Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2009

Ném đá dấu tay

Microsoft từng tuyên bố vào tháng 5/2007 rằng Linux và phần mềm tự do nguồn mở vi phạm 235 bằng sáng chế về phần mềm của hãng nhưng lại không nói đó là những bằng sáng chế nào, dù thế giới phần mềm tự do nguồn mở khi đó đã yêu cầu Microsoft chỉ ra chúng vì họ tin tưởng chắc chắn rằng cộng đồng các lập trình viên nguồn mở thừa khả năng để có thể sửa mã nguồn ở những nơi có khả năng vi phạm các bằng sáng chế đó nhằm bảo vệ các nhà đầu tư, các nhà cung cấp, các lập trình viên và những người sử dụng phần mềm tự do nguồn mở – gọi tắt là hệ sinh thái tự do nguồn mở – khỏi các vụ kiện tụng pháp lý.

Tháng 2/2009, Microsoft lại gây hấn với Linux và thế giới phần mềm tự do nguồn mở thông qua vụ hãng này đã kiện TomTom – một hãng nhỏ chuyên sản xuất các thiết bị định vị toàn cầu trang bị trong các ô tô, sử dụng nền tảng Linux – về việc TomTom vi phạm 2 bằng sáng chế phần mềm của Microsoft có liên quan tới hệ thống tệp FAT (File Allocation Table).

Trong khi người chịu trách nhiệm về sở hữu trí tuệ và cấp phép của Microsoft đã đặc biệt nói rằng vụ kiện không liên quan tới Linux và hệ sinh thái Linux, mà chỉ là chuyện tranh chấp giữa 2 công ty, thì về bản chất, Microsoft muốn đưa ra cho các công ty sử dụng Linux để kinh doanh như TomTom một sự lựa chọn: hoặc trả tiền cho các bằng sáng chế để đứng dưới cái ô của Microsoft và phải vi phạm giấy phép nguồn mở GPL, hoặc gặp rủi ro bị kiện nếu không trả tiền cho hãng.

Ngay sau đó, các lập trình viên của thế giới nguồn mở đã sửa lại phần mã nguồn cho Linux để tránh khỏi việc phải sử dụng và vi phạm 2 bằng sáng chế có liên quan tới FAT này của Microsoft.

Chưa dừng lại ở đó, Microsoft đã tính tới một cách đi khác, cách mà bây giờ cả thế giới phần mềm tự do nguồn mở cho là một chiêu “ném đá dấu tay”. Nó là như sau:

Vừa rồi, Microsoft đã tổ chức bán đấu giá một bộ 22 bằng sáng chế phần mềm mà theo họ là có liên quan mật thiết tới nhân Linux cho các tổ chức đầu mối về bằng sáng chế. Trong cuộc đấu giá này, một trong những tổ chức nguồn mở chuyên về thu thập các bằng sáng chế phần mềm liên quan tới Linux và các phần mềm tự do nguồn mở với mục đích để bảo vệ hệ sinh thái tự do nguồn mở khỏi các vụ kiện về vi phạm các bằng sáng chế, bản quyền phần mềm là Mạng Phát minh Mở (Open Invention Network – OIN), không được phép tham gia đấu giá.

Cần biết rằng các tổ chức đầu mối về bằng sáng chế thường là những tổ chức mà được thành lập chuyên để kiếm tiền thông qua các vụ kiện về bằng sáng chế. Cách thức làm việc của các tổ chức này là họ mua các bằng sáng chế có tiềm năng bị đưa ra kiện cáo. Sau khi mua về, họ sẽ cung cấp các giấy phép sử dụng vĩnh viễn các bằng sáng chế này cho các thành viên của tổ chức mình, rồi sau đó tìm cách bán lại chúng cho những người thực sự cần tới chúng trong các vụ kiện để kiếm lời.

Và Microsoft đã bán 22 bằng sáng chế phần mềm nêu trên cho một tổ chức như vậy là ATS với mong muốn sau này, ATS mới thực sự là người đứng ra kiện thế giới nguồn mở và Linux vi phạm các bằng sáng chế, còn người chủ mưu Microsoft sẽ không phải động tay tới, vừa được tiếng thơm không chống Linux và thế giới phần mềm tự do nguồn mở, vừa được tiền (dù có thể chẳng đáng gì với một người khổng lồ giàu có như Microsoft), vừa biến bản thân Linux và các công ty dựa vào Linux để kinh doanh trở thành tâm điểm của sự sợ hãi, không chắc chắn và hồ nghi (FUD), đúng như những gì mà Microsoft đã dày công và từ lâu tiến hành đối với Linux và thế giới phần mềm tự do nguồn mở mà không thu được mấy kết quả, trong khi ảnh hưởng của Linux và thế giới phần mềm tự do nguồn mở trên toàn thế giới ngày một gia tăng mạnh mẽ, làm suy giảm đáng kể sức mạnh kinh doanh, doanh số của Microsoft đối với các sản phẩm của hãng. Thật đúng là một công, lợi đôi ba đường.

Tiếc thay, việc “ném đá dấu tay” này lại không như mong muốn của Microsoft. Ngày 8/9/2009, OIN đã ra thông cáo báo chí nói rằng 22 bằng sáng chế phần mềm này đã không rơi vào tay của những kẻ tìm cách phá hoại Linux, mà đã được OIN mua lại của ATS và biến chúng thành những bằng sáng chế để bảo vệ Linux và toàn bộ hệ sinh thái tự do nguồn mở trên toàn thế giới. Hành động của OIN và ATS thực sự là một hành động nghĩa hiệp, được cả thế giới phần mềm tự do nguồn mở ca tụng, đối lập hoàn toàn về bản chất với những toan tính phá hoại Linux của Microsoft.

Dù Microsoft thời gian gần đây đã làm một số việc mà một số người trong thế giới phần mềm tự do nguồn mở cho rằng hình như đang có một Microsoft mới, một Microsoft đã thực sự nhận thức được những lợi ích mà phần mềm tự do nguồn mở có thể mang lại cho chính Microsoft và cho tất cả các công ty trong nền công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông và cho mọi người sử dụng trên thế giới, một Microsoft thực sự muốn làm bạn với thế giới phần mềm tự do nguồn mở, như việc họ đã đầu tư vào Quỹ Apache, tài trợ cho LinuxWorld …. (Xem bài “Các cột mốc trong quan hệ của Microsoft với thế giới phần mềm tự do nguồn mở” trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 8/2009) và gần đây nhất là việc xây dựng Quỹ CodePlex – mà theo Microsoft là một quỹ nguồn mở dù có lẽ nó không giống với bất kỳ quỹ nguồn mở nào từng được thành lập trước đó và cũng là một chủ đề gây tranh cãi trên Internet – thì với hành động “ném đá dấu tay” này, một hành động mà chủ tịch của Quỹ Linux đã phải thốt lên rằng “Microsoft đã đánh bẫy” và đã viết thư yêu cầu Microsoft dừng việc ngấm ngầm tấn công Linux, thì nó đã hầu như xóa đi tất cả những gì tốt đẹp mà số người trên muốn dành thiện cảm cho Microsoft.

Một số người cho rằng, với thế giới phần mềm tự do nguồn mở thì có lẽ Microsoft chỉ có thể thực sự có được sự tin cậy nếu hãng làm 2 việc là: (1) phế truất những người từng có một lịch sử thù địch với FOSS như giám đốc điều hành của hãng là Steve Ballmer – người từng cho rằng giấy phép chính của các phần mềm tự do nguồn mở GPL như một “khối ung thư”, hoặc (2) tung ra mã nguồn một số trong các sản phẩm chủ chốt của hãng, như Microsoft Office hoặc Windows. Nhưng những sự thay đổi này có lẽ sẽ hầu như không thể xảy ra và không thể tưởng tượng được.

Còn với thực tại, sẽ không có Microsoft mới, chỉ có Microsoft thù địch với thế giới phần mềm tự do nguồn mở như xưa và muốn biến cả thế giới máy tính – các nhà đầu tư, các nhà cung cấp, các lập trình viên và những người sử dụng phần mềm – thành nô lệ của riêng mình bằng bất kỳ cách gì, kể cả là những thứ mà cho tới nay Microsoft không có, như Internet và phần mềm tự do nguồn mở.

Trần Lê

PS: Bài được đăng trên tạp chí Tin học và Đời sống số tháng 10/2009.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.