạo hướng tới Đổi mới sáng tạo Mở, trước hết, lại đặt lên vai giáo dục Việt Nam, bất kể ở cấp học nào.


Các tham chiếu
[2] Henry W. Chesbrough: Open Innovation: The New Imperative for Creating and Profiting from Technology, Harvard Business School Publishing Corporation, 2003: https://www.academia.edu/2485514/Open_innovation_The_new_imperative_for_creating_and_profiting_from_technology
[3] Merit Morikawa: 16 Examples of Open Innovation – What Can We Learn From Them?: https://www.viima.com/blog/16-examples-of-open-innovation-what-can-we-learn-from-them
[4] Lê Trung Nghĩa biên dịch: Cách tân Mở là gì?: https://vnfoss.blogspot.com/2019/03/cach-tan-mo-la-gi.html
[5] Lê Trung Nghĩa biên dịch: Cách tân Mở, Khoa học Mở và Mở ra với Thế giới - Tầm nhìn cho châu Âu, Ban Tổng Giám đốc về Nghiên cứu và Cách tân của Ủy ban châu Âu xuất bản năm 2016: https://www.dropbox.com/s/gi98xejxxmc6wy1/Openinnovation_Vi-15032019.pdf?dl=0
[6] H. Chesbrough, From Open Science to Open Innovation, Science, Business Publishing 2015 https://www.fosteropenscience.eu/sites/default/files/pdf/1798.pdf
[7] Lê Trung Nghĩa biên dịch và tùy biến hình ảnh từ: Hiểu biết về mô hình phát triển nguồn mở, Quỹ Linux, tháng 11/2011: https://www.dropbox.com/s/3s6dbuatgqnmsl6/lf_os_devel_model-Vi-31012012.pdf?dl=0, trang 4.
[8] Lê Trung Nghĩa biên dịch và tùy biến hình ảnh từ: Các dạng cộng đồng, của Simon Phipps: https://vnfoss.blogspot.com/2011/10/cac-dang-cong-ong.html
[9] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2014: Ngược lên dòng trên: Tăng cường cho sự phát triển nguồn mở. Quỹ Linux. Tháng 01/2012: https://www.dropbox.com/s/ao6fprcmn3uzexx/lf_upstreaming_os_dev-Vi-31012012.pdf?dl=0
[10] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2012: Báo cáo tình hình Quốc tế về phần mềm nguồn mở năm 2010, CENATIC xuất bản 2010: https://www.dropbox.com/s/x64y77wm948fygz/Report%20on%20the%20International%20Status%20of%20OSS%202010%20-%20Vi.pdf?dl=0, tr. 91
[11] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Từ Khoa học Mở tới Cách tân Mở, GS. Henry Chesbrough, ESADE, 2015: https://www.dropbox.com/s/2e7hzrrvqu81wna/1798_Vi-28032019.pdf?dl=0
[12] Henry Chesbrough: Open Innovation: The New Imperative for Creating and Profiting from Technology, Harvard Business School Press: https://s3.amazonaws.com/he-product-images/docs/chesbrough_formatted.pdf
[13] Lê Trung Nghĩa biên dịch, 2018: Tráng qua hàng mở dữ liệu, Andy Dickinson, 10/10/2016: https://vnfoss.blogspot.com/2019/01/trang-qua-hang-mo-du-lieu_9.html
[14] Lê Trung Nghĩa, 2018: Nhận diện các đề tài - dự án “MỞ” từ kinh phí của nhà nước, Tạp chí Tia Sáng trực tuyến, 22/01/2018: http://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Nhan-dien-cac-de-tai--du-an-%E2%80%9CMO%E2%80%9D--tu-kinh-phi-cua-nha-nuoc-11161


Giấy phép nội dung: CC BY 4.0 Quốc tế.
Lê Trung Nghĩa


PS: Tải về tự do bài viết ở định dạng PDF ở địa chỉ:




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.