Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Triển khai SharePoint vs. chính sách về PMNM

Có một thực tế đáng lo ngại hiện nay, rằng nhiều tỉnh, thành phố và bộ, ngành đã, đang và chuẩn bị triển khai các cổng thông tin điện tử của mình theo công nghệ nền tảng SharePoint của hãng Microsoft, mà việc triển khai này có khả năng dẫn tới việc đi ngược lại các nội dung của một số chính sách về triển khai ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) của Chính phủ.

Một số chính sách hiện hành

Chỉ thị số 07/2008/CT-BTTTT, ngày 30/12/2008 về “Đẩy mạnh sử dụng PMNM trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước” là một bước cụ thể hóa Quyết định số 235/2004/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án tổng thể về Ứng dụng và phát triển PMNM ở Việt Nam giai đoạn 2004-2008 trên cơ sở Danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng và tổ chức tập huấn các phần mềm này do Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng. Về thời hạn để thực hiện xong việc chuyển đổi này, chỉ thị 07 ghi: “Có kế hoạch để từng bước nâng dần số văn bản, tài liệu, thông tin trao đổi trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành, tỉnh, thành phố được soạn thảo, xử lý bằng các phần mềm nêu trên; đảm bảo đến ngày 31/12/2010 hầu hết cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành, tỉnh, thành phố sử dụng các phần mềm nêu trên trong công việc”.

Tiếp đến, ngày 03/04/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 50/2009/QĐ-TTg, Ban hành “Qui chế quản lý Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam”. Trong các nội dung thuộc chương trình được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (trong Danh mục đi kèm quyết định) có phần “Thúc đẩy phát triển phần mềm mã nguồn mở” với 4 đầu mục công việc gồm: (1) Hoàn chỉnh, bản địa hóa, Việt hóa một số sản phẩm PMNM; (2) Hỗ trợ chuyển đổi sử dụng từ phần mềm nguồn đóng sang PMNM; (3) Hỗ trợ đào tạo; biên soạn, phát hành các tài liệu; tổ chức hội thảo, hội nghị nâng cao nhận thức về PMNM; (4) Hỗ trợ đánh giá PMNM đáp ứng được yêu cầu để khuyến cáo sử dụng.

Có thể nói rằng quyết định 50/2009/QĐ-TTg, về mặt chính sách, mở đường cho việc thực hiện các chuyển đổi theo tinh thần của thông tư 07/2008/CT-BTTTT sang ứng dụng một số PMNM được khuyến cáo có thể thực hiện được tốt và theo đúng được thời hạn đã đề ra.

Các cách để triển khai được SharePoint và những ảnh hưởng của nó

Theo những trao đổi thảo luận của các chuyên gia hàng đầu về công nghệ SharePoint trên diễn đàn ICT-VN thời gian vừa qua, thì có 2 cách để triển khai được SharePoint.

  1. Cách triển khai thứ nhất là sử dụng công nghệ môi trường ảo hóa ở phía các máy chủ, như kiểu “điện toán đám mây”, một công nghệ rất mới, có khả năng mang lại sự tiết kiệm và hiệu quả cho người sử dụng mà bản chất của giải pháp này là mọi phần mềm đều được xây dựng thành các dịch vụ (SaaS) và đều được đặt ở phía các máy chủ. Bằng cách này, người sử dụng ở phía các máy trạm có thể chạy bất kỳ hệ điều hành nào, dù có toàn là các hệ điều hành tự do nguồn mở GNU/Linux như Ubuntu, Asianux hay Fedora, và cũng chẳng cần phải cài đặt hay sử dụng tới bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office trên các máy trạm đó, thì cũng vẫn không sao, vẫn sử dụng được SharePoint như thường, miễn là có một trình duyệt web ở phía các máy trạm là được.

  2. Cách triển khai thứ hai là bằng các biện pháp thông thường, không sử dụng công nghệ môi trường ảo hóa dạng “điện toán đám mây”. Theo cách này, người sử dụng ở phía các máy trạm phải sử dụng hệ điều hành Microsoft Windows và cả bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office nữa, thì mới có thể phát huy hết được tác dụng đối với các chức năng của SharePoint. Nếu sử dụng khác đi, ví dụ như thay vì Microsoft Office mà sử dụng OpenOffice.org, thì một số tính năng của SharePoint sẽ không phát huy hết tác dụng. Như vậy chắc chẳng ai muốn phải bỏ tiền ra mua cả giải pháp mà lại phải chịu sử dụng bị hạn chế về chức năng. Tệ hơn nữa, nếu theo cách này thì các máy tính trạm của người sử dụng không có cách nào để chuyển đổi từ hệ điều hành Microsoft Windows sang một hệ điều hành là phần mềm tự do nguồn mở bất kỳ nào, như GNU/Linux Ubuntu, Asianux, Fedora... Đơn giản là vì không có hệ điều hành Microsoft Windows trong trường hợp này, SharePoint sẽ hoàn toàn không hoạt động được. Đây là một sự khóa trói hoàn toàn người sử dụng vào với hàng loạt các sản phẩm của Microsoft ở cả máy chủ lẫn máy trạm như SharePoint, Windows, Office...

Công nghệ ảo hóa dạng “máy tính đám mây”, như cách đầu tiên, là quá sớm để triển khai hiện nay. Có những thông tin trên Internet liên quan tới công nghệ này, rằng người sử dụng có thể bị khóa trói vào các đám mây dựa trên các phần mềm nguồn đóng; rằng cách tốt nhất là chọn cho mình “đám mây nguồn mở”; rằng người sử dụng có thể bị mất dữ liệu như với trường hợp đối với Sidekick của Microsoft; rằng an ninh - tính riêng tư - và các tiêu chuẩn cho các dữ liệu để trên các “đám mây” là chưa chín muồi và chưa được đảm bảo; rằng cho dù có dùng đám mây nguồn mở, mà máy trạm sử dụng Windows thì an ninh cũng chẳng còn được mấy...

Việc triển khai SharePoint theo cách thứ nhất vào lúc này hầu như là không khả thi, còn việc triển khai theo cách thứ 2, dù có thể là khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng chắc chắn việc triển khai này sẽ đi ngược lại hoàn toàn những nội dung có liên quan tới việc chuyển đổi từ bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office sang OpenOffice.org đã được nêu lên trong chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT mà quyết định số 50/2009/QĐ-TTg đã được ra đời để hỗ trợ cho việc chuyển đổi này.

Cảnh báo về sự khóa trói và mất an ninh hệ thống thông tin

Lần trước, khi chính phủ quyết định mua bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office, một số chuyên gia CNTT đã cảnh báo rằng lẽ ra chính phủ đã có thể có cách tiếp cận tốt hơn, để có thể giảm được nhiều hơn tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm và các cơ quan nhà nước, người sử dụng ít bị phụ thuộc hơn vào các sản phẩm của chỉ một nhà cung cấp.

Lần này, với việc tập trung vào nền tảng SharePoint, chứ không phải vào hệ điều hành Windows, nhưng thực tế sẽ cho chúng ta thấy rằng, nếu chấp nhận triển khai SharePoint, thì sự phụ thuộc của các cơ quan nhà nước và người sử dụng vào các sản phẩm của nhà cung cấp còn lớn hơn nhiều với hàng loạt những phần mềm khác, cả trên cả máy chủ lẫn trên máy trạm vào nhà cung cấp đó. Một sự khóa trói và phụ thuộc lớn hơn, nếu không nói là toàn phần, với một mức độ tinh vi còn cao hơn nhiều! Và đi kèm với nó, là việc các chính sách về PMNM của chính phủ, trên thực tế, sẽ có khả năng hoàn toàn bị vô hiệu hóa và mất hết tác dụng.

Cùng với vấn đề mất an ninh nghiêm trọng đối với toàn bộ các hệ thống máy tính của Việt Nam đang chạy trên hệ điều hành Windows như hiện nay, như đã được cảnh báo liên tục hơn một năm qua trên tạp chí Tin học và Đời sống các số tháng 11- 9-7-6-5-4/2009, 12-11/2008, thì việc triển khai SharePoint có lẽ cần được các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét lại thật cẩn trọng.

Kết luận

Trong khi những chính sách nhằm khuyến khích việc triển khai ứng dụng các phần mềm tự do nguồn mở còn chưa được hoàn chỉnh, nhất là về các cơ chế, các định mức, chỉ tiêu tài chính mà thiếu chúng sẽ làm cản trở việc thực hiện và hoàn thành việc chuyển đổi theo đúng các mốc thời gian đã được đưa ra trong chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT, thì việc triển khai SharePoint bây giờ và trong tương lai gần của năm 2010 là điều hoàn toàn không hợp lý, đi ngược lại các mục tiêu đã được đề ra của chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT và quyết định số 50/2009/QĐ-TTg có liên quan tới ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở, cản trở việc tiếp tục triển khai chuyển đổi bước sang sử dụng các phần mềm tự do nguồn mở ở phía hệ điều hành một khi chính phủ muốn tiếp tục tiến hành nhằm khẳng định được chủ quyền và an ninh hạ tầng các hệ thống thông tin được kết nối mạng của chính phủ, cùng các thông tin và dữ liệu chạy trên các hệ thống mạng đó, tránh bị khóa trói vào nhà cung cấp duy nhất, đồng thời làm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền sử dụng phần mềm, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp CNTT trong nước vì sự cất cánh của nền công nghiệp CNTT Việt Nam.

Bên cạnh việc nhanh chóng dứt điểm đưa ra những chính sách để giải quyết các khó khăn về các cơ chế, các định mức, chi tiêu tài chính cho việc triển khai ứng dụng các PMNM, hy vọng là Bộ TTTT sẽ sớm xem xét cẩn trọng lại vấn đề triển khai SharePoint để những chính sách về ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở mà Thủ tướng và Bộ TTTT đã ban hành ra không bị cản trở thực hiện.

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 12/2009, trang 66-67.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.